TRỜI ĐẤT
TRONG CA DAO
TRONG CA DAO
T r ầ n H u i ề n  n
Ảnh PCH - Scibilia 2015
1.
CON NGƯỜI GIỮA TRỜI VÀ ĐẤT
Mở đầu đoạn Tự ngôn sách Việt Hán văn
khảo, cụ Phan Kế Bính viết:
“Ta trông lên bầu trời, trăng sao vằng
vặc, sông ngân hà lấp lánh, lúc cầu vồng mọc, khi đám mây bay, bóng dáng chiều
hôm, cơn mưa buổi sớm, làm cho sướng mắt ta, gọi là văn chương của bầu trời. Ta
nhìn xem dưới trái đất, ngọn núi kia cao chút vút, khúc sông nọ chảy quanh co,
chỗ rừng rú, nơi hồ đầm, cây cổ thụ um thùm, đám cỏ hoa sặc sỡ, nào thành, nào
quách, nào tháp, nào chùa, nào đám đồng điền cây cối tốt tươi, nào chỗ thị
thành lâu đài san sát, làm cho vui mắt ta, gọi là văn chương của trái đất”. (1)
Cụ lại kể đến “câu thơ đoạn phú, khúc hát điệu ca” gọi là “văn chương của loài
người”. (1) Vậy thì những câu ca dao nói về trời đất chính là “văn
chương của loài người” nói về “văn chương của bầu trời” và “văn chương của trái
đất”.
Sở dĩ con người có thể đem văn chương của
mình để diễn tả văn chương của trời đất vì giữa muôn loài thì con người là động
vật có sự hiểu biết vượt trội hơn tất cả. Từ đó, con người ý thức được vị trí
của mình, như cụ Huỳnh Thúc Kháng khẳng định trong Bài thơ lưu biệt (tương truyền cụ viết năm 1908 trước khi đi đày
Côn Đảo): “Ư bách niên trung tu hữu ngã”. Vâng, trong cõi trăm năm này có ta,
ta là chứng nhân trong một giai đoạn thời gian trước bao nhiêu biến thiên dưới
bầu trời, trên trái đất.
Con người, tin vào ngôi
sao bản mệnh trên trời, nên sống một cách rất ung
dung tự tại. Nhà văn Võ Phiến cho rằng:
Dưới trần đời sống do sao định
Tính
tuổi nhìn lên hỏi ý trời
Tương
lai ngó suốt trong như kín
Mây
khói êm êm các cuộc đời…(2)
Bằng
cả thị giác lẫn tâm linh, con người nhìn thấy trời có khuôn mặt tròn và đỏ, có
màu da xanh dịu, có lưng chứa đầy mây, có chân nối liền với núi với biển, có
những góc riêng dành cho mỗi chủng tộc… và hiểu rằng trời là vị vua của tất cả
các vị vua, trời có mắt nhìn thấu suốt, có ngọn đèn soi xét, trời ban phước hay
giáng họa xuống trần gian, trời làm ra ngày đêm sáng tối nắng mưa gió bão. Trời
quyết định hết thảy mọi vui buồn của kẻ dưới (gọi chung là thiên hạ) … Trời là
đối tượng để bất cứ ai cũng có thể tỏ bày tâm sự, gặp điều bất như ý, gặp vận
không may, con người cất tiếng kêu trời, than thở với trời…
Ông
Lê Văn Siêu trong đặc san Văn xuất
bản tại Sài Gòn năm 1967 có bài Đố ai vẽ
được Ông Giời, ông viết Giời,
không viết Trời và giải thích về sự
khác nhau:
“Cái
xu hướng thay chữ GIỜI (G.I) bằng chữ TRỜI (T.R) sao thấy có vẻ gì như là thiếu
suy nghĩ vậy? Trong tiếng Pháp thì thật không hề thấy có người nào làm việc
thay chữ Dieu bằng chữ Ciel cả. Thì Giời, đã được người mình hiểu là từ bao
nhiêu nghìn năm nay là Dieu, là Ông Thiên, Ông Xanh, là đấng Tối cao, toàn Năng, toàn Thiện, toàn
Mỹ, toàn Chân, sao bây giờ mình lại nỡ để lẫn ý niệm ấy với một ý niệm về một
vật hữu hình là Trời đối với đất, đối với biển, như Trời biển bao la, Trời cao
đất dày… chẳng hạn.(3)
Chúng tôi không hẳn hoàn toàn nhất trí với ông Lê Văn Siêu, nhưng cũng không có gì phản đối, chân thành tôn trọng quan điểm của ông (Giời và Trời có khác) và nghĩ rằng: Thôi thì tiên sinh cứ gọi là Ông Giời, chúng tôi theo thói quen cứ gọi là Ông Trời, nhưng trong hai tiếng Ông Trời của chúng tôi bao gồm cả ý niệm tâm linh mầu nhiệm và ý niệm hữu hình của khoa học tự nhiên.
Có thể là không bao giờ gặp nhau nhưng
trời và đất không phải là lưỡng cực tương phản. Đất cũng có những quyền uy tâm
linh. Đất là tượng trưng của Xứ Sở Ông Bà. Đất là cõi về để lại gặp nhau, nhìn
nhau có hổ thẹn hay không.
Con
nguời, sống thân thiện với nhau và sống thân thiện với trời đất. Trời cao đất
dày. Lên trời xuống đất. Đầu đội trời chân đạp đất, thiên phụ địa mẫu, trời là
cha đất là mẹ. Khi ta sống trời che đất chở, trong nền tảng đạo đức chí công,
khi ta già dần dần gần đất xa trời, khi ta chết là về với đất như con về trong
lòng mẹ.
Làm một con người đứng giữa trời đất thật
vô cùng khó khăn. Và cũng khó bề phân định, lý giải theo một tiêu chuẩn nào.
Vậy hãy mượn những giây phút nhàn đàm, dùng những câu chuyện phiếm, thay cho
chén rượu nồng, nhìn lên trời, nhìn xuống đất gọi là cùng vui bên nhau…
(Còn tiếp...)