Wednesday, July 9, 2014

852. NGUYỄN LƯƠNG VỴ Lá daffodil thắt bím




Nguyễn Lương Vỵ
Lá daffodil thắt bím



Tập truyện “Lá Daffodil Thắt Bím” của nhà văn Nguyễn Âu Hồng, do Thư Ấn Quán xuất bản vào mùa Xuân 2014, tuy khiêm tốn về số lượng (5 truyện ngắn, trong đó, “Cây Lá, Chim Và Cá” là truyện ngắn viết năm 1972, 4 truyện còn lại: “Lá Daffodil Thắt Bím”, “Mũi Tên”, “Mùa Cá Bẹ”, “Hoa Trâm Trâm” viết năm 2014, tại Hoa Kỳ,) nhưng giá trị văn chương, sức vang dội của cảm xúc, tính nhân văn nồng ấm sâu xa, đã đọng lại trong tôi một niềm tri ân chân thành với tác giả.

Trong phần Thay Lời Kết ở cuối sách, nhà văn Trần Hoài Thư đã viết về người bạn của mình như sau:

“Nguyễn Âu Hồng đến với văn chương rất sớm. Tôi biết anh nhiều, chẳng những qua những tạp chí Saigon mà chúng tôi cộng tác, mà còn qua những tháng ngày trôi nổi thanh xuân. Những cây số, địa danh mà chúng tôi đã đi qua, dừng lại đều na ná giống nhau. Nào là Bình Định, Phú Yên, nào là Bồng Sơn, Tam Quan, nào là Pleiku, Kontum… Lại thêm một chỗ trở về sau những ngày lênh đênh. Đó là thành phố Nha Trang. Đó là căn gác gió ở nhà sách Huy Hoàng trên đường Độc Lập của những năm cuối thập niên 60.

Nhớ anh là nhớ đến ánh mắt sáng và nụ cười rất tươi. Nhớ anh là nhớ đến lần anh đã lên tận ngọn đồi Bà Gi, hậu cứ của đại đội 405 Thám Kích, để thăm tôi, khiến tôi ngỡ ngàng hết sức. Anh bảo, nhân công tác vùng này, nên ghé thăm bạn. Hai đứa với bộ quân phục phong sương, đèo Honda xuống chợ quận, tìm quán nhìn cô hàng cà phê. Ôi, những sợi khói thanh xuân mà khó có thể gặp được trong một đời người. Chúng trở thành hoài niệm. Dù bay loãng vào không gian, nhưng không thể bay tan trong trái tim của chúng tôi. Chúng là những nối kết, mang những trạm hành kỷ niệm về với những kẻ xa xứ…” (tr. 133-134)

Tuy chưa gặp anh ngoài đời, nhưng tôi cũng đã “gặp” Nguyễn Âu Hồng từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước qua một số truyện ngắn của anh được đăng tải trên các tạp chí văn học nghệ thuật ở Sài Gòn. Giờ đây, ngồi đọc những trang văn còn thơm mùi giấy mới (tập truyện ngắn của anh vừa mới ấn hành, gửi tặng tôi qua đường bưu điện,) thật vui, cảm động và đầy bất ngờ. Tôi đã đọc suốt đêm một cách trân trọng và thích thú. Với lối tả chân sắc sảo, tài hoa, cấu trúc truyện rất bản lĩnh, ngôn ngữ điêu luyện, cùng với nghệ thuật hành văn cuốn hút, ẩn sâu ánh nhìn rất nhân văn, thơ mộng của tác giả, đã chạm vào trái tim người đọc một niềm rung động sâu xa.

