Friday, April 24, 2015

1654. DƯ HOA Truyện ngắn MƯỜI TÁM TUỔI RA KHỎI NHÀ ĐI XA - Thân Trọng Sơn dịch và giới thiệu







Truyện ngắn " Thập bát tuế xuất môn viễn hành" giới thiệu dưới đây là một trong những truyện đầu tay của Dư Hoa, viết vào năm 1986, lúc tác giả, trải qua một tuổi thơ không mấy vui vẻ và sáng sủa thời cách mạng văn hoá, phải mày mò học đọc qua những Đại tự báo, chưa hiểu biết gì về văn chương, sáng tác. Tuy thế, truyện cũng được quan tâm và tán thưởng, nhờ bút pháp độc đáo, lối kể chuyện trộn lẫn hiện thực với khôi hài, qua những chi tiết lạ lùng đến bất ngờ, phi lý. Thành công bước đầu giúp Dư Hoa tự tin, quyết định theo học Viện Văn học Lỗ Tấn và tiếp tục sự nghiệp sáng tác, để trở thành một khuôn mặt sáng giá trên văn đàn Trung Quốc, nổi tiếng khắp thế giới.



Mời xem thêm :  THẰNG BÉ TRONG HOÀNG HÔN


Con đường rải nhựa liên tục lên cao xuống thấp tận ngút ngàn, chừng như được gắn lên trên đầu ngọn sóng. Trong vùng rừng núi này, đi bộ trên đường khiến tôi có cảm tưởng như đang ở trên con tàu. Năm đó tôi mười tám tuổi, vài sợi lông vàng từ râu cằm lay theo gió, tôi thấy quý lắm vì đó là những sợi đầu tiên. Tôi đã đi bộ trên con đường này suốt cả ngày rồi, nhìn thấy bao nhiêu là núi, bao nhiêu là mây, chúng gợi cho tôi nhớ lại những người thân quen nên tôi gọi chúng bằng biệt danh những người này. Nhờ thế mà đi cả ngày rồi nhưng tôi vẫn không thấy mệt. Tôi ra đi lúc sáng sớm, giờ đã cuối ngày, đã thấy những dấu hiệu đầu tiên của buổi hoàng hôn. Tôi chỉ mong thấy xuất hiện một cái quán thôi.

Trên đường đi tôi có gặp vài người, nhưng không ai biết có gì ở phía trước, có cái quán nào không. Ai cũng bảo tôi: " Đi rồi biết! " Tôi nghĩ là họ có lý cả thôi, đó cũng chính là điều tôi đang làm: tôi sẽ biết. Dù sao, tôi vẫn chưa thấy cái quán nào và bắt đầu lo.

Điều làm tôi ngạc nhiên là suốt cả ngày tôi chỉ bắt gặp một chiếc xe. Lúc đó gần giữa trưa, đúng vào lúc tôi có ý muốn nhờ quá giang, thời điểm mà tôi chưa cần tìm ra cái quán lắm, tôi chỉ nghĩ là đi quá giang thì tốt hơn. Tôi đứng ở phía thấp con đường và vẫy tay, cố làm mọi cách để tỏ ra ung dung thôi. Nhưng tài xế lại tỏ vẻ như không nhìn thấy tôi, và chiếc xe chết tiệt, cũng làm ngơ không để ý đến tôi như gã tài xế, phóng vụt qua như tia chớp. Và tôi cũng vụt chạy theo sau, cho vui thôi, vì thực ra tôi chưa bận tâm tới chuyện tìm cho ra cái quán lắm. Tôi cứ chạy theo như thế cho đến lúc chiếc xe khuất dạng, rồi thấy mình chạy kiểu đó tôi bật cười to, và nhận ra là tiếng cười làm tôi khó thở, tôi thôi không cười nữa và lại hăng hái tiếp tục con đường. Tuy thế, tự thâm tâm tôi lấy làm tiếc là không có một cục đá to trong bàn tay mà tôi đã ung dung vẫy.

Tới giờ này tôi thực sự mong đi nhờ xe vì chiều tối rồi mà chẳng thấy bóng dáng cái quán nào. Nhưng suốt buổi chẳng có chiếc xe nào khác xuất hiện. Nếu bây giờ mà có dịp nhờ quá giang xe, nhất thiết tôi phải chặn cho được. Có thể tôi sẽ nằm ra đường, sẽ có cơ may nghe tiếng xe thắng gấp khi tới gần tôi. Vậy mà giờ này không hề có tiếng động cơ nổ. Tôi chỉ còn có thể bước đi, chờ đợi chuyện rất đúng với câu nói: đi rồi biết.

