Năm
1970 tôi được thuyên chuyển về dạy học ở Tuy Hòa. Đây là khoảng thời gian tôi
có dịp rong chơi với Phạm Ngọc Lư. Phạm Ngọc Lư quê ở Huế, sau khi tốt nghiệp
sư Phạm Qui Nhơn vào năm 1967 anh được phân công về dạy ở Tuy Hòa. Anh thuê chỗ
trọ ở đường Nguyễn Huệ và ăn cơm tháng ở tiệm ăn Mỵ Châu Thành. Chỗ anh ở
trọ chỉ cách nhà tôi một con đường, chiều nào anh cũng ghé nhà tôi chơi, thân
đến mức như người trong nhà. Vì lý do nào đó mà năm ba hôm không
thấy anh đến là cha tôi lại hỏi: “Mấy bữa nay sao không thấy Lư ghé chơi?”
Sau năm 1975, gia đình tôi tan tác, anh em mỗi người một phương, sau này gặp
lại nhau bên Mỹ, mỗi khi nhắc lại bạn bè cũ ở Tuy Hòa, các anh của tôi vẫn nhắc
đến Lư. Lư hiền lành, ít nói, và hơi bất cần đời. Anh có biệt tài thổi sáo và
rất giỏi chữ Hán vì trước khi vào sư phạm anh học ở Viện Hán Học Huế. Truyện và
thơ của anh đều hay, với lối viết sắc sảo, cô đọng và chặt chẽ; đặc biệt trước
1975 truyện của anh xuất hiện đều đặn trên tạp chí Văn ở Sài Gòn – điều mà các
cây bút trẻ dạo ấy không dễ gì có được. Cũng như Y Uyên, Bùi Đăng, Mang Viên
Long, anh có thời gian dạy học ở vùng nông thôn Phú Yên, trực tiếp chứng
kiến những cảnh tượng hãi hùng của chiến tranh. Anh luôn ưu tư về tinh hình đất
nước và phần lớn các sáng tác của anh đều có nội dung tố cáo và lên án tội ác
của chiến tranh. Tôi chính thức tham gia vào sinh hoạt văn học nghệ thuật
ở Tuy Hòa từ năm 1970 đến 1972, trong khoảng thời gian đó ngoài Phạm Ngọc Lư
tôi thường gặp các anh Trần Huiền Ân, Đỗ Chu Thăng, Mang Viên Long và điều
trùng hợp ngẫu nhiên là tất cả đều là giáo chức. Sau năm 1975, vì nhiều lý do
khác nhau tất cả đều không còn làm nghề dạy học. Mỗi khi nghĩ đến chuyện các
anh không còn đi dạy tôi không khỏi chạnh lòng vì tôi biết rõ các anh rất yêu
nghề dạy học. Các anh rơi vào cảnh lỡ thợ lỡ thầy. Trần Huiền Ân chuyển qua làm
nghề vẽ pa-nô và bảng hiệu, Đỗ Chu Thăng về quê ở Hòa Mỹ làm ruộng, Mang Viên
Long về quê ở Bình Định làm nghề sửa ổ khóa, còn Phạm Ngọc Lư lưu lạc vào Long
Khánh, ngồi ờ ngoài chợ bán dừa, bắt đầu đoạn đời lận đận lao đao từ đó. Khi
tạp chí Thư Quán Bản Thảo do Trần Hoài Thư và Phạm văn Nhàn chủ trương ra đời,
Phạm Ngọc Lư viết khá đều vả gửi bài cộng tác – chủ yếu là thơ, những bài thơ
rất buồn, nhưng chỉ một thời gian sau thì anh tuyên bố ngừng viết. Một số email
anh gửi tôi cách đây 5 năm cho thấy anh đang trải qua những ngày tháng vô cùng
khó khăn, không còn tha thiết gì đến văn chương, nhưng không nói rõ khó khăn gì
mà tôi thì không tiện hỏi. Trên các diễn đàn văn học, bài vở cộng tác của anh
thưa thớt dần rồi không thấy nữa. Chiều nay tin từ gia đình và bạn bè ngoài Đà
Nẵng cho biết sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, anh đã trút
hơi thở cuối cùng vào lúc 7 giờ kém 5 tối thứ sáu, 26.5.2017, tại Đà Nẵng. Một
đời tài hoa rồi cũng đến lúc phải dừng lại. Cầu mong linh hồn người bạn thơ sớm
yên nghĩ nơi cõi vĩnh hằng.
Phạm Cao Hoàng
Virginia, 26.5.2017
(Bài đã đăng trên Thư Quán Bản Thảo số
số 70 chủ đề Phạm Ngọc Lư tháng 6.2016.
Sửa chữa bổ sung ngày Phạm Ngọc Lư qua
đời 26.5.2017)