Sunday, August 7, 2016

2450. 40 năm thơ Việt hải ngoại (43): ĐINH CƯỜNG - Bài đăng lại từ trang Văn Việt




40 năm thơ Việt hải ngoại (43):
Đ I N H  C Ư Ờ N G


Nguồn: vanviet.info

Nếu bạn muốn tìm thấy diễn tiến của đời sống một nghệ sĩ, bạn bè, thăng trầm của số phận dân tộc, thì thơ Đinh Cường là một trong những bằng chứng. Đôi khi, về mặt nghệ thuật, những bằng chứng đẹp nhất.

Đinh Cường, và những người như ông, như Dương Nghiễm Mậu, thuộc thế hệ cuối cùng của một giai đoạn trang nhã. Mặc dù là họa sĩ nổi tiếng, ông ít được biết tới như một nhà thơ. Thật ra, ông làm thơ từ sớm và vẫn viết không ngừng cho đến những ngày cuối đời ở Hoa Kỳ.

Đinh Cường dường như không có ý định làm một nhà thơ. Ông chỉ ghi chép bằng phương cách ấy, vì phương cách khác không thích hợp bằng. Tất nhiên, còn hội họa, nhưng đó là thể hiện khác. Vì vậy đây là trường hợp hiếm có. Người quan sát tinh tế các mối quan hệ thân mật; và bất ngờ giữa những dòng kể dịu dàng, bỗng cực tả bi kịch cá nhân và thời đại mình. Không phải bài thơ nào của ông cũng hay, nhiều bài chưa chắc đã là thơ, nhưng những bài xuất sắc có thể phát sáng trên mỗi khúc quanh. Có lẽ ông đã chọn được vị trí cho mình giữa những người khác, đã chọn đúng điểm đứng như cách một họa sĩ đặt giá vẽ xuống. Quyền lực của sự đồng cảm là lớn nhất trong thơ Đinh Cường. Có một mức độ căng thẳng giữa nhu cầu ghi chép sự vật như chúng vẫn thế, và ngọn dao sắc bén của thơ trữ tình. Nhiều khi ông đã hy sinh cái thứ hai, bỏ qua sự kiểm soát nghiêm ngặt đối với chữ.

Vì thơ Đinh Cường chứa nhiều câu chuyện, nhiều tình tiết, nên thế nào chúng cũng được kết tinh lại một nơi nào đó thành một trong hai hình thức sau đây: hoặc là thơ hay hoặc là các giai thoại. Tức là chúng sẽ được đọc lâu dài. Một số chúng.

Đinh Cường, nhất là thời kỳ sau này, có thể làm người đọc nghĩ tới Frank O’Hara ở New Yok. Cả hai đều mê thơ ca, hội họa, âm nhạc. Cả hai đều viết về nhiều đề tài và cố gắng đưa vào thơ mình càng nhiều càng tốt các chi tiết, một loại thơ nhật ký. Nhưng khác với O’Hara, ông không thuộc một trường phái nào, không có bước rẽ của tính châm biếm. Ông chân phương và Đông phương hơn.

Rất khó xếp vị trí của Đinh Cường bên cạnh các nhà thơ khác. Những bài thơ liên tục kế tiếp của ông như những vòng sóng lan rộng trên mặt nước, nhiều gió nhiều ánh sáng nhiều ảnh.

Văn Việt trân trọng giới thiệu.
_______________________


Bấm vào ảnh dưới đây để đọc bài trên trang Văn Việt:

Đinh Cường • Bruxelles – 2008 • Photo by Nguyễn Quang