Monday, May 20, 2013

191. TRẦN NHÃ THỤY Chuyện về một nhà văn có cái tên dễ... viết sai chính tả



TRẦN NHÃ THỤY
Chuyện về một nhà văn
có cái tên dễ... viết sai chính tả

Trong ảnh: Trần Huiền Ân
 
Căn nhà nhỏ nằm dưới chân núi Nhạn (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Một căn nhà bình thường như bao căn nhà khác. Chủ nhà cũng không có một dáng vẻ gì đặc biệt khác người. Chỉ là một con người trong cõi người ta, với bao xô đập xóa nhòa của thời gian. Nhưng cũng không hẳn thế, khi con người bình thường kia không cam chịu sự nhạt nhòa, tẻ nhạt của thường nhật; không cam chịu những dông bão của số phận; đã thầm lặng nuôi khát vọng sáng tạo trong từng trang sách, cũng chính là thắp lên trong tâm tưởng mình những mộng mơ dù là bất khả. Con người có cái dáng vẻ rất bình thường, nhưng không hề bình thường đó chính là nhà văn - nhà nghiên cứu văn hóa Trần Huiền Ân.


Cái tên dễ… viết sai chính tả


Nhà văn Trần Huiền Ân tên thật là Trần Sĩ Huệ, sinh năm 1937, quê quán làng Vân Hòa, tổng Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Chữ Huệ tên của ông không có bộ thảo, nên nghĩa là ơn huệ chứ không phải là… hoa huệ. Tuy nhiên, bút danh Trần Huiền Ân lại nổi hơn tên thật rất nhiều, khiến độc giả, cả học trò, người thân như quên mất cái tên khai sinh của ông.


Nhưng cái tên Trần Huiền Ân thường khiến cho người đọc thoáng ngần ngừ, còn người viết thì tưởng mình đã viết sai chính tả. Chữ i ngắn trong chữ lót Huiền cũng khá lạ, nó không phải là Huyền, cũng chẳng phải là Hiền. Vậy Huiền là gì?


Dù đã nghe Trần Huiền Ân cắt nghĩa đây đó, nhưng gặp ông lại phải hỏi cho tận tường. Ông vui vẻ kể lại sự tình: "Tôi chịu ảnh hưởng cha tôi là một nhà Nho nên cũng đặt cho mình một bút danh có hơi hướm chữ nghĩa. Biết bút danh Quán Chi của ông Đào Trinh Nhất là do câu của cụ Khổng Tử "Ngô đạo nhất dĩ quán chi", tôi thích lắm. Một hôm đọc cổ văn chợt gặp câu "Trí huệ chi sĩ thị huyền ân dã" (trí huệ của kẻ sĩ có được là nhờ một ân sủng màu nhiệm vậy), thấy thật hợp với mình, thế là tôi ký Trần Huyền Ân. Thêm nữa, Huyền Ân, trùng chữ lót "huyền" của cha tôi, càng hay (thân sinh của ông là Trần Huyền Đoan -TNT). Rồi tôi gặp ông Nguyễn Hữu Ngư, đọc "Đại Nam quấc âm tự vị" của Huình Tịnh Của (cụ Của viết "quấc âm" theo giọng miền Nam, chứ không đọc "quốc âm" như miền Bắc), ông Ngư theo kiểu của cụ Của, chỉ dùng chữ y khi nó có giá trị bằng hai chữ i, ví dụ: hay, huy khác với hai, hui, hoặc giặt gỵa khác với giạ lúa v.v... Bút danh của ông Ngư là Nguiễn Ngu Í. Thấy cũng hay nên tôi chuyển tên thành Trần Huiền Ân, cũng như bút danh của Nguyễn Nho Bửu là Nguiễn Nho Sa Mạc, một cô bạn tên Trần Thị Ngọ ký là Trần Huiền Thu... Chúng tôi hình thành "nhóm i ngắn" trong "gia đình Bách Khoa" (Tạp chí Bách Khoa - TNT). Thời trai trẻ mà, vui lắm!".


