NGUYỄN
MINH NỮU
HOÀNG
KHỞI PHONG,
HÀO PHÓNG, LÃNG MẠN, SÂU SẮC, THẲNG THẮN
Hoàng Khởi Phong – Đinh Cường vẽ (1996)
Cái giao tình quen biết giữa Hoàng KHởi Phong và tôi đã hơn
40 năm, thân thiết như anh em ruột thịt và nhiều kỷ niệm mà kể lại giống như kể
chuyện tiểu thuyết.
Hoàng Khởi Phong vừa về thăm lại vùng Hoa Thịnh Đốn, vào tháng 10
năm 2014. Đón tiếp ông là khá nhiều bạn hữu cũ từ ngày xưa như Trương Vũ, Đinh
Cường, Đỗ Hùng, Đoàn Viết Hoạt, Đặng Đình Khiết, Phùng Nguyễn, Phạm Cao
Hoàng, Phạm Nhuận, Phương Thảo và tôi. Ngồi bên nhau kể chuyện ngày xưa, những
kỷ niệm rào rạt trong lòng. Buổi tối, ngồi vào bàn viết, nhìn thấy tác phẩm
Trăng Huyết của Anthony Grey và Nguyễn Ước, tôi bỗng muốn ghi lại vài kỷ niệm
với Hoàng Khởi Phong.
Hồi đó là năm 1971, tôi đang là người lính thuộc Sư Đoàn 23
bộ binh. Chiến trận vùng Tây Nguyện lan rộng và khốc liệt, đợn vị
tôi hành quân lên Pleiku và đóng quân ở căn cứ Hàm Rồng, cách thành phố Pleiku
khoảng 20 km. Căn cứ Hàm Rồng là hậu cứ của Trung Đoàn 47 thuộc Sư Đoàn
22. Tối hôm đó, Nguyễn Quang (bây giờ là nhà thơ Mai Quang
đang chủ trương trang Web Sông Dinh) rủ tôi tới hậu cứ của một Tiểu
Đoàn, không nhớ tiểu đoàn mấy của Trung đoàn 47 để tìm gặp Thế Vũ, một người
bạn văn nghệ. Lần đầu gặp nhau chúng tôi ngồi gần như suốt đêm chuyện trò
về đủ thứ trên đời.
Nửa đêm đầu là ngồi uống trà để thức nói chuyện và kế tiếp nửa đêm
còn lại là vừa nói chuyện vừa lần lượt đi xả, còn nhớ hoài nụ cười mím chi của
Nguyễn Quang khi gọi cái trà mà Thế Vũ đãi là trà Thái Đức, nói lái lại
là trà Thức ...
Trong suốt thời gian đóng quân tại hậu cứ đó, tôi, Nguyễn Quang và
Thế Vũ nhiều lần tụ hội chuyện trò. Có lần Thế Vũ nói cuối tuần này nếu
còn ở đây, tôi sẽ đưa các ông ra Pleku uống cà phê, một quán cà phê mới mở rất
văn nghệ. Thế Vũ kể thêm, quán do hai ông nhà thơ hùn nhau mở để làm chỗ cho
anh em văn nghệ tụ hội, hai ông đó là Mai Trung Tĩnh và Hoàng Khởi Phong. Cả
hai đều là quân nhân, nên vụ mở quán này là chuyện làm thêm cho vui, quán sẽ có
tên là Tay Trái.
Thế Vũ nhìn tôi và nói, “Tôi có nói với Hoàng KHởi Phong là có
Nguyễn Minh Nữu đang hành quân ở đây nên anh Hoàng Khởi Phong nhắn rủ ông cùng ra đó cho vui.”
Tôi vui vẻ nhận lời, vì cả Mai Trung Tĩnh và Hoàng
Khởi Phong đều là những người làm thơ nổi tiếng. Chất trữ tình của Lâu Đài Tình Ái trong một bài thơ
của Mai Trung Tĩnh được Trần Thiện Thanh phổ nhạc đang là một ca khúc mà người
lính nào cũng thuộc, còn Hoàng Khởi Phong thì một tác phẩm thơ Mặt Trời Lên vừa do Đại Nam Văn Hiến
xuất bản cũng đang là để tài nóng để anh chị em trong văn nghệ bàn tán về tính
cách phản chiến và nổi loạn. Cả hai thi sĩ ấy tôi đều mong có dịp làm quen.
