SAKI
thường áp dụng thủ pháp "truyện trong truyện". Truyện nhỏ thứ nhất được
cài vào là của bà dì, ngắn gọn tới mức nhạt nhẽo, bị hai đứa cháu cho là ngớ ngẩn.
Truyện nhỏ thứ hai do nhân vật "chàng độc thân" kể, ly kỳ, hấp dẫn
trẻ con, với đủ thứ cỏ cây hoa lá, thú vật trong vườn, trên rừng, dưới nước...
Tuy nhiên, khác với điều mọi người mong đợi, cái kết có vẻ khó chấp nhận: nhân
vật bé gái được giới thiệu là "tốt khủng khiếp", sạch sẽ, giỏi
giang, đúng giờ, ngoan ngoãn..., cuối cùng bị giết vì những điều tốt đó. Còn
truyện chính kể về mấy dì cháu trên một toa tàu, bên cạnh có một khách lạ. Năm
con người cùng sinh hoạt, chỉ có cậu con trai có tên. Không ai biết mấy dì cháu
đi đâu, để làm gì. Trong không gian giới hạn đó, mọi tình tiết diễn ra trong một
khoảng thời gian cũng giới hạn là chừng một tiếng đồng hồ, kết thúc khi nhân vật
"chàng độc thân" xuống tàu. Vậy mà chân dung mỗi nhân vật với tâm lý,
tính cách, ngôn ngữ, thái độ, đều bộc lộ rõ cả. Nhan đề "Người kể chuyện" có thể khiến người đọc liên tưởng tới cổ tích, thần thoại. Đúng, mà không
đúng. Truyện chứa nhiều ẩn dụ, nhiều chi tiết gắn với thời đại, gợi cho người đọc
suy nghĩ, đặt vấn đề và tự lý giải lấy. Và tất nhiên, không thể thiếu yếu tố hài
hước, nét quen thuộc nơi ngòi bút của SAKI.
Buổi
chiều nóng nực, toa tàu do vậy
mà rất oi bức, trạm dừng
tiếp theo là Templecombe, còn gần một tiếng nữa mới tới. Khách trong toa gồm một
bé gái, một bé gái nhỏ hơn và một bé trai. Một người dì của bọn trẻ chiếm ghế ngồi
trong góc, ghế ở góc bên kia có một anh chàng độc thân, không đi cùng với nhóm
này, nhưng hai bé gái và cậu trai rõ ràng là chiếm cả toa tàu. Bà dì
và đám trẻ mải mê trong
lối nói chuyện hạn
chế, dai dẳng, gợi ta nhớ tới những lúc quan sát một con ruồi không chịu để người ta làm cho nản lòng. Phần lớn nhận xét của bà dì có vẻ bắt đầu
với "Các cháu đừng ..." còn bọn trẻ lại cứ nói "Tại sao?". Chàng độc thân không nói gì.
"Đừng,
Cyril, đừng cháu! ", bà dì la lên khi đứa con trai đập vào nệm chiếc ghế băng
làm bụi bay tung toé.
"
Cháu đến nhìn ra ngoài cửa sổ kìa! " bà nói tiếp.
Thằng
bé miễn cưỡng tiến gần cửa sổ. "Tại sao người ta lại đuổi mấy con cừu kia
ra khỏi cánh đồng?" nó hỏi.
"Dì nghĩ là chúng được đưa tới cánh đồng khác có nhiều cỏ hơn.", bà dì đáp
không chắc chắn lắm.
"Nhưng nơi đồng này vẫn có nhiều cỏ mà dì" , thằng bé cãi lại. "Chỉ cỏ
thôi chẳng có gì khác. Đồng này nhiều cỏ lắm dì ơi."
"Có
thể cỏ bên đồng kia tốt hơn", bà dì gợi ý hú hoạ.
"Tại sao lại tốt hơn? ", câu hỏi có
sẵn vụt ra ngay.
"Ôi!
Nhìn mấy con bò kìa! bà dì thốt lên. Hầu như cánh đồng nào dọc theo đường sắt cũng
có nhiều bò lớn bò nhỏ, bà nói như muốn kéo sự chú ý đến một thứ hiếm có.