Thời trai trẻ, Trần Huiền Ân đi dạy học, làm thơ, viết văn. Hai tập thơ "Thuyền giấy" (Bách Khoa, 1967) và "Năm năm dòng sông thơ" (Đồng Dao, 1973) đã tạo nên tên tuổi Trần Huiền Ân, với ấn tượng về một giọng thơ trong trẻo, tự nhiên, neo đậu miền tâm cảm. Và có nhiều câu tự nhiên neo vào trong trí nhớ, chẳng hạn đây là hai câu mà nhiều bạn bè vẫn thường nghêu ngao mỗi khi trà dư tửu hậu: "Cuộc đời ơi hỡi thương nhau lắm/ Mà sống như là để giỡn chơi".


Nhưng có lẽ nói đến Trần Huiền Ân, còn ít người biết ông từng tham gia soạn sách giáo khoa khi còn rất trẻ. Năm 23 tuổi (1960), Trần Huiền Ân đã  cộng tác với các nhà giáo viết phần học thuộc lòng cho sách giáo khoa 5 lớp bậc tiểu học: "Quốc văn toàn tập" và  "Việt ngữ tân thư". Năm 1963 ông lại tham gia soạn bộ "Tân Việt văn".


"Quân tử bất khí"


Những con người thực học, biết gạn lọc, bồi đắp tri thức, suốt một đời sống theo nhân nghĩa lễ trí tín như nhà văn Trần Huiền Ân có thể nói là khá hiếm giữa thời buổi này. Nhưng khi nói về mình, bao giờ ông cũng hết mực khiêm nhường. Trần Huiền Ân nói rằng mình thua ông cụ thân sinh của mình xa lắc: "Cha tôi hay nói: "Sĩ kiêm bách nghệ" (kẻ sĩ kiêm trăm nghề), lại nói "Quân tử bất khí" (người quân tử không câu nệ...). Là một nhà Nho nhưng ông kiêm đủ canh mục ngư tiều, biết nhiều làng xóm, hang cùng ngõ hẻm, làm thơ xướng họa với ông Tri huyện Thân Trọng Khoa xong ra đàm đạo y lý với ông Thầy Sáu Khả, đi khuyến học quốc ngữ với thầy giáo Hoàng Trinh, Nguyễn Luân, qua Cồn Trò đánh lưới cá sông với ông Ba Cửu, năm đói kém đi phát rẫy cùng ông Tám Nân, cùng đồng bào Xóm Vườn đào khoai mài núi chẳng thua ai, biết tên nhiều cây rừng, cá biển… v.v... Trong khi đó, tôi thì chỉ biết loáng thoáng, phải hỏi han ghi chép, bây giờ già rồi, tiếc rằng lúc trước đã không tận dụng hết cái kho tàng tri thức của thân phụ".


Đó là Trần Huiền Ân tự trách mình đã không học hết cái hay của cha để sau này có thể viết sâu và hay về đất và người Phú Yên. Nhưng có lẽ, vốn thấm câu "Quân tử bất khí" nên ông hễ rảnh ra là túc tắc đi, thủ thỉ hỏi chuyện, cần mẫn ghi chép. Thật vô cùng ngạc nhiên, tính đến nay, ngoài 4 tập thơ, 7 tập văn, Trần Huiền Ân còn có 14 tập sách nghiên cứu văn hóa Phú Yên. Ông có lẽ là người đi điền dã, viết khảo cứu văn hóa nhiều nhất Phú Yên hiện nay. Riêng trong năm 2012, các tập khảo cứu: "Đá trong đời sống văn hóa dân gian ở Phú Yên", "Lễ tục vòng đời", "Trăm năm trong cõi người ta", "Văn hóa sông nước Phú Yên" và "Việc làm nhà quê tại Phú Yên", "Thời gian trong ca dao", "Chân dung một làng quê: Vân Hòa thuở ấy"… của ông đều được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam thẩm định và tài trợ kinh phí in ấn, phát hành. Một sức bền lao động đáng nể, một kiến văn sáng rõ đáng trân trọng. Thì ra là vậy, người quân tử nào có nề hà, nào phân chiếu trên chiếu dưới, cứ thấy việc gì có ích cho đời là làm. Với 14 tập sách biên khảo chuyên sâu về Phú Yên, tôi nghĩ Trần Huiền Ân xứng đáng được trao tặng danh hiệu cao quý nhất cho lao động nghệ thuật.


