NGÔ THẾ VINH
Trả lời ba câu hỏi của Phùng Nguyễn
Phùng Nguyễn sinh năm 1950, mất ngày 17 tháng 11 năm 2015. Bàng hoàng với cái chết đột ngột của Phùng Nguyễn ở cái tuổi đang sung mãn nhất về sinh hoạt trí tuệ và sáng tạo, tôi đã viết bài tưởng niệm "Phùng Nguyễn, Như Chưa Hề Giã Biệt" (1), nay nhớ tới Anh, có dịp đọc lại bài viết, mới nhận ra là còn nợ Anh "Ba Câu Hỏi", mang món nợ ấy cũng đã hai năm, nay là lúc tôi phải trang trải, và cũng là thay cho nén nhang tưởng nhớ Phùng Nguyễn. Ngô Thế Vinh
Chân dung Phùng Nguyễn
[photo by Ngô Thế Vinh 05.2015]
1. Sông Mê Kông, mối tình lớn
Sẽ không xa lắm với sự thật nếu cho rằng ai cũng có một mối tình lớn. Nhà văn Ngô Thế Vinh cũng không ngoại lệ. Người tình của nhà văn đến từ một vùng hẻo lánh của cao nguyên Tây Tạng (Tibetan plateau) với một độ cao hơn 5000 mét tính từ mặt biển. Bắt đầu bằng những bước dò dẫm từ vùng núi non thuộc tỉnh Thanh Hải, nàng lượn lờ suốt chiều dài tỉnh Vân Nam miền Nam Trung Quốc trước khi lần lượt băng qua biên giới các quốc gia Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cambodia, và cuối cùng Việt Nam, nơi nàng kết thúc cuộc hành trình dài hơn 4800 km và hòa nhập vào Biển Đông ở các cửa Sông Tiền và Sông Hậu. Nàng được gọi bằng nhiều cái tên, Dza Chu, Lan Thương, Mea Nam Khong, Tonglé Thom, Cửu Long… Tuy nhiên nàng được biết đến nhiều nhất dưới cái tên Mekong.
Sông Mekong là nguồn cảm hứng của tiểu thuyết dữ kiện nổi tiếng “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” và ký sự “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” cũng như hàng chục bài biên khảo, nghiên cứu giá trị về những biến đổi của hệ sinh thái của Sông Mekong trong những thập niên vừa qua của nhà văn Ngô Thế Vinh. Nguồn cảm hứng này đã, qua năm tháng, biến nhà văn Ngô Thế Vinh thành một chuyên gia về dòng sông quan trọng bậc nhất của vùng Đông Nam Á.
Bởi vì giá trị kinh tế cũng như những nội hàm nghiêm trọng của những biến đổi hệ sinh thái của dòng Sông Mekong dọc con đường ra biển lớn, quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia lên hệ trở nên rối rắm hơn, đặc biệt khi những con đập thủy điện lớn nhỏ được dựng lên ở thượng nguồn lẫn hạ lưu Sông Mekong. Việt Nam gặp nhiều khó khăn về các mặt kinh tế và ngoại giao hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng khi phải đối phó với những vấn đề nhức đầu liên quan đến những thay đổi bất lợi của hệ sinh thái Sông Mekong và trong cùng lúc, âm mưu bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Thưa nhà văn Ngô Thế Vinh, điều gì ở dòng Mekong đã làm anh say đắm? Ở vị trí của một người am hiểu tình hình, anh có thể chia sẻ với người đọc viễn kiến của anh về những thay đổi hệ sinh thái của sông Mekong và hậu quả của chúng trong một tương lai có thể nhìn thấy được?
Đọc tiếp...
Đọc tiếp...