B A N M A I
Lần đầu tiên
tôi nghe tên ông, là lúc nhà văn Nguyễn Mộng Giác về thăm quê nhà, ông hỏi tôi
có biết địa chỉ nhà văn Mang Viên Long, nghe nói bây giờ đang sống ở An Nhơn,
Bình Định. Tôi là kẻ hậu sinh, ngày ông thành danh tôi chỉ là một đứa bé, khi
tôi lớn lên ông đang sống trong im lặng, làm sao tôi biết được. Cái duyên gặp
tình cờ khi tôi và ông cùng viết cho tạp chí Quán Văn Sài Gòn. Và thân tình từ
đó.
Mang Viên Long
là một người viết sớm, từ những năm còn đi học đã có bài đăng trên tạp chí Văn,
Bách Khoa, Khởi hành, Ý thức... Chỉ trong vòng 4 năm từ 1969 đến 1972 ông xuất
bản 5 đầu sách gồm 4 tập truyện ngắn, 1 tập tùy bút. Cuốn truyện đầu tiên “Trên
đỉnh sa mù” ra mắt năm 1969. Là một cây bút đang lên, ông đột ngột ngưng viết khi
thời cuộc thay đổi, và hơn 20 năm sau mới viết lại với độ sung sức đáng kinh
ngạc. Bắt đầu năm 2003 ông xuất hiện với tập truyện “Biển của hai người”, và
trong vòng 10 năm, ông cho ra đời 16 tập truyện ngắn, phê bình, tạp bút. Những
năm gần đây, trung bình hàng năm ông xuất bản 2 đến 3 đầu sách. Có lẽ 20 năm im
lặng, chiêm nghiệm cuộc đời, những ẩn ức dấu kín được dịp tuôn trào, ông viết
không ngưng nghỉ.
Mang Viên Long
là nhà văn trung thành với lối viết cổ điển, thiên về hiện thực. Thời gian
trong truyện của ông thường là thời gian tuyến tính, không gian là những miền
quê nghèo khó trên dãi đất miền Trung. Với giọng văn mộc mạc bình dị nhà văn kể
về những cuộc đời bé mọn của kiếp người. Đặc biệt hệ lụy của chiến tranh bàng
bạc trong từng phận người, chúng ta có thể tìm thấy trong “Nỗi khổ không rời,
Hai trường hợp một cuộc tình, Trên đỉnh tháp chuông, Mấy ngày trước giáng sinh…”
hoặc những chuyện tình luôn có kết thúc tan vỡ trong “Bóng mây ngày cũ, Quán
café Tulip”, hay tìm lại một thời đã qua trong “Ngôi nhà mùa hè”.
Đọc truyện của
Mang Viên Long, điều đọng lại trong tôi là một chữ tình, mặc dù nhân vật chính
của ông lúc nào cũng là kẻ thất thế, người thua cuộc, mang nặng nỗi buồn, với
một cuộc đời cô độc, nghèo khó, không gia đình, mồ côi cha mẹ…tuy nhiên, không
phải vì vậy mà ông nhìn đời với lòng thù hận, trái lại là một tấm lòng “thàng
hậu” của người dân xứ Nẫu.