Chiều
cuối năm
đi nhầm tàu ở San Jose
Thành phố chiều cuối năm
những chiếc bus chạy qua vắng khách
đường mang số - hàng cây trơ cành
mùa đông vừa đem đi hết lá.
Ngồi một mình cà phê Starbucks
ở góc đường số 3
mưa mịt mù ngoài cửa kính
người phục vụ da đen đưa mắt nhìn buồn bã
thời gian trôi
trên những chiếc bàn trống.
Nỗi nhớ chiều cuối năm
cánh đồng một thời bom đạn
giờ này trắng xóa mưa
bạn bè nghĩa địa đìu hiu
ôm đất trời sủng nước.
Đón light rail
đi Blossom Hill
toa tàu vắng
người homeless già thu mình hàng ghế cuối
giấu khuôn mặt dưới chiếc mũ dạ nâu
tàu đi - tàu qua rất lâu
bóng tối đầy trong đôi mắt
người homeless già
tàu đi - tàu qua nhiều ga
người homeless vẫn ngồi
chờ xuống ga nào quá khứ.
Tôi đi Blossom Hill
tàu qua hoài chẳng tới
mỗi lúc càng xa
những ga xép chiều mưa quê nhà
tiếng còi tàu ảm đạm
Lăng Cô – Thừa Lưu – Huế
tôi đã lên nhầm tàu
Santa Teresa - Winchester
chiều cuối năm
như người homeless già
tôi đi chuyến về ký ức.
San Jose, December 31, 2010
Những
trái thông
không
rơi vào mùa Giáng
Sinh
Tôi trở về nơi làm việc cũ
parking lot không một bóng xe
cánh cửa mỗi sáng bấm giờ vào ca
im lìm đến hãi hùng
tôi gọi thầm Amanda
mà sao cổ nghẹn
tôi gọi Amanda nhiều lần
mà âm thanh chỉ làm trái tim muốn vỡ
Gió reo hay thông reo
những ngọn thông cao vút
ném xuống lòng đường những trái khô queo
trái thông năm nào lúc chia tay
cũng xám màu huyết dụ
như chiều nay
giấc ngủ mấy mùa đông
vì một tiếng thông rơi
mà tĩnh thức
Tôi bước đi trên lối cũ
tiếng gió và sự lặng thinh
bãi đậu xe lênh đênh hoàng hôn
tôi thất thanh gọi …
sao chỉ nghe tiếng vỡ trong ngực mình.
San Jose, December 2010
Một ngày mà trăm năm
Thức giấc với bình minh hoa hồng
tiếng sóng biển báo tin anh đến
lòng bao la hạnh phúc
em đếm từng bông hoa
không phải triệu đóa
mà nhiều vô cùng với em
ngày mở ra rực rỡ
rộn ràng nhịp tim
chờ anh đến
biển hôm nay xanh
những chú còng gió
đuổi nhau trên đồi cát
và em đuổi anh
trên tháng ngày cuồng điên nỗi nhớ
biển sẽ dìm anh
sẽ dìm em
xuống đáy sự khát khao.
Nhưng mà anh đâu đến
biển dối gạt em rồi
đóa hồng lụi tàn nhanh
vì tưới bằng nước mắt
bức điện tín màu xanh
đưa tin anh về đất *
em đứng dưới tàng cây
ngoài kia trời dậy sóng
bão nổi và mưa tuông
lòng em mùa biển động
nước mưa hòa nước mắt
gió níu cành khăn tang
em bám bờ cát lạnh
một ngày mà trăm năm!
San Jose, January
2011
*Muốn chú thích một dòng nhỏ, mà thôi!
LỮ QUỲNH
MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ LỮ
QUỲNH
1.
Thế hệ chúng tôi, thế hệ của Lữ Quỳnh, cũng
có những ảo tưởng khác. Đọc lại truyện cũ chúng tôi viết ở Qui Nhơn thời đó,
không hiểu sao chúng tôi thích dựng truyện trong một khung cảnh khá khác thường
: truyện xảy ra ở vùng xôi đậu, có bên này và bên kia một dòng sông, có cây cầu
bắc qua hay con đò lặng lẽ lén lút chèo giữa đám sương mù. Lữ Quỳnh có Sông sương mù. Tôi có Cây cầu tuổi dại. Chiến tranh lúc đó đối với chúng tôi
là một điều phi lý, dù không ai thoát ra khỏi được cuộc chiến tranh ấy. Cho nên
người bên này hay người bên kia đều dễ thương như nhau, ít ra là “dễ thương như
nhau” qua đôi mắt trẻ thơ của bé Phượng trong Sông
sương mù. Mà những người dễ
thương như thế thì không có lý do chính đáng nào để ghét nhau, nói chi đến chuyện
thù nhau, rồi tìm cách giết nhau. Chỉ cần nắng lên và sương mù tan hết, cuộc sống
sẽ trong sáng, người ta nhìn thẳng vào mặt nhau để thấy người đối diện thật xứng
đáng để thương yêu. Ôi thời đó chúng tôi lãng mạn biết chừng nào, ngây thơ biết
chừng nào. (NGUYỄN MỘNG GIÁC, trích giới thiệu tập truyện CÁT VÀNG,
Nhà xuất bản VĂN MỚI, 2006).
