TRẦN VẠN GIÃ
Thơ và chút kỷ niệm
trong ba lô hành quân thời chiến tranh
Trần
Vạn Giã – March 2014
Đã nhiều năm qua, đến bây giờ tôi vẫn nhớ một chiều mưa tháng tư ở mặt trận tây nam Huế tôi đã gặp ông Thượng sĩ già người Huế rất yêu thơ. Lúc đó ông đang giữ chúc vụ trung đội trưởng một trung đội thuộc sư đoàn 1 bộ binh, Ông than thở với tôi, “Chiến tranh chi mà dai dẳng. Nhiều sĩ quan trẻ măng ra trường mới đụng vài trận đã tử thương. Tôi thay thế làm trung đội trưởng đợt này là đợt thứ sáu”.
Như vậy có nghĩa sáu chuẩn úy trẻ đã tử trận trong vòng chưa đầy 2 năm. Tôi đến trung đội này đúng vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong bom đạn ông Thượng sĩ già đã đọc cho tôi nghe bài thơ Quê Hương của Tế Hanh viết năm 1939 mà ông đã thuộc lòng khi còn là cậu học trò tiểu học.
QUÊ HƯƠNG
Tế Hanh
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
Thì ra thơ vẫn sống, vẫn vỗ về trái tim những người lính đang ẩn mình chờ chết trên trận mạc.
Giữa cái sống và nỗi chết, bên cạnh những họng súng đen ngòm rình rập bắn nhau, trong chiếc ba lô tôi mang trên lưng những lần đi hành quân, ngoài những thứ cần thiết ở chiến trường, tôi còn có 2 tập thơ: Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn của Phạm Cao Hoàng, Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi của Nguyễn Bắc Sơn và bản thảo tập thơ Buồn Như Việt Nam của tôi. Nhưng rồi trong một trận đánh ác liệt 2 ngày đêm để tái chiến một ngọn đồi, tôi may mắn trở về nguyên vẹn nhưng chiếc ba lô với mấy tập thơ của bạn tôi thì thất lạc ngoài chiến trường. Riêng bản thảo tập thơ của tôi sau này tôi có lại được nhờ một người bạn còn lưu giữ một bản bản copy của tập thơ này, nhưng hai tập thơ của Nguyễn Bắc Sơn và Phạm Cao Hoàng thì không tìm lại được. Sau chiến tranh, tôi đi kinh tế mới, hoàn toàn mất liên lạc với hai người bạn ấy. Một lần, ở nhà họa sĩ Thanh Hồ ở Nha Trang, tôi hỏi anh còn giữ tập thơ của Phạm Cao Hoàng không. Anh nói không. Đứng dưới bóng cây bàng trước cổng nhả họa sĩ Thanh Hồ mà lòng buồn rười rượi. Ở căn nhà này, một thời bạn bè tôi đã ghé lại, trong đó có Phạm Cao Hoàng. Nay tan tác, không biết bạn tôi giờ ở phương nào. Trở về kinh tế mới Đất Sét với ruộng vườn nhọc nhằn, tôi nói với Nhi - vợ tôi: đúng là đời như một khúc nhạc buồn.Nhi đùa, “ Đời như khúc nhạc vui, Vui lên để lo cho con”.
Tập thơ Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn tôi đã từng yêu thích bị mất trong chiến tranh nhưng tôi vẫn giữ được bản thảo đánh máy bài thơ Hành Phương Đông, một trong những bài thơ của tập thơ này. Bản thảo đánh máy này do Phạm Cao Hoàng tặng tôi khi tôi ghé Tuy Hòa năm 1971 – lúc đó tập thơ này chưa được xuất bản. Tôi giữ gìn bản thảo bài thơ rất cẩn thận vì nó là kỷ vật của bạn tôi. Bản thảo bài thơ đã cùng tôi ba chìm bảy nổi, xuống biển lên rừng, tất cả 16 lần di chuyển chỗ ở, trải qua hơn 40 năm bây giờ giấy vàng ố,chữ phai mờ, mỗi khi nhìn lại lòng không khỏi ngậm ngùi. Gần đây tôi rất mừng khi nối lại liên lạc với Phạm Cao Hoàng và Hoàng cho biết phần lớn những bài thơ trong tập thơ thất lạc đã được in lại trong tập Mây Khói Quê Nhà do Thư Ấn Quán xuất bản. Mừng cho bạn tôi, mừng cho những bài thơ vẫn còn sống dù chiến tranh thì vô cùng tàn ác.
Trần Vạn Giã
Tháng 4.2014