Sunday, February 14, 2016

2110. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Ai cũng để lại kỷ niệm chốn đó


Đà Lạt nostalgia - Tranh Đinh Cường



tặng hai người làm nên khu vườn thi sĩ.


Anh tôi tốt nghiệp Sư phạm Quy Nhơn để rồi lên Đà Lạt làm giáo viên dạy trường Tiểu học Đa Nghĩa. Anh thuê nhà ở cuối đường Hai Bà Trưng, đi bộ đâu chừng năm bảy phút là đến trường, rất tiện lợi. Anh có chiếc xe gắn máy Suzuki dùng để chở vợ đi chợ hoặc chở tôi mỗi cuối tuần trời đẹp đi câu cá ở hồ Xuân Hương, phía bên kia cầu Ông Đạo. Xem câu cá như một thú tiêu khiển chứ không nhằm muốn làm xôm tụ bữa cơm chiều vẫn thường sơ sài đạm bạc. Những con cá chép to hơn bàn tay không mấy khi cắn câu dù anh vẫn khổ công ran cám thơm làm hương hoa chiêu dụ. Mặt hồ luôn dợn sóng, chẳng hiểu vì sao, trong khi sông Hương ở Huế mãi phẳng lặng dù bề mặt nó thoáng rộng hơn.

Tôi vừa từ chốn Thần Kinh vào ở trọ cùng anh như sự bàn tính và chỉ định của các anh chị ngay sau khi Mạ tôi qua đời. Tôi câm lặng ra đi, mắt còn mọng đỏ, dấu kín nỗi buồn trong lòng và xem sự hoán đổi ấy là một giải pháp chẳng mấy vẹn toàn. Tôi sững sờ khi xuống tới phi trường Liên Khương, Đà Lạt mang vẻ đẹp lạ lùng nằm ngoài những dự tưởng chôn chặt trong trí tôi. Đó là thứ nhan sắc nửa thơ mộng nửa quý phái. Chỉ một nửa thôi, nếu nó tròn đầy quá nó sẽ làm hỏng cái kiều diễm nó mang. Lắm lúc beauté phải tiềm ẩn chút bất toàn, bởi mong manh cũng là thứ chen vai, dự phần và tôn tạo nên cái đẹp. Một đứa con vừa mất mẹ, nó sẽ sầu thảm biết dường nào nếu đến một thành phố tiêu điều khác. Đà Lạt đón tôi, choáng ngộp như thằng con trai lần đầu bị “coup de foudre” bởi một bóng hình nữ nhân. Lạc đà là con vật giỏi chịu khát vẫn thường thồ người và đồ đoàn băng qua sa mạc. Đà Lạt là một địa danh có thể chữa lành vết thương trong tôi, dung thứ tôi, dìu tôi qua chặng đời niên thiếu lắm mộng mị.