Truyện rất ngắn, “Cây Lá, Chim Và Cá”, viết năm 1972, khoảng hơn 600 chữ, như một thước phim ngắn, ghi lại hình ảnh tàn phá kinh khủng của chiến tranh vào thời điểm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, ở dọc hai bên quốc lộ 1 thuộc ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định (địa danh thời VNCH.) “Tôi chợt nghĩ, khi rừng cây không còn an toàn đến chim phải bỏ mà đi thì rất có thể cá cũng đã bỏ vùng biển bất an nghèo khó này để tìm đến vùng biển an ninh hơn… Những vùng biển thật an bình chỉ có thể tìm thấy… bên kia bờ Thái Bình Dương mà thôi.” (tr.126.) Đoạn kết ngắn gọn, lạnh lùng, ẩn sau tiếng thở dài chua xót cho một cuộc chiến ở 3 vùng đất dọc theo quốc lộ 1. Truyện dừng lại ở đó, nhưng người đọc không thể dừng lại, vì còn phải suy nghĩ, hình dung tiếp về các vùng miền khác của đất nước vào thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh VN, không chỉ với con người, mà ngay cả “cây lá, chim và cá” cũng phải chịu chung số phận!

“Mũi Tên,” theo tôi, là một truyện ngắn độc đáo, đầy tính ẩn dụ. Xin tóm lược: Lou Calakmul, một tay săn thiện xạ, đã bắn hạ con ngỗng trời Giant Canada Goose. Mũi tên đã trúng đích, nhưng con ngỗng trời chẳng những không gục ngã mà còn thoát được sự truy đuổi của Joker, con chó săn thông minh của Lou Calakmul. Không vui vì chuyến đi săn thất bại. Nhưng điều đáng quan tâm là, con ngỗng bị thương khá nặng nhưng đã trốn thoát, khiến tay thợ săn bị ám ảnh và ray rức, mặc cảm tội lỗi vì cho rằng mình đã vô tình hành hạ thú vật, đã để cho con ngỗng kia “phải chịu đói, chịu đau đớn, chịu chết dần chết mòn, chết cách chậm chạp, chết từ từ!” (tr. 29.) Lou Calakmul có người vợ là Nancy, bị strock nặng, đang phải điều trị và được sự chăm sóc tận tình của ông ta. Họ là kết quả của một cuộc tình đẹp thuộc dạng hiếm hoi: Lou Calakmul mang trong mình huyết thống bộ tộc Maya, nổi tiếng hiếu chiến và hiếu sát trong lịch sử. Bất chấp các luật tục hà khắc ngăn cấm, chia cắt của gia đình và giòng họ, Nancy đã dũng cảm đến với Lou Clakmul bằng câu nói để đời:“Nếu thật lòng yêu nhau và dám hy sinh cho nhau, thì bất cứ đâu trên đất Mỹ nầy, các cặp đôi đều có thể tạo dựng cuộc sống và mưu cầu hạnh phúc.” (tr. 34.) Quả thật, họ đã là một nửa của nhau, sống với nhau ngập tràn ân sủng và hạnh phúc, sinh hạ được 2 con. Một hôm, sau khi hai vợ chồng thăm lại khu nghỉ dưỡng, họp mặt và chia tay ở khu Golf club, trên đường lái xe về nhà, Lou Calakmul “thấy một con ngỗng lớn loại Giant Canada Goose với một bên cánh bị một mũi tên còn ghim lủng lẳng, ngơ ngác đi qua đường. Ông kịp lách tránh không cán con vật rồi tấp xe dừng bên đường. Ông mở cửa bước xuống, mở cửa sau gọi Joker, thao tác thật nhanh. Joker còn nhanh hơn ông, cửa vừa mở, nó liền phóng về hướng con ngỗng, Calakmul chỉ việc chạy theo. Con ngỗng bị Joker tóm bắt khi đang lững thững cách đường khoảng mươi mét. Nó không lôi mạnh hay tha con ngỗng hỏng chân mà ngoạm vào bên cánh không bị thương rồi dẫn ngỗng cùng bước lại xa lộ, y chang cái cách một sheriff còng và dẫn một nghi can… Thay vì cứ đứng đợi trên đường, để yên cho Joker làm nhiệm vụ, Lou nôn nóng bước xuống ôm chầm lấy con ngỗng, gặp bờ dốc nghiêng và lớp cỏ ướt sương trơn nhẫy, ông trợt ngã té nhào. Không rõ đầu ông va vào đâu hay vì lý do gì mà ông ngồi dậy được, nhưng không đứng lên nổi. Ông gọi 911, xong lại gọi cho Nancy.” (tr. 43-44.)

