Dế
mèn – Nguồn: lemenbros.com
Hôm
nay tôi xin kể cho các bạn nghe chuyện cũ rích mà tuổi thơ hầu như ai cũng biết.
Thưa, đó là chuyện chơi đá dế, một trò chơi gắn liền với tuổi thơ ở quê nhà. Có
điều, dế có hàng trăm hàng ngàn loài dế, kể sao cho hết. Nhưng gần gũi nhất là
mấy chú, mấy thím dế dưới đây:
Dế cơm
Tôi
không biết tại sao con dế cơm lại có tên là... dế cơm. Nó có giống... hột cơm téo
nào đâu. Hay là dế cơm có thân mình trăng trắng, mấy cái chân của nó cũng có đốm
trăng trắng nên người ta gọi nó là dế cơm? Đã vậy nó thuộc giống bự chảng, bự nhất
trong tất cả loài dế. Nó to cở ngón chân cái, to gấp ba lần chú
dế cồ. Nội cái giò của nó búng "pặt" một phát, chú dế lửa nổi tiếng hung
hăng nhất cũng bị bắn văng xa... cả cây số.
Hồi
nhỏ, trẻ con tụi tui không ai bắt dế cơm cho đá lộn; cũng không phải để... nướng
ăn như người Thượng. Í ẹ. Chính mắt tui nhìn thầy thằng Y Nghỉ trong buôn Cô Thôn
chợp được chú dế cơm liền ngắt đầu, lặt cánh, "bọp" lòi ruột xong nó
làm bộ đưa con dế vô miệng nhai cho tui sợ để nó khoái chí cười chơi.. Thật ra
sau đó nó lấy que xuyên bụng dế đem hơ lửa cho chín xong vừa chu mõ thổi phù phù
vừa nhai rào rạo ngon lành. Thằng Y Nghỉ táo tợn còn khoe nó từng ăn rắn, rít,
bo cạp, ếch, nhái nướng trui. Hồi đó tụi tui đâu có thằng nào dám... "rừng"
như thằng này.
Ra
đồng ra ruộng lật cục đất lên thấy chú dế cơm là tui nghĩ ngay tới thằng Y Nghỉ.
Nói không ai tin, có lúc bất ngờ gặp phải anh dế cơm "bá đạo" thấy
tui con nít con nôi vô hại nó nghênh mặt dòm lên thấy bắt ghét. Nếu con dế cơm biết
"xì" thì nó cũng "xì" một phát rồi... phủi đít phóng đi.
Dế chó
Cũng
như dế cơm, không biết tại sao con dế chó có tên là... dế chó. Nó có giống téo
tèo teo nào hình dáng của con... gâu gâu đâu!? Ngay cả con mắt, cái mũi, cái lưỡi,
cái tai, cái móng chân hay sợi lông đuôi cũng không mảy may "tương cận"
nữa là!
Ngoài
dế chó đầu đen, mình đen còn có dế chó mình đen, đâu đỏ. Trẻ con tụi tui thấy nó
còn không thèm dòm, ở đó mà bắt chơi. Nó nhỏ xíu hà. Đâu chừng 3mm là cùng. Sau
này nghe nói dế chó dùng để nuôi chim chóc hay làm mồi câu. Tội nghiệp cái kiếp...
dế chó.
Dế mèn
Nói
tới dế mèn người ta thường nhớ tới câu chuyện Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của Tô Hoài, một
loại truyện ngụ ngôn thật hay, hoặc ư ử bài hát thiếu nhi Thằng Cuội của nhạc sĩ
Lê Thương thật mộc mạc dễ thương từ âm điệu tới lời ca. Tội nghiệp ông nhạc sĩ
nhân từ. Thương thằng Cuội cô đơn ngồi ôm một mối mơ nên tác giả nhét vô bản nhạc
đủ thứ món trên trời dưới đất, từ bóng trăng, ngọn gió, cây đa, ánh sáng cho tới
cái thang, trong đó "có con dế mèn, suốt trong đêm khuya, hát xẩm không tiền,
nên nghèo xác xơ"
Vậy
dế mèn là dế gì, ai mà không biết. Đây nè:
Dế
mèn là chú dế có hình dáng nhỏ xíu xìu xiu, thân dẹt, rầu dài, thường có màu
tro. Hồi đó trẻ con tụi tui sợ quê nên không đứa nào chơi dế mèn. Hầu hết ở đâu
cũng thấy nó: đồng ruộng, bụi cỏ, đống đá,
hang hóc, góc nhà.... Dế mèn thường sống về đêm, con trống có tiếng gáy rỉ rả, rỉ
rích dai dẳng suốt canh khuya.
để
dụ con cái.
Dế Nhũi
Dế
nhũi còn gọi là dế trũi là thứ dế trẻ con tụi tôi ghét nhất ,vì nó có hình dạng
xấu xí nhất trong các loài dế: Thân dài khoảng 3 tới 5mm, mắt tròn tròn, hai chân
trước như hai cái xẻng đào đất cát để nhũi xuống trốn kẻ thù nên gọi là dế nhũi.
Dế
nhũi thường ở dưới đất, trong các hang động nên ít khi thấy, chúng tường kiếm ăn
ban đêm.
Dế đá
Hồi
nhỏ, ngoài các trò chơi như " Rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê, u mọi, ô
quan, đánh thẻ, thảy lỗ, tạt lon, tạt hình, búng thun, chọi đáo, bắn bi, đánh
trõng, đá cầu... , đá dế là môn trẻ con tụi tui đứa nào cũng chết mê chết mệt. Đi
học về là quăng cặp sách ôm hộp dế chạy đi chơi đá dế với đám con nít quỉ hàng
xóm.
