Wednesday, February 18, 2015

1514. CUỐN TRUYỆN CUỐI CÙNG CỦA NĂM SỬU





Ngày cuối năm Giáp Ngọ, nhà thơ Thành Tôn gửi cho mẫu tin văn học trên tạp chí Bách Khoa tháng 1-1974, kỷ niệm một thời sinh hoạt văn nghệ của Sài Gòn. Cám ơn anh Thành Tôn, và xin gửi bản tin này đến blog  Phạm Cao Hoàng như một san sẻ với các bạn.



CUỐN TRUYỆN CUỐI CÙNG 
CỦA NĂM SỬU




Trước tình trạng giấy má khan hiếm và phát hành khó khăn, ông Nguyễn Hiến Lê khi trả lời cuộc phỏng vấn của tạp chí Thời Tập có tiên đoán là sang năm 1974, sẽ không có tác phẩm văn nghệ ra đời. Nếu lời tiên tri của nhà văn Nguyễn Hiến Lê là đúng, thì tập truyện Sông Sương Mù của Lữ Quỳnh do nhà Ý Thức xuất bản sẽ trở thành một cái mốc văn học : Đó là cuốn truyện cuối cùng của thời văn học khốn khó.

Tác phẩm mang đủ dấu vết của thời mạt pháp : in xong từ tháng 7 nhưng vì tác giả bận quân vụ, không nhờ ai lo hộ cho việc phát hành. Nhà xuất bản tạm ngưng hoạt động đồng thời  với  tạp chí Ý Thức, đem hết sức tàn vùng dậy lần cuối để thử xem ý thức con người còn đủ mạnh đủ vững giữa một thế giới dày đặc sương mù. Chiều dày tập truyện mỏng manh ( tác phẩm chưa tới 100 trang ). Nhưng không phải là cái mỏng manh của yếu ớt. Đó là cái mỏng sắc bén của lưỡi dao cạo. Mỗi truyện là một nhắc nhở, là một cách đặt vấn đề hết sức thẳng thắn, can đảm. Mỗi nhân vật đều có cá tính thật đậm nét, mỗi lời nói là mỗi cô đọng của tâm thức. Vì vậy cái tên Sông Sương Mù không biểu lộ trạng thái hoài nghi, mà chỉ là cái nền cần thiết cho ý thức sáng suốt.

Nếu không kể ngày in xong, mà chỉ kể ngày Sông Sương Mù xuất hiện như một thời điểm văn học thì tác phẩm thứ nhì của Lữ Quỳnh có đầy đủ bản chất của cái phút cuối cùng : thống thiết hy vọng, chói chang và nhất là quý giá ngay trong vẻ mỏng manh.


THU THỦY

(Bách Khoa số 391, 15-1- 1974)