Friday, November 13, 2015

2131. TRẦN HUIỀN ÂN Thời gian trong ca dao


Photo by PCH - Scibilia, November 2015



I. CON NGƯỜI TRONG THỜI GIAN

1). Sự ban phát công bằng của Thượng Đế:

Mỗi con người, cho dẫu tuyên bố rằng vô thần, thực tế trong cuộc sống vẫn tin, cho dẫu một cách hoài nghi, mơ hồ, có một Đấng Tối Cao. Đấng ấy, tùy theo tín ngưỡng thờ phụng, tùy theo tôn giáo, với người này là Đức Chúa, với người kia là Đức Phật, với người nọ là Ông Trời, có thể gọi bằng một danh từ chung dễ hiểu là Thượng Đế.
       
Thượng Đế ban phát sự sống cho con người, cả về thể xác, tinh thần của chính ta, các nhu cầu nuôi dưỡng và phát triển cho bản thân, đồng thời để cộng sinh cộng tồn cùng đồng loại và vạn vật. Những người thờ kính Trời Đất khi nhìn lại quá khứ chẳng hạn nói: “Nhờ ơn Trời mấy năm nay gia đình tôi làm ăn cũng khấm khá…”, khi dự định tương lai chẳng hạn nói: “Nhờ ơn Trời nuôi mạnh giỏi, sang năm tôi sẽ sửa lại cái nhà…”. Những người theo Đạo Tin Lành trước bữa ăn thường đọc lời bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng con hàng ngày dùng đủ v.v…

Thượng Đế của các tôn giáo, như Đức Chúa, Đức Phật… hữu hình hơn, mang vóc dáng con người hơn, sự ban bố ân đức thường được cảm thấy cụ thể hơn, thêm vào đó tổ chức sinh hoạt của các tôn giáo chặt chẽ hơn, nên mỗi khi gặp sự khó khăn, nguy hiểm thì con chiên, Phật tử thường cầu nguyện Chúa, Phật, khi vượt qua rồi thì tạ ơn Chúa, Phật, các tín đồ của tôn giáo không bày tỏ sự than trách, giận hờn, phẫn nộ với Thượng Đế toàn năng của họ, trừ khi họ bỏ đạo.
       
Đối với những người thờ kính Trời Đất thì Thượng Đế là Ông Trời, hoàn toàn siêu hình, không ai biết vóc dáng Ông Trời ra sao, Mặt Trời không phải là Ông Trời, Ngọc Hoàng cũng chưa hẳn là Ông Trời, Ngọc Hoàng chưa bao giờ hiện hữu như Chúa, Phật. Tín ngưỡng này là tín ngưỡng mở, hoàn toàn tự do thoải mái, không có sự ràng buộc khắt khe của luật lệ, cho nên không ít khi con người giận hờn, trách móc, oán hận Ông Trời, kêu Trời, than Trời, bảo rằng Trời xét không minh bạch, Trời ở không công bằng. Tại sao người này thọ mạng người kia yểu vong, người này giàu có người kia nghèo khổ, người này sang trọng người kia hèn mạt, người này thông minh người kia ngu đần, người này con cháu đông đảo người kia tuyệt tự? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra về sự thiếu công bằng của Ông Trời, không nghe không thấy Ông Trời trả lời, chỉ có con người tự giải đáp để an ủi nhau.
       
Duy có một điều phải công nhận Thượng Đế rất công bằng. Đó là mỗi  con người khi đang có, đang còn sự sống, đều được thụ hưởng số đơn vị thời gian hàng ngày bằng nhau. Dù gọi là ban ngày, ban đêm, dù chia ra năm canh sáu khắc hay hai mươi bốn giờ, Ông Trời không cho người này có ngày dài hơn người kia. Đêm hạ chí ngắn thì đã có phần ban ngày bù lại, đêm đông chí dài thì phần ban ngày đã bớt đi, có thể ở nơi này vào mùa tiết ấy khoảng thời gian còn sáng lâu hơn, ta nói là ban ngày dài hơn ban đêm, có thể ở nơi kia mưa gió khiến cho ta thấy mặt trời mọc muộn hơn, lặn sớm hơn, bảo rằng đêm dài hơn ngày. Chẳng hạn như:

                      Tháng năm chưa nằm đã sáng
                      Tháng mười chưa cười đã tối

Nhưng hiện tượng này chung cho mọi người, ít nhất là trong một khu vực,  chứ không riêng cho một người, không ai được nhận sự ưu tiên, không ai bị thiệt thòi, trừ khi với lý do đặc biệt con người phải rời khỏi trái đất như các phi hành gia vũ trụ. Sự công bằng này đáng để cho mọi người tự hào và cảm ơn Ông Trời. Còn như khi sinh ra và khi chết đi, có người bảo rằng ai ai cũng vậy, sinh ra đều trần truồng, chết đi đều không đem theo gì, nhưng con nhà giàu sinh ra trong nhung lụa, kẻ hầu người hạ ngay phút lọt lòng, khi chết đi thì nghi lễ linh đình, chôn theo châu báu, vua chúa chôn theo tì thiếp, mồ mả nguy nga, không thể nói là như nhau được.

Vậy có thể nói sự ban phát chiều dài trong giới hạn một ngày, đơn vị cơ bản của thời gian, là sự công bằng duy nhất của Thượng Đế mà con người được nhận, một kẻ cùng đinh, thất phu, tàn phế cũng được thụ hưởng như bậc vương tôn, công tử, như người đầy quyền lực, tài sản, nhan sắc. Cả thế giới này họa may chỉ còn đây là sự công bằng duy nhất, tương đối.