Thursday, November 21, 2013

431. HOÀNG KHỞI PHONG Ba chục năm sau đọc thơ cũ của Luân Hoán ở xứ người






1.

         Ở ngoài đời tôi chưa gặp Luân Hoán, nhưng ba chục năm trước đây vào khoảng cuối năm 1974, tôi đã một lần đọc bản thảo thơ anh ở Ðà Lạt. Tôi không nhớ ai đưa cho tôi tập bản thảo này, chỉ nhớ thời gian đó tôi có giao tình rất kỹ với các bạn chủ trương tờ Ý Thức, và tập bản thảo của Luân Hoán đến tay tôi có thể qua một bạn nào đó trong nhóm Ý Thức như Lữ Quỳnh, Lữ Kiều, Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, Lê Ký Thương... Cũng cần nói thêm trước khi đọc nguyên cả một tập bản thảo thơ Luân Hoán, thỉnh thoảng tôi bắt gặp tên anh nơi những bài thơ đăng rải rác trên các tạp chí văn học, và cả trong các tạp chí của Quân Ðội.

         Luân Hoán và tôi có những điểm chung: Cùng là những người lính, và cùng làm thơ. Tôi không biết anh bắt đầu làm thơ và sống với thơ từ bao giờ? Có thể trước khi khoác bộ áo nhà binh kệch cỡm trên người, hay cũng như tôi chỉ thực sự làm thơ sau khi đã làm một người lính. Dù đến với thơ trong giai đoạn nào của đời sống, tôi vẫn tin anh là người đến với thơ trước tôi một hai năm, chỉ giản dị vì anh lớn hơn tôi hai tuổi. Thế nhưng trong tiểu sử cũng như  trong thơ của anh, tôi biết anh đi lính sau tôi vài năm. Thành thử nếu có sự khác biệt lớn nhất giữa hai chúng tôi có lẽ anh là nhà thơ rồi mới đi lính, còn tôi là một người lính trước khi làm thơ.  Ðiểm khác nhau then chốt này cho thấy sau khi chiến tranh tàn đã mấy chục năm, anh vẫn còn làm thơ, và tôi tin rằng anh sẽ còn làm thơ cho tới khi ngừng hơi thở. Phần tôi thì trong gần ba chục năm ở xứ người tôi chỉ làm thêm dăm bài thơ không hơn kém. Nhưng tôi tin vào một ngày nào đó tôi sẽ làm thơ lại, tất nhiên với một hơi thơ khác cả về đề tài cũng như ngôn ngữ.


2.

Hơn ba chục năm trước đây khi đọc thơ Luân Hoán, tôi tưởng ra một người lính lơ đãng. Hãy theo gót người lính lơ đãng này từ những bước đầu của đoạn đường chiến binh:

“... Bỏ lệnh gọi trong túi quần
Ngồi lật chồng sách cũ
Không biết phải làm gì
Ngó loanh quanh chỗ ở
Chợt nhớ người mẹ già
Trên bàn thờ ám khói
Tôi thắp một nén nhang...”
(Một ngày trước khi trình diện)

           Tôi không có những cảm giác như anh vì trước tiên khi vào quân trường Thủ Ðức, tôi còn mẹ. Mẹ tôi lo cho tôi từng lọ chà bông, từng hũ muối vừng mỗi tuần tôi về phép. Vả lại tôi không bị động viên như Luân Hoán, mà tình nguyện trong một biến động chính trị của miền Nam. Trước khi đi lính, tôi chưa làm thơ, và có thể nói là một cầu thủ giỏi, tôi không có cái bâng khuâng của một thi sĩ, khi cảm nhận chiến tranh đột nhiên phủ chụp lên đầu.

          Thế nhưng đời sống của một quân trường đã tẩy xóa mọi con người, đồng hóa mọi con người thành một người khác. Chỉ với vài tháng ngắn ngủi trong Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, khoảng cách của một người làm thơ đi lính, và một người cầu thủ đi lính đã thu ngắn lại, khiến cho tôi nhận ra tôi trong thơ anh ngay lập tức:

“...Sinh viên sĩ quan
Lê Ngọc Châu
Số quân
61/203.905
Trình diện
Giản dị chỉ có thế
Ngắn, gọn, đẹp
Như một bài thơ
Sao không?
Một bài thơ đồng phục.”
(Như là thơ)

          Từ nơi các lò luyện người Ðà Lạt, Nha Trang, Thủ Ðức, Quang Trung... đã đúc khuôn ra hàng triệu người lính, trong thế hệ của Luân Hoán và tôi. Nhưng sau khi rời khỏi quân trường mỗi người lính có một đoạn đường chiến binh khác nhau. Tôi may mắn  hơn Luân Hoán, không phải thường trực một ngày 24 giờ chạm mặt với tử thần. Tôi chạm mặt với một hậu phương mỗi ngày mỗi lạ, tôi nhận rõ khoảng cách giữa thành phố và chiến trường. Nhưng không phải vì thế mà tôi không cảm nổi thơ Luân Hoán trong thời gian anh chiến đấu ở ngoài mặt trận. Tôi phải nói ngay tôi không hoàn toàn chia sẻ những suy nghĩ của anh, nhưng tôi hiểu được những suy nghĩ này.