Anh tôi đứng ra lo mọi thứ giấy tờ thủ tục và tôi là cậu học trò chân ướt chân ráo chính thức vào mài đũng quần ghế nhà trường Trung học Tư thục Việt Anh, lớp 11 ban A. Đà Lạt có khi được gọi là Hoàng triều cương thổ, đất vua chúa cỡ Bảo Đại. Vậy mà tôi nói giọng Huế có nhiều bạn học mặt nghệch ra. Kinh nghiệm ấy làm tôi phải cực lòng giả giọng, thứ pha tạp nửa Sài Gòn nửa Hà Nội, cứ lơ lớ vậy mà kẻ thù tiếp mình thôi nhíu lại đôi lông mày, thần sắc giãn nở thấy rõ. Một ông nhà thơ nào đó viết: “Em ơi giọng Huế có chi, mà trong hoa nắng thềm thì cơn mưa”. Ca ngợi? Chê bai? Tôi chẳng rõ. Nhưng cá nhân, tôi yêu vô cùng giọng Hà Nội và tôi thương vô đối giọng Sài Gòn. Một người dẫn chương trình, một ca sĩ xin đừng là người mền. Vợ anh tôi là người đàn bà Bắc kỳ di cư, mai sau không thành danh cũng thành nhân tôi xin được lấy vợ người Nam kỳ lục tỉnh. Trong lớp tôi, H. ngồi bàn đầu và Hát nói giọng Nam. Hát là người duy nhất rộng lòng cởi mở chuyện trò cùng tôi vào những giờ ra chơi. Hát học giỏi, gương cận thị và là một thành viên sẵn sàng bảo vệ cho thành ngữ: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Nhan sắc Hát không làm xiêu đổ một ai, nhưng một thằng con trai “ngoài nớ” xớ rớ lên xứ anh đào trời xui đất khiến gặp phải Hát, hắn buộc phải cà lăm cà cặp, đứng quê một cục ra đó. Thời anh tôi, học tới lớp đệ Nhị là đã hoang dàng trời. Trình độ học vấn tương đương, tôi đang là học sinh 11 mà xem chừng bù trất một tỏ tình, ấp a ấp úng một câu văn chẳng bao giờ trôi chảy. Hát không để tâm tới lý lịch quê quán vùng miền nơi tôi chào đời, nhưng Hát có thể nhìn nhận ra vẻ cô đơn ám vào thân tôi khiến tôi phải co quắp gần như rụt rè. Và có thể do vấn nạn kia đã làm Hát vui chân tới bên bắt chuyện. Ba mẹ Hát có căn nhà lớn bên đường Phan Đình Phùng và tôi nói cho Hát nghe tôi yêu đi trên cái lộ trình như vầy: Một vòng quanh khu Hoà Bình, đổ người xuống đường Minh Mạng, ghé mua một gói thuốc lá trước rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp rồi mài dép trên vỉa hè Phan Đình Phùng. Đứng thắp lửa điếu thuốc trước căn nhà có trải sỏi ở sân, kéo cao cổ áo ấm lên và nhìn vào ô cửa thắp sáng ngọn đèn vàng, thầm gọi tên người Hát ơi Hát ơi trong đêm đổ đầy sương.

Hàng tháng Ba tôi ra bưu điện gửi mandat lên dùng chi trả cho tiền học phí cũng như những nhu yếu phẩm mà bao giờ tôi cũng nhìn nhận ra sự thiếu hụt. Thay vì ưa chơi bảnh xô cửa vào tiệm Văn Gừng may cái quần tây, tôi quyết định thôi chưng diện để dùng số bạc nọ mời Hát đi xem phim, ghé ăn chè trôi nước. Đêm ấy gần tới Giáng sinh nhưng thời tiết ấm một cách đột ngột, tuy học ban A nhưng tôi rất dốt môn Lý hoá, về những thứ vớ vẩn cỡ như cái gọi là định luật khúc xạ ánh sáng. Cả đại số và toán học cũng vậy, tôi chẳng có cảm tình với câu: Từ một điểm ở ngoài đường thẳng ta chỉ có thể vẽ một đường, một và chỉ một mà thôi. Rất ấm ớ, rất khô khan, dễ lãnh cảm. Nhưng nhân danh một thằng ưa lơ là với sách vở, tôi khẳng định là cái lạnh của Đà Lạt trước đêm Chúa sinh ra đời chẳng thể can dự tới, gây tái tê, quấy rầy một sánh đôi giữa tôi và Hát. Khi bạn đi bên người yêu đầu đời, cả một bầu trời sụp đổ bạn cũng chẳng màng chứ nói gì tới gió máy với lại sương ẩm. Hát có một chữ rất hay mà tôi muốn học hỏi: Chuyện nhỏ! Nếu bị xô đẩy tới cuối đường với bao tình huống căng thẳng vây bọc mà ta thốt được tiếng “chuyện nhỏ” thì cuộc đời này e sẽ giản dị biết bao!

Đầu óc sẽ đánh lừa xác thân được bao lâu? Tôi rất ấm khi đi sát người Hát là câu nói thiếu tính khoa học. Dẫu sao anh mặc áo laine, anh chơi khăn quàng cổ, anh mặc áo bành tô, anh đội mũ nỉ che tai và anh rất mực cô đơn đi lạc hồn trước rạp chiếu bóng Ngọc Lan thì thân nhiệt cá nhân anh sẽ nóng hơn tôi gấp bội. Anh đưa ra lời đề nghị, xin được hoán đổi hoàn cảnh nhưng tôi sẽ cắn chặt bờ môi cương quyết chối từ, tôi sẽ án che Hát và dõng dạc nói với anh: Đừng có nằm mộng. Ưa gây chuyện lớn sao?