Đoạn kết của truyện:“Các bác sĩ không cho biết bao giờ thì Lou Calakmul thoát khỏi tình trang hôn mê. Nhưng vợ ông, cô Nancy thì tin chắc như đinh đóng cột rằng ông sẽ sớm trở lại bình thường, rằng ngoài cái tài bắn cung bách phát bách trúng, ông còn có bản lãnh kiên cường và nghị lực phi thường của một chiến binh. Nancy tin chồng cô sẽ bình thường trở lại để vẫy tay chào con ngỗng Maxima mà ông đã cứu, ngày nó trở lại bầu trời. Nancy không hề biết rằng, có một con ngỗng Maxima khác đang chết từ từ vì đang mang lủng lẳng một mũi tên bắn xuyên qua cổ. Đây là mũi tên vô duyên nhất, và có lẽ là mũi tên cuối cùng của cung thủ Lou Calakmul.” (tr. 45.) Một đoạn kết khép hờ và mở hờ, để người đọc cảm nhận và liên tưởng theo cách riêng của mình. Hai mũi tên, hai con ngỗng, hai số phận. Mũi tên do Lou Calakmul bắn ra, đã khiến cho một con ngỗng bị thương nặng, tuy thoát thân được, nhưng phải chịu cảnh “đang chết từ từ” ở đâu đó. Mũi tên thứ hai, không biết của ai bắn vào một con ngỗng khác (cũng cùng một giống Giant Canada Goose,) nhưng may mắn hơn, được Lou và bệnh viện cứu sống, được trả lại cho vùng trời tự do. Vì nôn nóng muốn cứu con ngỗng kia (do bị ám ảnh, ân hận, ray rứt đã không cứu được con ngỗng trước đây do mình hạ thủ?) Lou Calakmul đã trượt chân té ngã, hôn mê, chưa biết bao giờ mới hồi tỉnh. Phải chăng, người thợ săn với “bản lãnh kiên cường và nghị lực phi thường của một chiến binh” (tr. 45,) phải nhận lãnh cái hậu quả hiếu sát của mình trước đây? Theo tác giả, với tư cách người dẫn chuyện, thì “Nancy không hề biết rằng, có một con ngỗng Maxima khác đang chết từ từ vì đang mang lủng lẳng một mũi tên bắn xuyên qua cổ. Đây là mũi tên vô duyên nhất, và có lẽ là mũi tên cuối cùng của cung thủ Lou Calakmul.” (tr.45.) Liệu tôi có đi xa quá chăng trước một đoạn kết mang tính ẩn dụ của “Mũi Tên,” gợi nhắc về qui luật Nhân-Quả hiện tiền? “Mũi Tên” thăng hoa một câu chuyện tình đẹp của Lou Calakmul và Nancy, nhưng Lou Calakmul phải thọ nhận Nhân-Quả, dẫu vô tình tạo nên điều ác? Có thể, theo tôi dự đoán,  Lou Calakmul sẽ chìm trong cơn hôn mê dài và rất khó có hy vọng hồi tỉnh để gặp lại Nancy. Một đoạn kết ngắn gọn, nhưng tính ẩn dụ có sức vang rất xa.