“...Anh bây giờ là tên lính mù
Chỉ huy một trung đội điếc
Với chiếc còi trên môi
Và hàng trăm câu chửi tục
Anh ném vào lính của anh
Niềm âu lo thương mến...
.......................................
Dù còn đủ tâm hồn
Anh cũng sẽ đốt nhà
Cũng sẽ bắn trâu bò gà vịt
Không hổ ngươi
Như lính của anh...”
(Trái tim hành quân)

           Tôi ngờ rằng những câu thơ này chẳng những đã không giúp cho Luân Hoán vơi được nỗi buồn của cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt, mà trái lại nó sẽ mang đến cho anh rất nhiều trái đắng. Ở hậu phương tôi có những loại trái đắng khác, không đến nỗi trí mạng như anh, nhưng nếu không giữ mình cho kỹ, thì sẽ chìm trong một loại bùn tanh tưởi khác. Có điều tôi biết chắc lòng yêu quê hương, tổ quốc của các thi sĩ. Chả thế mà một nhà thơ đã có lần nói: ‘Hỡi những người làm văn nghệ và ăn lương chính phủ, các người hiểu thế nào được lòng yêu quê hương và dân tộc của một thi sĩ.’ Tôi ghi lại đây trọn bài thơ ‘Bữa cơm trên Kim Sơn’, chỉ bỏ một câu cuối vì tối nghĩa, để thấy được tâm tình này của Luân Hoán.

Ngửa bàn tay nhem nhuốc
Tôi đi qua từng binh sĩ
Cùng lúc mặt trời lên
Tìm xin một nắm muối

Ôi ba ngày đã qua
Nắm cơm khô lạt đó
Ðã nói gì cùng chúng ta?

Nơi này không nhà cửa
Nơi này không đồng bào
Nơi này không súc vật
Nơi này là quê hương?

Nắm cơm nhem nhuốc bùn
Chợt dừng ngang cổ họng
Nghẹn ngào tôi đứng lên
Ðồi cao buồn gió nổi

Tôi muốn rủ cỏ cây
Chung quanh cùng nói lớn
Nơi này là quê hương
Nơi này là tổ quốc

Mời anh bát  nước đầy
Mời anh nồi rau luộc
Ôi mỗi người một trái tim
Là mỗi trụ cột rào nhỏ
Sao nỡ nào bỏ đi?
Thềm xưa ngơ ngác cỏ

Mặt trời lên mặt trời lên
Tiếng chim nà đầu lá
Xin hót lời tôi đây

Nơi này là tổ quốc


Nơi này là quê hương
Tôi chôn xuống ruộng đồng
Ngàn câu thơ hẹn viết
Mừng mọi người về đây
Bình an không đói rét

Nắm cơm nhem nhuốc bùn
Chợt vui trên tay đói
Tôi nghĩ đến máu mình
Vị mặn nồng thân thiết.



3.

         Cuối năm 1974 ở Ðà Lạt khi đọc bản thảo thơ Luân Hoán, tôi biết anh đã bị thương, đã bỏ lại chiến trường một phần thân thể anh. Trong một cuộc hành quân ở Thi Phổ Quảng Ngãi, Luân Hoán đạp phải mìn, bị cưa chân và trở thành một người tàn phế. Nói cho cùng cả thế hệ chúng tôi, đặc biệt là những người lính làm thơ viết văn, phần đông đã bị thương tích sẵn ở trong đầu, Luân Hoán còn không may mắn mang thêm một vết thương nơi thể xác. Anh giã từ chiến tranh ngoài trận địa, nhưng cuộc chiến ở trong đầu anh thì vẫn dây dưa cho tới tận bây giờ.
        Chém giết mãi rồi cũng tới ngày chiến tranh tàn, cách mà kẻ chiến thắng từ rừng xanh núi đỏ trở về đã khiến cho Luân Hoán thấy đoạn kết của chiến tranh không giống như trong thơ của anh. Trong thơ anh khản cổ kêu gọi mọi người đừng bỏ đi, cho dù quê hương có không còn nhà cửa, không có đồng bào, vắng bóng súc vật. Nhưng đó vẫn là quê hương không thể bỏ đi. Anh lớn tiếng rủ cỏ cây nhận nơi này là quê hương, nhận nơi này là tổ quốc. Anh muốn chôn xuống ruộng đồng cả ngàn câu thơ hẹn viết.  Anh mừng rỡ đón chờ mọi người về lại nơi quê hương bản thổ, bình an không đói rét.
           Anh muốn sống nơi anh đã sinh ra, cho dù cuộc sống của một người chiến bại thương tật có tăm tối tới đâu chăng nữa, anh vẫn cam chịu “nắm cơm nhem nhuốc bùn - Chợt vui trên tay đói”. Cả một lòng yêu vô bờ đối với vùng đất khốn khó đã không được đáp ứng.  Và rồi Luân Hoán phải làm đơn xin xuất cảnh. Trước khi đi anh quay về Thi Phổ, nơi anh đã rụng mất một phần thân thể. Tôi ghi lại đây trọn bài ‘Chợt nhớ về nơi ngấm máu ta - Bùi ngùi lòng nhú chồi xót xa’:

