Nguyên Minh
Lữ Quỳnh, người bạn văn
suốt
cả cuộc đời tôi
Chân dung Lữ Quỳnh –
Đinh Cường vẽ - 1987
Bây
giờ sau hơn nửa thế kỷ, khi ngồi viết lại những giòng chữ này, tôi vẫn khẳng
định một điều: Nếu không có Lữ Quỳnh thì không có Nguyên Minh.
Phải,
từ năm 1958 tôi về quê nội. Huế. Tôi mới bước chân vào giới văn chương. Thuở ấy
ở đất Thần Kinh có rất nhiều nhóm như một văn đoàn nho nhỏ tập họp những học
sinh, sinh viên tập tểnh làm thơ, viết văn. Gió Mai cũng nằm trong trường hợp
đó. Khởi đầu chí có 4 người: 2 chàng bắt đầu từ chữ Lữ : Lữ Kiều, Lữ Quỳnh và 2
chàng trùng tên chữ sau, Linh: Thùy Linh, Hoài Linh. Khi tôi, Châu Văn Thuận,
Hồ Thủy Giũ nhập bọn thì Hoài Linh đã vào Nam bỏ cuộc chơi. Ngày đầu tiên tôi
dự buổi họp mặt với nhóm Gió Mai, tôi ngồi bên Lữ Quỳnh. Những khuôn mặt xa lạ
đang bô bô nói về văn chương là những cậu học trò tuổi chưa tới 17 ở xứ Huế này
làm tôi hơi khớp. Lữ Quỳnh đưa bàn tay năm ngón dài nắm lấy tay tôi như truyền
hơi ấm, rồi anh cất giọng đọc một bài thơ để tặng người bạn văn là tôi từ miệt
xa mới nhập cuộc.
Một
vài năm sau, Lữ Quỳnh và tôi cùng ở chung một phòng tại ngôi nhà số 9 đường
Hàng Đoác. Đó là dảy nhà sau của ngôi biệt thự xây cất từ thời Pháp thuộc. Anh
chị tôi dành cho tôi một căn phòng nhỏ, sống một mình cũng buồn nên tôi rủ thêm
Lữ Quỳnh về ở chung. Mặc dầu nhiều lần chị tôi mời Lữ Quỳnh dùng cơm với gia
đình nhưng anh đều lấy cớ từ chối. Sau này tôi mới biết là Lữ Quỳnh đi ăn bụi ở
một quán cốc nào đó. Tiền nhuận bút từ những bài văn, bài thơ anh cộng tác với
nhật báo Công Dân ở Huế, tạp chí Mai, Phổ Thông, Bách Khoa ở Sài Gòn. Thuở ấy
có bài đăng ở những tạp chí văn học này là một điều hảnh diện của những người
viết trẻ tuổi như chúng tôi.
Thuở
ấy, ở Huế những anh chàng mới bước chân vào làng văn chương đều tạo cho mình
một chân dung “nàng thơ”. Dung nhan “nàng thơ” lấy từ một cô bạn láng giềng
hoặc một người O, một người chị họ nào đó. Lữ Kiều, Thùy Linh, Lữ Quỳnh cũng
vậy. Những giai thoại về mối tình ngây thơ, hư hư thực thực ẩn hiện trong những
bài thơ, bài văn mà suốt những năm tháng sau này gần hơn nửa thế kỷ “người đó”
nào có hay biết gì, hoặc nếu có, thì cũng âm thầm giữ kin trong tim.