Con đường vẫn lên cao xuống thấp, những điểm cao thu hút tôi, khích lệ tôi cố sức chạy thật nhanh để may ra lên đó sẽ nhìn thấy cái quán, nhưng mỗi lần như thế tôi chỉ nhìn thấy một vòng cung gây thất vọng, rồi lại một điểm cao khác nữa. Dù đã nhiều lần gắng sức chạy lên cao như thế, nhưng lúc nào cũng chẳng có kết quả gì. Lúc này, tôi tiếp tục rảo chân lần nữa, và lần này tôi nhìn thấy, không phải một cái quán, mà một chiếc xe tải. Từ trên cao, tôi thoáng thấy phía sau người tài xế. Không thể nhìn thấy đầu vì anh ta đang cúi gầm vào ca- pô xe mở nghiêng. Đằng sau xe tải chất cao những chiếc giỏ mây, hẳn là chứa đầy trái cây. Mà chắc là chuối. Tôi nghĩ là thế nào bên cạnh ghế tài xế cũng có, và ngồi vào đó rồi tôi có thể lấy ăn. Hẳn là xe đã dừng lại theo hướng hồi nãy tôi đến đây, mà tôi cũng chẳng cần biết hướng nào. Giờ này, tôi chỉ cần cái quán, mà không có quán thì tôi cần một chiếc xe, và xe ở kia rồi, trước mặt tôi.

Tôi phấn khởi chạy về phía tài xế và nói lớn: " Chào ông anh, khoẻ không? "

Hình như tài xế không nghe thấy gì, cứ tiếp tục lục lọi nơi động cơ xe.
" Mời ông anh điếu thuốc. "

Ngay lúc đó, tỏ vẻ cố hết sức, anh ta thò đầu ra ngoài ca- pô, chìa bàn tay đen như than và chụp lấy điếu thuốc. Tôi vội châm lửa cho anh ta, anh rít vội vài hơi, rồi ngậm điếu thuốc nơi môi, tiếp tục chúi đầu vào máy.

Tôi cảm thấy yên tâm, anh ta đã nhận điếu thuốc của tôi, chẳng lẽ lại không cho tôi lên xe. Tôi đi vòng quanh chiếc xe, cũng để xem thử có gì trong mấy cái giỏ đó. Không nhìn thấy được, đành phải nhờ đến lỗ mũi và nó mách bảo mùi táo. Tôi tự nhủ táo cũng được. Một lát sau, sửa xong, anh tài xế đóng nắp xe và nhảy xuống đất. Tôi vội chạy đến chỗ anh ta và lên tiếng: " Anh ạ, cho tôi xin quá giang." Trái với điều tôi tưởng tượng, anh ta đẩy tôi ra bằng bàn tay đen như than và cộc cằn nói: " Tránh ra!" Tôi sững sờ đứng im; anh ta bình thản mở cửa xe leo lên. Tôi nghe tiếng anh đang mở máy. Tôi hiểu rằng nếu bỏ lỡ cơ hội này thì sẽ không còn có dịp khác, vậy thì phải liều, một mất một còn thôi. Tôi chạy qua phía bên kia, mở cửa nhảy lên. Tôi sẵn sàng đánh nhau với anh ta ngay trong ca bin này, tuy thế, vừa leo lên tôi chỉ hét lớn: " Anh còn ngậm điếu thuốc của tôi mà! " Lúc này xe đã khởi động. Anh ta tỏ ra vui vẻ, nhìn tôi và phá lên cười; tôi chẳng hiểu ra sao cả. Tôi hỏi anh đi đâu. Anh ta đáp: " Tôi theo con đường này." rồi vẫn nhìn tôi và nói thân mật: " Muốn ăn táo không?" " Chẳng cần phải xin. Cứ việc lấy ở đằng sau."

Anh ta lái nhanh đến nỗi tôi không biết làm cách nào để rời khỏi ghế trước mà bước ra phía sau. Vậy nên tôi nói: " Thôi khỏi." Anh ta khẩn khoản: " Lấy một trái đi!"

