Thursday, February 20, 2014

591. PHẠM VĂN NHÀN Chu Trầm Nguyên Minh một thời để nhớ


PHẠM VĂN NHÀN
Chu Trầm Nguyên Minh,
một thời để nhớ

Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh


Trong những người bạn mà tôi quen, một dạo.
Ngày đó, Nha Trang nơi ghi dấu những lần tôi đến, rồi đi.
Bất chợt. Những lần bất chợt đó với tôi không bao giờ quên được những người bạn một thời . Lúc đó, chúng tôi còn trẻ lắm, ở cái tuổi đôi mươi. Những ngày lang thang về thành phố gặp bạn bè. Trong đó có Chu Trầm Nguyên Minh, có Thế Vũ, có Nguyễn Âu Hồng, có Lê Ký Thương, có Huy Hoàng, có Lê Minh, có Trần Hoài Thư…

Ngày ấy, anh em gặp nhau rất chân tình và vui lắm. Để rồi sau năm 1975 anh em mỗi người một ngã. Nhưng, cái tình văn nghệ với nhau, nó vẫn còn giữ mãi cho đến hôm nay người nào cũng bạc đầu, thế mà anh em vẫn còn nhớ cái thuở xa xưa ấy. Cái thời văn chương chữ nghĩa đưa chúng tôi gần lại với nhau. Hôm nay, ở vào cái tuổi thất thập này, đọc lại những bài thơ cũ của anh làm một thời như để nhớ lại anh và những người bạn, mà theo chữ nghĩa của Trần Hoài Thư “lận đận bên trời”.

Ngày ấy khi nhắc lại cũng chỉ là một vòng quay của cuộc sống, rồi cũng có ngày nối kết cho một cuộc chơi chấm dứt. Chiến tranh và con người. Chúng tôi không thoát khỏi cái tầm ngắm của những thế lực tạo ra nó. Quê tôi cũng là quê anh. Ngôi trường ngày xưa anh đi học bằng đôi chân trần, cũng là nơi  ngày xưa tôi ngồi học.  Phan Thiết- Đại Nẵm- Hàm Liêm tuy xa mà gần. Những dấu chân của một thời còn in đậm trên những con đường đất. Ước mơ cho một tương lai đã bị bẻ ngoặc bởi cuộc chiến dằng dai trên quê hương tôi. Nghiệp thầy giáo của anh rồi cũng xếp lại: bụi phấn không còn vương trên tóc thầy. Để rồi khoắc trên vai bộ áo lính. Như Từ Thế Mộng nói với nhà văn Y Uyên :  Nghe ngươi vào lính ta đang lính. Vô tư! Vì  anh, Từ Thế Mộng, Y Uyên cũng đã lìa xa: bụi phấn

Lính! Lính! Thanh niên miền Nam không thoát khỏi. Nhưng, đối với bạn bè tôi tiếng ấy  nghe nhẹ tênh không vướng bận. Cho nên mặc dù bụi phấn không còn vương trên tóc thầy. Thì, nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh vẫn trằn trọc, thao thức trong phiên gác đêm đầu đời, để nghe: súng kê giấc ngủ mơ hồ/ đêm nghe tiếng nhảy ngựa thồ đổi phiên. Hình ảnh và âm sắc trong câu thơ  đã kéo tôi về trạng thái thật buồn và rất cảm thông vì cùng mang một tâm trạng. Khi nhìn chung quanh chỉ thấy: rừng hoang núi phủ sắc hồng/ nằm nghe mộ địa có phần yên vui/ thôi tôi cảnh trí ngậm ngùi…

Tuổi trẻ chúng tôi đã trải qua  những tháng năm rong ruỗi giữa binh đao như con ngựa thồ chở nặng lên con dốc cao. Giữa cái chết và cái sống chỉ trong sát na. Cho nên mỗi lần về phố gặp nhau như thấy mình còn sống, còn có bạn bè. Mà : giữa cõi đời ai khóc ai vui.. Nhưng với anh, khi gặp nhau cũng chỉ là vui chừng vui mực. Cái bản chất của người thầy trong anh vẫn còn chừng mực trong cuộc sống. Không buông thả dù biết rằng ngày mai sẽ ra sao/ Ai biết!