Người
của Lữ Quỳnh đi lấy chồng, Lữ Quỳnh buồn, làm thơ trên những trang giấy học trò
rải đầy trên giường, thức khuya dậy sớm, trằn trọc, nắn nót những giòng chữ
thật bay bướm làm thành một tập thơ mang tên “Thác loạn”. Thuở ấy tôi cứ tưởng
anh đang đau khổ vì biết mình mang một chứng bệnh nào đó như lời anh nói khi
làm tập thơ này. Sau này tôi mới khám phá ra sự thật. Căn bệnh “tương tư” của
một nhà thơ mới biết yêu lần đầu. Đến tuổi xế chiều Lữ Quỳnh bộc lộ tình cảm đó
qua bài thơ:
ngày nào mượn thơ
Nguyễn Bính để tỏ tình chị
nhớ ngày rất trẻ tôi yêu chị
chép Xuân Tha Hương cả chục lần
tết
này chưa chắc em về được
em
gửi về đây một tấm lòng (*)
tặng chị kèm theo tình mới lớn
từng đêm dõi bóng ngoài sân trăng
đem thơ chị ép vào trang sách
chị nhốt tình tôi thật lạnh lùng
từ đó xuân qua rồi xuân tới
chị giã từ tôi đi lấy chồng
tôi đem thơ dại phơi ngày tháng
thương chị từ nay phải bế bồng
rồi tháng ngày qua theo cánh gió
giang hồ em chị tóc pha sương
lòng xưa giậu đổ bờ hiu quạnh
biền biệt tin nhau… nhạn cuối trời
gửi chị bài thơ đang viết dở
nhờ mây mượn gió cuốn thơ đi…
(*)
Nguyễn Bính.(1918-1966)
Con đường mang tên Những linh hồn đứng
Những
đêm trăng thanh gió mát, trời đã về khuya, tôi và Lữ Quỳnh lén leo qua cổng rào
ngôi biệt thự, để ra con đường tráng nhựa láng, đi lang thang dưới hai hàng cây
đoác sừng sững bên vệ đường. Lữ Quỳnh bước những bước chân sải dài, tôi lẽo đẽo theo sau. Trời về khuya, không một bóng người. Cả hai ngồi bệt giữa đường, ánh
trăng chiếu vào những ngọn lá đoác đang lắc lư chạm vào nhau theo con gió thổi,
phát ra những âm thanh như tiếng ai đó
rên rỉ, tỉ tê, từ khu nhà xác của bệnh viện Huế gần đó. Những oan hồn
vất vưởng của những xác chết từ một viên đạn từ một mã tấu mà chiến tranh vừa
ló dạng. Sau 1954 đất nước chia đôi, hưởng đươc không khí thanh bình chỉ vài
năm, ở nông thôn chiến tranh du kích lại tái diễn. Quê hương của Lữ
Quỳnh: Làng Mỹ Lợi bất ổn. Mười năm sau những người thân của Lữ Quỳnh lần lượt
xuất hiện như Chiến nhân vật trong truyện ngắn Cát Vàng, như chàng nhạc sĩ
trong Bóng tối dưới hầm đăng trên tạp chí Ý Thức mà Lữ Quỳnh là một trong những
người chủ trương.
Trở
lại nói về ngôi nhà số 9 đường Hàng Đoác. Lữ Quỳnh đặt tên mới cho con đường,
phổ biến trong nhóm Gió Mai và khi Lữ Quỳnh gởi những bài văn của anh cho các
tạp chí văn học đều ghi phía dưới: Viết từ con đường Những Linh Hồn Đứng. Tôi viết một bài mang tên “Những Linh Hồn Đứng” tặng Lữ Quỳnh
trong tập Tưởng Chừng Đã Quên. Một chi tiết mãi đến giờ vẫn làm tôi xúc động về
tình cảm anh đối với người Mẹ. Thuở ấy tôi mồ côi Mẹ năm 17 tuổi và tôi đau buồn về nỗi mất mát quá lớn. Người Mẹ. Còn cha
tôi đã để lại những dấu ấn khắc nghiệt trong thời thơ ấu nên tình cảm tôi đối
với ông gần như xa cách.
Một
buổi chiều có một người đàn bà, xách một cái giỏ lát đựng những trái cây đứng
trước của phòng tôi, nghe tiếng gõ cửa tôi cứ tưởng chị tôi muốn gặp. Tôi ngỡ ngàng không biết người đang đứng lớ ngớ trước mặt mình. Giọng Huế trọ trẹ: - Có
phải Ngô đang ở đây. Tôi mừng quá, mơ tưởng như Mẹ mình còn sống lặn lội từ xa
cả ngàn cây số ra thăm. Tôi cầm lấy tay bà dắt vào phòng. Tôi ngạc nhiên khi
thấy phản ứng của Lữ Quỳnh, anh không bằng lòng sự hiện diện của người Mẹ tại
đây. Anh luống cuống và năn nỉ Mẹ ra về. Người Mẹ thất thểu bước đi, không
ngoảnh lại. Chiếc giỏ đựng đầy trái cây bỏ lại một góc phòng. Sau đó, suốt đêm
Lữ Quỳnh thao thức, trằn trọc. Nỗi thương nhớ tràn ngập qua trang thơ. Những
tác phẩm sau này như Những Cơn Mưa Mùa Đông, Vườn Trái Đắng, hình ảnh người Mẹ
cứ chập chờn qua trang viết. Bấy giờ tôi mới biết hoàn cảnh thật sự của Lữ
Quỳnh. Anh mồ côi cha từ nhỏ, Mẹ đi lấy chồng khác. Anh sống tự lập.
Hai câu thơ về Mẹ:
…mưa gió ngoài hiên xào xạc mãi
con nằm nhớ mẹ khóc không thôi…
Những
ngày mùa hè, nghỉ học Lữ Quỳnh rủ tôi về thăm quê anh. Làng Mỹ Lợi. Chúng tôi
phải đi ghe máy từ Cầu Hai cả mấy tiếng đồng hồ. Đây là lần thứ hai tôi đến đó.
