Sinh
năm 1956, cha là Cố Công, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, phụ trách biên tập Giải
Phóng Quân Báo, sống tại khu Bắc Hải, thành phố Bắc Kinh. Thuở nhỏ chỉ đi học
được ba năm ( 1963 - 1966 ) thì phải bỏ học khi cuộc cách mạng văn hoá bùng nổ.
Thời gian này, Cố Công bị đưa về một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Sơn Đông, mang theo
gia đình, sinh sống bằng việc nuôi heo, kiếm củi.
Năm
1974, gia đình trở về Bắc Kinh. Cố Thành làm thợ mộc và những việc linh tinh
khác.
Năm
1979, trên chuyến tàu từ Thượng Hải đi Bắc Kinh, Cố Thành gặp nhà thơ trẻ xinh đẹp Tạ Diệp, tiếng sét ái tình ập xuống
hai người. Sau khi trở về, họ trao đổi thư từ với nhau trước khi quyết định kết
hôn vào năm 1983, mặc dù gia đình cô gái không đồng ý.
Cố
Thành tham gia nhóm nhà thơ chủ xướng phong trào " mông lông thi " của
Bắc Đảo và Mang Khắc, xuất hiện trên tạp chí Thiên Kim của nhóm này. Các nhà
thơ mông lung bắt đầu nổi tiếng. Cố Thành được mời dự nhiều cuộc hội họp, đọc
thơ, ở trong nước và cả ở các thành phố châu Âu ( Bonn, Vienna, Paris, London... ), lúc nào cũng có Tạ Diệp đi
cùng. Chẳng bao lâu, thơ mông lung bị các nhà bảo thủ công kích. Tạp chí Thiên
Kim bị đóng cửa sau hai năm hoạt động. Năm 1986, Cố Thành tham gia một buổi
sinh hoạt thơ tại Bắc Kinh và gặp phải những ý kiến chê trách nặng nề của các
nhà thơ trung thành với thơ ca truyền thống. Một nữ sinh viên, Lý Anh, lên tiếng
bênh vực, hai người thân nhau từ đây. Ban đầu, Cố Thành không có ý theo đuổi Lý
Anh nhưng cô gái lại muốn tiến xa hơn. Năm 1987, vào đêm hôm trước lúc vợ chồng
Cố Thành đi châu Âu, Lý Anh đến nhà và bày tỏ tình cảm của mình trước mặt Tạ Diệp.
Năm
1988 Cố Thành và Tạ Diệp sang sống tại New Zealand: Cố Thành được mời dạy đàm thoại tiếng Trung tại
Đại học Auckland.
Vào lớp, Cố Thành ngồi lặng lẽ nhìn sinh viên, chờ họ nói. Về phía sinh viên, họ
cũng im lặng chờ thầy lên tiếng. Rốt cuộc sinh viên không học được gì nên không
đến lớp nữa. Sự việc bị phát hiện và Cố Thành bị sa thải. Sau đó, cả hai chuyển
đến một căn nhà tồi tàn không có điện nước tại Waiheke, một đảo nhỏ trong vịnh Auckland. Một cuộc sống khép kín,
tách rời với xã hội, họ sinh đứa con trai đặt tên là Mộc Nhĩ, tên loài nấm mọc
trên gỗ mục, sống qua ngày bằng cách nhặt sò hến, hái lượm trái cây, rau củ hoặc
làm những vật dụng thô sơ bằng gốm để mang ra chợ bán.
Hầu
như họ không giao tiếp với ai, Cố Thành không chịu học tiếng Anh hoặc bất kỳ một
ngôn ngữ nào khác. Khó khăn lại càng tăng thêm khi Cố Thành bỗng nhiên muốn
thuyết phục Tạ Diệp để đưa Lý Anh sang chung sống. Năm 1990, Lý Anh bay sang đảo
Waiheke, với toàn bộ chi phí về thủ tục và di
chuyển do Tạ Diệp đài thọ.
Cuộc
sống trên đảo của gia đình tay ba chẳng dễ chịu chút nào do thu nhập quá ít ỏi
và do những cơn bốc đồng, giận dỗi, cãi vã của Cố Thành. Năm 1992, Cố Thành được
mời sang Berlin (
Đức ) theo một chương trình trao đổi văn hoá, cả Tạ Diệp và Lý Anh đều cho đây
là lối thoát cho mọi người. Hai vợ chồng quyết định bay sang Berlin, ( thật ra chỉ vì muốn kiếm ít tiền về
sửa nhà ). Lý Anh vẫn ở lại Waiheke
chờ
đợi. Nhưng rồi Cố Thành ngày càng tỏ ra trầm uất và hoang tưởng. Anh nói muốn mua súng, và có lần tìm cách bóp
cổ Tạ Diệp. Lại có lúc anh nói sẽ rất vui nếu bị Tạ Diệp giết. Cuối cùng anh phải
vào bệnh viện tâm thần nhưng mấy ngày sau phải trở ra vì Tạ Diệp tỏ ý không muốn
trả viện phí và không chịu trách nhiệm về anh. Một năm sau, đúng vào ngày sinh nhật thứ 37
của Cố Thành, hai vợ chồng trở về New Zealand thì Lý Anh đã bỏ đi. Ngày
8/10/1993, Cố Thành dùng rìu hạ sát vợ rồi treo cổ tự tử.
