Nhà thơ Cao Thoại Châu qua nét vẽ của Họa sĩ Vi Vi
Có đáng nói là...tội nghiệp không khi tới năm 1969, tức là khi 30 tuổi,
mà tôi vẫn trắng tay không có một mối tình nào? Ấy là câu tôi tự hỏi mình tại
phi trường Kontum vào một buổi chiều lơ ngơ tại đó. Lúc ấy khoảng 5 giờ chiều
miền núi trời tối nhanh, lại là một phi trường rất nhỏ nên ngoài tôi ra chỉ còn
vài người hình như là lính gác phi trường. Tôi phải lội bộ vào thị xã bởi chuyến
bay đưa tôi về Kontum theo lệnh biệt phái từ quân đội sang giáo dục là máy bay
quân sự của Mỹ mà tôi đi nhờ. Họ đã bay đi mang theo hành lý của tôi quên trên
đó. Đó là lý do tôi phải lội bộ tay không cùng với câu tự hỏi nêu trên.
Sau gần 4 năm đi lính, tôi trở về trường cũ với tay không như vậy. Nhưng
lần này là người lính nên mọi thứ cũng có phần mạnh dạn hơn. Tôi hay sang
Pleiku chơi và gặp những anh em viết lách bên đó như Kim Tuấn, Vũ Hoàng, Chinh
Yên. Lúc ấy Chinh Yên làm gì đó ở đài phát thanh QĐ II và anh kéo tôi vào làm
cho...có tiền mà may quần áo. Chinh Yên bảo thế. Vậy là mỗi ngày tôi có một bài
viết cho người ta đọc vào sáng tinh mơ và khuya lúc 10 giờ, giọng con gái trong
và trẻ, và biết cách đọc theo ý người viết. Cứ mỗi sáng sớm tôi phải ra gửi xe
đò bài viết về Pleiku.
Tự nhiên thành khán giả trung thành của đài phát thanh, dần dà thành
khán giả của cô phát thanh viên và cảm giọng đọc ấy. Một lần sang Pleiku, tôi
được cả Kim Tuấn lẫn Chinh Yên đẩy vào “vụ Trâm” và khuyên tôi nên xin đổi sang
dạy học tại Pleiku. Từ Kotum xin về Sài Gòn thì còn phải chờ xét chứ đấy sang
đây cùng núi rừng với nhau thì chỉ hai tuần là có sự vụlệnh đưa tôi về trường Nữ
trung học Pleime tại thị xã Pleiku. Tất nhiên chuyện “cháu Trâm” với “anh
Châu”mọi thứ đã có Kim Tuấn và Chinh Yên lo! Suốt mấy tháng quen nhau, vì nghề
nghiệp ngày nào cô ấy cũng đọc bài tôi viết và chuyện gặp nhau cũng quá bình
thường bởi nhà cô ấy là một quán cà phê có vườn cây. Lúc ấy là năm 1970 mà sao
tay cô ấy chưa bị cầm bởi tôi! Nói chi đến những thứ cao cấp hơn?
Vài tháng qua đi thật nhanh, một hôm Trâm nhắn sẽ về Sài Gòn nghỉ phép nửa
tháng và thế là tôi có mặt tại phi trường cũng vào một buổi chiều hơi có phần u
ám nhưng lòng thì hình như trái lại. Trước lúc lên máy bay Trâm trao cho tôi một
cuốn sách gói gọn gàng vuông vức có phần công kỹ trong tờ báo cũ và khi cửa máy
bay vừa đóng thì tôi mở nó ra. Đó là một thiệp mời đám cưới và cô dâu là cô
phát thanh viên gần một năm vẫn đọc bài tôi viết! Có một mảnh giấy nhỏ có vẻ
không viết vội vàng “Em
biết là anh có cảm tình với em, nhưng gần một năm rồi anh không tỏ tình gì cả.
Có người tới thì em phải đi lấy chồng...”. Đọc
xong mấy hàng chữ tôi giật bắn cả người, thì ra thế!