Hát bấu vào cánh tay tôi và tựa đầu một bên vai. Hình như Hát giàu kinh nghiệm về thời tiết khắc nghiệt cao nguyên, biết cái mong manh của cơ thể và cả hai đều có chung một cách giải phương trình: Muốn san sẻ cái lạnh, muốn ấm người, không gì khác hơn là một nụ hôn. Chuyện nhỏ không được Hát dùng vào trường hợp này, có thể Hát viết nên một mệnh đề khác; Từ một điểm ở ngoài tình bạn, ta chỉ có thể đi bên nhau, cùng lắm là nắm tay nhau, tựa vai nhau và ta chỉ hình dung ra có ngần ấy thôi. Nhiệm vụ của phái nam là gì nếu không muốn nói tới chữ nhẫn nhục chịu đựng và theo như kinh nghiệm của quý vị phụ huynh học sinh: Mới quá mà, cho con người ta có thời gian tìm hiểu đã chứ. Muốn ăn chè trôi nước anh phải nhào bột, anh phải hầm đậu xanh cho nhừ sau khi đãi vỏ, anh vo viên làm nhưn nhuỵ bên trong, anh phải chuẩn vị rang mè, thái gừng lát mỏng, anh phải để lửa nhỏ khi thắng đường cho sệt lại. Nói chung, phàm làm việc gì cho ra đầu ra đũa anh phải đầu tư công sức cũng như thời gian. Và như vậy, một nụ hôn nhằm trao gửi tới người mình yêu, anh không thể nóng lòng mang hia bảy dặm hùng dũng sãi bước chiếm ngự phủ đè. Đà Lạt rất lạnh khi đêm về, chuyện ấy trẻ lên ba cũng tường nhưng anh đang học lớp 11 anh không thể để cho nước mắt nước mũi hiện hình làm ô uế, làm mất mặt bầu cua. Anh phải giữ thể diện. Trong những lá thư Ba tôi viết vừa răn đe vừa uỷ lạo tinh thần cho đứa con út xa nhà luôn có một hàng “nhãn tự”, ấy là đói cho sạch rách cho thơm, giấy rách phải giữ lấy lề. Có lẽ tôi mang tội bất hiếu bởi tôi chưa thấy có ai đói rách mà thơm tho cả. Mũi ta phải nhăn nhíu lại khi đứng gần kề một hành khất đại hiệp, đơn giản như một cộng một bằng hai. Tình yêu là gì? Tôi rất muốn chứng minh cho Hát thấy về phương trình hình học không gian: 1+1=1.

Anh tôi vì là giáo viên, do méo mó nghề nghiệp, phần khác vì nhận lãnh trách nhiệm uốn nắn tôi thành kẻ hữu dụng nên vẫn có tiếng chì tiếng bất khi lên án việc học sa sút của tôi. Tôi cúi đầu làm ra vẻ thành tâm hối cải nhưng rõ là lời giáo huấn kia đã là thứ nước đổ đầu vịt. Tôi chong đèn thức khuya như thể siêng năng gạo bài nhưng kỳ thực tôi đang dàn trải mộng mị say sưa vào cuốn nhật ký có bề dày 200 trang với hình bìa là chiếc cyclo in mực xanh. Lý ra tôi phải học ban C vì khi viết về Hát tôi đã dựng nên một cảnh quang kỳ khu diễm tuyệt với thứ danh từ tĩnh từ động từ bán trời không văn tự. Tôi đảo lộn văn phạm chẳng màng tới thì quá khứ tương lai hiện tại. Tôi yêu Hát và tôi đang gần té giếng. Toán Lý Hoá Vạn Vật làm sao so bì được với thơ Đinh Hùng:

“em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ
nắng trong hoa với gió bên hồ
dành riêng em đấy khi tình tự
ta sẽ đi về những cảnh xưa”.