Thấy anh ta cứ chăm chú nhìn mình, tôi nói: " Đừng nhìn tôi kiểu đó, bộ tôi vẽ đường đi trên mặt sao?"

Xe chạy theo hướng hồi nãy tôi tới. Ngồi thoải mái, tôi đưa mắt nhìn ra ngoài và chuyện trò với anh tài xế. Bây giờ chúng tôi đã là đôi bạn tốt. Tôi biết là anh là một kiểu chuyên chở tư nhân. Xe này là của anh, mấy giỏ táo cũng vậy. Tôi nghe tiếng những đồng tiền kim khí trong túi anh. Tôi hỏi: " Anh đi tới đâu?" Anh đáp: " Tôi cứ lái và rồi sẽ biết."

Câu này giống như câu anh tôi nói, tôi cảm thấy một tình cảm thân thiện. Tôi nghĩ là điều đó làm chúng tôi gần nhau hơn. Còn cảnh vật đang lướt qua bên ngoài, chúng hoàn toàn quen thuộc với tôi; những ngọn núi đó, những đám mây đó gợi cho tôi nhớ những con người thân quen mà tôi đã gọi tên bằng những biệt danh. Tôi không bận tâm về cái quán nữa, trong chiếc xe tải, cạnh anh tài xế, ngồi êm trên ghế, tôi thấy thanh thản lắm rồi. Tôi không biết xe sẽ chạy tới đâu, mà anh lái xe cũng không biết. Dù sao, nơi đến có gì quan trọng đâu, chỉ cần là xe đang chạy, mọi chuyện khác, sẽ biết sau.

Nhưng chiếc xe lại hỏng máy lần nữa. Lúc này chúng tôi đã là đôi bạn thân thiết rồi. Tôi đặt tay lên vai anh ta, và anh cũng vậy. Anh đang kể tôi nghe những chuyện yêu đương của mình, kể đến chuyện lần đầu tiên hôn một bạn gái thì xe dừng lại đột ngột ngay trên dốc, chẳng nghe thấy tiếng động gì, kiểu như con mèo bị đột tử. Tài xế lết ra phía trước, mở nắp xe và lại chúi đầu vào bên trong. Tôi vẫn ngồi nơi ghế trước, biết thế nào rồi anh ta cũng nhổm mông lên, cái ca pô mở ra nên tôi không nhìn thấy gì. Tôi chỉ nghe tiếng động anh tài xế gây ra khi sửa xe.

Một lát sau, anh ta thò đầu lên rồi đóng nắp xe. Tay anh bây giờ còn đen hơn trước; anh chùi nhiều lần vào quần áo, rồi nhảy xuống đất. Tôi hỏi: " Thế nào? Sửa xong rồi à?" Anh nói: " Xong rồi, nhưng sửa không được."

Tôi nghĩ thế là hết rồi và hỏi: " Bây giờ ta làm sao đây?" Anh lơ đãng đáp: " Để xem."

Tôi vẫn ngồi trong xe, không biết phải làm gì. Tôi lại nghĩ đến cái quán. Vào giờ này, mặt trời bắt đầu lặn, những ánh sáng đỏ rực xuất hiện phía chân trời, thoáng chút hơi nước vụt bay lên. Trong tâm trí tôi hình ảnh cái quán lại hiện ra, ngày càng rõ rệt hơn. Anh tài xế ra đứng ngay giữa đường, làm vài động tác thể dục theo  các bài hướng dẫn trên đài phát thanh, có vẻ chăm chú lắm. Tập xong, anh bắt đầu chạy từng bước nhỏ quanh chiếc xe. Có thể vì anh ngồi quá lâu trong xe để lái nên cần tập luyện như thế. Nhìn anh ta tập tôi cũng có ý muốn bước ra ngoài. Tôi mở cửa xe và nhảy xuống. Nhưng tôi không muốn làm động tác thể dục, cũng không chạy, đầu óc chỉ nghĩ đến cái quán thôi.

Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy có năm người đạp xe đổ xuống từ trên dốc. Phía sau mỗi xe đạp có chiếc đòn gánh gác ngang, hai bên là hai giỏ mây thiệt to. Tôi đoán họ là những nông dân ở gần đây, đi bán rau cải về. Thấy họ đến tôi vui lắm nên vội đến gần và nói lớn: " Chào mọi người!"