Tiếc thay, cái hẹn hồi năm 1971 đó không thực hiện được.
Giữa tuần đó, đơn vị tôi rời căn cứ Hàm Rồng để lên Kon Tum, rồi theo đơn
vị di chuyển về Ban Mê Thuột, khi thì Quảng Đức, có lúc Phan Rang, cũng có lúc
ghé Pleiku vài ba ngày nhưng cũng chẳng biết Cà Phê Tay Trái ở đâu để mà
ghé lại...
Cho đến đầu năm 1973, khi đang tạm dừng dưỡng quân tại Pleiku, buổi
tối tôi cùng đám bạn xuống phố, có cà phê., có rượu, và có cả quậy phá nữa, nửa
đêm trên đường lái xe về đơn vị thì bị Quân Cảnh chặn lại và tống giam vào Đồn
Quân Cảnh Pleiku.
Sáng hôm sau, cả đám bị lôi dậy tập họp trước sân chờ nghe lệnh,
ba thằng bạn cùng đi được gọi lên, cảnh cáo và thả cho về đơn vị, còn tôi
được lệnh chờ trình diện Trưởng Đồn. Tôi hỏi viên Sĩ Quan Trực tại sao
vậy, vì trong đám bốn thằng cùng đi chung, tôi là thằng ...vô tội nhất. Tôi
không lái xe, không quậy phá, cập bậc cũng nhỏ nhất sao tôi phải trình
diện Trưởng Đồn? Viên Sĩ Quan Trực lắc đầu không trả lời mà quay qua giải
quyết những trường hợp khác.
Tôi ngồi chờ tới 10 giờ sáng mới dược gọi vào trình
diện Trưởng Đồn. Sau khi trình diện đầy đủ tên họ số quân, Ông Đại Úy Trưởng
Đồn Quân Cảnh Pleiku ngước nhìn tôi, đôi mắt nheo nheo và hỏi:
-Cậu biết tôi là ai không ?
- Dạ biết
-Tôi là ai?
-Đại Úy là Trưởng Đồn Quân Cảnh.
Ông Đại Úy Trưởng Đồn mặt khó đăm đăm đó bỗng bật cười:
-Mẹ, vậy mà nói biết. Tớ là Hoàng Khởi Phong.
-Trời.
Ông ta gọi ra ngoài cửa, có bạn nào ngoài đó không, xuống câu lạc
bộ lấy cho tôi hai ly cà phê đá...
Buổi trưa đó, một tờ giấy gửi về đơn vị của tôi báo tin tôi vi
phạm quân phong quân kỷ và bị tạm giam tại Đồn Quân Cảnh Pleku 7 ngày. Sau khi
ký tờ giấy và chuyển qua cho văn thư gửi đi, Hoàng Khởi Phong quay qua
tôi vui vẻ, trưa nay tôi dắt cậu đi ăn cơm Tàu, nhà hàng này mới mở ngon lắm,
lát gọi Thái Tăng An ra ăn chung luôn. Thái tăng An là hoa sĩ vẽ rất đẹp,
hiện nay định cư tại Hòa Lan.
Hào Phóng, Lãng Mạn, Sâu Sắc và Thẳng Thắn là những đặc điểm của
Hoàng Khởi Phong. Bốn đặc tính đó trộn lẫn vào nhau tạo nên một phong cách đặc
biệt riêng tư của Hoàng Khởi Phong mà bất cứ ai khi đã quen với ông
đều thấy không thể trộn lẫn với bất cứ ai.
Cuộc chiến rồi đã tàn, chúng tôi không gặp nhau suốt mấy chục năm
trời cho tới khi tôi định cư tại Hoa Kỳ năm 1995.
Lúc đó , nhà thơ Hoàng Khởi Phong đã không còn làm thơ nữa.
Ông đã sống ở Hoa Kỳ hơn hai mươi năm, đã làm công nhân bán xăng, đã làm thợ
tiện, đã làm cộng tác viên báo chí, đã làm chủ nhiệm tạp chí Văn Học và
đã xuất bản hàng chục tác phẩm giá trị.
Sau tập thơ đầu tiên xuất bản trên đất Mỹ là Tuyển tập thi ca 1975-1977 in chung 8
nhà thơ do nhà xuất bản Bố Cái in năm 1978. Hoàng Khởi Phong đã không làm
thơ nữa và những bài viết của ông về những ngày cuối của miền Nam là Hồi ký ngày N+ đã tạo cho ông một vị trí khác trong
dòng văn học Việt Nam Hải Ngoại. Liên tiếp sau đó là các tập truyện ngắn,
cho tới khi chúng tôi gặp lại nhau là ông vừa cho in xong phần đầu của bộ
trường thiên tiểu thuyết Người
Trăm Năm Cũ.