Thế rồi mấy mươi năm qua đi lặng lẽ trong cuộc sống, tưởng rằng tôi sẽ không còn đọc thơ anh. Nào ngờ Vỹ Cầm bài thơ anh làm đã gợi lại trong tôi hình ảnh của một Chu Trầm Nguyên Minh ngày nào bên cạnh những bạn bè tôi. Bài thơ Vỹ Cầm, anh viết cho những đứa con anh. Nhưng theo tôi, Vỹ Cầm anh  viết lên để cho tất cả mọi người trong đó có tôi, có bạn bè anh nữa  nhìn thấy lại quê hương mình.  Khi mà, tiếng Vỹ cầm réo rắt vang lên :

Cây violon con cầm
Có đồi cát mênh mông
Có đớn đau nát lòng
Và dấu chân ba
Bước qua số phận
Có đám xương rồng
Có lọn cỏ long nhong
Lăn hoài theo triền dốc
Như cuộc đời
Lăn mãi mãi không thôi

Khi đọc đoạn thơ này, tôi thử hỏi: có ai đã một lần về đến quê tôi chưa nhỉ?  Động cát dài mênh mông chạy dài dọc theo biển trong đó mật khu Lê Hồng Phong ấy. Bao nhiêu trận đánh xảy ra từ thời Tây đô hộ. Nào Bàu Trắng, Bàu Sen, Mũi Né. Nào Động Thái An. Những dấu chân trần trên cát bỏng của người dân quê tôi chạy lánh giặc Tây. Những đám xương rồng mọc trên cát nóng bỏng. Những ngọn cỏ long nhong bị gió thôi lăn trên những triền cát  như cuộc đời của người dân nghèo quê tôi khốn khó. Đó cũng là quê anh. Hàm Liêm đâu xa Đại Nẵm phải không? Mà tiếng Vỹ Cầm của Tây phương kéo lên có khác gì tiếng Đờn Cò của quê nhà đã đánh động lòng tôi qua  đoạn thơ này.

Mà đâu phải chỉ riêng quê tôi, bài thơ Vỹ Cầm trải dài trên những nẻo đường đất nước. Trải dài trong lòng dân đánh giặc. Nhưng, quê tôi , những địa danh nhắc đến, khó lắm, khó đưa con chữ vào thơ, thế mà anh đã đưa những con chữ, những địa danh ngay cả bây giờ vẫn còn khốn khổ. Ngày xưa khốn khổ hơn vì người dân một lòng đánh giặc. Đồn bót Tây dựng lên, ngăn cấm người dân. Có những chuyến xe nhà binh phủ bạt. Những đầu người ( lính Tây) nhấp nhô. Những họng súng chực chờ,. Anh đã thấy trên quê hương tôi. Để rồi những con chữ thành thơ từ khu Tám Giác, Ma Lâm, Sông Mao, Bàu Trúc…còn vang đâu đây:

violon con cầm
Có những Cây vòng xe quay
Sông Mao- Bàu Trúc
Có ánh nắng vàng
Rừng núi âm u
Có cả cô đơn
Có cả sương mù
Có biết bao nhiêu nỗi lòng
Đau cùng năm tháng
Có cuộc đời miên man
Trong muôn trùng tiếng gọi
Có cả một thời
Ta chẵng nhận ra nhau.

Chiến tranh làm nghèo quê tôi từ thôn ổ. Bởi:

Có cái dốc Nam Anh
Mỗi sáng ba qua
Thừa sống thiếu chết
Có những chuyến xe ra đi
Chiều hôm trờ lại
Có chiếc áo tả tơi
Ôm không kín cuộc đời

Và, với tôi, anh ngày hôm nay như ngày hôm qua tôi gặp, như cái bóng bên đời, một nhân chứng lớn lên từ trong cuộc chiến. Thế mà ngày xưa khi bụi phấn không còn vương trên mái tóc của anh, khoắc trên người một lớp áo khác. Thơ anh vẫn buồn. Cái buồn man mác như Trên Cánh Xuân Hồng; Lỡ đã khóc giữa trời phúc ước/ Anh thu tay đếm nỗi buồn rơi/ Em dấu mặt rơi giòng lệ thảm/ Bình minh nào sẽ thắp đêm rơi.


Phạm Văn Nhàn
 Houston, February 2014
Viết để nhớ một Chu Trầm Nguyên Minh ngày nào./.
* những chữ nghiêng là thơ của CTNM


 5 9 1