"Tại
sao cỏ bên đồng kia lại tốt hơn?", Cyril vẫn khăng khăng.
Vẻ
nghiêm nghị trên khuôn mặt chàng độc thân chuyển thành nét cau có. Bà dì đinh
ninh trong đầu, anh chàng này hắc ám, khó ưa. Bà không thể dứt khoát đưa ra một
câu trả lời thuyết phục nào về cỏ trên đồng kia.
Đứa
bé gái nhỏ muốn đánh lạc hướng bằng cách ngâm bài thơ "Trên đường đến Mandalay" (1). Nó chỉ thuộc
câu thứ nhất nhưng muốn tận dụng hết kiến thức hạn hẹp của mình. Nó lặp đi lặp
lại câu thơ không phải mơ hồ mà bằng một giọng dứt khoát, dễ nghe, chàng độc thân
nghĩ chắc là có ai đánh cược để con bé đọc câu thơ hai ngàn lần không nghỉ. Cho
dù người đánh cược là ai cũng phải thua thôi.
"Cháu đến đây nghe dì kể chuyện này!", bà dì nói, trong khi chàng độc thân
nhìn bà hai lần rồi nhìn dây báo hãm tàu một lần.
Bọn
trẻ thẫn thờ di chuyển về phía chỗ bà dì ở cuối toa. Rõ ràng là chúng không xếp
hạng cao khả năng kể chuyện của bà.
Bằng
một giọng nói nhỏ nhẹ riêng tư, thường xuyên bị ngắt quãng bởi những câu hỏi ồn
ào nôn nóng của bọn trẻ, bà bắt đầu một câu chuyện chẳng chút sáng tạo và buồn tẻ
đến thảm hại về một đứa bé gái hiền lành, thân thiện với nhiều người nhờ tính tốt
đó và cuối cùng được những người mến mộ đức tính của nó mà cứu nó thoát khỏi một
con bò điên.
"Họ có cứu con bé không nếu nó không tốt như thế? "đứa bé gái lớn hỏi. Và
đó cũng là câu mà anh chàng độc thân muốn hỏi.
"À,
vâng", bà dì thú nhận yếu ớt, "nhưng dì không nghĩ là họ có thể chạy nhanh đến cứu như
thế nếu họ không thích con bé."
"Đây
là câu chuyện ngớ ngẩn nhất cháu từng được nghe! ", bé gái lớn nói, giọng đầy
tự tin.
"
Chỉ sau đoạn thứ nhất là cháu không thèm nghe nữa, thật ngớ ngẩn", Cyril nói.
Bé
gái nhỏ không bình luận cụ thể gì về câu chuyện, nhưng từ trước nó đã thầm thì
đọc lại câu thơ ưa thích của mình.
"Có vẻ bà là người kể chuyện không thành công lắm! ", anh chàng độc thân bất
ngờ lên tiếng từ chỗ ngồi trong góc.
Bà
dì bật lên phản ứng ngay lập tức trước sự tấn công bất ngờ đó.
"Khó mà kể được những chuyện khiến trẻ con vừa hiểu lại vừa thích.", bà nói
gượng.
"
Tôi không đồng ý vậy đâu", anh độc thân nói.
"
Có lẽ anh muốn kể cho chúng nghe một chuyện!", bà vặn lại.
"
Chú kể cho bọn cháu nghe đi! ", con bé lớn yêu cầu.
"
Ngày xửa ngày xưa", chàng độc thân bắt đầu,"có một bé gái tên là Bertha,
nó đặc biệt tốt."
Sự
quan tâm bùng phát nhất thời của bọn trẻ bỗng lắng xuống tức thì, chuyện nào cũng
giống nhau thật thê thảm, dù người kể là ai.
Ai
bảo sao nó làm vậy, nó lúc nào cũng thật thà, giữ quần áo sạch sẽ, ăn bánh sữa
ngon lành như bánh nhân mứt, bài học nào cũng thuộc làu làu và cư xử lễ phép.
"Nó có xinh không?" bé gái lớn nhất hỏi.
"Không xinh bằng cháu nào ở đây", chàng độc thân nói, "nhưng nó tốt khủng
khiếp."
