Tuesday, August 25, 2015

1946. TRẦN HOÀI THƯ Viên Linh,Nguyễn Đức Sơn: hai “tài năng mới” của Hiện Đại



TRẦN HOÀI THƯ
Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn:
hai “tài năng mới” của Hiện Đại




Theo Nguyên Sa, sự hiện diện của tờ báo báo văn nghệ có thể bao hàm nhiều ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa phong phú nhất là sự dâng hiến một phần đất đai cho sự xuất hiện của những tài năng mới. (HĐ số 1 tháng 4-1960  trang 39)

Để chứng tỏ về sự dâng hiến này,  Hiện Đại số 1 dành đất cho Trần Thy Nhã Ca:

Người con gái Huế xây ngôi nhà đầu tiên của thành phố tương lai ấy tên là Vân. Hãy nghe những bài nhã ca buồn và nhẹ khởi đầu.

Sau số 1, thơ Trần Thy Nhã Ca hầu như xuất hiện thường xuyên trên Hiện Đại. Với 9 số, 7 số có thơ Trần Thy Nhã Ca!

Hiện Đại tập hai, Nguyên Sa tiếp tục giới thiệu thêm Hoang Vu, Viên Linh, Vũ Dạ Khúc.

Phần đất dành cho một người của Hiên Đại được gửi vào ba cánh tay: Hoang Vu, Viên Linh, Vũ Dạ Khúc. Bởi vì ở ba cánh tay ấy đều có những ngón buồn. Điệu buồn chung của những linh hồn nhỏ đổ vào nhau giống như những con đường heo hút chạy về một công trường sa mạc. Có phải nỗi buồn tập hợp trên mắt những người tuổi trẻ ấy phảng phất niềm đau của thế kỷ bây giờ ? (N.S)

Hiện Đại tập 3 dành phần đất cho:

Nguyện, Sao Trên Rừng, Tường Phong, Mai Sử Giương và Hoa Cúc Huyền.

Chủ đích giới thiệu trong mỗi số báo một tài năng mới của chúng tôi bị phá đổ bởi số thơ đông đảo từ bốn phương gửi về. Không thể giới thiệu một kỳ một thi tài được. Mặc Đỗ, Thanh Nam, Đinh Hùng, Hoàng Anh Tuấn đều nói lên như thế. Bởi vì sự chờ đợi sẽ trở nên đè nén, u uất với số đông. Do đó, HĐ trân trọng mời Nguyện, Sao Trên Rừng, Từong Phong , Mai Sử Giương, Hoa Cúc Huyền dựng xây trên mảnh đất bé hẹp này năm ngôi nhà nhỏ ấm. Và với người hoài nghi dò hỏi: sao nhiều tài năng thế ? Tôi trả lời: có lẽ vì dân tộc Việt Nam là dân tộc thi sĩ. (NS)

Cần ghi chú ra đây: Hoang Vu là bút danh của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Mai Sử Giương là bút danh của nhà văn Nguyễn Nghiệp Nhượng. Sao trên Rừng là bút danh của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, Tường Phong là bút danh của Nguyễn Đình Niên. Bút danh này được giữ mãi không thay đổi.

Với cách hành văn của một nhà thơ và ông thầy dạy triết, những lời giới thiệu của Nguyên Sa trên ba số Hiện Đại (số 1, 2 và 3) quả thật là nồng nàn. Nhưng  sự thật không phải vậy. Có người không vui không nói ra. Có người ấm ức. Cũng có người hãnh diện.

Người hãnh diện là Trần Thy Nhã Ca. Bởi cả phần đất giới thiệu tài năng mới của Hiện Đại dành hết cho Trần Thy Nhã Ca và thơ TTNC xuất hiện đều trên những số kế tiếp. Tuy nhiên có người mãi đến 50 năm sau, mới giải tỏa về cái huy chương “tài năng mới”  một cách rõ ràng nhân cái chết của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Người ấy là Viên Linh:

Năm 1959, trong một lúc sa xảy với nghề báo, tôi theo bạn lên dạy học tư ở Ban Mê Thuột. Rời Sài Gòn tạm một thời gian, sách vở đồ đạc nặng gửi lại nhà một đồng nghiệp, thình lình một hôm nhà giáo dạy cùng trường Bạch Ðằng đưa cho tôi xem tờ tạp chí Hiện Ðại. Trên cùng một trang báo có “bài Phượng Liên” của tôi đăng dưới bài “Mang Mang” của Hoang Vu. Tôi không gửi thơ cho Hiện Ðại, mà do người bạn nơi tôi để lại đồ đạc sách vở, đã lấy bài thơ tôi viết cho em Phượng Liên ở Huế, cũng là bạn chung, và là bạn thư từ với tôi, đưa cho nhà thơ Nguyên Sa. Như Võ Phiến nhớ đúng khi anh viết đã đọc thơ phiếm của Thần Ðăng (Ðinh Hùng) và thơ Viên Linh trên nhật báo Ngôn Luận (giai đoạn 1954, 55). (2). (2. Võ Phiến, văn học miền Nam, tổng quan, Văn Nghệ 1986, tr.180). Tới năm 1960 tôi đã có vài chục bài đăng trên các tạp chí Văn Nghệ, Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Gió Mới, nhưng Nguyên Sa viết như đây là những cây bút lần đầu xuất hiện, mặc dù anh có thòng một câu kiểu búa lớn: “Có phải nỗi buồn tập hợp trên mắt những người trẻ tuổi ấy phảng phất niềm đau của thế kỷ bây giờ?” (3) (3. Nguyên Sa, tạp chí Hiện Ðại số 2, 5.1960, tr.102. [Cảm ơn thi sĩ Thành Tôn đã cho mượn tờ Hiện Ðại.]

(trích Viên Linh: Bài thơ đầu đời của Nguyễn Xuân Hoàng , Nguoi Việt online 24-9-2014)

Qua lời trần tình của nhà thơ Viên Linh, chúng ta thấy ông đưa ra hai dữ kiện để chứng minh ông không phải là tài năng mới như Nguyên Sa  giới thiệu:

Thứ nhất là ông đã có thơ ở nhât báo Ngôn Luận (giai đoạn 1954, 1955).

Thứ hai là ông có nhiều thơ trên Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn Nghệ.

Dữ kiện thứ nhất không thể chứng tỏ tài năng của Viên Linh, vì Ngôn Luận là nhật báo.

Dữ kiện thứ hai, các bài đăng ở Sáng Tạo của Viên Linh được tìm thấy chỉ ở Sáng Tạo bộ mới (tục bản tháng 7-1960), Thế Kỳ 20 (xuất bản tháng 7-1960). Riêng Văn Nghệ chỉ có mặt vào năm 1961 trong khi đó, bài thơ “bài Phượng Liên” lại được đăng trên Hiện Đại số 2 tháng 5-1960.

Chính nhà thơ VL cũng xác nhận về  mốc thời gian của ba tạp chí mà ông đề cập, trong Nguyên Sa và tạp chí Hiện Đại. NguoiViet Online 01-4-2014:

Hiện Ðại  (Nguyên Sa Trần Bích Lan), 4.1960. Thế Kỷ 20 (Nguyễn Cao Hách-Nguyễn Khắc Hoạch), 7.1960. Sáng Tạo (Mai Thảo Nguyễn Ðăng Quý), tục bản, 7.1960. Tạp chí Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong không được kể vào bài này vì số 1 ra đời chậm hai tháng: 2.1961).

Riêng nhà thơ Sao Trên Rừng thì sự chia đất này làm  ông “nhục nhã chưa từng thấy”.  Ông phản ứng lại bằng tự quay roneo 200 bản tập thơ Những Bài Tình Đầu để chứng tỏ  về sự có mặt của Sao Trên Rừng ngay từ năm 1958:

Toàn thể 4 tập trong NHỮNG BÀI TÌNH ĐẦU đã chép tay 2 bản tháng 12/1958, một chôn ở bờ biển Nhatrang một đốt ở Saigon sau khi cố gắng kiệt lực và tuyệt vọng để in.  Ngoài ra, hai năm sau, tháng 2/1962, nhờ còn bản thảo chính, để giải quyết phần nào ẩn ức, chịu đựng tất cả mọi đắng cay và nhục nhã chưa từng thấy, tác giả đã cho quay ronéo 200 cuốn một cách rất tạm bợ và dơ dáy, tạm bợ và dơ dáy như một ngôi nhà lá chiếu chăn mùng màn hôi hám ở Gò Vấp hay Ngã Ba, nơi tác giả đã từng vươn vai khỏe khoắn bước ra. Loạt viết tay và loạt quay ronéo đều ký tên tác giả từ buổi thiếu thời là SAO TRÊN RỪNG.