Phải
nói dế than dù to con hơn nhưng không ngon bằng dế lửa. Vì ít khi bắt được dế lửa.
Dế lửa đã hiếm mà xung trận lại hăng hơn dế than, hầu như đá đâu thắng đó. Dế cũng
giống như... người, trước khi xáp -lá -cà có nhiều chú dế hù địch thủ bằng cách
nhe càng, gáy ren rét thị oai. Ê càng hay thua thi xoay đầu bỏ chạy, thắng thì dế nhà ta phùng cánh gáy vang lừng. Không
có gì hấp dẫn cho bằng tiếng dế gáy lúc thắng trận.
Dế
có hai lớp cánh xếp gọn gàng đẹp mắt trên lưng, phủ từ ngấn cổ xuống đít. Dế màu
đen thì gọi là dế than. Dế màu lửa lửa thì gọi là dế lửa. Ông bà mình nhìn mặt
đặt tên không trật chỗ nào. Cặp cánh phía ngoài dầy và khá trong suốt. Lúc gáy hai
cánh phùng lên cọ vào nhau liên hồi tạo nên âm thanh rét rét nghe đã cái lỗ nhĩ.
Dế
mà mất lớp cánh phía trong thì gọi là dế trục.Không những không tổn hại gì tới
dế mà nhiều khi càng..." trục" càng dễ nổi khúng, đá rất hăng. Tui có
thằng bạn học tên Sơn khoái chơi dế trục nên chết danh Sơn trục.
Hình
như dế gáy bất kể giờ giấc. Dế gáy lúc tinh sương, hay giữa trưa hè nắng gắt, gáy
lúc chiều tà hay đêm khuya lơ đều làm cho trẻ con tụi tui không ngớt háo hức, xốn
xang. Đặc biệt là tiếng "chịch mái". Nghe tiếng "chích chích"
đều đều, liên tục là biết anh dế trống đang "dê" chị dế mái. Lúc
"dê", hai cái đít anh chị cạ vào nhau trông thiệt ngộ. Dế trống không
có hai cái kim nhọn ở đằng đít như dế mái. Hai cái kim đó để cắm xuống đất khi
dế mái đẻ con. Trời sanh nhiều cái thiệt ngộ he.
Bạn
bè tuổi thơ, ngoài hai anh em Khánh già và tui, còn có Quế ù, là bộ ba thân thiết
nhất. Anh tui có gương mặt dài như mặt ngựa và coi già già thì tụi bạn hàng xóm
đặt tên là Khánh già. Tui mắt hí chết danh Hòa hí. Quế tròn ù thì gọi là Quế ù.Vì
là hàng xóm nên đi học cũng rủ nhau đi, về cũng chờ nhau về, chơi trò chơi gì cũng
có mặt, nhất là đi bắt dế.
Bắt
dế có nhiều cách: bỏ kiếng bù nhọt hoặc đổ nước xuống hang, một chặp sau dế nhà ta bị kiếng cắn hoặc ngộp nước là trồi
đâu lên ngay. Dế bắt được đem về đựng trong hộp bánh bích quy hoặc trong hộp quẹt.
Thức ăn của dế thường là cỏ, gía sống, rau sam, bánh mì, cơm nguội.
Thập
niên 1950-60, ra khỏi thị xã Ban Mê Thuột chừng một cây số là gặp rừng, thế giới
của các loài động vật. Rẫy dì Mại, nghĩa địa làng, khu Rau Xanh, suối Đốc học,
suối Mu-ri, đồn điền CHPI... đều in dấu chân tuổi thơ tụi tui đi bắt dế.
Trong
"ba chàng nhà quê núi", Khánh già cao ngòng, ốm nhách, chững chạc, là
tay bắt dế số dzách. Tánh tình Quế ù hay lăng xăng lít xít, bộp chà bộp chộp. Vừa
nghe tiếng dế gáy xa xa là Quế nhà ta lính qua lính quýnh; miệng cà lăm, chân đâm
đầu chạy tới. Lần nào cũng bị Khánh già chửi thề nhặng xị. Tui vốn nhỏ con làm
việc gì cũng vụng về, chậm lụt. Có lần tui lớ quớ thò tay vô lon sữa bò bắt dế ra
đá bị nó cạp cho một phát la làng. Đau toé khói tui rút tay ra vẫy mạnh một cái
"bịch". Vừa mút máu ngón tay tui vừa nhìn xuống đất thì thấy "chết
cha con dế" rồi. Thuở đời nay, con ruồi con muỗi tui còn không giết huống
hồ con dế thân yêu. Thấy nó bẹp di mà tui ngẩn ngơ tiếc muón đứt ruột.
Chuyện
mới đó thoắt một cái đã ngót 60 năm trời. Ngày nay Quế ù (vẫn tròn ù) và tui đã
lưu lạc xứ người và đều đang ở cái tuổi cổ lai hi. Đôi khi ngồi một mình nhớ lại
chuyện đời xưa tôi không biết ông anh Khánh già của tui và hồn mấy con kiến,
con dế đang làm gì. Nhưng tôi biết chắc một đìều khi gặp lại nhau, bằng một trái
tim dịu dàng và chân thành"họ" đều gợi đến sự thông cảm, tha thứ cho
nhau cũng như san sẻ cho nhau niềm hạnh phúc trên thiên đàng.
Trong
thi ca Việt Nam, có những câu thơ nói về con dế thiệt hay mà cũng thiệt bồi hồi:
Con dế vẫn là con dế ấy. Hát rong bờ cỏ
giọng thân quen (Tô Thùy Yên)
Nghe con dế gáy sao em thương cái góc
nhà
(Cao Huy Khanh).
Phan
Ni Tấn
February
2017