Khi hai cuốn 1 và 2 của bộ trường thiên Người Trăm Năm Cũ in xong
, Giang Hữu Tuyên và tôi đã tổ chức một buổi ra mắt sách tại nhà hàng Saigon
House với hơn 300 người tham dự. Lần đó số lượng sách mà Hoàng Khởi Phong
đem từ Cali lên đã bán hết sạch, sau đó Hoàng Khởi Phong về lại Cali và
phải gửi tiếp sách lên để bán tại vùng Hoa Thịnh Đốn.
Hai năm sau, khoảng năm 2004 tôi về Cali chơi và ở tại nhà Hoàng
Khởi Phong. Lần đó anh đưa tôi một bộ sách khác, cũng hai cuốn, đó là cuốn Trăng Huyết của Anthony Grey và Nguyễn Ước. Đây là
một tác phẩm lạ, vì nó là một tác phẩm có sẵn và hoàn chỉnh của một nhà văn Anh
là Anthony Grey, tựa đề Saigon dày hơn 800 trang, khi đến tay Nguyễn
Ước, lúc đó là một thuyền nhân vượt biên còn đang ở tại đảo Galang, tác phẩm
được viết thêm tới 400 trăm trang nữa, và như anh tôi, Giáo Sư Nguyễn Minh Diễm
viết lời giới thiệu như sau:
"Năm 1982, một nhà báo Anh từng làm việc và trải qua tù đày
tại Trung Quốc nhưng chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam tên là Anthony Grey
xuất bản cuốn tiểu thuyết SAIGON dày gần 800 trang khổ lớn (bản in của Nxb
Little, Brown and Company-Boston-Toronto năm 1982 dày 787 trang kể cả bạt). Có
thể nói Saigon trước hết là một tiểu thuyết lịch sử, vì nó dựa trên những sự kiện
có thật, những diễn biến có thật, nhiều nhân vật có thật và các tình tiết của
truyện trải dài theo dòng chảy của 50 năm lịch sử Việt Nam, từ 1925 đến 1975.
Nó còn mang ý nghĩa lịch sử hơn khi mà để xây dựng tác phẩm, Anthony Grey đã
phải bỏ ra suốt ba năm nghiên cứu sách vở tại các thư viện và thư khố ở Paris,
Luân đôn, Washington D.C. và đại học Harvard. Ông đã tham khảo vài trăm cuốn
sách và hàng ngàn tài liệu liên quan đến Việt Nam. Ông cũng từng gặp, trao đổi
và xin ý kiến của các sử gia, nhà nghiên cứu và nhà báo nổi tiếng thế giới về
những vấn đề của Việt Nam. Trong đó, có chuyên gia về Việt Nam trước thế chiến
thứ hai Virginia Thompson; chuyên gia về Điện Biên Phủ Jules Roy, nhà nghiên
cứu Mặt Trận Giải phóng Miền Nam Douglas Pike, tiểu thuyết gia Frank Snepp và
nhiều người khác nữa, kể cả các chuyên gia về tình báo và quân sự ở Đông Nam Á.
Tinh thần và cung cách làm việc như thế cho thấy tham vọng của Grey là dựng lại
cả một giai đoạn lịch sử của Việt Nam như một tổng hợp, như một bức tranh toàn
cảnh. Chính vì tinh thần làm việc nghiêm túc như thế mà Saigon đã được dùng như
tài liệu giảng dạy về hai cuộc chiến Đông Dương cũng như lịch sử Việt Nam cho
sinh viên sĩ quan Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis. Tác phẩm cũng đựơc dịch
từng phần để làm sách tham khảo cho sinh viên sĩ quan của Học viện Quân sự Hà
Nội, theo bức thư Anthony Grey viết cho Nguyễn Ước được in lại ở cuối sách.