“Mùa Cá Bẹ,” một truyện “ngắn”, đúng hơn là chuyện vừa, khá công phu (trên 7000 chữ!) và lý thú nhất trong tập truyện, nếu bạn đọc nào có đam mê về nghề câu cá và luôn cả nghệ thuật chế biến món ăn từ giống cá bẹ, một giống cá đặc sản trên giòng sông Columbia, trải dài qua các vùng “Longview, Woodland, Washougal, qua khỏi Boneville Dam lên đến Cascade Locks mới chịu dừng lại.” (tr. 49.) Truyện lồng vào mối tình của ông Minh Le, người Việt Nam và Kyong-bin, một cô gái Hàn Quốc. Những trang văn đặc tả về mùa cá bẹ, cách thức, qui trình, nghệ thuật câu cá, chế biến món ăn cá bẹ… được tác giả mô tả một cách chi tiết, sinh động, với một kiến thức khá phong phú. Những trang văn đẹp, giàu biểu cảm khiến tôi phải đọc chậm, để mong thưởng thức được hết hương vị thơm ngon của loài cá hấp dẫn nầy! Nhân vật chính trong truyện, Minh Le, qua trao đổi với người bạn gái Kyong-bin về văn hóa ẩm thực khá thú vị và cảm động:

“- Người Nhật và người Hàn Quốc coi các món ăn chế biến từ cá bẹ là “quốc hồn quốc túy,” chạm tới cá bẹ là chạm tới niềm thương nỗi nhớ của họ…
 
- Ra vậy. Tôi là người Việt Nam. Tôi chạm tới cá bẹ là để đỡ nhớ cá mòi. Mùi thơm của cá mòi nướng đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam chúng tôi. Mùi vị của cá bẹ thua xa cá mòi dù chúng cùng một gia đình. Nhưng có còn hơn không.”

Mẫu đối thoại ngắn gọn, nhưng sâu lắng nỗi niềm hoài hương giữa hai người. Thì ra, văn hóa ẩm thực cũng là cội nguồn văn hóa của một vùng miền, một dân tộc. Đồng cảm với văn hóa ẩm thực cũng là đồng cảm với văn hóa vùng miền, dân tộc. Từ đồng cảm sâu xa, Minh Le và Kyong-bin đã yêu nhau trên đất nước Hoa Kỳ, một xứ sở đã hợp lưu một cách diệu kỳ các nền văn hóa của các vùng miền, các dân tộc. Một xứ sở của tự do đích thực, văn minh đích thực! Đoạn kết của truyện là một bất ngờ lý thú:“Con đường ngắn nhất để thẩm thấu một nền văn hóa là thông qua người đàn bà của nền văn hóa đó.” (tr. 81.) Một thông điệp thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc khiến chúng ta phải suy nghĩ.

“Hoa Trâm Trâm” và “Lá Daffodil Thắt Bím,” hai truyện ngắn đã cho tôi nhiều cảm xúc, rung động nhất bởi tính chất lãng mạn, thơ mộng, trong sáng tuyệt vời của hai câu chuyện tình. Tôi nghĩ, tác giả, người dẫn chuyện, có thể cũng là nhân vật chính được hư cấu. Nếu có hư cấu, cũng chỉ là cách làm cho phẩm tính văn chương trong truyện bay cao hơn, xa hơn.