Làn
sóng ủng hộ câu chuyện nổi lên, cái từ "khủng khiếp "đi đôi với
"tốt" là một sáng tạo tự nó đáng được khen ngợi. Có vẻ như điều đó đem
đến điểm nhấn về sự thật lâu nay vắng bóng trong những câu chuyện tuổi thơ của
bà dì.
"Nó tốt đến nỗi", chàng độc thân kể tiếp, "nó đạt được nhiều huy chương
về tính tốt của mình,lúc nào nó cũng đính vào áo mang theo. Có huy chương về vâng
lời, huy chương về đúng giờ, và huy chương thứ ba là hạnh kiểm tốt. Đó là những
huy chương lớn bằng kim loại, chúng chạm vào nhau kêu leng keng khi cô bé bước đi.
Trong thành phố cô bé sống không có trẻ nào có được nhiều huy chương như thế nên
mọi người đều biết nó phải là một đứa trẻ đặc biệt tốt."
"Tốt khủng khiếp!"Cyril dùng lại từ này.
"Ai ai cũng nhắc đến tính tốt của cô bé, và Hoàng tử của xứ này cũng nghe tiếng,
ông nói rằng vì cô bé tốt như thế nên mỗi tuần một lần cô được phép đi vào
trong công viên của hoàng tử, chỉ bên ngoài thành phố thôi. Công viên này tuyệt
đẹp, và trẻ con không ai được phép vào đó, bởi thế đó là vinh dự lớn của Bertha
khi được phép vào.
Bà
dì tự cho phép mình mỉm cười, mà có thể hiểu là mỉa mai.
"Trong công viên không có cừu", chàng độc thân nói," vì mẹ của hoàng tử
có lần nằm mơ thấy hoàng tử sẽ chết hoặc vì cừu hoặc vì bị chiếc đồng hồ rơi vào
người. Chính vì lý do đó mà hoàng tử không bao giờ nuôi cừu trong công viên hay
treo đồng hồ trong cung điện."
Bà dì cố ngăn cử chỉ thán phục.
"Hoàng tử có bị cừu hay đồng hồ giết chết không?", Cyril hỏi.
"Hoàng tử vẫn còn sống, nên ta không thể nói giấc mơ có thành sự thực không",
chàng độc thân hờ hững nói," dù sao, bây giờ trong công viên không có cừu, nhưng có rất nhiều con heo nhỏ chạy khắp nơi."
"Chúng màu gì?"
"Màu đen mặt trắng, màu trắng đốm đen, đen tuyền, màu xám với miếng vá trắng, có
vài con trắng toàn thân."
Người
kể chuyện ngừng lại để cho ý tưởng trọn vẹn về kho báu của công viên chìm vào
trí tưởng tượng của bọn trẻ, rồi tiếp tục:
"Bertha
rất tiếc khi thấy trong công viên không có hoa. Mắt đẫm lệ, nó đã hứa với các bà
dì là sẽ không hái bất kỳ loại hoa nào trong công viên của Hoàng tử, và nó cố giữ
lời, bởi vậy không có hoa nào để hái làm nó ngơ ngẩn cả người."
"Tại sao lại không có hoa?"
"Vì heo ăn sạch cả", chàng độc thân đáp vội." Những người làm vườn nói
với Hoàng tử là không thể vừa có heo vừa có hoa, cho nên hoàng tử quyết định chỉ
nuôi heo mà không có hoa."
Có
tiếng xì xào tán thưởng quyết định xuất sắc của hoàng tử, nhiều người có thể quyết
định cách khác.
"Có rất nhiều thứ thú vị khác trong công viên. Có những chiếc ao với cá vàng cá xanh
cá lục trong đó, có những cây với những con chim vẹt xinh đẹp hót lên những điều khôn ngoan ngay
khi nghe tiếng nói, và những con chim ruồi cứ vo ve những âm điệu quen thuộc
trong ngày. Bertha cứ đi lên đi xuống, thấy thích thú lắm và tự nhủ: Nếu mình
không tốt đặc biệt đến mức này thì mình sẽ không được phép đến công viên xinh đẹp
này để tận hưởng tất cả những gì đáng xem ở đây, ba chiếc huy chương của nó chạm
vào nhau kêu leng keng mỗi khi nó bước đi và nhắc nhở cho nó biết nó thực sự tốt đến mức nào. Ngay lúc này một con
chó sói đang lãng vãng trong công viên để rình xem có thể bắt được con heo con
béo mập nào để ăn tối không."
