Friday, December 25, 2015

2212. TRẦN HUIỀN ÂN Cây cỏ trong ca dao (3. CÂY CỎ DO CON NGƯỜI TRỒNG )


Photo by PCH  (2015)


3.
CÂY CỎ DO CON NGƯỜI TRỒNG



Con người đã lựa chọn một số cây cỏ quan trọng để trồng trọt trên ruộng, thổ, vườn, rẫy, soi… Dần dần lai tạo làm cho nó phát triển cao xa hơn bà con của nó còn đang đứng nơi bờ bãi. Tùy theo đời sống của mỗi loại cây và thổ nghi, khí hậu phù hợp nên mỗi vùng miền có một số loại cây riêng, từ cây lương thực, thực phẩm đến cây sử dụng trong công nghiệp, cây dùng để trang trí v.v… Cây được con người quý trọng và công lao của người trồng cây luôn luôn được ghi nhớ. Sự nghiệp lập quốc của Hùng Vương được so sánh với công lao trồng cây và khơi nguồn sông nước:
                  
Cây kia ăn quả ai trồng                  
Suối kia uống nước hỏi dòng từ đâu?


Cây lương thực – thực phẩm:
         
Xã hội ta ngày trước rất kính trọng giới sĩ. Nhất sĩ nhì nông. Nhưng người ta vẫn không quên trong sách lược an dân “dĩ thực vi thiên” nên trên thực tế có lời phản biện vui vẻ rằng: Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.
         
Cơm là món ăn chính nên cây lúa đứng hàng đầu trong danh sách cây cỏ được trồng, hạt gạo đứng hàng đầu trong bảng kê lương thực, đồng thời tạo ra một nền văn hóa, có người gọi là “văn minh lúa nước”.
         
Người ta nói đến cây mạ, cây lúa một cách thân mật dịu dàng, trong đó có gửi gắm tình cảm và hi vọng:
                  
Mạ non mà cấy đất biền
Mưa hòa, gió thuận , có tiền cưới em                  
.  .  .                  
Gió đông là chồng lúa chiêm                  
Gió bắc là duyên lúa mùa                  
.  .  .                  
Lúa chiêm nép ở đầu bờ                  
Hễ nghe sấm động phất cờ mà lên                  
.  .  .                  
Nữa mai lúa chín đầy đồng                  
Gặt về đập sảy bõ công cấy cày                  
.  .  .                  
Bao giờ cho đến tháng mười                 
Lúa thóc bời bời nhà đủ người no                 
.  .  .                  
Đôi ta như lúa phơi màu                  
Đẹp duyên thì lấy ham giàu làm chi
         
Lúa với bắp là chị em. Người ta nói đến cái ngon của trái bắp non, đồng thời nói đến cái khó trong cách nướng (bắp non mềm, đầy chất sữa, nếu vụng nướng sẽ cháy hết, không còn gì, bắp già nếu lỡ bị cháy, gạt bỏ chỗ than đen phần còn lại cũng kha khá), cũng như cái khó đến tán tỉnh cô lái đò trên sông Thủ Thiêm:
                  
Bắp non mà nướng lửa lò                  
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
         
(Ve : tán tỉnh. Ngày xưa nói “ve gái” cũng như bây giờ ta nói “tán gái”).
         
Các loại tuy gọi là “hoa màu phụ” cũng không hề bị “phụ bạc”.
                  
Được mùa chớ phụ ngô khoai                  
Những năm đói khó lấy ai bạn cùng.
         
Mà còn được trẻ con mong đợi:
                  
Cu kêu ba tiếng cu kêu                  
Cho mau tới tết dựng nêu ăn chè                  
Chè gì? Chè đỗ chè khoai                  
Bắt anh giã nếp canh hai chưa về…
         
Tuy lúa bắp khoai đậu đều phải “trồng” cả, cũng nói trồng lúa, trồng bắp, trồng đậu, trồng khoai, nhưng khi đề cập đến khái niệm “cây trồng” người ta nghĩ ngay đến các loại cây ăn quả (quả tương đối lớn, động tác “trồng” cụ thể và thường do thế hệ ông cha ngày trước trồng để lại), nhắc nhở về bổn phận nhớ ơn:
                  
Ăn quả nhớ kể trồng cây                  
Biết chữ phải nhớ ơn thầy bảo ban
         
Trong các loại cây ăn trái quả ngắn ngày (một cây thì ngắn ngày, nhưng cả bụi do cây ấy nhảy con ra thì không phải là ngắn), nhà nào cũng có một vài cây chuối trồng ngay sau nhà, bên hàng rào, nên nó được nhắc đến nhiều nhất. Hình ảnh người mẹ già:
                  
Mẹ già như chuối ba hương                  
Như xôi nếp mật như đường mía lau                 
.  .  .                  
Mẹ già như chuối chín cây                  
Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi
         
Và nhiều hoàn cảnh khác nhau, dẫn tới những suy nghĩ khác nhau: thương cảm, trách móc, chê cười:
                  
Anh về trồng chuối bực bầu                  
Trái ăn, lá rọc, bỏ tau bơ vơ                 
.  .  .                  
Gió đưa tàu chuối qua mương                  
Bóng trăng em tưởng người thương em về                  
.  .  .                  
Ai đem con kéc vô vườn                  
Cho nên con kéc ăn buồng chuối tiêu                  
.  .  .                  
Gió đưa bụi chuối sau hè                  
Lăm le con chị, ai dè con em
         
Hoặc:
                  
Gió đưa bụi chuối sau hè                  
Lăm le con chị, dò dè con em
         
Vân vân…
         
Cây cam, cây chanh, cây bưởi trồng trong vườn cũng chiếm nhiều cảm tình của con người trong nhiều mặt nhìn, nhiều cách ghi nhận:
                  
Ăn cam ngồi gốc cây cam                 
Lấy anh về bắc về nam cũng về                 
.  .  .                  
Bóng cam bóng quít sau nhà                  
Bóng trăng dọi lại (anh) tưởng là bóng em                 
.  .  .                 
Anh về chẳng có chi đưa                 
Quả cam đang nhỏ, quả dừa đang non                 
.  .  .                  
Tai nghe quan huyện đòi hầu                 
Mua chanh mua khế gội đầu cho thơm                 
.  .  .                  
Ở chi hai dạ ba lòng                  
Dạ cam thì ngọt dạ bòng thì chua                  
.  .  .                  
Chợ chiều nhiều khế ế chanh                  
Nhiều con gái lứa nên anh chàng ràng
         
Và còn nhiều nữa…