Trong “Hoa Trâm Trâm,” câu chuyện tình thời trẻ dại giữa Hùng (nhân vật xưng “tôi” trong truyện,) và Mén, cô gái cùng làng, thời còn học sinh tiểu học. Ở một nơi chốn làng quê mộc mạc, thanh bình, trong dịp nghĩ hè, Hùng từ tỉnh lỵ (học trung học) về thăm quê, gặp lại Mén qua những buổi thả trâu ra đồng, sau 2 năm xa cách. Những mẫu đối thoại hồn nhiên nhưng đã làm cho hai trái tim, hai tâm hồn của hai trẻ rung động. Cái rung động đầu đời của thuở học trò vụng dại nhưng rất đẹp, đẹp lung linh như bóng nắng trưa ở quê nhà. Hãy hình dung hai trẻ đang giải bày niềm vui với một quả duối chín vừa hái được trên tay Mén. Quả duối chín mang hình trái tim nhỏ bé. Mén trao quả duối chín sát môi Hùng:“Tôi đưa môi múm quả duối chín vàng giữa lòng bàn tay Mén, vị ngọt của quả chín ngấm vào lưỡi cùng lúc với hương vị ngọt ngào từ ẩn dụ của Mén làm tôi đê mê. Tôi muốn hôn lên đôi má rám nắng ửng đỏ, đại biểu thơm tho của tâm hồn Mén trắng trong, tôi muốn hôn lên đôi môi hồng tươi tắn, đại biểu khả ái của trái tim Mén ngọt ngào. Tôi muốn lắm, tôi ước ao mà chẳng dám. Rồi tôi tự an ủi, mà cần gì phải hôn, phải nếm, chỉ cần gần kề Mén thôi, lặng lẽ hấp thụ sự tinh khôi giản dị từ tấm lòng trinh bạch của cô bé tỏa ra, cũng đủ hạnh phúc” (tr. 103-104.)“Ngồi yên được một chặp, thì Mén ngập ngừng đặt một bàn tay lên vai tôi. Tôi chưa nhận biết cảm xúc mình một cách rõ ràng thì Mén đặt một bàn tay nữa lên vai bên kia. Rồi cả hai bàn tay nhè nhẹ kéo tôi ra sau: Mén kéo người tôi ngửa ra dựa vào hai gối khép lại của cô bé. Đầu gối và ống quyển nào có mềm mại gì đâu mà sao tôi cảm thấy êm ái lạ thường, cả hồn vía, cả người tôi đều lâng lâng bay bổng”... “cô bé choàng tay đưa ra trước mắt tôi mấy cánh hoa trâm trâm bé tí như bông khế”… “không hiểu sao trên mái tóc tôi lại vướng nhiều hoa trâm trâm quá. Mén cứ liên tục đưa bàn tay có mấy cánh hoa ra trước mặt tôi. Tôi nhâm nhi mấy cánh hoa có dính mồ hôi của Mén lẫn với mùi tóc của chính mình, lúc đầu chẳng thấy có gì đặc biệt, nhưng rồi cái hương vị ngọt ngào cứ ngấm vào người làm tôi đê mê”… “Rồi tôi ngủ hiền lành như đứa trẻ ngây thơ ngủ say trong lòng mẹ”… “Lòng mẹ! Sự nồng ấm tinh tươi từ tấm lòng trinh bạch của Mén cũng bao la như lòng mẹ vậy”… “Khi thức giấc, quả nhiên tôi đang nằm trong tư thế của đứa bé đang bú sữa mẹ, nằm trong lòng Mén. Miệng tôi cũng đang kề bầu sữa, nhưng nó còn nhỏ xíu như cái chũm cau. Cái chũm cau không có mùi cau, cũng chẳng thơm mùi sữa, mà thơm mùi con gái tuổi chớm xuân, mùi hương đồng cỏ nội, mùi hoa trâm trâm phảng phất…” (tr. 108-109-110.) Đây là những đoạn văn đẹp và thơ mộng nhất trong truyện.

Vỏn vẹn chỉ có ba buổi chiều, để rồi chia biệt!“Chiến tranh đã cướp mất tuổi hoa niên và tuổi trẻ của hai chúng tôi, của bạn bè tôi”… “Sợ bị lộ nên Mén và các bạn ra đi mà không nhắn lại một lời nào.” (tr. 112)

Sau 1975, Hùng được tin Mén vẫn còn sống. “Mén bây giờ là Lan, một Lan xa lạ đến ngỡ ngàng.” (tr.117.) Hùng nhìn thấy Mén trong dịp Cúng Xuân tại đình làng Nam tại quê nhà, nhưng quyết định không chạm mặt. Vì sao?!