Bây giờ cái xóm Mồ Côi ấy
Chắc vẫn mồ côi như thuở xưa
Năm ba chồi rạ chen trong mía
Che tiếng thở thầm dưới nắng mưa

Bây giờ lá sắn xanh còn vấy
Máu đỏ ta loang chiều hôm nào
Ðất vẫn còn hằn bàn tay bấu
Giọt thầm nước mắt thấm về đâu

Bây giờ vũng giếng bên bụi chuối
Cũng vẫn đục ngầu như thế thôi
Con cá rô thia ta thả xuống
Sống còn quanh quẩn kiếp rong chơi

Bây giờ đôi mắt đen sau cửa
Còn hốt hoảng nhìn như hỏi thăm
Chẳng biết ai chôn mìn dưới đó
Tiếng nổ còn vang mãi trong lòng

Bây giờ Thi Phổ, ơi Thi Phổ
Vườn dừa đầu cụt gốc bật chưa

Máu khinh binh Thị gài lựu đạn

Lỡ sút tay xanh cỏ mấy mùa

Bây giờ Thi Phổ, ơi Thi Phổ
Mắc võng đong đưa đuổi nắng hồng
Suýt phá đời em du kích nhỏ
Giữa gian đại tự Phạm Văn Ðồng

Bây giờ Thi Phổ, ơi Thi Phổ
Ta đã ngã rồi, ngã quá lâu
Trước khi xuất cảnh tìm đất sống
Nhìn cõi hận xưa, thương lẫn đau

Bây giờ Thi Phổ, ơi Thi Phổ
Mười bốn năm dài cách biệt nhau
Máu ta ngấm đất tan vào đất
Nên cảm được rằng em cũng đau.



4.

       Sau cùng tôi muốn viết về Luân Hoán, do một tình cờ tôi có chung với anh một vùng đất Quảng. Anh sinh ở Quảng Nam, nhưng đơn vị anh trú đóng cho tới khi ngã xuống ngoài trận tiền là Quảng Ngãi, cũng là nơi đơn vị đầu đời của tôi.

       Cuối năm 1963, vừa chẵn hai mươi tuổi tôi ba lô vác vai ra trình diện Sư Ðoàn 25, làm một sĩ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tham Mưu của Sư Ðoàn. Vào thời gian này Quảng Ngãi là một thị trấn nhỏ, với hai con đường chính là Quang Trung và Lê Trung Ðình gặp nhau ngay tâm điểm của thành phố. Tôi nhớ chuyến máy bay quân đội đầu tiên trong đời tôi, từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi, trong thời điểm Sư Ðoàn 25 BB đang sửa soạn di  chuyển vào miền Nam. Từ trong lòng phi cơ cao ba ngàn bộ nhìn xuống, qua khung cửa sổ phi cơ suốt từ lúc cất cánh cho tới khi đáp xuống phi trường Quảng Ngãi, hơn hai giờ bay tôi chỉ thấy núi tiếp rừng. Mầu xanh của lá với những sắc độ khác nhau tuần tự lướt qua mắt tôi. Khi phi cơ đánh vòng để hạ cánh, thành phố Quảng Ngãi rõ dần dưới chân tôi. Trong thơ của Luân Hoán ghi lại cho tôi tất cả những địa danh này.

