Cả
nhà cùng về Việt Nam để vợ chồng cô út Quỳnh Anh ra mắt bà con nội ngoại. “Lần này mình đi gọn nhẹ, chủ yếu là hành lý
xách tay cho đỡ vất vả”. Mọi người nói với nhau như vậy. Nhưng rồi các bà
các cô cũng cứ ghé Cotsco, Target… mua cái này sắm cái nọ. Vẫn là xà bông thơm,
kem đánh răng, nước hoa, sô-cô-la, thuốc tây, quần áo… Cuối cùng, “gọn nhẹ”
nhưng mỗi người vẫn 2 thùng - trọng lượng tối đa các hãng hàng không cho phép.
Người Việt xa xứ ai cũng vậy thôi, mỗi lần về nước cứ phải lỉnh kỉnh mang theo
đủ thứ dù biết bà con bạn bè ở quê nhà không thiếu những thứ này.
Phải
dùng một chiếc xe truck mới có thể chở hết hành lý ra phi trường Dulles. Cả nhà xúm
nhau đẩy hành lý vào bên trong để làm thủ tục check in. Cô nhân viên hãng hàng
không ANA nhìn đống hành lý rồi nhìn chúng tôi, giọng ái ngại, “Chuyến bay đi
Tokyo đã bất ngờ bị hủy bỏ vì bão”. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Trời đất ơi! Thật
là ngao ngán nếu phải chở đống hành lý này quay về nhà và chậm một hai ngày sẽ lỡ
chuyến bay Sài Gòn – Đà Lạt đã đặt vé trước. Chúng tôi đề nghị hãng hàng
không ANA tìm cho một lộ trình khác thay vì lộ trình Virginia – Tokyo
– Sài Gòn. Cuối cùng thì họ cũng giúp chúng tôi tìm được chuyến bay để đi ngay
trong ngày theo lộ trình Virginia – Frankfurt (Đức) – Bangkok (Thái Lan) – Sài Gòn.
Lộ trình này sẽ mất 40 tiếng cho cả chuyến đi, nhiều hơn lộ trình chúng tôi đã
chọn 17 tiếng. Đành chấp nhận thôi. Vất vả một chút nhưng sẽ không lỡ mọi việc
đã sắp xếp.
Chờ lên máy bay ở phi trường Frankfurt - Ảnh: PCH - 21.8.2016
Phi
trường Frankfurt rộng mênh mông. Nhân viên ở đây kiểm tra an ninh rất gắt gao
vì lý do chống khủng bố. Theo các bảng chỉ dẫn, chúng tôi phải mất một tiếng đồng
hồ mới đến được cửa để lên máy bay. Đến phi trường Bangkok, vừa xuống khỏi máy
bay đã có một cô nhân viên người Thái Lan xinh đẹp chờ sẵn, nhẹ nhàng dẫn chúng tôi đi
qua nhiều lối đi khác nhau mất 30 phút để kịp lên chuyến bay Bangkok – Sài Gòn.
Đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.
Hôm
sau chúng tôi lên đường về Đà Lạt. Ở đó được một ngày bỗng dưng tôi ngã bệnh. Đầu
nhức như búa bổ, chân tay mỏi rã rời. Mọi người háo hức đi chỗ này thăm chỗ nọ,
còn tôi thì nằm lì trong phòng. Một ngày nữa trôi qua, tôi vẫn không cảm thấy
khỏe hơn. Tôi quyết đinh đi đến phòng khám của một bác sĩ ở đường La Sơn Phu Tử.
Bác sĩ cho chụp hình phổi, tim, và sau khi nghe tôi khai bệnh ông cho biết do
tôi không thích nghi kịp với khí hậu ở địa phương nên sinh bệnh. Ông cho tôi ba
loại thuốc. Chi phí tất cả khoảng 20 dollars, kể cả tiền chụp phổi và tim. Chỉ
một đêm sau khi uống thuốc tôi khỏe hẳn. Nhờ vậy, tôi đã có thể xuất hiện trong
buổi họp mặt để Quỳnh Anh và Duy Bảo ra mắt bà con bên ngoại. Thật là kỳ diệu.
Ông bác sĩ này quả là giỏi.