Năm trước tôi đi với chị Thu Vân (sau này là nhà thơ Trần Thy Nhã Ca). Tôi vẫn
có cảm tình đặc biệt nơi này. Cảnh đẹp, núi Túy vân, bãi biễn cát trắng mịn.
Cuộc sống hai mặt : Ban ngày của quốc gia, ban đêm của du kích. Là nơi sinh ra
đức Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại triều Nguyễn. Cũng là nơi nuôi nấng, ấp ủ những
nhà văn nhà thơ: Lữ Quỳnh, Trần Đình Sơn Cước, Nguyễn Miên Thảo, Chu Sơn…
Tưởng
rằng không bao giờ về sống lại nơi anh đã sinh ra, cùng bao nhiêu kỷ niệm đau
buồn thời thơ ấu. Cũng như tôi. Bỏ Huế vào Sài Gòn làm báo. Lữ Quỳnh bỏ Huế về
quê làm nghề gỏ đầu trẻ. Rồi cũng như những thanh niên khác, đến tuổi phải lên
đường tòng quân. Thời ấy, chúng tôi không có quyền lựa chọn. Chính lịch sử đã
đưa đẩy thế hệ chúng tôi ở miền Nam vào một trong ba con đường. Một là vào rừng
theo Mặt trận. Hai là mặc áo lính Cộng hòa. Ba là trốn chui trốn nhủi. Lữ Quỳnh
may mắn hơn là anh chỉ làm lính văn phòng. Sĩ quan hành chánh quân y. Bệnh viện
Duy Tân, Đà Nẵng. Năm 1966 tôi ra Đà Nẵng trúng ngay thời điểm biểu tình, xuống
đường, có lúc bạo động bắn phá nhau trong thành phố giữa quân ly khai từ Huế
kéo vào, đòi lật đổ chế độ. Tôi và Lữ Quỳnh gặp nhau chỉ
trong giây phút trước khi lệnh giới nghiêm ban hành. Sau đó Lữ Quỳnh bị đổi vào
Bình Định. Ra đi, vì trả giá cho một cuộc dấn thân.
Bấy
giờ thành phố Qui Nhơn đã mở trường Sư Phạm. Nơi từng có dấu vết của Trịnh Công
Sơn. Những bản nhạc như Biển Nhớ, Trường ca Dã Tràng đã ra đời. Nơi tôi và Thùy
Linh mang cả Gió Mai vào cuộc chơi. Nơi chị Kim Nhung gặp chàng thi sĩ Lữ
Quỳnh. Cuộc đời họ gắn vào nhau đến bây giờ. Không hẹn mà gặp. Ra trường chị
đổi về thị xã Phan Rang, trước dó vài năm tôi và Thùy Linh đã về nhận nhiệm sở
tại nơi này.
Lữ
Quỳnh thường vào thăm vợ. Chúng tôi có dịp làm báo Gió Mai tha hương, quay
ronéo; đến sau tết Mậu Thân 1968 có thêm vài anh em khác như Lê Ký Thương, Võ
Tấn Khanh, Ngụy Ngữ, Trần Hoài Thư, Trần Hữu Lục...nhập cuộc để trở thành Ý
Thức. Tờ báo khổ A4, bài vở tập họp những anh em ở rải rát các tỉnh thành miền
Nam. Chủ biên bấy giờ là Ngy Hữu (bút hiệu mới của Thùy Linh Trần Hữu Ngũ) Tôi
chỉ lo phần ấn loát. Tòa soạn: Theo chân
người viết. Thực tế là ngôi nhà
số 11 đường Nguyễn Thái Học – Phan Rang. Tuy là tờ báo quay ronéo nhưng đã có
tiếng vang từ nội dung và hình thức trong giới văn nghệ miền Nam bấy giờ. Tờ Ý
Thức roneo ra được 6 số rồi theo tôi vào Sài Gòn, chính thức thành Bán Nguyệt
san hợp pháp, đứng tên chủ nhiệm: Dược Sĩ Nguyễn Thị Yến, một cô bạn thân của
tôi. Nguyên Minh: Tổng Thư ký Tòa soạn. Bên tôi mấy số đầu tiên có Lê Ký Thương
phụ tá. Lữ Quỳnh là cột trụ Ý Thức, kết hợp một số cây viết có nội lực như
Nguyễn Mộng Giác, Trần Hoài Thư, vào nhóm chủ trương dù anh cùng vợ con chuyển
hẳn vào ở Qui Nhơn. Tại đó Lữ Quỳnh thường xuyên trao đổi về văn chương với
Nguyễn Mộng Gíac, Châu Văn Thuận. Anh lập nhà sách Hàm Thụ trong hệ thống phát
hành sách của tôi, để đẩy mạnh sách báo đến tận tay độc giả.