        Tôi nhớ tới căn gác tôi thuê cùng vài người bạn thầy giáo trên đầu đường đi Nghĩa Hành, ở đó mỗi buổi tối tôi ngồi trên thành cửa sổ, nhìn vào bóng đêm, trong khi những trái hỏa châu thỉnh thoảng nở rộ trên trời cao. Tôi nhớ tới cái Tết đầu tiên xa nhà, trọn ba ngày Câu Lạc Bộ Sĩ Quan đóng cửa, tôi và mấy người bạn lang thang tìm chỗ ăn. Tôi nhớ tới con sông Trà Khúc mỗi buổi chiều tôi hay lái chiếc xe Jeep mui trần, tới bờ sông tìm một chỗ nằm dưới bóng những hàng cây phi lao bên bờ. Ở đó tôi bắt gặp dấu tích của hai trận chiến ngay trên dòng sông, nơi ba cây cầu bắc ngang dòng nước. Một cây cầu cũ bị phá hủy trong chiến tranh Việt Pháp, với những thành cầu còn ghi dấu nám đen in trên nền trời xanh, một cây cầu mới chưa kịp hoàn tất thì tạm ngưng lại vì chiến tranh Nam Bắc đang diễn ra khốc liệt trong vùng, và sau cùng là cây cầu nổi do Công Binh thiết lập để sử dụng tạm trong khi chờ cây cầu mới được xây tiếp. Bên kia sông là Quận Sơn Tịnh, với vài mái nhà ngói đỏ nổi bật lên giữa những mái lá nghèo nàn.

          Trong thơ Luân Hoán tôi bắt gặp lại tôi, chẵn tròn hai mươi tuổi ngâm mình trong dòng nước của con sông Trà Khúc mỗi buổi chiều, nhìn những chiếc xe nhà binh, xe hàng, dập dình trên cây cầu nổi. Bên cạnh đó những chiếc xe Lam ba bánh phun khói mờ trên đất, và dân chúng tất tả ngược xuôi. Tôi đọc bài thơ ‘Mặt trận Quảng Ngãi ngày xưa, bóng ta phơ phất hạt mưa nhạt nhòa’, một bài thơ dài hơi, thể ngũ ngôn với 16 tiểu đoạn và cảm được từng hơi thở nhọc nhằn của anh trong chiến trận. Hơn thế nữa bên cạnh cái nhọc nhằn này, tôi cảm được cái nặng nhất mà anh mang trong người, bên cạnh mớ vũ khí, quân trang  cồng kềnh của mỗi người lính, chính là sự lơ đãng tôi đã ghi lại trong đoạn trên. Sự lơ đãng của những người lính làm thơ, với một hồn thơ không một ai có thể cân đo, đong đếm, không một ai có thể nhìn thấy bên ngoài, nhưng chính cái đó là phần nặng nề nhất cho một người lính, cho dù người lính đó là một khinh binh đi đầu, hay là một Trung Ðội Trưởng, Ðại Ðội Trưởng đi sau. Bản thân tôi cũng đã có những món quân trang ngoài cấp số như Luân Hoán, nhưng tôi may hơn anh ở chỗ không phải ra chiến trường, và nhờ vậy khi chiến tranh tàn tôi còn nguyên thân thể. 

            Lẽ ra tôi phải gặp Luân Hoán ở Ðà Lạt từ ba mươi năm trước. Tôi nhớ đã nói với người bạn đưa cho tôi tập bản thảo thơ của anh, tôi sẽ chạy in tập thơ này cho Luân Hoán. Thời đó trên Ðà Lạt có một tiệm in chuyên in cua cho các sinh viên, sử dụng một loại máy in tương tự như máy in AB Dick hiện nay, với bản kẽm là một tờ giấy và phí tổn ấn loát không cao so với các nhà in kiểu sắp chữ. Trước đó hai ba năm, tôi đã in một tập thơ của tôi bằng cách này, và tôi tin là tôi sẽ in tập thơ của Luân Hoán, như là một món quà giữa một người làm thơ, gửi tới một người làm thơ khác, để chia xẻ những cay đắng nhục nhằn. Câu chuyện chưa kịp tiến hành th đùng một cái, tôi phải thuyên chuyển khỏi Ðà Lạt.

            Bài viết này đến với Luân Hoán, trong dịp anh in một tuyển tập như là một món quà tới trễ ba chục năm, giữa những người lính đã có một thời đi trong chiến tranh, bên cạnh những cái chết, với nón sắt nặng nề chụp trên đầu, bên cạnh khẩu súng vắt vẻo trên vai, bên cạnh những dây đạn chằng chịt trên người, bên cạnh cái lưỡi lê cài ngang hông.... còn cố đèo bồng thêm một vũ khí nặng nề nhất trong người là trái tim không đập cùng một nhịp với tiếng đế giầy trong lúc duyệt binh, và thường hay trật nhịp với tiếng súng nơi ngoài mặt trận.

Ba mươi năm sau ở quê người đọc lại thơ Luân Hoán, trong lúc tuổi ngoài sáu mươi, tôi cảm nhận được nhịp tim của anh giờ này không còn trật, nó đã gõ đúng nhịp của quê nhà.

Hoàng Khởi Phong


4 3 1