Friday, January 20, 2017

2713. CHÂU NGỌC BÍCH Sóng gợn Trường Giang


CHÂU NGỌC BÍCH
S ó n g  g ợ n  T r ư ờ n g  G i a n g


Tranh lụa Đinh Trường Giang


Khi nhắc tên Đinh Trường Giang, nhiều người nghĩ ngay tới nghệ thuật xếp giấy, mà thành viên sinh hoạt trong bộ môn Origami kia vẫn xem Trường Giang là một master.

Nhiều người không hay biết chữ ký Trường Giang còn nằm dưới những bức tranh đẹp. Mình xin đưa lên đây một bức tranh lụa làm bằng chứng, một trong nhiều thể loại tranh, một trong nhiều chất liệu khác mà Trường Giang thử nghiệm. Không nhớ chính xác tháng năm, tác giả cho hay vẽ đã lâu rồi, 1989? Những ngày đầu đến Mỹ chưa thực sự bị đời sống hối hả cuốn đi. Nghĩa là còn tìm ra chút thảnh thơi, chút an bình. Bức tranh lụa thật êm ả, lắm mơ mộng này chừng xác tín về thời kỳ tĩnh lặng ấy.

Giống thân phụ, Trường Giang luôn rộng lòng vẽ phụ bản hoặc trình bày bìa sách cho ai kia cậy nhờ, muốn có. Tháng 5 năm 2000, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cùng chị Trương Gia Vy ở Cali. có viết thư nhờ Hồ Đình Nghiêm bên Montréal đứng ra thực hiện giúp một số báo, tháng sau, lời hứa được thực thi để Văn số 42 hiện diện đúng hạn kỳ với tranh bìa của Đinh Trường Giang vẽ một con phố co ro trong mùa đông đặc thù Canada.


Bìa tạp chí Văn số 42 chủ đề VIẾT TỪ CANADA
Tháng 6 năm 2000 với tranh bìa Đinh Trường Giang


Mình không có lắm kỷ niệm cùng Trường Giang, luôn nhớ rõ một khởi đầu tự xa xăm, khi mà Tino (tên gọi ở nhà, sau giản lược chỉ còn Nô) còn học ở trường tiểu học Trần Quốc Toản. Ở Huế, mình ở ngoài phố, ngụ trên con đường đa đoan khi thì Ngã Giữa, khi thì Phan Bội Châu, khi thì Phan Đăng Lưu. Vào thành nội mình dùng cửa Đông Ba trong khi căn nhà gia đình Nô thuê ở gần trường Trần Quốc Toản, gần cửa Thượng Tứ. Dạo còn bé, Nô là một học sinh giỏi và ngôi trường Nô theo học thường có những trò lạm dụng thành tích của vị tướng trẻ ngày xưa để mang ra ví von, đại để: “Trần Quốc Toản bóp nát trái cam, Đinh Trường Giang bóp tan trái ổi”. Không dám đâu! Hiền lành, rụt rè, ngoan ngoãn, kháu khỉnh đều hội tụ ở trò Trường Giang. Mình đạp xe chở Trường Giang ra thăm nhà cho biết, chở đi ăn chè và cả hai đều thuộc hạng ít ăn ít nói. Ít trao đổi cho đến lúc lạc nhau.

Giờ đây biển rộng đã cho tìm gặp lại sông dài. Sau bao mùa cam rụng trong vườn, ổi chín rục làm mồi cho chim ăn, mình nhìn lại Trường Giang với nhiều đổi thay cho dù khác địa phận xa ngái, chẳng kề cận như Thượng Tứ Đông Ba. Đổi thay đầu tiên là Nô mập mạp trắng trẻo đã bỏ đi, điền thế một Trường Giang gầy ốm rắn rỏi. Một người chỉ có thể bóp tan trái ổi, giả dụ thế, thì bây chừ có thể tự mình bẻ cong những hoàn cảnh khốn khó vụt hiện tới. Rất uy tín. Mùa hè cắt cỏ, mùa thu quét lá, mùa đông cào tuyết và mùa xuân? Trường Giang có thể thu vén những bề bộn trong công việc để ra phi trường, lên nhà ga, tới bến xe đò sau khi nghe mình thông báo sẽ vượt biên sang thăm. Trường Giang là một kiến trúc sư, có khi đi làm trên DC, có khi nghe phải chạy xe tuốt sang Maryland tối mịt mới về nhà. Nói chung là đầu tắt mặt tối. Ở nhà tập Dịch chân kinh, chưa đủ, dành một buổi trong tuần đi thụ huấn một thứ kung-fu nào đó. Mình mường tượng cảnh Trường Giang xuống trung bình tấn, làm chủ hơi thở và trên vách võ đường có treo tấm bảng: “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.

Chữ tráng kiện có nhiều nghĩa. Trường Giang cho hay tại cái tạng người nó vậy, ăn khá nhiều nhưng chẳng thấy nở nang. Mỗi khi gặp Trường Giang, mình luôn có sự liên tưởng, về hình ảnh lầm lũi đi của một vị tỳ khưu tự tìm cách giải những khổ nạn. Mình thực sự xúc động khi từng nghe Trường Giang rộng lòng làm việc từ thiện, giúp trẻ em khốn khó ở quê nhà chẳng hạn. Trường Giang vô tình làm cái gạch nối để mình nghĩ tới thầy Tuệ Sỹ: “thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”.

Ở nơi xa xăm và thường hằng lạnh giá này, đôi khi mình nhìn về một điểm sáng le lói chợt hiện. Đốm sáng phát ra từ cây đèn ai thắp canh khuya, thấy ấm lòng. Đốm sáng âm thầm cháy tỏ. Đốm sáng mang tên Trường Giang.

Châu Ngọc Bích
Montréal, January 19. 2017