"Yêu mà lời với lãi"


Thế nhưng, trong đời văn của mình, Trần Huiền Ân cũng từng gặp "tai nạn nghề nghiệp", hay nói đúng hơn là bị suy diễn quy chụp một cách buồn cười. Cách đây mấy năm, khi Trần Huiền Ân cho in bài thơ "Bài hát ngày về", trong đó có những câu như: "Ta ngồi lại soi xuống dòng suối rách/ Vốc nước lên kỳ cọ mặt mày"; thì hai chữ "suối rách" bị suy diễn là bêu xấu hình ảnh quê hương. Trong khi đó, Trần Huiền Ân tỏ ra đắc ý khi dùng chữ "suối rách" để mô tả dòng suối mùa hè khô cạn, chỗ có nước, chỗ khô trụi. Rồi khi Trần Huiền Ân in bài thơ "Ngọn cỏ tịch điền" thì bị suy diễn rằng tác giả viết về vùng đất chết (tịch điền), trong khi đó những ai "có chút chữ nghĩa" đều  biết tịch điền là nói về lễ hội ngày xuân, vua xuống ruộng cày vài đường để khích lệ lòng dân. Trong bài thơ này, Trần Huiền Ân đã tô mả hình ảnh con trâu già thật xúc động: "Một thời ruộng sình ruộng rộc/ Đám thổ, bãi bồi, sườn đồi, đất dốc/ "Trâu ơi ta bảo trâu này"/ Tiếng hát ơi hời cho em bé ngủ say…/ A, con trâu già/ Trong lục giới là bạn bè thân thiết/ Chín bỏ làm mười chịu phần thua thiệt/ Còn tấm da xin để lại tặng đời/ Sáng hôm nay nắng trải hồng tươi/ Lưỡi cày băng băng nồng nàn hơi đất ấm/ San sát bên nhau những luống dài nâu đậm/ Đôi sáo ngà vừa chắp cánh sang sông…".


Hình ảnh nông thôn thật và đẹp nao lòng. Thế mà Trần Huiền Ân lại bị suy diễn, quy chụp. Khi tôi hỏi Trần Huiền Ân rằng, suốt một đời theo đuổi văn chương, có khi nào ông thấy mình đã lầm? Trần Huiền Ân trả lời ngay rằng: "Không, tôi không thấy mình "lầm" chút nào. Tôi yêu văn chương, dù có khi cho rằng nó "phù phiếm", không thật cần thiết cho con người như cơm áo. Thi sĩ Tạ Ký viết: "Yêu mà lời với lãi. Còn chi là tâm hồn", tôi cũng vậy, yêu văn chương, có kể gì lời lãi. Tôi đã mấy lần bị tai nạn văn chương, kẻ đâm trước ngực, người đâm sau lưng, đâm ngang hông, nhưng tôi vẫn gắn bó với văn chương. Hồi lưu lạc trong Nam, một dịp tết xa nhà, cha tôi viết câu đối: "Xuân mãn nam thiên phong thủy cựu. Nhơn tồn khách địa tuế thời tân".


Nhà văn Trần Huiền Ân tâm tình rằng, đến nay, nhiều buổi bình minh thức giấc, dù không phải nguyên đán, ông vẫn đọc câu ấy, để hiểu rằng bất cứ lúc nào, ở đâu, trong "phong thủy cựu" vẫn có "tuế thời tân". "Cái năm tháng mới, thời tiết mới ấy hướng dẫn tôi nhìn tới tương lai, sau những phút giây buồn phiền đã toan đem tấc lòng kiêu bạc "khinh đời như sẵn tự khinh ta" lại lạc quan tin tưởng để mà "yêu đời như chính thực yêu ta"- Trần Huiền Ân chân tình bộc bạch. 


Mỗi khi có dịp về Tuy Hòa tôi lại ghé thăm nhà văn Trần Huiền Ân, vẫn nụ cười hiền và giọng nói nhẹ. Một căn nhà nhỏ, một dáng người nhỏ lui cui. Thế nhưng với riêng tôi, Trần Huiền Ân là một nhà văn, một nhân cách mà trong đời không dễ gì được hạnh ngộ.



Trần Nhã Thụy
Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/doisongvanhoa/2012/8/57328.cand


1 9 1