Friday, November 27, 2015

2157. TRẦN HUIỀN ÂN Trời đất trong ca dao (2. Nhìn lên trời)


TRỜI ĐẤT 
TRONG CA DAO
T r ầ n  H u i ề n  Â n


Ảnh PCH - Scibilia 2015


2.
NHÌN LÊN TRỜI


Hình ảnh “Trời” tự ngày xưa:
       
Mỗi con người, đố ai nhớ được lần đầu tiên nhìn thấy trời vào lúc nào. Hẳn là khi ấy còn quá bé nhỏ, không hình dung được cái khoảng xanh vô tận trong tầm mắt ấu nhi và chưa hình thành một ý niệm gì trong bộ óc non nớt.
       
Cũng không thể nào nhớ được lần đầu tiên nghe người lớn nói và nghĩ theo đó là trời tròn. Vâng, trời tròn thật, đỉnh cao nhất ngay trên đầu ta, rồi thật đều đặn, từ từ hạ xuống thấp dần, đến khi gặp ruộng đồng, núi non, biển đảo hay làng xóm, đó là chân trời. Thế nhưng chân trời tưởng là thật mà không thật, ta hăng hái đi đến nghĩ rằng chân trời liền với mặt đất, sẽ chống tay hay dựa lưng lên cái màu xanh ấy thanh thản nghỉ ngơi, tiếc rằng chân trời cứ lui lại và lui mãi.
       
Còn cái màu xanh gọi là da trời có thật hay không? Có khi nó được đồng hóa với mây để được gọi là mây xanh. Tận trên mây xanh là chỗ tột cùng. Mây xanh bao bọc lấy mây trắng, mây vàng, làm bức nền khổng lồ cho mây trắng mây vàng tạo nên bức tranh mỹ thuật:

Trên trời có đám mây xanh
Chính giữa mây trắng, chung quanh mây vàng…
       
Phía trong da trời, chín từng mây phủ, là thiên đường chăng? Ít nhất cũng là đất hứa, là ước mơ cho những sĩ từ mười năm đèn sách làm con cá quyết vượt vũ môn thành rồng:
             
Một mai con cá hóa long       
Chín từng mây phủ nằm trong da trời.
       
Trời và đất cách nhau một khoảng xa, cái vùng trống không ấy là lưng trời. Trong tầm mắt con người thì đó là nơi những cánh chim bay lượn, những con diều vẫy vùng theo gió ngân nga tiếng sáo.
       
Và quan trọng hơn cả, chỉ trừ ban đêm và những lúc mưa dầm gió bấc, ta luôn luôn nhìn thấy mặt trời. Thật ra chỉ trừ ban đêm còn lúc mưa dầm gió bấc có khi vẫn nhận ra mặt trời, chỗ ấy quang hơn chung quanh. Mà nếu không nhận ra thì ánh sáng dàn trải khắp nơi đủ chứng tỏ sự hiện diện của mặt trời.
       
Người xưa cho rằng mặt đất, nơi ta sống, đứng nguyên một chỗ. Mặt trời bắt đầu lên từ hướng đông, ấy là lúc mặt trời mọc, buổi trưa ở trên đỉnh là lúc mặt trời đứng bóng, mặt trời đi dần về phương tây rồi chìm khuất là mặt trời lặn. Giữa lúc mặt trời mọc và mặt trời đứng bóng là nửa buổi, giữa lúc mặt trời đứng bóng và mặt trời lặn là xế.