Vợ anh tôi lâm bồn, anh tôi là con gà mắc đẻ, lúng túng vụng về nhớ cái này quên cái kia. Một kẻ tự dưng lên chức cha, dù đã chuẩn bị tinh thần, kẻ ấy bỗng chốc đâm quờ quạng thấy rõ. Anh vào nhà thương suốt và tôi lợi dụng vác chiếc Suzuki của anh chở Hát đi tới bỏng khét. Ở Đà Lạt không hiểu sao anh lại mua hiệu xe này thay vì Honda? Xăng pha nhớt thở khói rên la khi vượt khỏi con dốc Duy Tân. Qua đồi Cù, Hát nói tụi mình thử đi hết con đường này xem tới đâu. Nắng mênh mông, nắng vàng chan ngập lối. Màu thông xanh, xanh thẳm sâu dẫn tuốt về Thái Phiên. Đà Lạt vẫn có những ngày mang vẻ đẹp độ lượng như thế, cảnh sắc thanh bình yên hàn vô sự và tôi như đang thồ một chậu kỳ hoa dị thảo thơm ngát biết nói cười ở sau lưng. Hát vòng tay ra ôm vào bụng tôi để chứng thực rằng da thịt này là của một người nữ mà con tim của đương sự vẫn mãi miết đập vào lưng tôi những sát na hạnh phúc. Hạnh phúc thay cho những kẻ mãi hồn nhiên. Câu này chắc tôi sẽ viết vào cuốn vở nhật ký. Và rồi tôi sẽ bôi bẩn nó. Một mệnh đề khác hoán đổi. Khi hôn nhau, sự hồn nhiên còn đó hay nó sẽ biến mất? Khi đôi tình nhân hôn nhau, họ có hạnh phúc không? Tôi thắng xe lại, tôi nói đây không phải là hồ Than Thở nhưng tôi mãi thở than nếu chúng ta không thử hôn nhau. Hát nói, cái đẹp trong giao tình của lứa đôi chỉ nằm vào chữ tự nguyện. Khi người ta ra điều kiện hoặc dùng tới giải pháp trấn lột, tự họ đã bôi đen vào mối quan hệ kia. Mình sẵn lòng cho bạn lựa chọn, chỉ nói cho bạn hay một điều, mình chưa có sẵn sự tự nguyện.

Mây che trên đầu một vầng im ắng và con đường trở lại thành phố nghe hao mòn tiếng cười niềm vui. Lý ra Hát phải học ban B mới hợp tạng, ở Hát đầy rẫy những công thức, những lề luật cứng ngắt, những tiểu tiết làm nên một tổng thể kiên định của lý trí có sức nặng đè bẹp một mưu toan của con tim dại khờ. Tôi mãi khờ dại khi yêu thơ Đinh Hùng:

“ta ra đi tìm lớp học thiên đường
và khi đó thì mẹ yêu ngồi khóc”
….

“thương nhau gói trọn hồn trong áo
mất nhau từ trong tà lụa bay”.

Viết tới đây tôi thử làm một con toán nhẩm. Như vậy tôi xa Đà Lạt đã 44 năm. Anh tôi đã về sống ở Sài-gòn sau khi ra miền Trung di dời mộ phần Mạ tôi (nằm trong khu vực bị giải toả) lên cải táng ở Đà Lạt. Anh gửi hình cho tôi xem mộ phần người tôi yêu quý suốt đời. Công sức của anh, thành quả anh tạo dựng được thật chẳng có bút mực nào tả xiết. Tôi mang ơn anh, thật nhiều, về những ngày sống cơ hàn ở bên nhau giữa một Đà Lạt thường hằng lạnh giá. Tôi cũng cám ơn Hát vô vàn, người đã rộng lòng dắt tay tôi đi qua những nỗi khổ đau dịu dàng khi “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”.

Tôi mong mỏi có ngày được trở về thăm lại Đà Lạt dù biết rằng “không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Tôi về chỉ để cúi đầu ăn năn trước mộ Mạ, nhắc lại chữ Mạ hay mắng: Đồ mạt máu! Tôi về để đi ngang qua đường Phan Đình Phùng mãi song song cùng đường Hai Bà Trưng. Hát cùng chồng, là một thương gia thành đạt hiện có cơ ngơi đồ sộ ở Nha Trang. Hát ngạc nhiên khi biết tôi có viết văn và đứa viết văn thường chung đụng với những cảnh bất ưng. Thành tâm để thưa rằng Hát biết không, chính Hát và Đà Lạt đã khiến trái tim tôi mãi mềm yếu. Thiếu cái độ mỏng dễ hư hao kia, bất luận là ai, kẻ đó suốt đời chẳng viết tròn một câu văn. Có điều này nói ra chẳng biết Hát tin không: Tôi vẫn còn yêu Hát, sâu đậm, một mối tình… mạt máu!


Hồ Đình Nghiêm
lễ tình yêu 2016


Đà Lạt 1969 – Nguồn: panoramio.com