Nhưng trước hết, Saigon là một tiểu thuyết, cho dù nó có bám sát
lịch sử đến đâu, và Anthony Grey khi viết cuốn truyện dài này đã có một mục
đích rõ rệt, như ông xác nhận sau đó, là mang đến sự hoà giải, để “góp phần hàn
gắn những vết thương khủng khiếp và những đau khổ mà người dân ở mọi phía trong
xứ sở Việt Nam vốn đã bị tả tơi vì một cuộc chiến quá dài, dài hơn của bất cứ
xứ sở nào”. Chính vì hoài bão mục đích ấy, mà các nhân vật trong Saigon đều
được Anhony Grey cho một sức sống mãnh liệt, kiên quyết và có phần cực đoan, mê
mị, lúc yêu đương cũng như lúc thù hận, lúc sống, cũng như lúc chết. Nếu coi
Saigon là một sân khấu, thì những con người mà Anthony Grey tạo ra và đưa lên
sàn diễn đều đã sống hết mình, hoạt động hết năng lực và không nghỉ ngơi trước
khi rời khỏi ánh đèn. Những tính cách mạnh mẽ, năng động và cực đoan ấy của
nhân vật có thể là do bản tính cá nhân, có thể là do hoàn cảnh hun đúc, mà cũng
có thể là do một thế lực nào đó cố tình huấn luyện để sử dụng, nhưng nhất định
chúng là nguồn gốc sâu xa của tấn bi kịch kéo dài quá lâu nơi đất nước Việt
Nam, và khiến dân tộc chúng ta đã phải trả một giá quá đắt.
Tuy nhiên, dù Anthony Grey tài ba cách nào thì ông cũng vẫn là một
người phương Tây từ ngoài nhìn vào đất nước Việt Nam, ông có tài giỏi cách mấy
thì ông vẫn không thể nhập vai người Việt Nam, và khung cảnh sống cũng như các
nhân vật ông tạo ra vẫn không tránh khỏi có phần khập khiễng, lạc loài dưới con
mắt phân tích của độc giả người Việt vì họ chỉ là “người Việt gốc ngoại”, được
xây dựng từ kiến thức, sách vở về đất nước, con người cũng như lịch sử và văn
hoá Việt Nam. Tuy nhiên, giống như công chúa ngủ trong rừng, Saigon đã gặp
nguyễn Ước, để khung cảnh và các nhân vật của nó được thổi một luồng sinh khí
Việt Nam để chúng được tái đầu thai. Nguyễn Ước đã làm một công việc chưa từng
có là viết thêm vào một cuốn tiểu thuyết đã xuất bản và đang lưu hành. Từ trên
800 trang của Saigon, ông đã viết thêm khoảng 1/3 nữa để thành trường thiên
tiểu thuyết TRĂNG HUYẾT dài hơn 1200 trang (Bản in của nhà xuất bản Nhân Văn,
Canada năm 2004 gồm hai cuốn cùng khổ với Saigon, dày 621 trang và 645 trang).
Mặc dù giữ nguyên bố cục của Saigon với tám phần, bắt đầu từ năm 1925 đời vua
Khải Định, cho đến cuối tháng Tư năm 1975, Nguyễn Ước đã “viết chêm vào, khi
thì trọn một chương, khi thì vài đoạn nghĩ tưởng, vài lời đối thoại, nhiều nhân
vật phụ, v.v. để chính đính, minh hoạ; đào sâu tâm lý của các nhân vật người
Việt, bổ túc nhiều chi tiết về hoàn cảnh chính trị, khuynh hướng cách mạng bản
địa và thời đại, sự kiện lịch sử, nghi lễ cung đình, phong cảnh, nếp nghĩ, tục
lệ và văn hoá dân tộc, v.v.” và điều mà ông “chủ tâm hơn cả là cố gắng để nói
lên Việt tính của nhân vật và sự kiện, đồng thời trình bày sao cho hợp với cảm
quan của độc giả người Việt”.
Chính trong ý nghĩa ấy, có thể nói là Nguyễn Ước đã góp phần sáng
tạo các nhân vật, và cả khung cảnh sinh hoạt nữa để họ trở thành những người
Việt Nam, sống trong xã hội Việt Nam với những nét văn hoá đặc thù và nhờ thế
mà độc giả người Việt chúng ta có thể buồn vui theo họ. Nguyễn Ước quả nhiên
cũng là một tác giả, và điều độc đáo đã được thực hiện: một tác phẩm tổng hợp
của hai người chưa bao giờ gặp nhau, hoàn thành phần nọ cách phần kia hơn 20
năm đã ra đời như một tổng hợp của kiến thức, tài năng và cảm tính."
