Sunday, July 13, 2014

857.PHẠM CAO HOÀNG Mang Viên Long và Như Những Giọt Sương


PHẠM CAO HOÀNG
Mang Viên Long
và Như Những Giọt Sương 





Thật ra, từ trước đền giờ tôi chỉ chú ý đọc truyện ngắn của Mang Viên Long, không để ý lắm đến các bài tạp bút của anh. Mới đây, có anh bạn nhà thơ/nhà báo gọi cho tôi, bàn về nội dung tờ báo anh sắp làm . Anh trình bày qua những chuyên mục của tờ báo, bất ngờ anh nói với tôi, “Tôi có đọc một số tạp bút của Mang Viên Long trên internet. Tôi rất thích những bài tạp bút này. Tôi muốn mở hẳn một chuyên mục cho những bài tạp bút của Mang Viên Long, nhưng tôi không quen Mang Viên Long., chỉ biết là anh ấy đang sống ở Bình Định. Không biết  anh ấy có đồng ý cho tôi sử dụng những bài viết đó hay không.”. Tôi nói nếu thích thì cứ mở chuyên mục đó, còn chuyện Mang Viên Long có đồng ý hay không cứ để đó tôi lo, vì Mang Viên Long là chỗ bạn bè với tôi lâu năm, và anh ấy cũng dễ tính thôi, không có gì phải băn khoăn. Sau đó, tôi có hỏi ý kiến Mang Viên Long về chuyện này. Anh vui vẻ nói, “Bài đã đưa lên Internet thì ai muốn sử dụng thì cứ lấy mà đăng lai, có gì đâu mà ngại.”

Sau bữa đó, tôi chú ý hơn đến những bài tạp bút của Mang Viên Long. Anh vốn là một nhà giáo từng dạy học nhiều năm, một nhà văn với hàng chục tác phẩm đã xuất bản,  từng xây dựng các nhân vật trong truyện của mình, nên anh có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Thêm vào đó, cả một cuộc đời  anh gặp quá nhiều khó khăn, quá nhiều đau khổ; có thời gian vào ở hẳn trong chùa để chiêm nghiệm cuộc sống, nên anh thật sự là một con người từng trải.  Những yếu tố này có ảnh hưởng nhiều đến các đề tài anh chọn, nội dung và cách viết các bài tạp văn. Các đề tài anh chọn rất gần gũi với cuộc sống thường ngày nên người đọc có thể thấy mình ở trong đó, dễ chia sẻ với những gì anh muốn trình bày trong bài viết. Văn phong của anh chững chạc, điềm đạm. Ngôn ngữ anh dùng giản dị, dễ hiểu, và những ai hiểu được một số từ địa phương anh dùng thì khi đọc sẽ thấy rất thú vị. Đọc tạp bút Mang Viên Long, người đọc có thể học được một điều gì đó. Đây là điểm thành công nhất trong các bài viết của anh. Trong bài tạp bút NHỚ LẠI MỘT CÂU HỎI, ghi lại hoàn cảnh đưa đẩy chính anh- một nhà giáo/nhà văn- trở thành một thợ sửa ổ khóa/làm chìa khóa, anh viết “Bạn bè thấy tôi hành nghế sửa khóa làm chìa ở góc phố chợ lấy làm ái ngại cho tôi.  Họ không thể ngờ  một nhà giáo / nhà văn như tôi lại rơi vào một hoàn cảnh như vậy. Thật ra, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình  “khổ” như lời chia sẻ của các bạn. mà vẫn nghĩ điều gì  rồi cũng có thể xảy đến cho  chúng ta. Cứ an vui và kiên nhẫn đón nhận mọi biến đổi của cõi tạm  để có niềm hy vọng mà sống tiếp”. Suy nghĩ của anh trong đoạn văn này trùng hợp với tư tưởng nồng cốt trong các tác phẩm của nhà văn Đức/giải văn chương Nobel năm 1946, Hermann Hesse, về tính nhất thể của cuộc đời: sống chết, vinh nhục, xấu tốt, được thua, còn mất, vui buồn... tất cả đó là cuộc đời, tất cả là một. Đã là con người thì ai cũng trái qua những cái đối nghịch nhau đó, phải chấp nhận hai mặt đối nghịch đó. Có ai một đời chỉ có hạnh phúc mà không biết đến khổ đau? Có ai sinh ra mà rồi không chết? Khi sinh ra đời là đã có mầm mống của sự chết. Vậy thì có gì đâu mà phải sợ hãi cái chết, vì mình biết trước nó sẽ đến mà. Cùng ý tưởng này, nhà thơ Du Tử Lê viết, “Đi với về cũng một nghĩa như nhau”. Còn Bùi Giáng cũng tương tự như vậy, “Thưa rằng ly biệt mai sau. Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân”

Và còn nhiều nữa. Trong mỗi bài viết, chắc chắn Mang Viên Long muốn tâm sự/ nhắn gửi một điều gì đó với người đọc. Hy vọng rằng đọc xong cuốn sách, người đọc cảm thấy vui vì mình đã đọc một cuốn sách đáng đọc.

Phạm Cao Hoàng

Ghi chú: Bài này được viết cách đây 2 năm. Post lại nhân dịp bạn tôi Mang Viên Long vừa ra mắt Như Những Giọt Sương tập 3 (PCH).