Tới trước mặt tôi, họ xuống xe, tôi vui vẻ chào: " Có cái quán nào gần đây không vậy?". Họ không trả lời mà hỏi lại tôi: " Xe chở gì trong đó? "

Tôi đáp: " Táo." Vừa đẩy xe, cả bọn vừa tiến tới gần xe tải, hai người trong nhóm lẻn vào bên trong xe,  lật nghiêng những giỏ táo, ba người đứng dưới mở nắp đậy cho táo rớt ra. Tôi ngạc nhiên không hiểu chuyện gì xảy ra. Định thần lại, tôi đến gần hỏi: " Các người đang làm cái gì vậy?" Họ làm như không có tôi ở đó và tiếp tục đổ táo xuống khỏi xe tải. Tôi đến sát bên họ, cầm lấy tay một người và hét lớn: " Có người trộm táo đấy!" Một cú đấm dữ dội bay thẳng vào mũi tôi, đẩy tôi ra xa mấy thước. Tôi bò dậy, đưa tay sờ mũi, thấy nó bẹp dí, có vẻ như không gắn vào mặt và bị treo ở đó. Từ vết thương máu chảy ra như nước mắt. Tuy nhiên, khi tôi nhận rõ cái gã đã tấn công tôi thì cả bọn đã leo lên xe đạp bỏ đi. Còn anh tài xế thì đang bước chậm rãi, môi trề ra, thở hổn hển, có lẽ vì chạy mệt. Hình như anh không hề biết việc xảy ra. Tôi nói lớn: " Có người ăn trộm táo của anh đấy!" Nhưng anh ta chẳng quan tâm tới điều tôi nói mà cứ tiếp tục thong thả chạy. Thực tình tôi muốn đấm vào mặt anh ta, để anh cũng có cái mũi bị thương tích vậy. Tôi chạy đến hét vào tai anh: " Có người trộm táo đấy!" Đến lúc này anh ta mới quay lại nhìn tôi. Tôi nhận thấy mặt anh có vẻ mỗi lúc một rạng rỡ, hình như bây giờ anh ta mới nhìn cái mũi của tôi.

Đúng vào lúc này, một nhóm người đạp xe từ trên dốc xuống, sau mỗi xe cũng có hai giỏ lớn, trong nhóm có cả trẻ con. Như một bầy ong, cả bọn vây quanh xe tải. Vài người nhảy vào trong xe, rồi lần lượt ném mấy chiếc giỏ trên đó xuống đất, táo đổ ào xuống như máu trên mũi tôi, cả bọn cuống cuồng chất vào giỏ của mình như một lũ điên. Trong một loáng, toàn bộ táo trên xe đều đổ xuống đất. Khi đó, từ trên dốc lại có mấy chiếc xe kéo xuất hiện và chạy ào đến trong tiếng inh ỏi của động cơ. Các xe kéo dừng lại cạnh chiếc xe tải, mấy gã đàn ông nhảy xuống hốt táo đổ vào xe, các giỏ táo trên xe tải không còn một trái bị vứt bừa bãi ngay lúc đó. Một ít táo rơi vãi ra đất, chúng ngồi xổm xuống nhặt hết.

Chẳng chút e dè, tôi chạy đến bọn này, lớn tiếng nguyền rủa: " Quân ăn trộm!" Tôi nhận ngay những cú đánh đấm hầu như cùng một lúc. Chúng không chừa bộ phận nào trên cơ thể tôi. Tôi bò ra đất trong khi bị mấy đứa nhỏ ném táo vào người, táo nát cả ra trên đầu tôi. Tôi định nhào đến đánh lại mấy đứa này thì lãnh ngay một cú đá ngay sườn. Tôi muốn kêu lên nhưng không còn hơi sức nào. Tôi đổ sụp xuống không còn bò được nữa, chỉ biết nhìn táo bay tới tấp. Tôi đưa mắt tìm anh tài xế, anh chàng đứng tách ra và nhìn tôi cười rũ rượi, tôi hiểu là khi này thân thể tôi còn đẹp hơn cái mũi lúc nãy.

Cơn giận của tôi bỗng chùng xuống. Tôi chẳng màng đến nguyên nhân tại sao. Nhưng điều làm tôi nổi giận nhất là anh chàng tài xế.