“Thời gian ơi, tuổi thơ ơi!
Đâu rồi vẻ tươi non trinh bạch của tuổi chớm hoa xuân!
Đâu rồi vẻ tinh khôi giản dị của đóa hoa đồng nội!
Mén hồn nhiên vĩ đại sống mãi trong lòng tôi!
Tôi không biết, tôi không cần biết Lan, Thảo, Loan, Gáo gì hết. Trả Mén lại cho tôi! Trả tuổi thơ lại cho chúng tôi!
Trả chúng tôi lại đám ruộng mạ để tôi chuộc lỗi lầm khi thi tài hát đối đáp, đã vô tình xát thêm muối vào cõi lòng nát tan của Mén!.” (tr. 119.)

Truyện khép lại bằng giấc ngủ mơ màng của Hùng, giấc ngủ được ướp “trong mùi hương kỳ ảo của chũm vú cau thoang thoảng mùi hoa trâm trâm.” (tr. 120)

Đọc chậm lại những giòng chữ cuối cùng của câu chuyện, tôi tạm gấp sách lại, nhẹ nhàng châm một điếu thuốc. Một thời điêu linh của đất nước, quê nhà. Tuổi thơ, tuổi trẻ của hầu hết thế hệ chúng tôi là như thế đấy. Sáng trong, hồn nhiên, lãng mạn nhưng phải thọ nhận rất nhiều bi kịch. Những bi kịch ấy là những vết thương chưa lành, vẫn còn nhức nhối trong tâm can cho đến tận bây giờ!

“Lá Daffodil Thắt Bím,” truyện ngắn chính của tập truyện, đẹp và tươi rói chất nhân bản, nhân văn. Ông Tân, người làm vườn, định cư ở vùng hạ lưu sông Columbia, láng giềng của bà Barbara, một bà lão đã 80 tuổi, góa chồng (Jack, chồng của Barbara đã tử nạn trong một tai nạn xe hơi, sau 2 năm nghỉ hưu.) Sống đơn chiếc, Barbara làm quen với ông Tân để nhờ phụ giúp một số công việc chăm nom cây cối vườn nhà. Từ quen biết, họ trở nên thân thiết. Hãy hình dung Barbara, theo cái nhìn của ông Tân:“Tân bước theo sau, nhìn hai mông đít khổng lồ của bà ngoe nguẩy phía trước mà cười thầm trong bụng…” (tr. 10.) “Nhìn hai mông đít khổng lồ của bà ngoe nguẩy phía trước, lần nầy, ngoài việc cười thầm trong bụng, ông còn miên man nghĩ về những trái chín cuối mùa trên xứ sở Hoa Kỳ.” (tr. 12.) Cách đặc tả Barbara được lặp lại hai lần, khắc họa “hai mông đít khổng lồ” một cách hài hước, hóm hỉnh rồi lại liên tưởng đến“những trái chín cuối mùa trên xứ sở Hoa Kỳ” ở đoạn văn thứ 2 càng làm cho hình ảnh Barbara thật ấn tượng, vừa mạnh mẽ, vừa đáng yêu. Và đây là tính cách nổi bật của Barbara:“…Bà Barbara lại xăm xăm bước tới. Bà chào ông Dorn rồi bất ngờ giơ cao bình thuốc, cười ha hả, cười lớn hết cỡ và cũng hết cỡ tươi tắn , tươi tắn đến bất ngờ so với độ tuổi đã ngoài bảy mươi của bà. (tuổi tác là ông Tân đoán mò mà thôi.)” (tr.12.) “...Tân định quay ra gọi thì Barbara xuất hiện đúng lúc, vừa mở khóa vừa cười ha hả, cười lớn hết cỡ và cũng hết cỡ tươi tắn đến nỗi Tân bị bất ngờ thêm một lần nữa.” (tr. 13.) “…Mới hôm qua đây thôi, khi thổi tắt hết đám đèn cầy, bà bước lùi một bước tránh khói, ưỡn người hít thở một hơi thật sâu rồi cười ha hả, cười lớn hết cỡ và cũng hết cỡ tươi tắn, tươi tắn đến nỗi những người có mặt phải ngạc nhiên.”(tr. 21.) Tiếng cười độc đáo của Barbara được nhắc lại 3 lần, là có chủ ý của tác giả, nhằm tôn vinh một sức sống, một niềm tin yêu mạnh mẽ lạ thường đối với cuộc đời của người đàn bà già lão kia. Từ khi Jack mất, Barbara sống trong nỗi cô đơn ngút ngàn. Và kỳ diệu thay, chính nỗi cô đơn ấy, tiếng“cười ha hả, cười lớn hết cỡ và cũng hết cỡ tươi tắn, tươi tắn đến bất ngờ” ấy, đã làm cho người đọc rung động sâu xa hơn qua đoạn văn và đoạn thoại sau:

