Friday, August 23, 2013

330. NGUYỄN THỊ HẢI HÀ Mơ cùng tôi giấc mơ Đà Lạt - Phạm Cao Hoàng






Nguyễn Thị Hải Hà
MƠ CÙNG TÔI GIẤC MƠ ĐÀ LẠT

của Phạm Cao Hoàng




Nhận được quyển Truyện và Tạp Bút “Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt” của tác giả Phạm Cao Hoàng từ tuần trước nhưng vì chưa đọc xong nên tôi chờ đến hôm nay.

Quyển sách in bằng giấy láng, tuyệt đẹp, làm tôi đọc nhưng không dám mạnh tay sợ mất đẹp. Ông có ký tặng nét chữ rất đẹp. Đây là “cuốn sách ghi lại những kỷ niệm vui buồn của một đoạn đời bốn mươi năm.”

Mở đầu là bài của nhà thơ Luân Hoán “Phác Thảo Chân Dung Phạm Cao Hoàng.”

Hai truyện ngắn “Mỗi Người Chia Nhau Một Chút Khổ” và “Đã Ba Năm Mình Không Có Tết” là hai truyện có thật, gọi là hồi ký hay tự truyện cũng được. Cả hai truyện này tôi đều đã đọc trước đây trên mạng, không nhớ ở website nào, và bây giờ đọc lại vẫn thấy cảm động. Truyện Mỗi Người Chia Nhau Một Chút Khổ kể việc chiếc xe đạp của nhân vật bị đánh cắp. Người bị mất xe đạp đã khổ, người đánh cắp chiếc xe đạp khổ hơn. Người đánh cắp xe đạp và người mua chiếc xe đạp đánh cắp đều là những người “lương thiện” vì hoàn cảnh mà sinh ra làm chuyện không lương thiện.

“Bốn thợ mộc chùng giọng:
- Thấy rẻ thì ham và mua. Mua xong thấy kham không nổi. Gần một tuần nay không đi làm vì chẳng ai thuê. Nhà hết gạo, hết đồ ăn. Vốn liếng chỉ có chừng đó. Chiều hôm nay phải bán lại cho một người qua đường, cũng bằng giá tiền đã trả cho thằng Thảo, không lời lỗ gì. Tôi thật có lỗi với các anh.” 

Tác giả có giọng văn thật hiền hòa, không oán trách người trộm chiếc xe đạp cũng như người bán chiếc xe đạp.

“Tôi nói với anh Bảy:
- Thôi anh Bảy. Tiếc làm gì? Đáng lẽ mình đã chết trong chiến tranh, bây giờ vẫn còn sống là may lắm rồi. Còn người còn của mà. Anh Bốn đây thì nghèo, mình cũng khổ, mà mẹ thằng Thảo cũng cơ cực. Thôi thì mỗi người chia nhau một chút khổ trong lúc khó khăn này.”

Tôi đã có lần viết một blog về cái theme mười năm trong thơ của ông Phạm Cao Hoàng. Không ngờ ông có nhiều tài quá. Chẳng những làm thơ, ông còn viết văn, rất hay, văn ông bình dị trong sáng và cốt truyện gợi cảm động trong lòng người đọc. Ông còn biết chụp hình nữa.

Trong truyện “Đã Ba Năm Mình Không Có Tết” ông kể lại quãng đời đi chụp hình đám cưới. Thay vì nhận tiền dạy chụp ảnh, sư phụ ông lại tặng thêm cho cái túi da chứa máy ảnh. Đọc truyện này, bạn sẽ thấy cái tình người quí báu trong lúc hoàn cảnh rất tối tăm. Người xấu ở đâu cũng có, nhưng tác giả thoát được những lúc ngặt nghèo cũng nhờ có nhiểu người tốt ở chung quanh ông.

Những mẩu truyện hiền hòa, thú vị và ăm ắp tình người. Trân trọng cảm ơn tác giả Phạm Cao Hoàng.


Nguyễn Thị Hải Hà
August 23, 2013