Hoàng Khởi Phong nói với tôi về quyển sách này:
- Anh cho rằng đây là tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam hay
nhất từ trước tới nay, tác giả cuốn này là Nguyễn Ước đang có một số trở lực
nên không thể tự xuất bản được, hai bản in mà anh đang cầm đây là hai bản
Nguyễn Ước lấy từ nhà in, đây là 2 trong tổng số 10 cuốn Nguyễn Ước lấy
lén từ nhà in. Những bất đồng giữa Nguyễn Ước với nhà in đã không giải quyết
được, và Nguyễn Ước thực sự cần tìm một người có thể giúp Nguyễn Ước in tác
phẩm này. Em hãy đọc, và nếu được, hãy giúp Nguyễn Ước.
Trên máy bay đi từ Cali về Washington DC, tôi đã đọc một
phần Trăng Huyết, và
thấy rõ là bị cuốn hút về nội dung tác phẩm này đúng như lời Hoàng Khởi Phong
nói, và sau đó ông ghi lại trong phần Bạt của tác phẩm Trăng Huyết khi tôi xuất bản mấy tháng về sau:
"Là một nhà văn tự học qua trường đời và qua các tác phẩm của
những nhà văn đi trước, tôi không học Anthony Grey cách hành văn. Nhưng tôi học
được trong tác phẩm Saigon rất nhiều điều về cách sử dụng những chi tiết lịch
sử cho một cuốn tiểu thuyết lớn, bao trùm một không gian rộng gồm những biến
động xẩy ra tại nhiều quốc gia và trải một thời gian dài suốt hơn nửa thế kỷ.
Sau cùng tôi muốn nói tới những đóng góp của Nguyễn Ước trong
Trăng Huyết. Kể từ khi văn học Việt Nam chuyển từ văn chương Hán Nôm sang văn
chương quốc ngữ đã được hơn một thế kỷ. Trong thời kỳ văn học mới ấy, văn
chương Việt Nam, bằng những bản dịch, đã tiếp nhận rất nhiều tác phẩm của các
nền văn học khác. Một trong những người tiên phong trong việc phỏng dịch các
tác phẩm ngoại quốc có thể kể đến Hồ Biểu Chánh. Một số truyện của tác giả này
là những phó bản của các tác phẩm viết bởi các nhà văn Pháp của thế kỷ 19. Ðiều
đáng nói là Hồ Biểu Chánh không hề ghi chú rằng ông đã mượn cốt truyện của các
tác giả ngoại quốc để chuyển đổi câu chuyện cho phù hợp với đời sống của người
Việt ở trên đất Việt. Thời của Hồ Biểu Chánh là giai đoạn đầu của văn chương
quốc ngữ. Cũng phải nói ngay là ông có công giúp cho các độc giả người Việt
không có khả năng đọc tác phẩm ngoại quốc, có thể cảm nhận được các tác phẩm
ấy. Sau Hồ Biểu Chánh một vài thập niên, cũng có một vài tiểu thuyết gia chuyên
phóng tác các truyện ngoại quốc, vì nhu cầu của người đọc càng ngày càng tăng,
tuy nhiên các cuốn sách này được ghi rõ là phóng tác, và phần lớn nhằm để giải
trí cho người đọc hơn là những tác phẩm văn học. Sau cùng là những tác phẩm văn
học được dịch đầy đủ với toàn bộ câu chuyện, đã giúp cho người đọc ở Việt Nam
tiếp cận thật sự với nền văn học của các nước khác.
Tác phẩm Saigon của Anthoney Grey được hoàn tất năm 1982, với
chiều dầy khoảng bẩy trăm trang, khi được Nguyễn Ước tiếp cận vào năm 2000 đã
trở thành một cuốn tiểu thuyết khác, với một cái tên khác, là Trăng Huyết, có
chiều dầy hơn một ngàn trang và khổ sách cũng lớn hơn. Ðể hình thành Trăng
Huyết, bản thân Nguyễn Ước, theo như ông kể lại ở phần Tái bút, cũng bỏ ra
nhiều năm trời sưu tầm, kiểm tra các tài liệu lịch sử và tham quan các địa điểm
được dùng làm bối cảnh cho câu chuyện.