Chuyện
nằm bệnh mấy ngày làm tôi hỏng kế hoạch thăm bạn bè. Bạn bè thì nhiều, thời gian
không còn bao nhiêu. Tôi đành phải thay đổi kế hoạch, tìm đến thăm người bạn
lâu năm nhất là Nguyễn Dương Quang. Khi đến Nguyễn Dương Quang, tôi gặp vợ chồng
Đặng Kim Côn cũng đang có mặt ở đây. Lại rong chơi cùng núi đồi, cà phê cà
pháo, nhắc chuyện xưa chuyện nay…
Nguyễn Dương Quang - Đà Lạt, 28.8.2016 - Ảnh: PCH
Sáng
nào chúng tôi cũng đi bộ ra bờ hồ thật sớm và tôi thật may mắn khi bất chợt một
buổi sáng nhìn thấy mặt hồ đầy sương mù. Tôi say mê chụp những tấm ảnh sương mù
Đà Lạt. Tôi rủ Nguyễn Dương Quang và Đặng Kim Côn ra bờ hồ thật sớm để chụp ảnh
cho hai chàng. Tiếc là hôm ấy không còn sương mù nhưng bù lại tôi cũng kịp ghi
lại cho hai chàng mấy bức ảnh bình mình trên hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương, một buổi sáng sương mù - Ảnh PCH, Đà Lạt, 28.8.2016
Xong
việc ở Đà Lạt chúng tôi lên đường đi Tuy Hòa. Ra sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi lại
gặp chuyện rắc rối: chuyến bay mà chúng tôi dự định đi Tuy Hòa vào lúc 2 giờ rưỡi
chiều đã cất cánh hồi sáng sớm. Chúng tôi không được thông báo về việc thay đổi
thời gian của chuyến bay. Xưa nay tôi chỉ thấy máy bay bị delayed, giờ bay bị
chậm lại, chứ máy bay buổi chiều mà cất cánh buổi sáng thì đây là lần đầu tiên
tôi gặp. Đúng là chuyện chỉ có ở Việt
Nam. Cuối cùng họ xếp cho chúng tôi đi trên chuyến bay sáng hôm sau. Đến nơi
lúc 10 giờ, chủng tôi đi thẳng về quê để kịp dự buổi họp mặt giới thiệu Quỳnh
Anh và Duy Bảo cho bà con bên nội trưa hôm ấy. Căn nhà xưa trở nên rộn ràng với
giọng nói, tiếng cười cùng những khuôn mặt thân quen. Cơm nước xong, mọi người cùng
nhau ngồi dưới những tàng cây ngoài vườn đàn, hát, đọc thơ.
Trong
số bạn bè còn lại ở Tuy Hòa, tôi rất vui khi gặp lại anh chị Trần Huiền Ân. Anh
chị vẫn vậy, vẫn hiền hòa, chơn chất. Nhà cửa anh chị bây giờ khang trang hơn,
các con đều thành đạt. Anh đưa tôi ra chùa Hồ Sơn thăm thầy Nguyên Đức – người mà tôi cũng rất muốn gặp lại trong lần trở về này. Trước 1975, thầy
Nguyên Đức là Hiệu Trưởng Trường Trung Học Bồ Đề Hiếu Xương – nơi tôi đã từng
giảng dạy đầu thập niên 70 trước khi thuyên chuyển về Lâm Đồng. Tôi quí thầy
Nguyên Đức vì ông là người biết chiêu hiền đãi sĩ, luôn luôn dành cho giới cầm
bút chúng tôi một tình cảm đặc biệt. Thầy
Nguyên Đức vẫn như ngày nào: vui vẻ, cởi mở, sôi nổi trong mọi câu chuyện. Chùa
thì chẳng thiếu cơm chay nhưng tôi mời thầy và anh Trần Huiền Ân ra một quán ăn
chay ở đường Nguyễn Thái Học dùng bữa cơm chiều như một cách biểu lộ lòng quí
trọng của mình đối với thầy. Thầy vui vẻ nhận lời.
Cúc Hoa - Phạm Cao Hoàng - thầy Nguyên Đức - Trần Huiền Ân
Bữa cơm chay ở đường Nguyễn Thái Học • Tuy Hòa, 4 tháng 9.2016
Cùng
đi với tôi lên Đà Lạt và ra miền trung lần này có vợ chồng anh Hoàng – chị Hạnh.
Anh là anh kề của tôi, đang sống ở California. Từ nhỏ đến bây giờ chúng tôi rất
gần gũi với nhau. Đây là dịp để chúng tôi cùng đi thăm những người thân yêu của
mình. Mấy chục năm rồi anh và tôi mới có dịp đi chung với nhau trong một chuyến
đi xa như thế này.