Từ trên dốc cao, xe kéo xe đạp lại tiếp tục đổ xuống, dồn vào nơi vừa diễn ra cuộc tàn sát. Tôi thấy được rằng dưới đất lúc này càng ngày táo càng ít đi, và vài đứa trong bọn bỏ đi thì đứa khác lại tới. Những tên đến sau cùng leo lên lục lọi trên xe tải, tôi thấy chúng gỡ cửa kính, tháo bánh xe, phá những ván gỗ. Không còn bánh, chiếc xe tải trông thảm hại, đầu cúi gầm, lún xuống mặt đất. Có mấy đứa trẻ đến nhặt những chiếc giỏ bị vứt ra. Mặt đất sạch sẽ hơn, người thưa dần đi. Giờ này tôi chỉ còn biết quan sát, không thấy tức giận nữa. Tôi ngồi bệt xuống đất, bất động, chỉ còn biết nhìn. Bây giờ trống trải cả rồi, chỉ còn lại một chiếc xe kéo dừng lại cạnh bên xe tải nằm bẹp. Có mấy người đứng nhìn quanh quất, xem thử còn gì  mang đi nữa không. Cuối cùng, chúng leo lên xe kéo và cho xe chạy. Tôi thấy anh tài xế cùng lên xe với bọn kia, sau khi ngồi yên suốt thời gian xe tải bị trộm, rồi nhìn tôi phá lên cười. Tôi nhìn thấy anh ta cầm cái gì đó trong tay: thì ra hắn đã cướp chiếc túi xách của tôi. Trong cái túi là áo quần, tiền bạc, có cả thực phẩm và mấy cuốn sách. Hắn đã lấy mang đi. Tôi thấy chiếc xe kéo leo lên dốc, rồi khuất dạng, nhưng tôi vẫn còn nghe tiếng động cơ. Rồi một lát sau cũng không nghe thấy nữa. Bất chợt, hoàn toàn yên ắng, và trời bắt đầu tối. Tôi vẫn ngồi dưới đất, đói và lạnh, nhưng giờ này tôi không còn gì nữa cả. Tôi ngồi yên như thế thật lâu, rồi bắt đầu bò chầm chậm, khó nhọc, vì mỗi động tác khiến tôi đau dữ dội khắp cơ thể, nhưng rồi tôi cũng bò được. Cuối cùng tôi cũng bò tới chiếc xe tải. Xe trông thật thảm hại, bẹp lún xuống, đâu cũng có vết bầm, tôi tự nhủ, chính tôi cũng có vết bầm đầy người đây thôi.

Tôi mở cửa xe chui vào. Ghế ngồi chưa bị tháo, may cho tôi. Tôi nằm duỗi dài trên khoang xe phía trước. Nghe có mùi xăng chảy, như mùi máu từ cơ thể tôi chảy ra. Bên ngoài, gió càng lúc càng thổi mạnh, nhưng, nằm dài trên ghế, tôi cảm thấy ấm. Tôi hình dung là chiếc xe dù đầy vết bầm tím nhưng bên trong không có thương tích mà có hơi ấm, và tôi cảm thấy trong tôi cũng có hơi ấm như vậy. Tôi đã bỏ công đi tìm một cái quán, mà không hề nghĩ rằng, xét cho cùng, cái quán là nơi đây rồi. Tôi đang nằm trong lòng xe tải, với cảm tưởng đang tắm ánh nắng ban trưa, vào một ngày sáng sủa, không gợn mây, dưới ánh mặt trời êm dịu.

Tôi hồi tưởng là mình đã trải qua nhiều thời gian vui chơi ở ngoài, thật hạnh phúc, rồi, lúc về nhà, thấy ba tôi bên cạnh cửa sổ đang chuẩn bị chiếc túi xách màu đỏ. Tôi chạy đến cửa sổ hỏi: " Ba định đi xa sao?"

Ba tôi quay lại trả lời: " Không phải ba, mà con mới là người ba muốn sẽ ra đi."
" Ba muốn con đi à?" - " Đúng vậy, con đã mười tám tuổi rồi, con phải đi để biết thế giới bên ngoài ra sao." Thế là tôi đã khoác chiếc túi đỏ xinh đẹp đó lên vai, ba tôi vỗ nhẹ sau đầu tôi, kiểu như người ta vỗ sau mông con ngựa. Và tôi sung sướng rời khỏi nhà, như một con ngựa khoan khoái phóng nước đại.


( theo bản tiếng Pháp của Brigitte Duzan )
Nguồn : chinese-shortstories.com

THÂN TRỌNG SƠN

dịch và giới thiệu.