Tác
phẩm Cát Vàng, Sông Sương Mù, tập họp từ những truyện đăng trên tạp chí Ý Thức
do nhà xuất bản cùng tên của tôi chủ trương. Tập truyện vừa Những Cơn Mưa Mùa
Đông thì do nhà xuất bản Nam Giao của một người bạn tôi.
Một
kỷ niệm mà mãi đến giờ tôi vẫn hình dung rõ mồn một khuôn mặt bỗng trở nên tái
nhạt khi tôi nói đùa: “Tờ Ý Thức chỉ ra đến số 8 rồi bị đóng cửa, nên tôi buồn
quá bay ra Qui Nhơn chơi với anh em.” Lữ Quỳnh lặng người, đôi mắt anh nhìn xa
xăm. Không nở kéo dài nổi buồn của bạn mình, tôi mới nói thật: “Làm sao Ý Thức
chết được, tôi ra bàn tính với anh là
thay đổi hình thức tờ báo từ khổ chữ nhật mà hầu hết các tạp chí ở Sài Gòn đang
thịnh hành thành khổ vuông đặc biệt riêng mình một cõi.” Lữ Quỳnh nở nụ cười
tươi, đưa bàn tay nắm chặt lấy tay tôi như một lời cám ơn. Tôi như được tiếp
sức.
Những
ngày tôi ra Qui Nhơn tôi ở nhà Lữ Quỳnh, bấy giờ anh chỉ có đứa con đầu lòng.
Một buổi sáng, ánh nắng chiếu qua khe cửa thành một vệt dài tình cờ tôi bắt gặp
hình ảnh cậu bé sáu tháng tuổi đưa bàn tay nhỏ ra chụp lấy nguồn ánh nắng đó
như một trò đùa, rồi cậu bé nở nụ cười như vừa khám phá ra một điều gì. Tôi gọi
Lữ Quỳnh phán một cậu “Lữ Quỳnh sẽ có người nối dõi văn chương sau này đó”.
Thật vậy. Mấy mươi năm sau nhà văn Phan Triều Hải với tác phẩm Vào đời, Một
người nằm trên mái nhà, Tôi đi học. Còn Lữ Quỳnh thì im hơi lặng tiếng. Dù
những năm tháng sau 1975 ở Huế rồi vào Sài Gòn qua bao nhiêu khó khăn, làm đủ
nghề để sinh sống, cuối cùng anh cũng đeo mang con đường chữ nghĩa, không phải
sáng tác nhưng chuyển qua làm xuất bản, in ấn. Anh liên kết với nhà xuất bản
Trẻ, Văn Nghệ, chăm chút từng trang in của các tác giả trong nước như Sơn Nam, Đỗ
Hồng Ngọc, các tác giả nổi tiếng từng được giải Nobel như Hemingway, Gabriel
Marquez...
Rất
tiếc Lữ Quỳnh còn một tác phẩm đăng trên Ý Thức dở dang là truyện dài “Vườn
Trái Đắng” mà bản thảo duy nhất đánh máy, trước năm 1975, đã bị sở Phối hợp
Nghệ thuật Sài Gòn cấm xuất bản đến lần thứ ba. Sau này “Vườn
Trái Đắng” nộp cho cơ quan văn hóa thời mới tiếp thu, cùng một số phận văn hóa
phẩm được mệnh danh “đồi trụy” vào cơn lửa thiêu hủy.
Nhớ
lại, một lần Lữ Quỳnh từ Mỹ về, hai chúng tôi cùng vào những Thư viện lớn của
Sài Gòn để tìm lại những bài thơ, bài văn của Lữ Quỳnh đã đăng trên các tạp chí
văn học trước năm 1975 như Phổ Thông, Bách Khoa, Ý Thức… Đứng trước máy vi tính trước khi vào phòng
đọc sách tôi đánh mấy chữ Tạp chí Ý Thức, giây lát xuất hiện trên màn hình xuất
xứ, tên chủ nhiệm, tên Tổng thư ký tòa soạn. Tôi như gặp lại người yêu cũ tưởng
đã biệt tâm. Tôi đưa tay lên chào như đón một người thân. Lữ Quỳnh cũng cười
theo. Chúng tôi ngồi suốt cả ngày tìm tòi và nhờ nhân viên photo copy lại. Anh
đem qua Mỹ để in lại sách.
Hôm
nay, ở quê hương chúng tôi tự hỏi, tại sao một Tập san Tư liệu và Sáng tác Văn
học Nghệ thuật không làm một số chủ đề về nhà văn, nhà thơ Lữ Quỳnh của một
thời Ý Thức đã qua, cũng là người cưu mang chữ nghĩa suốt cuộc đời của mình?
Đó
là lý do mà tạp chí Quán Văn số 25 (tháng 8/ 2014) này trân trọng gửi đến quý
độc giả.
Nguyên Minh
21.7
– 10.8.2014