Anh Hoàng & chị Hạnh - Đà Lạt, 28.8.2016 - Ảnh: PCH
Chúng
tôi còn một người chị ở Quy Nhơn nên hai anh em quyết định ra ngoài ấy thăm chị.
Khi chúng tôi đến, chị và các con đã chuẩn bị một bữa trưa thịnh soạn mừng ngày
hội ngộ. Chị đã 80 tuổi, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, ra tận đầu đường đón chúng
tôi, dẫn chúng tôi băng qua đường giữa dòng xe cộ đông đúc. Chị chẳng ăn gì cả,
cứ đi vòng quanh thúc giục chúng tôi ăn thật nhiều cho chị vui. Các cháu kể lại
cả tháng nay chị đếm từng ngày chờ gặp lại mấy đứa em xa xứ. Chúng tôi thấm
thía sự thiêng liêng của tình cảm gia đình. Nhìn khuôn mặt chị mà thương cha nhớ
mẹ.
Các
cháu đưa chúng tôi lên thăm mộ Hàn Mặc Tử. Ít có thi sĩ nào có được một ngôi mộ
đẹp như vậy. Mộ nằm trong một khu du lịch, hằng ngày đón rất nhiều du khách đến
thăm. Trong khu du lịch này có một quán cà phê rất đẹp. Quán có tên Hoàng Hậu,
được xây phía trên Ghềnh Ráng, ngồi trong quán có thể nhìn ra biển. Khi ra về,
tôi tự nghĩ sẽ là một thiếu sót nếu đến Quy Nhơn mà chưa thăm mộ Hàn Mặc Tử,
chưa uống một ly cà phê ở quán Hoàng Hậu.
Thăm mộ Hàn Mặc Tử - Quy Nhơn, 6 tháng 9.2016
Chúng
tôi chỉ có một đêm ở Quy Nhơn. Tôi cần phải gặp Mang Viên Long – người bạn văn
hơn 40 năm tôi chưa gặp. Anh ở An Nhơn, cách Quy Nhơn khoảng 1 giờ đi xe máy.
Tôi không đủ thời gian ra thăm anh, mặc dù rất muốn. Tôi điện thoại rủ anh vào
Quy Nhơn. Bảy giờ sáng anh vào gặp chúng tôi ở quán cà phê Xưa Và Nay. Quán nằm
sát bãi biển nên tôi có thể chụp cho anh một vài tấm ảnh trên bãi biển Quy
Nhơn. Anh vui lắm, buổi chiều anh đưa ngay mấy tấm ảnh lên trang facebook của
anh. Anh cho biết sẽ gặp lại tôi ở Sài Gòn vì anh chuẩn bị vào gặp bác sĩ Thân
Trọng Minh và các bạn Quán Văn.
Mang Viên Long - Ảnh: PCH - Quy Nhơn, 7 tháng 9.2016
Xong việc ở Qui Nhơn, chúng tôi về lại Sài Gòn.
Những
ngày ở Sài Gòn, chúng tôi có dịp gặp các bạn Quán Văn, tận mắt thấy cơ ngơi của nhà văn Nguyên Minh. Trên căn gác nhỏ nhìn ra phi trường Tân
Sơn Nhất, tôi được gặp lại vợ chồng anh Nguyên Minh, BS Đỗ Hồng Ngọc, BS Thân
Trọng Minh, vợ chồng Đoàn Văn Khánh, Mang Viên Long, Hoàng Kim Oanh, Elena và Trương Văn Dân,
Nguyễn Sông Ba và Kim Chi, Cao Bá Hưng, Đoàn Thị Phú Yên và đặc biệt gặp Nguyễn
Minh Nữu vừa từ Mỹ về. Nguyên Minh muốn gửi sách báo cho bạn bè ở Mỹ. Tôi nhận
mang giúp anh 15 ký sách báo và cả các bức tranh của anh Thân Trọng Minh gửi tặng
các anh Trương Vũ, Nguyễn Tường Giang, Trần Doãn Nho. Tôi và Nguyễn Minh Nữu
cũng được anh Thân Trọng Minh tặng mỗi người một bức. Quí lắm, anh Thân Trọng
Minh ơi, và cám ơn anh rất nhiều.
