6.
NGÀY THÁNG Ở NÚI RỪNG
SƠN ĐỊNH VÀ NGÂN ĐIỀN
SƠN ĐỊNH VÀ NGÂN ĐIỀN
Tôi trở về trường Nguyễn Huệ dạy
lại được một niên khóa, đến năm học tiếp theo, đang gần cuối học kỳ, thì đến
ngày chính thể Việt Nam Cộng Hòa đang bước vào giai đoạn chuẩn bị sụp đổ hoàn
toàn! Tỉnh Phú Yên, thị xã Tuy Hòa được ban quân quản tiếp nhận một cách êm ả
vào ngày 01 tháng 4, sau đó vài tuần, nhà trường đã có hiệu trưởng mới được
điều động từ chiến khu về, tạm thời sắp xếp lại ban giám hiệu, và kịp tổ chức
buổi lễ “khai giảng đầu tiên”! Tôi và cả gia đình ở Tuy Hòa và
Qui Nhơn đã tạm lánh vào Nha Trang trong những ngày hỗn độn trước đó cũng đã
trở về lại Tuy Hòa sau khi Nha Trang được tiếp quản…
Trước ngày khai
giảng khoảng một tuần, tôi được người hiệu trưởng mới mời gặp riêng trong văn
phòng của ông. Nội dung cuộc gặp là phân công tôi nhận làm người điều hành buổi
lễ khai giảng đầu tiên sắp đến. Tôi đã từ chối lời đề nghị vì cảm thấy mình
không đủ khả năng, kinh nghiệm cũng như tuổi tác không thích hợp (vừa 29 tuổi);
trong lúc nhà trường có nhiều vị giáo sư lớn tuổi hơn (có vị trên 50), uy tín
hơn tôi nhiều. Nhưng ông ta không thay đổi quyết định. Tôi cũng rất phân vân,
chẳng hiểu vì “lý do” gì, do ai đề nghị, khi ông ta chỉ là người mới đến? Rồi
tôi cũng đã nhận ra, tuy nói là “phân công” hay “đề nghị” nhưng đó cũng là
một mệnh lệnh! Tiếp theo, cũng không rõ ai đã “giới thiệu” ông ta lại nhờ
tôi viết giúp cho ông bài diễn văn sẽ đọc nhân buổi sáng ngày khai giảng đầu
tiên ấy. Chuyện này làm tôi quá ngạc nhiên và vô cùng bất ngờ vì lẽ từ
xưa nay tôi đâu quen viết “thể văn” này! Tôi đã nêu ra một số lý do hạn chế của
tôi để mong ông tìm người có khả năng hơn thay thế nhưng cuối cùng ông vẫn
không chịu. Ông ta nói: “Anh cứ viết giúp đi! Tôi sẽ đọc và bổ túc, chỉnh
sửa lại, nếu cần…!”. Một lần nữa, đó cũng là một mệnh lệnh - tôi cũng không thể
làm khác!