Wednesday, June 24, 2015

1793. NGUYỄN XUÂN THIỆP Tản mạn bên tách cà phê VỀ NHÀ, VỀ NHÀ




VỀ NHÀ, VỀ NHÀ
Nguyễn Xuân Thiệp




                         
Về nhà, về nhà
Nhà đâu, chỉ thấy đường xa mịt mùng

Hai câu thơ trên là đề từ của một truyện ngắn trong tập Lênh Đênh Qua Cửa Thần Phù của Dương Nghiễm Mậu. Hai câu thơ nghe thật buồn, diễn tả tâm trạng của một con người tuyệt vọng trên đường dài, giữa cõi đời từ nay không còn nơi chốn để đôi chân hướng về.

Với Nguyễn, hoàn cảnh hình như có chỗ tương tự với nhân vật trong truyện. Về nhà, đó là mong ước lớn nhất, thiết tha nhất của một con người. Về nhà, vâng. Nhưng còn nhà đâu nữa mà về. Ở bên kia một con sông, ở bên kia một cánh đồng hay biển rộng, chỗ đó là nhà của ta thuở xưa phải không. Hình như là vậy.


 Vâng, thuở xưa Nguyễn cũng như mọi người, từng có một mái nhà thân ái, che mưa che nắng suốt bốn mùa.

   xin cho tôi được một lần
   trở về trong căn nhà tuổi nhỏ

Nhớ đã có lần mình viết lên như thế. Nó là một ước nguyện. Ngôi nhà đó ở Vương Phủ. À, mới sáng nay thôi, qua không gian ảo, có người nhắc lại: những cây bàng, mái ngói, hàng tre, hàng dừa, cây bưởi bên cửa sổ. Và bờ ao xanh… Có phải rứa không?Sở dĩ người bạn văn nhớ kỹ như thế vì đã nhiều lần, rất nhiều lần mình tả ngôi nhà ở Vương Phủ trong những bài tản mạn. Đó là căn nhà thời thơ ấu, cạnh nhà của Võ Ngọc Trác, nhà thơ siêu thực. Vừa rồi, Đinh Cường về Huế, Nguyễn có nhờ chụp những cây bàng ở Vương Phủ và ngôi nhà thuở ấy. Nhưng trong những tấm hình Cường gởi, không còn thấy đâu bóng dáng ngôi nhà xưa, chỉ có nhà Võ Ngọc Trác (nay cũng hoàn toàn đổi khác) với bàn thờ nhà thơ. Nguyễn cũng có gọi điện cho Trần Vàng Sao ở Vỹ Dạ, hỏi về xóm Vương Phủ, nơi có ngôi nhà thơ ấu, ngày xưa. Trần Vàng Sao trả lời: Anh ơi, đã đổi thay hết cả rồi. Vậy đó, làm sao Nguyễn về tắm lại bến sông sau nhà cô Dạ Khê?

Về nhà, về nhà Đó có thể nào là ngôi nhà ở số 3 Nguyễn Trường Tộ, Đà Lạt. Ngôi nhà nhìn qua hàng thông xuống tận Hồ Xuân Hương. Những bậc thềm đá xưa có bông hoa quỳ nở, cạnh khóm lau gầy. Và trên mái ngói còn mảnh trăng đong đưa? Nguyễn cũng đã hơn một lần nói về ngôi nhà này.

đi qua
đi qua
chiều
trước thềm ngôi nhà ấy
những cánh hồng. khô
của tháng tư. ai vừa đốt
cháy lên
màu nắng. còn đau. ký ức tôi
hay đi qua
khu chung cư trên đồi thông. những bậc đá. và cỏ lau
số 3. nguyễn trường tộ
thấy gì trên con dốc
ngọn đèn. ai thắp lên trong chiều
bông dã quỳ. ôi
đã chết

Ngôi nhà số 3 Nguyễn Trường Tộ. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã hát ở đây. Lê Uyên Phương đã cho Nguyễn nghe Sử Ca ở đây. Nhà văn Võ Hồng và bạn Duy Năng tới thăm Nguyễn ở đây. Và Thanh Sâm, và Đinh Cường, Lê Văn Ngăn cùng nhiều bạn bè nữa từng lui tới, có người ở lại một đêm hay đôi ngày. Căn nhà, chắc vẫn còn đó, với cây thông già, những bậc thềm đá, và khóm lau Còn đóa quỳ vàng, e đã chết cùng mặt trời thuở ấy.

Về nhà… về nhà… Nhà đâu? Căn nhà ở tầng 3 Lô J Cư Xá Thanh Đa nhìn ra mặt sông chăng? Đúng là thế. Ôi con sông, không phải sông Hương mà sáng chiều lúc nào cũng đẹp. Nguyễn và các bạn thường ngồi ở sát balcon, nhìn ra sông uống rượu vào những ngày đầu xuân. Tháng 5 năm 1995, Nguyễn gặp bạn bè ở đây lần cuối rồi ra đi không nghĩ tới ngày trở lại. Từ đó tới nay, tất nhiên bản thân mình và gia đình cũng sống dưới những mái nhà nhưng đó không phải là nhà mình. Với Nguyễn, nhà cha mẹ mình là nhà mình, còn nhà của con cái thì không phải thế huống chi là nhà thuê.  

Vậy, xin nhắc lại: về nhà, đó là mong ước lớn nhất, thiết tha nhất của một con người. Về nhà, vâng. Nhưng còn nhà đâu nữa mà về. Ở bên kia một con sông, ở bên kia một cánh đồng hay biển rộng, chỗ đó là mái nhà của ta thở xưa phải không? Hình như là vậy. Nhưng đường về nay đã quá xa.


Nguyễn Xuân Thiệp