Ảnh: panoramio.com
Hôm đó, trên chuyến xe đò từ Cầu Đúc đến Thới Thuận – hơn 200 cây số – tình cờ Lộc ngồi cạnh chị Thủy. Ở cùng làng, hai nhà chỉ cách nhau vài trăm mét, nhưng xưa giờ Lộc chưa trò chuyện với Thủy lần nào. Thú vị, vui, nhờ chị mà quãng đường dài qua nhanh. Thủy thích nói, biết pha trò, có những nhận xét phân tích đánh giá về nhiều mặt của cuộc sống khá tinh tế. Được như thế, theo chị, nhờ sách báo. Chị đọc nhiều, “nhiều nhất xã”, thượng vàng hạ cám, mấy chục năm qua không nghỉ ngày nào… Đi đôi với nói là ăn. Mỗi lần xe dừng nghỉ, đội quân bán hàng rong ào tới, Thủy sẵn sàng mua ngay. Cốm, mè xửng, hột gà, bưởi, nho, trứng cút, thơm, măng cụt, chuối ép, táo, chôm chôm… không sót thứ nào. Chị nói:
“Mình ăn cho vui, ủng hộ bà con nghèo… Lộc thấy đấy, họ bươn chãi kiếm sống cực nhọc lắm.”
Chị đưa cho Lộc một túi trái cây đầy tú hụ, bảo:
“Ăn đi, xơi hết cũng được!”
Trong túi xách của Thủy có mấy cuốn sách, và xấp báo. Chị không giống dân quê.
“Lộc đọc báo không?” Lộc lắc đầu:
“Cầm tới sách, chỉ đọc vài dòng là tôi ngủ, mỏi mắt lắm.”
Thủy có vẻ thất vọng:
“Nhiều người như vậy, Lộc nằm trong đám đông… Cả làng ta, hơn hai ngàn người, chỉ tám chín người mua báo thôi.”
“Người ta thích nghe nhạc, xem phim, ăn uống.”
“Ăn nhậu, biết bao nhiêu quán… Thị trấn huyện mình nhỏ, nhưng mỗi tuần tiêu thụ ba xe hơi bia… Uống thế cũng tốt, nhưng không cân đối, cái bụng được nuông chiều, cái đầu bị xử ép!”
Lộc ăn măng cụt, nho. Thủy ăn không ngớt, hết món này tới món khác.
“Người Nhật không phải Tây, dáng vóc họ chỉ nhỉnh hơn ta chút xíu, nhưng họ đá banh giỏi, viết văn hay, khoa học kỹ thuật siêu việt.”
“Chẳng so với Nhật được, chị ạ. Đài nói, họ giàu, dân họ học đại học rất nhiều… tất cả các thành tựu đều từ cái nền học vấn ấy mà ra.”