2.
Trong ghi nhận của tôi về 20 năm văn học miền
nam, có nhà văn Lữ Quỳnh. Nhưng, cũng trong ghi nhận của tôi, Lữ Quỳnh còn là một
thi sĩ. Ông không chỉ là thi sĩ qua những hình ảnh trong văn xuôi. Ông cũng
không chỉ là thi sĩ qua những so sánh, liên tưởng, nhân cách hóa trong khá nhiều
truyện ngắn của ông. (Mà), với tôi, ông còn là thi sĩ chan hòa tình nhân bản,
trong cuộc trường chinh chữ, nghĩa trên lộ trình sống/ chết của miền nam điêu linh,
20 năm. Hôm nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi vẫn còn nghe thoảng
hương thơm của lòng nhân hậu. Hay, tinh-lánh của một con người không bị ô nhiễm
bởi lầm than, nguy nàn, tổ quốc. Hôm nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh,
tôi vẫn còn nghe được tiếng reo vui, hân hoan của những con chữ búng mình trên
mặt sông máu/xương gập ghềnh nghiệt, oan vận nước. Hôm nay đọc lại những trang
văn của Lữ Quỳnh, tôi vẫn còn nghe được những hồi chuông khánh tình yêu thao
thiết. Hay, những ngọn nến cháy bằng tim bấc trăm năm giữa nghìn sao rung động
thứ nhất. (DU TỬ LÊ, trích tựa của tập thơ SINH NHẬT CỦA MỘT NGƯỜI KHÔNG CÒN TRẺ,
Nhà xuất bản VĂN MỚI, 2009).
3.
Chủ đề chính của quyển sách miêu tả sự xung đột
nội tâm của ba nhân vật chính trong hoàn cảnh chiến tranh. Mỗi nhân vật bị dày
vò với một nỗi khổ tâm riêng. Nếu dựa vào lý thuyết phân tích tâm lý học của
Sigmund Freud người đọc dễ dàng nhận ra tâm trạng của Vũ được xây dựng trên sự
biến dạng của hiện tượng Oedipus. Vũ rất yêu mẹ và sự thay đổi trong thái độ của
mẹ (khi người mẹ bắt đầu yêu một người đàn ông khác) làm chú bé có cảm tưởng
mình không còn được mẹ yêu thương. Người cha vắng mặt đã lâu nên không là đối
tượng tranh giành tình cảm, trái lại, sự vắng mặt của ông lại là sự hiện diện
thường xuyên trong tâm hồn Vũ. Trong cơn mưa dai dẳng mùa đông, nỗi nhớ bố của
chú bé đủ mãnh liệt để biến thành giấc mơ gặp cha trên đồi đầy nắng. (NGUYỄN THỊ
HẢI HÀ, trích phê bình tập truyện NHỮNG CƠN MƯA MÙA ĐÔNG, THƯ QUÁN BẢN THẢO tái
bản, 2010).
ĐÔI DÒNG VỀ LỮ QUỲNH
Sinh
năm 1942 tại Huế.
Trước
1975, đã viết trên các tạp chí: MAI, BÁCH KHOA, PHỔ THÔNG, Ý THỨC, KHỞI HÀNH,
THỜI TẬP .
Tác
phẩm đã xuất bản:
SÔNG
SƯƠNG MÙ (Tập truyện)
NHỮNG
CƠN MƯA MÙA ĐÔNG (Truyện vừa)
VƯỜN
TRÁI ĐẮNG (Truyện dài)
SINH
NHẬT CỦA MỘT NGƯỜI KHÔNG CÒN TRẺ (Tập thơ)
Hiện
định cư tại California, Hoa Kỳ
Thơ Lữ Quỳnh
Vĩnh Điện phổ nhạc
Tiếng hát KIM KHÁNH
2 4