“Mặc dù đang chìm đắm trong mộng ảo, ông Tân vẫn nghe được tiếng bước chân đạp lên lá mục, rồi ông nghe được hơi thở và ngửi được mùi đàn bà phát ra từ cơ thể Barbara. Đứng yên một chặp, ông quay sang nói:
- Barbara, bà không nên ra đây. Ngoài nầy lạnh lắm.
Barbara không trả lời, chỉ lặng lẽ nhìn người đứng cạnh. Ông Tân hơi ngạc nhiên. Ông nhìn Barbara kỷ hơn và thấy những nét đẹp của thời thanh xuân như còn lưu lại trên khuôn mặt người đàn bà đã cao tuổi với sóng mũi thẳng, hai cánh mũi túm gọn tao nhã, đôi mày cong diễm lệ và đẹp nhất là đôi mắt, đôi mắt huyền thoại phơn phớt màu tím hoa cà…Barbara cứ đứng một chỗ, hết nhìn ông Tân, lại nhìn ra khu rừng. Rồi bà nói nhỏ như thì thầm:
- Gọi tên tôi một lần nữa đi Tân.
- Barbara! Bà có sao không?
- Xin gọi tên tôi…
- Barbara, tôi nghĩ chúng ta nên đi vào. Ở ngoài nầy lâu sẽ bị cảm lạnh mất.
- Xin gọi tên tôi, dù…
- Barbara…
- Tiếng anh gọi tên tôi nghe sao dịu ngọt như anh Jack yêu quí của tôi gọi tôi lúc chúng tôi còn tuổi trẻ.
Ông Tân tưởng Barbara bị mộng du nên đặt hai tay lên vai lay cho bà tỉnh. Barbara nói, giọng mơ màng:
- Tân ơi, anh ôm tôi đi. Xin vui lòng cho tôi một vòng tay ôm.
Ông Tân hơi ngập ngừng, nhưng giọng nói và ánh mắt của Barbara van nài tha thiết quá, khiến ông không dừng được. Ông bước tới một bước, vòng tay quanh người Barbara”… “Đây là một vòng tay ôm nhớ đời. Họ đứng yên một chặp, có cảm giác như quả đất cũng đứng yên. Bỗng ông Tân đâm hoảng: Tấm thân đồ sộ chắc nịch của Barbara trong vòng tay ông như tan chảy, mềm dần…”
“Phần Barbara, trong phút giây đó. Trong vòng tay của người đàn ông Á Đông nhỏ bé đó, bà như sống lại toàn bộ tuổi trẻ, đầu tiên là tiếng gọi dịu ngọt thân thương của anh Jack yêu quí, tiếp theo là những ngày thanh xuân mê đắm trong tình yêu và tràn đầy nhiệt huyết với đất nước…”
“Trong mê đắm, hai người há hốc miệng như đang ăn sương giá, như đang uống nắng trời. Ông Tân mơ màng như đã uống vào người cái màu nắng trùng với màu mắt của Barbara, màu nắng huyền thoại phơn phớt tím hoa cà…” (tr.14-15-16.)