(trích Nhưng bài tình đầu thi phẩm của Nguyễn Đức Sơn).

Cần ghi nhận ra đây là sau số được giới thiệu, tất cả nhà thơ “tài năng mới” – trừ Trần Thy Nhã Ca, không thấy thơ họ xuất hiện trên Hiện Đại.

Có lẽ gặp phản ứng không thuận lời, nên kể từ số 4 trở đi, không còn thấy mục giới thiệu những tài năng mới xuất hiện trên Hiện Đại nữa.

Theo ý kiến của chúng tôi, việc làm của nhà thơ Nguyên Sa không tế nhị chút nào. Ông không hiểu nỗi tự ái, cao ngạo của nhà thơ là to lớn như thế nào Không thể gom một số người đông đảo để chia đất, để ví như những cánh tay trong khi ông lại dành nguyên cả thửa vườn thênh thang cho Trần Thy Nhã Ca.

Măt khác, đây cũng là một bài học sau này cho nhà thơ Viên Linh. Những tạp chí như Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thời Tập, ông đã tránh được điều này, khi dành tất cả sự trân trọng cho những người mà ông giới thiệu. Ví dụ Nguyễn Bắc Sơn, Vũ Hữu Định, Cao Huy Khanh, Chóe…



Ngay cả bản thân tôi, với đoản văn Mưa Đầu Mùa đăng trên Khởi Hành, thay vì Trần Hoài Thư, Khởi Hành lại in: Trần Mai Thi. Tôi không một lời than phiền. Dù vậy ông cũng  đã tự động xin lỗi trong phần nhắn tin số tới.


Để giúp quí bạn đọc có thể thưởng ngọan, thẩm định và hiểu rõ tại sao hai nhà thơ Viên Linh và Nguyễn Đức Sơn lại bất mãn,  chúng tôi đã sưu tập và đánh máy hết tất cả những bài thơ do HĐ giới thiệu và đăng trong phần “trích thơ văn Hiện Đại”.

(Trích từ lọat bài: Giới thiệu tạp chí Hiện Đại chủ đề Thư Quán Bản Thảo số 66 sẽ phát hành vào  tháng 10-2015)



TRÍCH THƠ ĐƯỢC GIỚI THIỆU


S 1 (tháng 4-1960): Trần Thy Nhã Ca


TRẦN THY NHÃ CA 
Ngày tháng trôi đi

Ngày đã xanh vừa dáng tịch liêu 
Đường xa sầu tiếp với cây chiều 
Bầy chim én cũ qua thành phố 
Về gọi thời gian vỗ cánh theo 

Thôi trả cho dòng sông tối đen 
Trả cho người đó nỗi ưu phiền 
Còn đây chút tủi hờn thơ dại 
Rồi cũng xa vời trong  lãng quên 

Mắt dõi theo vừa ngút bóng cây 
Đời chia dăm bảy dấu chân bày 
Tôi,  hồn vẫn đứng yên như tượng 
Trông tháng ngày đi trên cánh tay. 


Thanh xuân 

Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây 
Người đi chưa dạt dấu chân bày 
Bàn tay nằm đó không ngày tháng 
Tình ái xin về với cỏ may 

Rồi lá mùa xanh cũng đỏ dần 
Còn đây niềm hối tiếc thanh xuân 
Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng 
Và nỗi tàn phai gõ một lần 

Kỷ niệm sầu  như tiếng thở dài 
Khuya chìm trong tiếng khóc tương lai 
Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối 
Tôi mất thời gian lỡ nụ cười 

Đời sống ôi buồn như cỏ khô 
Này anh, em cũng tợ sương mù 
Khi về tay nhỏ che trời rét 
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ. 


