Tháp Bánh Ít (Tháp Bạc) huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định - Ảnh Wikimapia
( Doanh trại đơn vị Thám kích của Trần Quí Sách nằm phía sau tháp chính)
...
Ta đã về nhìn bầy chim nhỏ cút côi
Chúng ủ rũ, như lòng ta ủ rũ
Lũ bé quỳ bên xác người cô trẻ
Đặt chùm hoa, mếu máo gọi cô về
Cô không về, cô bỏ dạy, cô đi
Cô bỏ chúng con cô về xứ khác
Ta cắn bầm môi, em ơi, ta khóc
Em không về em cũng bỏ thanh xuân
Em bé quê ơi, cho ta nhành bông
Một nhành bông quỳ vàng như màu áo
Ta đặt lên em. Trống trường ảo não
Như những hồi mặc niệm em tôi
Ta đã về, và đã trễ, em ơi…
(Đêm tiếp cứu chợ Huyện - Ô CỬA, Thi tuyển toàn tập - Thư Ấn Quán tái bản 2011)
Chưa từng có bài thơ nào mà khi đọc tim tôi nhói đau, lòng tôi quặn thắt như bài thơ đẫm nước mắt này của Trần Hoài Thư. Khi biết cô giáo trẻ chết thảm ấy là một nữ giáo sinh Sư phạm Quy Nhơn về huyện Tuy Phước - Bình Định thực tập, ngủ nhờ trong khuôn viên quận đường và bị bức hại, tôi cũng “cắn bầm môi” và tôi nhận được thông điệp toát ra từ nội dung bài thơ. Thông điệp khá rành mạch: đừng để bị trễ. Đừng chậm trễ! Hãy cứu lấy những cô gái, cô giáo trinh trắng, những em bé và những thường dân không có khả năng tự vệ. Đừng để bị chậm trễ!
Làm sao để không phải thốt lên tiếng kêu tuyệt vọng: “Ta đã về, và đã trễ, em ơi!”.