Friday, March 20, 2015

1587. NGÔ THẾ VINH Tháng ba Thanh Tâm Tuyền rũ bỏ ký ức không thể khác




Ngô Thế Vinh
Tháng ba Thanh Tâm Tuyền
rũ bỏ ký ức không thể khác


Chân dung Thanh Tâm Tuyền 1993 
by Đinh Cường


Hắn rũ bỏ ký ức, và đi
Prélude Cho Những Chuyến Đi, Về (1982)
Rũ bỏ ký ức – ký ức người
Vài khúc dạo tặng tri âm (1988)
Tới lúc tôi phải viết như không có gì đã xảy ra, như không có gì biến đổi. Đến lúc nào tôi sẽ có thể có được điều như vậy? Để có thể viết trở lại (1993)

Thanh Tâm Tuyền sinh tháng 3 [13/03/1936] cũng mất tháng 3 [22/03/2006].  Bài viết ngắn tháng 3 [22/03/2015] này để tưởng nhớ 9 năm ngày mất Thanh Tâm Tuyền.


Thanh Tâm Tuyền tên thật Dzư Văn Tâm, sinh tại Vinh, Nghệ An. Mồ côi cha rất sớm. Đi dạy học từ 16 tuổi, viết truyện đăng trên báo Thanh Niên, TTT sinh hoạt trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội với Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp; cùng chủ trương tập san Lửa Việt. Di cư vào Nam 1954, TTT viết cho tuần báo Dân Chủ, Người Việt và là một trong những cây viết chủ lực tạp chí Sáng Tạo cùng với Mai Thảo, có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam khoảng từ 1956-1975 và cả những năm về sau này.

TTT bị động viên từ 1962, cấp bực cuối cùng đại úy. Sau 1975 bị đi tù 7 năm qua nhiều trại giam khắc nghiệt ngoài Việt Bắc. TTT ra tù 1982, ít ai biết mấy năm sau đó TTT đã mất đứa con trai lớn trên đường vượt biển; từ 1986 cho đến khi TTT mất, anh đã không ngừng khắc khoải trong vô vọng lần tìm tin tức và dấu vết đứa con mất tích ấy. Sang định cư tại Hoa Kỳ từ 1990, sống trong ẩn dật. TTT mất ngày 22 tháng 03 năm 2006, khi mới bước vào tuổi 70.

Đã xuất bản:

_ Thơ: Tôi không còn cô độc (1956), Liên – Đêm, Mặt trời tìm thấy (1964, Sài Gòn), Thơ ở đâu xa (1990, Mỹ).
_ Truyện: Bếp Lửa (1957); Khuôn Mặt (1964), Dọc đường (1967), Cát lầy (1966), Mù Khơi (1970), Tiếng động (1970).
_ Một số tác phẩm chưa xuất bản trong đó có tiểu thuyết Ung Thư, đã đăng nhiều kỳ trên báo Văn, Sài Gòn, một tác phẩm quan trọng sau Bếp Lửa được TTT nhắc tới trong bài phỏng vấn 1993. (4)




Nguyễn Xuân Hoàng trong số báo Văn đặc biệt về TTT, đã viết: "Thanh Tâm Tuyền như ngọn cờ đầu của thơ tự do Việt Nam, người làm mới thi ca Việt Nam." (2) Đặng Tiến khi viết bài tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền đã bày tỏ ít nhiều tiếc rẻ là "lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế." Cũng vẫn Đặng Tiến viết tiếp: "bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập Thơ ở đâu xa cũng trở về với những thể thơ truyền thống. Nhưng đây là những bài thơ làm trong lao lý, trong những hoàn cảnh đặc biệt, không cho phép chúng ta suy diễn về lý thuyết. (3)