Cuối tuần, có bác nhà thơ già
đến thăm, ghé mắt vào bài đang viết về nhà văn Trần Hoài Thư của
tôi, rồi gật gật, lắc lắc, bảo: Cái tựa, Người ngồi vá lại những
linh hồn, thấy rờn rợn thế nào ấy. Vâng! Khi chưa đọc, chưa nghiên cứu
Trần Hoài Thư, bác có cảm giác vậy thôi. Đọc rồi, bác sẽ thấy, một
Trần Hoài Thư không chỉ đang ngồi vá lại linh hồn mình, đồng đội
mình, mà còn đang nhặt nhạnh những linh hồn văn hóa Việt rách nát, vương
vãi đâu đó, rồi cặm cụi khâu lại nữa kìa.
Nghe tôi trả lời, bác nhà thơ già
gật gù, gật gù lẩm bẩm: Được, tôi sẽ tìm đọc, xem có thật vậy
không?
Phải nói thẳng, Trần Hoài Thư
không phải là một nhà văn, nhà thơ lớn, lừng lững tên tuổi trên văn
đàn của Văn học miền Nam trước 1975, cũng như ở hải ngoại hiện nay.
Nhưng ông là một trong những nhà văn tôi yêu mến nhất của nền văn học
Việt Nam từ trước đến nay. Bởi, ngoài tài năng, thì nhân cách lòng
quả cảm, dám hy sinh, đi đến tận cùng của sự đam mê, cũng đầy trách
nhiệm với văn hóa, văn chương nước nhà như ông, không phải ai cũng làm
được. Và có lẽ, nhiều người đọc, nghiên cứu ông đồng cảm với tôi về
điều này (?).
Nhà văn Trần Hoài Thư bây giờ (2017)
Tranh sơn dầu Hoàng Ngọc Biên