Saturday, March 12, 2016

2174. TRẦN HOÀI THƯ Thơ Đinh Cường 1964





Tôi đang đánh máy những bài của Đinh Cường mà tôi tìm thấy trên báo Mai vào năm 1964. 2 bài viết về họa sĩ, và  cả 2 trang thơ khổ nửa tờ nhật trình. Hai ngón tay tôi gõ chậm. Và mắt đôi khi phải gắng điều tiết để dọc những chữ in trên một tờ báo cách đây 52 năm. 

Bây giờ tôi mới hiểu được sự ích lợi của việc đánh máy. Khi mà bạn gõ,  có nghĩa là thời gian đòi hỏi bạn đọc và suy nghĩ hay thưởng ngoạn từng chữ từng câu từng đoạn, sẽ lâu dài hơn khi bạn đọc. Đọc chỉ bằng mắt, nhưng khi đánh máy thì khác: vừa đọc, vừa nghĩ, vừa đánh giá.  Bài này, đoạn này, câu này có xứng đáng với cái công mà bạn bỏ ra hay không.

Và tôi đã bỏ ra rất nhiều bài, dù tác giả chúng là tên tuổi rất quen thuộc. Hình như hai ngón tay tôi đòi đình công.

Nhưng đối với bài của Đinh Cường, hai ngón tay của tôi thì hăm hở lắm. Và trái tim của tôi cũng vậy. 

Đây là bài thơ Lục bát của Đinh Cường, năm 1964:


cho sơn

mai đi hồ dể quên đời 
mai đi hồ dễ quên người được sao 
nửa đêm sực tỉnh mưa rào
còn đây một nửa truyện sầu chuyền tay



đồi vọng cảnh

thôi em ngày mộng chưa về 
chiều trên rừng núi lạnh tê mộ phần 
con sông chừng cũng lưng dòng 
thuyền trôi chậm mái chập chùng sóng xô 
người ngồi giữa bải cỏ khô 
bầy chim về muộn cũng vừa bóng đêm 
thôỉ em ngày mộng đã chìm
chiều trên rừng núi một mình lạnh tê

Năm 1964, Đinh Cường 25 tuổi. Anh được biết nhiều qua vóc dáng của một họa sĩ. Và chúng tôi chỉ biết vậy. Chúng tôi không biết anh làm thơ. Bây giờ, đọc thơ anh thật nhiều, thấy thơ anh hầu hết là thơ tự do, “nghĩ sao nói vậy”, nên khi  được đọc Lục bát của anh, tôi muốn lặng người.  Nội hai chữ “hồ dễ” mà anh dùng trong bài “cho Sơn” , và cái cảnh hoàng hôn trên một giòng sông qua hai câu:
  
con sông chừng cũng lưng dòng 
thuyền trôi chậm mái chập chùng sóng xô
  
cũng đã đưa người đọc nhớ đến hai câu thơ của Huy Cận:

Sóng gợn trường giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuối mái nước song song
  
Ở Huy Cận, ông dùng chữ buồn để nói lên cảnh. Nhưng ở thơ Đinh Cường anh đã dùng cảnh để nói lên buồn. Có chữ buồn nào đâu mà khi dọc tự nhiên ta cảm thấy một nỗi buồn man mác... 

Còn nữa, ở Huy Cận, những điệp ngữ như điệp điệp/song song, là những sáo ngữ, còn ở Đinh Cường, không thấy một sáo ngữ nào. Hết sức bình dị. Bình dị như chữ “lưng dòng”. Khi  đọc, tôi không để ý‎‎, nhưng khi gõ, thì ngón tay  tự nhiên dừng lại. Trí não tôi suy nghĩ. Hay quá đi... Sao mà ông họa sĩ này lại tài tình đến vậy.
  
Không phải riêng lục bát mà còn những bài thơ vần tuyệt vời như thế này:

anh ngồi trên cát lạnh 
em giờ xa ngàn trùng 
chiều ơi chiều xuống chậm 
mây bay qua chập chùng 
gió lưng đèo thổi mạnh 
mưa trên đèo đó nhung

(Nửa mặt)

Tôi nghĩ khi anh làm thơ, có nghĩa là khi tranh anh màu sắc  đã bất lực diển tả. Vì chỉ có thơ mới có thể diễn tả tất cả nỗi niềm cảm xúc như những câu:

anh còn đi biền-biệt
những ngày qua ngày qua
con ngựa hồng đã chết
anh hát bài sahara
(Nửa mặt)

Có thật vậy không?
  
Trần Hoài Thư
March 3, 2016