Cuộc
đời ngắn ngủi của Cố Thành thật là ly kỳ, trang phục của anh cũng kỳ lạ không
kém: ở đâu và lúc nào anh cũng đội chiếc mũ hình trụ, may từ ống quần jean cắt
ra. Tại sao không chịu rời chiếc mũ ra? Anh giải thích đội như thế để ý tưởng
không thoát ra khỏi đầu! Tạ Diệp cho biết thêm là ngay cả khi ngủ anh cũng
không bỏ mũ ra, để những giấc mơ không bay ra ngoài được! Còn chuyện anh làm
thơ chắc hẳn cũng khiến nhiều người ngạc nhiên: làm thơ ngay từ lúc chưa biết
chữ. Khi mới lên sáu, một hôm cùng gia đình đi vào rừng, Cố Thành nhìn thấy một
cành cây gãy vì bị mục rỗng mấy lỗ, anh bất ngờ bật lên hai " câu thơ
". Người chị là Cố Hương về nhà ghi lại, và đây được xem như bài thơ đầu
tiên của Cố Thành còn được lưu giữ:
CÂY DƯƠNG
Mất
một cánh tay
Tôi
mở to con mắt.
Bài
thơ TRĂNG SAO TỪ ĐÂU TỚI? cũng ra đời trong hoàn cảnh tương tự. Những năm khốn
khó cùng gia đình chăn heo tại Sơn Đông là thời gian nguồn thi hứng của Cố
Thành phát tiết mạnh mẽ."Ngẫu hứng cùng cuộc đời" và " Tụng
ca thế giới " viết năm 1971 bộc lộ khuynh hướng thả trí tưởng tượng
bay bổng theo vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên với bướm hoa, núi rừng, sông biển...
Sự hồn nhiên, chân thật trong thơ của anh là một làn gió mới, tinh khôi, tươi
mát, giữa không khí nặng nề, khốc liệt của thời cuộc. Cũng vào thời gian này,
các nhà thơ trẻ như Bắc Đảo, Mang Khắc, Thư Đình bắt đầu sáng tác, báo hiệu cho
trường phái " thơ mông lung " nổi đình nổi đám một thời gian.
Sau
này, Cố Thành tiết lộ anh chịu ảnh hưởng nhiều từ Henry Fabre, nhà côn trùng học người
Pháp với những bài viết và tranh vẽ, trong đó những
sự vật nhỏ bé trong môi trường tự nhiên được quan sát và mô tả với cảm xúc của
người chiêm ngưỡng, chứ không phải là nhà khoa học. Học theo thần tượng của
mình, Cố Thành sưu tập côn trùng, ngắm nhìn chim chóc, và lấy cảm hứng để viết.
" Tôi nghe thấy một tiếng động kỳ bí trong thiên nhiên. Tiếng động này
biến thành thơ trong đời tôi."
" Điều gì đã đưa tôi đến với thơ? Một giọt mưa. Trên đường đi học
hàng ngày, tôi thường đi ngang qua một cây thông. Một hôm, hẳn là sau cơn mưa,
cảnh vật mát mẻ, trong lành. Và bỗng nhiên cây thông loé sáng với những giọt
mưa lung linh bám vào cành và lá. Tôi thấy trong mỗi giọt mưa có vô số cầu vồng
đang chuyển động, dưới bầu trời xanh tuyệt đẹp. Tôi nhận ra rằng mỗi giọt mưa
bé nhỏ chứa cả vũ trụ. Cái thế giới chói loà trong mỗi giọt nước trong lành và
xinh đẹp hơn cái thế giới ta đang sống. Thơ là một giọt nước mưa lấp lánh trên
cành cây của lý tưởng." (
Ý tưởng này khiến ta liên tưởng tới câu thơ trong bài Tức hứng của Nguyễn Trãi:
" Vũ dư sơn sắc thanh thi nhãn " - Sau mưa sắc núi làm trong trẻo mắt
thơ ).
Nhà
thơ càng thêm tuổi, tất nhiên thơ càng " người lớn " hơn, càng sâu sắc
hơn, nhưng vẫn là tình yêu đối với cái đẹp:
CÁI ĐẸP
Cái
đẹp mà tôi hằng khao khát
Là
vĩnh hằng nếu so với cuộc sống
Cái
đẹp của cuộc sống không ngừng biến đổi
Và
cuối cùng cũng chỉ là tro bụi thôi.
Vẫn
là tình yêu đối với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá:
SINH NHẬT
Vào
ngày sinh nhật
Tôi
nhận được chiếc ví sặc sỡ
Tôi
chẳng có tiền
Và
không thiết gì những đồng xu vô bổ.
Tôi
chạy ra sau ngọn đồi xa lạ
Ngắm
những bông hoa rực rỡ
Tôi
tự nhủ: giờ mình đã có một nhà kho
Để
chứa những hạt hoa trong đó.
Chiếc
ví được nhét đầy hạt hoa
Vài
hạt đen nhánh
Tựa
như những con mắt ngộ nghĩnh dễ thương.
Và
tôi bảo những hạt hoa: Đừng sợ
Tôi
sẽ mang các em đến căn nhà mùa xuân
Và
các em sẽ có được
Những
áo khoác màu xanh
Và
những chiếc mũ bông nhiều màu sắc trên vành.
Tôi
có chiếc ví nhỏ
Tôi
chẳng cần tiền
Chẳng
cần những đồng xu tẻ nhạt
Không
thể đâm chồi nẩy lộc
Tôi
chỉ cần nhét vào ví những hạt hoa nhỏ xinh
Mà
tôi biết từng ngày sinh.
Những
năm tháng cuối đời của Cố Thành đã kết thúc như một bi kịch. Tuy thế, anh vẫn kịp
để lại cho đời những bài thơ tuyệt đẹp. Cố Thành vẫn được nhắc đến như nhà thơ
nhiều sáng tạo, một khuôn mặt lớn của nền thơ ca Trung quốc hiện đại. Thơ Cố
Thành đã được dịch sang nhiều thứ tiếng ( Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Đan Mạch...
).