Tuesday, August 6, 2013

307. NGUYỄN ÂU HỒNG Tạp bút CÂY LÁ, CHIM VÀ CÁ




NGUYỄN ÂU HỒNG
Cây lá, chim và cá


NGUYỄN ÂU HỒNG
qua nét vẽ của họa sĩ Thanh Hồ


Hồi đầu năm 1967, khi Quốc lộ Một vừa được khai thông tôi đã có dịp quan sát tại chỗ tất cả các vùng bị tàn phá dọc hai bên đường thuộc ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Hồi đó, sự tàn hại của hóa chất và bom đạn có thể nhìn thấy rõ ràng. Chẳng hạn như ở Lạc An với nhà máy hấp thuốc lá loang dấu đạn đứng trơ vơ giữa đồng không mông quạnh, không dấu chân người. Chẳng hạn như Đại Lãnh không một mái nhà, không một con thuyền, với rừng dương liễu khô và ngôi cổ miếu bốc mái. Chẳng hạn vùng ao đầm và ruộng bầu bên kia đèo Cả (vùng Hảo Sơn, Biển Hồ) bị dầu của quân cảng từ Vũng Rô và phi trường Đông Tác rỉ ra tàn sát chết khô meo mốc. Chẳng hạn như Thạch Khê, những mái tranh nâu xám bỏ hoang đứng im lìm trong rừng dừa đã rụng tàu lá, chỉ còn những thân dừa trụi lủi chống trời. Chẳng hạn như Gò Bồi chỉ còn nguyên những đống gạch. Chẳng hạn như Tam Quan với rừng dừa từ bỏ màu xanh, ủ rũ những tàu lá úa vì bị hóa chất sát hại.

Đầu năm nay, tức năm năm sau, có dịp thăm lại những vùng trên, tôi không tìm đâu ra dấu vết của sự tàn phá. Bể dâu thay đổi làm tôi sửng sốt. Lạc An bây giờ còn lại dăm mái nhà, ngoài ra là tre còi trùng điệp tiếp đến rừng già. Không từng biết về Lạc An, ai dám bảo nơi rừng tre bây giờ, trước kia là làng xóm. Đại Lãnh cũng vậy, cỏ đã xanh dọc con đường dẫn vào ga, ngoài biển ghe thuyền chen chúc, trên bãi nhà lá san sát nhau và bãi cát vàng phẳng lì phơi mình trong nắng. Không còn bóng dáng bất cứ một cây dương liễu nào. Những người chưa từng đến Đại Lãnh, ngày nay có dịp ghé qua có thể chê bãi biển gì mà không có lấy một bóng dương, sự tàn phá đâu có để lại dấu vết. Và Hảo Sơn, Biển Hồ, những ao sen, cánh đồng úa vàng bây giờ đã rợp một màu xanh - cỏ xanh. Thanh bình quá, sát hại sinh môi chỗ nào đâu? Ấy thế, chỉ có những nông dân từng canh tác trên cánh đồng đó, từng khai thác những ao sen đó mới hiểu được chiến tranh sinh môi là như thế nào. Họ đâu muốn đồng lúa của họ trở thành đất hoang, ao đầm của họ trở thành đất chết. Thạch Khê thì đã xóa sạch hoàn toàn dấu vết. Phủi tay, rảnh việc, sống chết mặc bay. Thạch Khê bây giờ chỉ là gò đống, đất hoang nằm nép dưới chân Cù Mông. Đất ruộng còn nguyên đó, tàn phá sát hại gì đâu? Những người chưa từng biết Thạch Khê dám hỏi như vậy lắm. Gò Bồi là phố thương mại của huyện Tuy Phước, sập xuống xây lại, mấy hồi. Để đó mà nằm vạ à! Tam Quan thì càng “phủi tay” sạch hơn nữa. Có gì làm bằng chứng vùng đất hoang, cỏ khâu chằng chịt từ quận lỵ Tam Quan kéo dài đến bãi biển, kéo dọc đến Bồng Sơn trước kia là rừng dừa? Dầu vậy, sự tố cáo dù trễ muộn vẫn không bao giờ vô ích. Tội ác vẫn còn đó, đầy dẫy, bao trùm.

Tôi không có dịp đi nhiều, quan sát những vùng rừng núi và các vùng canh tác xa biển. Vừa rồi trong một phi vụ hàng không quân sự từ Đà Nẵng về Cam Ranh muộn, không còn xe ra cổng Mỹ Ca đón xe đò, tôi đành phải ngủ ở trạm hành khách. Buổi sáng hôm sau ra đường đón xe quá giang, nhìn những bầy cu đất đậu sai trên các cành cây, bay nhảy quanh các thềm nhà tự nhiên như chim nhà, tôi ngạc nhiên cực độ. Chim cu đất, cu gáy ít sống thành đàn, thường chỉ sống thành từng cặp, rất nhiều ở các rừng cây ven rẫy, các vùng đất thổ ruộng gò, sao lại rủ nhau tề tựu về Cam Ranh ngoan ngoãn thế này? Các vùng đất thổ bỏ hoang, đã bị tàn phá hết cả rồi sao? Vì sao chim không còn đất sống? Cũng buổi sáng hôm đó, khi ra đến đường lớn tôi ôm chiếc xách tay đứng sững bên lề đường. Thật lạ lùng, cùng với ánh mặt trời hực lên ở phía đông, chim bồ chao từ khu rừng nhỏ trước mặt bắt đầu lao xao kêu hót rộn rã. Bồ chao là một loại chim háu ăn, to bằng con cà cưỡng, lông cánh có màu xanh xám sống thành từng đàn ở rừng già, sao lại hè nhau kéo về Cam Ranh? Phải chăng tất cả những vùng rừng núi mà chim có thể sống đều bị tàn phá bất an, nên chim phải về đây tị nạn?

Trong vòng  năm bảy năm nay, cá mòi đã mất tích. Mắm mòi từ đó cũng không còn. Một vài người nhớ cá mòi, mắm mòi có nhắc đến nhưng không hiểu lí do. Tôi chợt nghĩ khi rừng cây không còn an toàn đến chim phải bỏ mà đi thì rất có thể cá cũng đã bỏ vùng biển bất an nghèo khó này để tìm đến vùng biển an ninh hơn…  Những vùng biển thật an ninh chỉ có thể tìm thấy… bên kia bờ Thái Bình Dương mà thôi.


Nguyn Âu Hng
1 9 7 2


3 0 7