Một người đàn ông trung niên cô đơn nơi xứ lạ quê người, một người đàn bà già lão cô đơn khi người chồng yêu quí đã mất, luôn hoài niệm về một tình yêu rất thơ mộng, đẹp đẽ thời tuổi trẻ, ngập tràn xuân sắc. Hai chiếc bóng cô đơn ghì siết vào nhau giữa đất trời lồng lộng. Có hình ảnh nào đẹp và nhân văn hơn chăng?! Họ đã vượt lên trên cái gọi là tình yêu đôi lứa, mà đúng nghĩa, đây chỉ là tình người lung linh, thẳm sâu, tràn đầy xúc cảm.

Cái cách mà Barbara thắt bím cho những chiếc lá daffodil cũng rất nhân văn:“Mùa xuân vẫn đang ngự trị, nhưng hoa daffodil đã tàn úa. Thông thường, người ta túm cả lá và cuống hoa bẻ quắp rồi cột lại, từ xa trông như những bó mạ. Bà Barbara không làm như vậy. Từ tiềm thức văn hóa cực kỳ thơ mộng, Barbara đã ngồi xuống bên khóm hoa tàn, tẩn mẩn vuốt từng chiếc lá rồi thắt thành bím như người ta thắt bím tóc hình con rít. Hết khóm nầy đến khóm khác, bà vuốt những chiếc lá với một cảm xúc càng lúc càng ngây ngất…” (tr. 20.) Đó cũng là mùa xuân cuối cùng của Barbara! Bà đã vĩnh viễn nằm xuống. Đôi mắt phơn phớt tím màu hoa cà đã nhắm lại. Giọng“cười ha hả, cười lớn hết cỡ và cũng hết cỡ tươi tắn, tươi tắn đến bất ngờ” cũng đã tắt:

“Ông Tân đứng nơi góc xa ấy để tìm lại màu nắng của năm xưa, một màu nắng huyền diệu, không vàng không thắm cũng không thắm không hồng, một màu nắng phơn phớt tím hoa cà liên tục chuyển động, lung linh kỳ ảo, nhưng ông không tìm được. Làm sao ông tìm lại được cái màu nắng ấy khi mà đôi mắt có màu tím huyền thoại của Barbara, đôi mắt lần cuối cùng ông nhìn ngắm, trong đêm sinh nhật định mệnh, trông liêu trai huyễn hoặc và diễm lệ lạ thường, đã khép lại.” (tr. 22.)

Và ông Tân, cũng đã già: “Năm rồi, khi ông ngồi xuống vuốt những chiếc lá daffodil để thắt bím, ông có cảm giác như đang chạm vào người Barbara. Hết khóm này đến khóm khác, ông vuốt những chiếc lá với cảm xúc càng lúc càng ngây ngất, ngây ngất đến mức tuổi tác không khứng nổi. Về đến nhà, ông tân tiếp tục thăng hoa và ngủ một giấc êm đềm…” (tr. 23.) Truyện kết thúc bằng ba dấu chấm như ba nốt nhạc xa xôi trôi mãi.


Phác thảo chân dung Nguyễn Âu Hồng
dinhcuong - 2014

Thể loại truyện ngắn, theo tôi, quan trọng nhất là cấu trúc, hình tượng và ngôn ngữ. “Lá Daffodil Thắt Bím” là một tập truyện rất chỉnh chu cả về cấu trúc, hình tượng và ngôn ngữ. Điều đáng quí là với tuổi đời đã bước qua buổi xế chiều, nhưng nhà văn Nguyễn Âu Hồng vẫn lặng lẽ nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê văn chương hiếm thấy. Với vốn sống từng trải, kinh nghiệm chữ nghĩa dạn dày, lịch lãm, tôi tin rằng, nhà văn Nguyễn Âu Hồng vẫn còn sức sáng tạo bền bỉ, vững vàng. Chân thành chúc mừng anh và hy vọng sẽ được đọc thêm những tác phẩm mới của anh.

Nguyễn Lương Vỵ 
California., đầu tháng 7. 2014