"Nó màu gì?" bọn trẻ hỏi, quan tâm tức thì và nhanh chóng.
"Khắp người màu bùn, lưỡi đen và mắt xám nhạt loé sáng vẻ hung dữ khó tả. Thứ đầu
tiên mà con sói nhìn thấy trong công viên là Bertha, cô bé mặc chiếc áo trắng
tinh và sạch sẽ không tì vết khiến có thể nhìn thấy được từ rất xa. Bertha nhìn
thấy con chó sói và thấy nó đang lẻn tới phía nó, và bắt đầu ước phải chi nó đã
không được phép đi vào công viên. Cô bé vùng chạy thật nhanh, con sói vụt nhảy
rượt theo. Cô bé cố chạy đến một bụi sim và tìm chỗ nấp vào bụi cây rậm nhất.
Chó sói đến ngửi vào mấy cành cây, lưỡi lè ra khỏi miệng, và đôi mắt xám nhạt láo
liên hung dữ. Bertha hoảng sợ kinh hồn và thầm nghĩ: "Nếu mình không tốt đặc
biệt thế này thì bây giờ đã an toàn ngoài thành phố." Tuy nhiên mùi hương
bụi sim đậm đến nỗi con chó sói không ngửi được Bertha nấp chỗ nào, và bụi cây
rậm đến nỗi nó tìm rất lâu mà không phát hiện ra cô bé, sói nghĩ là nên bỏ đi tìm
bắt một con heo nhỏ thay vào. Bertha run
cả người vì con chó sói rình mò và ngửi gần nó đến thế, và vì nó run nên chiếc
huy chương vâng lời chạm kêu leng keng vào những chiếc huy chương hạnh kiểm tốt
và đúng giờ. Con sói vừa mới bỏ đi thì nghe tiếng những chiếc huy chương leng
keng nên dừng lại lắng tai nghe, chúng lại kêu lần nữa nơi bụi cây gần chó sói.
Nó lao tới bụi cây, đôi mắt xám nhạt loé lên hung dữ và đắc thắng, nó lôi Bertha
ra và nhai ngấu nghiến cô bé đến miếng cuối cùng. Những gì còn sót lại là đôi
giày, mấy mẩu quần áo và ba chiếc huy chương bằng kim loại vinh danh cái tốt."
"Có con heo con nào bị giết không?" Không, chúng thoát được hết."
"Câu chuyện mở đầu thì tồi tệ", bé gái nhỏ nói, "nhưng kết thúc thật
tuyệt vời!"
"Đây
là câu chuyện đẹp nhất cháu từng nghe", bé gái lớn nói, giọng quả quyết.
"Đây
là câu chuyện đẹp duy nhất cháu được nghe", Cyril nói.
Chỉ
bà dì có ý kiến không tán thành.
"Một câu chuyện không phù hợp nhất đem ra kể cho trẻ con! Ông đã huỷ hoại kết quả
của bao nhiêu năm giáo dục cẩn trọng."
"Dù
sao đi nữa", anh chàng độc thân vừa sắp xếp hành lý chuẩn bị xuống ga vừa
nói, "tôi đã giữ các cháu ngồi yên trong mười phút, lâu hơn thời gian bà có
thể làm."
"Người phụ nữ tội nghiệp! ", chàng nhủ thầm khi đi dọc theo sân ga ở Templecombe,
"khoảng chừng sáu tháng tới đây, mấy đứa trẻ này sẽ công khai yêu cầu bà kể
một chuyện không phù hợp".
_______________________________________________
On the Road to Mandalay, tên bài thơ
của Rudyard Kipling.
THÂN TRỌNG SƠN
Tháng 5.2017
dịch
từ nguyên tác The
Story–teller của Saki
(Saki
là bút hiệu của nhà văn Anh Hector Hugh Munro)