PAULO COELHO (1947-…)
Tôi
đọc trên báo mạng tin ngày 10 tháng 6 năm 2004, tại Tokyo, một người đàn ông
được tìm thấy đã chết trong bộ quần áo ngủ.
Cho
đến nay mọi việc đều ổn. Tôi nghĩ rằng phần nhiều những người chết khi mặc đồ
ngủ (a) hoặc là chết khi đang ngủ, đó là điều hạnh phúc, hoặc là (b) đang ở
cùng gia đình hay đang nằm bệnh viện, tức là cái chết không đến đột ngột, và họ
có đủ thời gian để làm quen với " người khách không được mong đợi"
như cách gọi của Manuel Bandeira, nhà thơ Brazil.
Bản
tin viết tiếp: khi chết, ông ta đang ở trong phòng ngủ, điều này loại trừ mọi
giả thuyết về đau ốm nằm bệnh viện, và chúng ta chỉ còn có thể nghĩ là ông chết
khi đang ngủ, chẳng đau đớn gì, cũng chẳng nhận thức là mình sẽ không nhìn thấy lại
ánh sáng ban mai.
Tuy
nhiên, vẫn còn một khả năng: có thể ông bị tấn công hay sát hại.
Ai
đã từng biết Tokyo ắt cũng biết rằng, tuy rộng lớn, đây là một trong những nơi
an ninh nhất trên thế giới. Tôi nhớ một lần dừng chân dùng bữa với những nhà
phát hành người Nhật trước khi lái xe đi tiếp vào nội địa nước Nhật. Tất cả túi
xách đều để ở băng ghế sau xe hơi. Tôi nói ngay là thế này thì nguy hiểm quá;
có thể ai đấy đi qua, nhìn thấy hành lý của chúng ta và lấy đi hết áo quần, tài
liệu và tất cả các thứ khác. Người bạn phát hành mỉm cười bảo tôi chớ bận tâm;
suốt đời ông chưa hề biết chuyện như thế xảy ra bao giờ cả (và thật vậy chẳng
có chuyện gì xảy ra với hành lý của chúng tôi, thế mà suốt bữa ăn tôi vẫn thấy
căng thẳng).
Nhưng
hãy trở về với người đàn ông chết trong bộ quần áo ngủ: không có dấu hiệu xô
xát, bạo lực hay chuyện gì tương tự thế cả. Một viên chức của Sở Cảnh sát trả
lời phỏng vấn của tờ báo đã cho biết hầu như chắc chắn rằng ông ta chết vì đột
quỵ. Vậy thì cũng loại trừ giả thuyết bị sát hại luôn.
Thi
thể được các công nhân của một công ty xây dựng phát hiện tại tầng hai một toà
nhà trong khu định cư sắp bị phá
dỡ. Tất cả cho chúng ta nghĩ rằng người chết trong bộ đồ ngủ do không thể tìm
được chỗ tá túc tại một trong những nơi đông đúc nhất và đắt đỏ nhất thế giới
đành phải quyết định tìm đến sống nơi toà nhà này để khỏi phải trả tiền nhà.
Giờ
mới đến phần thảm thiết của câu chuyện. Người chết chẳng còn lại gì ngoài bộ
xương khô trong quần áo ngủ. Bên cạnh là một tờ nhật báo mở ra, đề ngày 20
tháng 2 năm 1984. Trên chiếc bàn kế bên, tấm lịch cũng chỉ đúng ngày tháng đó.
Ông
đã nằm đấy hai mươi năm rồi.
Không
ai để ý đến sự vắng mặt của ông.
Người
đàn ông được xác nhận nguyên là công nhân của công ty phụ trách xây dựng khu
định cư, nơi ông chuyển đến làm việc vào đầu thập niên 1980, ngay sau khi ly dị
vợ. Ông mới qua tuổi năm mươi vào cái ngày ông đọc báo và đột ngột lìa đời.
Vợ
cũ của ông không hề tìm cách liên lạc với ông. Các nhà báo tìm tới công ty cũ
của ông và phát hiện là công ty bị phá sản ngay sau khi dự án hoàn tất vì không
thể bán được căn hộ nào, điều này giải thích tại sao những người ở công ty
không ngạc nhiên khi thấy ông thôi không tới tìm việc nữa. Các nhà báo
truy tìm bạn bè của ông, những người này đều nghĩ là ông biến mất vì đã mượn
tiền mà không trả được.
Bản
tin kết thúc bằng chi tiết hài cốt của ông đã được chuyển về cho người vợ cũ.
Đọc xong bài báo, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu kết này, người vợ cũ vẫn còn sống,
vậy mà trong suốt hai mươi năm, bà không một lần thử liên lạc với ông. Điều gì
đã xảy ra trong đầu óc bà ta vậy? Rằng ông không còn yêu thương bà nữa, ông
quyết gạt bà ra khỏi cuộc đời? Rằng ông đã gặp một phụ nữ khác rồi bỏ đi mất
tăm? Rằng cuộc đời thường đơn giản là như thế khi thủ tục ly dị đã kết thúc,
rằng chẳng còn chút gì để nối tiếp một mối quan hệ một khi đã chấm dứt về mặt
pháp lý? Tôi tưởng tượng xem bà ta đã cảm thấy ra sao khi biết được số
phận của người đàn ông đã cùng bà chia sẻ một phần cuộc đời.
Rồi
tôi nghĩ đến người đàn ông chết trong bộ quần áo ngủ, nghĩ đến nỗi cô đơn thê
thảm và khốc liệt của ông, cô đơn tới mức, trong hai mươi năm đằng đẵng, trên
cõi đời này không hề có một ai nhận biết là ông đã biến mất không để lại một
dấu vết nào. Tôi chỉ có thể kết luận rằng, tệ hại hơn đói khát, tệ hại hơn thất
nghiệp, khổ đau vì tình, thất bại và tuyệt vọng, tệ hại hơn bất cứ điều nào hay
tất cả những thứ đó, là cái cảm giác rằng không có ai, tuyệt đối không có ai
quan tâm đến chúng ta.
Xin
hãy lặng lẽ nguyện cầu cho người đàn ông kia và cám ơn ông đã giúp chúng ta suy
nghĩ đến điều TÌNH BẠN quan trọng tới mức nào.
PAULO COELHO
(Nhà văn Brazil)
Thân Trọng Sơn dịch từ bản tiếng Anh