Nơi bìa trước của cuốn Trăng Huyết, người đọc nhận thấy hai tên
tác giả Anthony Grey và Nguyễn Ước được đặt cùng một hàng. Trong các trang đầu
của cuốn sách người đọc bắt gặp lá thư của Anthony Grey gửi cho độc giả của
Trăng Huyết; ông viết không phải với tư cách của một tác giả cho phép dịch tác
phẩm của mình sang một ngôn ngữ khác, mà là đồng thuận việc Nguyễn Ước cùng
đứng tên với ông làm đồng tác giả của cuốn Trăng Huyết, bởi vì Trăng Huyết đã
có những đóng góp đáng kể của Nguyễn Ước đến độ Anthony Grey không thể phủ nhận
những đóng góp ấy.
Khi so sánh hai cuốn sách, người đọc có thể thấy trong khoảng bốn
trăm trang đóng góp của Nguyễn Ước là những bổ túc cần thiết cho nguyên bản
Saigon, bởi vì sau hai chục năm tác phẩm này hoàn thành, đã có những tư liệu
mới được các văn khố Pháp, Mỹ, Nga, Hoa cho công bố. Ðiều đặc biệt là những gì
Nguyễn Ước đóng góp đã đan chặt lại với nguyên bản, như là một tấm lụa được dệt
nguyên thủy, chứ không phải là một miếng vải khác đắp vào một tấm lụa bị hư
hỏng vài đoạn. Trong Trăng Huyết có những đoạn được viết thêm vào trong các
chương, hơn thế nữa Nguyễn Ước đã dựng thêm một số nhân vật, cũng như đôi khi
đã viết hẳn một chương.
Ðiều thứ hai mà tôi bắt gặp trong tác phẩm này chính là chất văn
chương trong toàn tác phẩm, dù được viết bởi nguyên bản Saigon của Anthony
Grey, hay là bản dịch và sự đóng góp thêm vào trong Trăng Huyết của Nguyễn Ước.
Cả hai tác giả này đã cho người đọc thấy cách sử dụng ngôn ngữ tuyệt vời trong
toàn cuốn sách. Với hơn 1000 trang sách của bộ tiểu thuyết Trăng Huyết, Anthony
Grey và Nguyễn Ước đã làm được một kỳ công trước đó hầu như chưa một cuốn sách
nào đáp ứng được, là gói trọn lịch sử và chiến tranh Việt Nam cận đại của năm
chục năm từ 1925 cho tới 1975. Tất cả những biến động lớn nhất xẩy ra cho Việt
Nam trong nửa thế kỷ này, được ngòi bút tài ba, và tấm lòng ngùn ngụt của hai
nhà văn này đúc lại thành một tác phẩm mà bất cứ ai quan tâm tới Việt Nam đều
nên đọc.
Sau cùng tôi muốn nói về Trăng Huyết và những gì tôi học được ở
Saigon của Anthony Grey qua Trăng Huyết với sự đóng góp của Nguyễn Ước là những
bài học quý giá cho một nhà văn không được đào tạo bởi trường ốc. Tôi chân
thành ngưỡng mộ và cám ơn cả hai tác giả đã cho tôi đọc lịch sử cận đại của
nước tôi, trong một cuốn tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh Việt Nam."
Tác phẩm Trăng
Huyết ấn bản đầu tiên do Kiến Văn Thời Đại xuất bản năm 2005 với lời
giới thiệu của Nguyễn Minh Diễm, bạt của Hoàng Khời Phong và phần phỏng vấn của
Ngô Vương Toại, bìa của Nguyễn Trọng Khôi đã được thực hiện khởi đầu là như
thế.
Buổi trưa, sau buổi cơm hội ngộ với nhau, nhìn Hoàng Khởi Phong nhanh
nhẹn bước ra ngoài sân và rút điếu thuốc hút, Đinh Cường nhìn tôi gật gù , “Ở
cái tuổi của Hoàng Khởi Phong mà nhanh nhẹn như ông ta thật là quá quý”. Bài
viết này cũng trong tinh thần đó, tôi muốn gửi tới anh Hoàng Khởi Phong một lời
khen ngợi về sức làm việc bền bỉ, hăng say trong văn học, những nhận định của
anh về mọi vấn đề rất minh triết và rõ ràng, và vui hơn khi ở tuổi 70 mà
sức khỏe vẫn như thời trai tráng. Chúc mừng anh khi biết Người Trăm Năm Cũ đang dược viết những
chương sau chót để trở thành bộ Trường Thiên Tiểu Thuyết Lịch Sử có
khoảng thời gian trong truyện dài nhất : TRĂM NĂM.
Virginia, tháng 11. 2014
Nguyễn Minh Nữu