Gặp gỡ các bạn Quán Văn - Sài Gòn, 1.9.2016
Gặp gỡ các bạn Quán Văn - Sài Gòn, 9.9.2016
Tôi
có dịp rong chơi với Nguyễn Sông Ba và Kim Chi – hai nhà báo chuyên nghiệp, hai
người bạn thân thiết từ thời ở Đà Lạt. Nguyễn Sông Ba tên thật là Nguyễn Hữu –
người mà tôi có nhắc đến trong phần đầu truyện ĐÃ BA NĂM MÌNH KHÔNG CÓ TẾT. Khi
vẽ tranh anh ký tên Nguyễn Sông Ba và các tác phẩm nhiếp ảnh anh ký tên Nguyễn
Hữu. Anh cũng chính là người trình bày, in ấn tập thơ thứ hai của tôi – tập TẠ
ƠN NHỮNG GIỌT SƯƠNG, xuất bản vào năm 1974. Gần 10 năm nay, Nguyễn Sông Ba và
Kim Chi nghiên cứu về nhân điện, lặn lội tìm đến những nơi xa xôi như Úc, Ấn Độ,
Sri Lanca để học hỏi, về nước chữa bệnh miễn phí cho nhiều người. Hai bạn đã hướng
dẫn cho Cúc Hoa và tôi một số bài tập mà tôi nghĩ là rất hữu ích cho sức khỏe của
mình.
Nguyễn Sông Ba - Ảnh PCH - Sài Gòn, 9 tháng 9.2016
Kim Chi - Ảnh PCH - Sài Gòn, 9 tháng 9.2016
Tôi
cũng có dịp gặp lại anh chị Nguyễn Quốc Thái ở Coffee Bean nằm đối diện nhà thờ
Đức Bà. Anh Thái cho biết mỗi khi về nước anh Đinh Cường thường ngồi ở đây. Các
bạn Trần Thị Nguyệt Mai, Duyên, Tùng cũng vậy. Cũng ở Coffee Bean, tôi có dịp
găp lần đầu chị Ý Nhi, anh Nguyễn Trung Dân, anh Từ Hoài Tấn, và hai người bạn
trẻ dễ mến: Trần Lê Sơn Ý, Trần Thi Ca. Cúc Hoa để ý thấy anh Thái gọi một ly
cà phê nhưng chia làm hai để rót vào một ly khác. Tôi nói nhỏ với Hoa. “Nửa ly
kia là của anh Đinh Cường”. Anh Đinh Cường ra đi đã 8 tháng nhưng anh Thái vẫn
chưa nguôi nỗi nhớ thương. Anh Thái và chị Ý Nhi cho biết các bạn ở Huế đang in
một cuốn sách gồm những bài viết về Đinh Cường, và cả hai rất mong khoảng 1000
bài thơ của Đinh Cường cần được in thành sách. Dĩ nhiên tôi rất ủng hộ những
projects này. Tôi tò mò để ý xem vì sao Coffee Bean được giới cầm bút ở Sài Gòn
ưa thích nhưng không tiện hỏi. Riêng tôi, nếu tôi ở Sài Gòn, Coffee Bean là nơi
tôi sẽ đến hàng ngày vì cà phê ở đây rất ngon, nhất là cà phê sữa. Tôi nói với
anh Thái, “PCH bỏ thuốc lá lâu rồi, nhưng uống ly cà phê này tự dưng nghĩ đến một
điếu thuốc ”. Anh Thái lấy trong túi xách một điếu xì gà loại nhỏ, thanh, cán gỗ,
cười hóm hỉnh, “Hút một điếu xì gà vậy nhé”. Uống cà phê Bean, hút xì gà, còn
gì thú vị hơn!
Nhà thơ Ý Nhi - Cúc Hoa • Sài Gòn, 1.9.2016 • Ảnh Nguyễn Hữu
Từ Hoài Tấn - Nguyễn Quốc Thái - Ngọc - Cúc Hoa - Phạm Cao Hoàng
Sài Gòn, 8 tháng 9.2016 - Ảnh: Trần Thi Ca
Còn nhiều người tôi cần phải gặp nhưng đã đến ngày chúng tôi lên đường về lại
Virginia. Lúc ngồi ở phòng đợi chờ lên máy bay, Thiên Kim hỏi tôi, “Cảm giác của
ba thế nào khi rời Việt Nam ?”. Tôi nói, “Buồn vì sẽ
còn lâu mình mới có dịp quay về, còn lâu mới thấy lại khuôn mặt thân yêu của bạn bè và người thân”.
Phạm Cao Hoàng
Virginia,
14.9.2016