Bài Nhã Ca thứ nhất 

Tôi làm con gái 
Buồn như lá cây 
Chút hồn thơ dại 
Xanh xao tháng ngày 

Tôi làm con gái 
Một lần qua đây 
Rồi không trở lại 
Ôi mùa xuân này 

Tôi làm con gái 
Một lần yêu người 
Một lần mãi mãi 
Bây giờ chưa thôi

Tôi làm con gái 
Bao nhiêu tuổi đầy
Bấy lần thơ dại 
Buồn không ai hay. 






(HĐ số 1 - trang 39-40)


Hiện Đại số  hai (tháng 5-1960) giới thiệu Hoang Vu, Viên Linh, Vũ Dạ Khúc.


HOANG VU
Mang Mang

Từ xa phố chợ đến giờ
chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
hoang vu chín đến độ thèm
lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
mùa sương phố núi mù sương
nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
chuyện linh hồn với bản thân
bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao
đồi thông xanh tóc nghẹn ngào
ngập ngừng lạnh xuống từ bao lâu rồi
còn tôi, còn chỉ mình tôi
mây bay đầu núi kéo trời lên xa
bàn tay thoáng nổi da gà
thẳm sâu lòng đất nhà ga luân hồi

(*) Hoang Vu là bút danh của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng


VIÊN LINH
Bài Phượng Liên

anh đi hồn tiếc thương nhiều
ngọn soan thưa lấp bóng chiều cuối sân
nẻo sầu đôi dạ phân vân
nửa thân yên ngựa nửa thân tay mình
có hoài tuổi dại không em
trời thôi dáng đỏ thu phiền không gian
mắt em đầy mộng điêu tàn
yên nghe ván ấy xuôi tràng giang xa
thôi cồn với tháp bao la
ngựa đi bước nhỏ mây là cửa ô
mai quen với dạ bơ thờ
hơi nghe lãng đãng sương mờ nhớ nhau
thôi còn giấc ngủ đêm thâu
Một hành lang rộng vây sầu phượng liên



VŨ D KHÚC
Thú tội

Sao đêm xanh, sao đêm xanh huyền hoặc
Rừng đêm sâu trầm xõa tóc ngây cười
Rừng đêm nào vô dáng dấp xinh tươi
Cho ho ra những lời đen xấu số
Trăng đêm mù không bao giờ run sợ
Giữa nửa đêm nằm xác chết lên hơi
Đập niềm đau nâng nát ngực tơi bời
Hơi thở khó như những lời thú tội
Người con gái chưa bao giờ biết hối
Xiết bàn tay đầy móng nhọn sơn son
Mặt hoa kia say rượu chết chưa tròn
Những nhát búa lạc chiều tay quằn quại
Bước em đi không bao giờ gọi lại
Sau đó mình lên Cravatte màu đen
Đêm lại ho, đêm chất sác bên đèn
Lưng ngõ hẻm không tên chìm cuối phố
Em đừng lại bóp mềm tay hơi thở
Vì người yêu đâm lọan xạ người yêu
Em đâm anh tay móng đỏ yêu kiu
Để buồn gọi tên mình hoang rồ dại
Để anh là loài sơn dương giống cái
Tay song song quằn quại xuống trầm đêm
Đừng lạ em dù tiếng nói em mềm
Cho thổ máu buồn ho lên nát mặt
Mưa rét mướt thư mùa thu cắt nát
Ảnh hình em chạy trốn giữa tay anh
Chân đi hoang sầu đến chẵn tay mình
Không đánh thức ngây thơ chìm giấc ngủ
(Nhảy một đọan vì chữ quá mờ)
Em đi ngang hiện diện mặt hiền từ
Trầm đêm lạnh vòng tay tha thứ hết
Anh hết ho và không bao giờ chết
Hồn bay cao nghe đứng dựng thương em
Cho phép em về - chân ráng cho êm
Môi hấp hối chờ trán em kỳ thú 





Hiện Đại số 3 (tháng 6-1960)  giới thiệu Nguyện, Sao Trên Rừng, Tường Phong, Mai Sử Giương và Hoa Cúc Huyền