Trên đường về thị xã tôi nhẩm lại bài học...yêu thì phải tỏ tình! Bài học
này tôi có mang ra thực hành sau đó ở những trường hợp khác, nhưng có những khi
người nghe lại cười bảo, “Không cần thiết”. Và trên đường vào thị xã tôi nhẩm
luôn cho tới khi tới nhà thì xong bài thơ này! Khi bài thơ đăng báo, nhiều người
quen có lời chia sẻ về “nỗi buồn” của tôi, chắc là vì bài thơ ướt át theo phong
vị của một chia ly cổ điển nhưng nào có ai hay tôi tỉnh rụi và buồn bã như được
chia sẻ thì không...Mới đó mà bài thơ đã 42 tuổi đầu, còn nhân vật nay đã bao
nhiêu, ở đâu, ra sao thì tôi lại cũng không hề biết. Có điều là không thể nào
tôi quên nhân vật bởi hình như “Để nhớ lúc Trâm xa” là
một bài thơ có sức chịu đựng trước những va đập, cuốn trôi và cả “lăng trì” của
thời gian?
Cao Thoại Châu
Để nhớ lúc Trâm xa
Hình
như tôi vừa tiễn một người
Có
điều gì mất đi trong tôi
Lúc
qua đèo tôi nhủ mình như thế
Lệ
có bào mòn núi cũng không nguôi
Mấy
giờ trưa nay người lên phi cơ
Người
mặc áo hoa lần đầu gặp gỡ
Hay
áo hồng như chiều hôm qua
Buổi
chiều mây đùn trắng xóa
Cho
tôi già trong một cõi vô tư
Tôi
tiễn người để biết kẻ đi xa
Đã
mang theo hồn người ở lại
Sao
người không đi bằng sân ga
Có
ánh đèn cho mắt tôi vàng úa
Đời
buồn tênh sao người không đi ngựa
Cho
tôi nghe lóc cóc trên đường
Tôi
không muốn người dùng phi cơ
Bởi
đôi mắt làm sao ngó thấy
Tôi
không muốn người dùng phi cơ
Tình
chỉ đẹp trong một bàn tay vẫy
Có
thật người đã đi chiều nay
Hay
tiễn đưa chỉ là ảo tưởng
Hay
chính tôi, tôi vừa khởi hành
Vào
trăm cõi nhớ nhung vô tận
(Yêu
có phải suốt đời níu giữ
Một
điều gì không có trong tay
Yêu
có phải là cần thay thế
Những
cơn buồn vô cớ trong tôi)
Chuyện
người đi đã là có thật
Thôi
cũng đành to nhỏ với hư không
Tôi
là núi sao người bỏ núi
Tôi
là thuyền sao người không qua sông
Tôi
là cầu sao người không qua thử
Cho
tôi nhìn bóng nước rung rinh
Cho
tôi nhìn tôi hốc hác điêu tàn
Cho
tôi khóc và nghe tiếng khóc
Có
người đi sao chiều không mưa
Có
người đi sao chiều không nắng
Rất
lãng mạn sao tôi không buồn
Mà
chỉ thấy lòng mình khoảng lặng
Thôi
hãy đi cho thật bình an
Và
cô đơn suốt cuộc hành trình
Sá
gì tôi cành cây nhớ gió
Hắt
hiu buồn trên đỉnh chênh vênh
Người
đi rồi tôi như mặt bàn
Ngón
tay nào vu vơ trên đó
Người
đi rồi tôi như chiếc gương
Thỏi son nào tô môi trong đó
Người
đi rồi tôi như chiếc xe
Không
hành khách ngủ vùi trên bến
Và
người đi tôi thành nỗi buồn
Không
cách gì làm tăng thêm nữa
Người
đi rồi tôi còn một mình
Làm nhà tu trong căn nhà trống
Ai sẽ tắt giùm tôi ánh điện
Cho tôi nhìn thật rõ đời tôi
Đời của tôi nhiều khi buồn muốn
khóc
Cao Thoại Châu
Pleiku 1970
ĐỂ NHỚ LÚC TRÂM XA là một trong những bài thơ hay nhất của Cao Thoại Châu, một trong những bài thơ tạo nên tên tuổi Cao Thoại Châu. Bài thơ xuất hiện trên tạp chí VĂN ở Sài Gòn năm 1970 thể hiện một phong cách rất riêng của Cao Thoại Châu: không câu nệ số chữ trong một câu thơ, số câu trong một khổ thơ, không cầu kỳ kiểu cách, ngôn ngữ và hình ảnh rất thật, rất gần gũi với đời thường. Bài thơ có sức cuốn hút mạnh mẽ và làm xao động lòng người. Đây là một trong những bài thơ tôi yêu thích và thuộc lòng.
(PCH)
PHỐ NÚI sơn dầu trên bố 24 x 30 in