Friday, March 11, 2016

2172. TRẦN HUIỀN ÂN Nhất nhì tam tứ trong ca dao (Phấn 2)


Ảnh PCH - 2015



Phần 2: NHẤT – NHÌ

Một cặp vị thứ nhất/nhì thường được đưa ra trong câu tục ngữ ngắn gọn, gồm 2 vế tiểu đối, có ý nhấn mạnh khiến cho người nghe dễ nhớ. Số câu theo thể lục bát. Nội dung tương đối phong phú, phản ánh nhiều mặt của cuộc sống.

-Nói về đất nước – con người
              
21- Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến.
       
Kể về sự dân cư đông đúc, mua bán tấp nập, nhất là có nhiều nhà buôn ngoại quốc vào thế kỉ XVI, XVII thì thứ nhất là kinh kỳ: Kinh đô Thăng Long (Hà Nội ngày nay), thứ nhì là Phố Hiến, tỉnh lỵ Hưng Yên , nơi có xây Hiến Nam cố cung. Tại đây có thương gia Hòa Lan đến mở thương cuộc trước nhất vào năm 1637 (Theo LVĐ/VNTĐ, quyển .hạ, phần II, tr. 343 và phần III, tr.200)
                     
22- Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện

Đồng Nai: Còn gọi là Nông Nại và Lộc Dã, nguyên là đất Chân Lạp do vua Nặc Ông Chân dâng Chúa Hiền năm 1658, nay là tỉnh Biên Hòa, cũng có nghĩa rộng là Miền Đông Nam Bộ gồm Bà Rịa, Biên Hòa, Gia Định, Sài Gòn (LVĐ/VNTĐ-quyển thượng, phần III, tr.62). Thời ấy, Đồng Nai thật xa xôi cách trở, đối với Miền Trung (như Phú Yên) thì đó là một đầu của đất nước (đầu kia là kinh đô Phú Xuân), chính là nơi cho những kẻ làm trai thỏa mộng giang hồ:
              
-Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai              
-Làm trai cho đáng nên trai               
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng              
-Nhà Bè nước chảy chia hai               
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về…

Nhưng nhờ đất đai rộng rãi và màu mỡ, phần nhiều đã thành thục, không phải nặng công khai vỡ như Miền Tây Nam Bộ nên Đồng Nai phát triển nhanh, dân cư đông đúc, làm ăn giàu có, được coi là nhất.

 Đồng Nai cũng là tên một con sông. Còn gọi là Phước Long giang, sông Cam Lộ, sông Hòa Quý, từ cao nguyên Trung Bộ chảy qua Biên Hòa ra cửa Sói Rạp. Trước tháng 8/1945 một tỉnh đầu nguồn mang tên Đồng Nai Thượng (người Pháp viết Haut Donnai), sau nhập với Lâm Viên thành Lâm Đồng.

Hai huyện: Kể về ruộng đất phì nhiêu thì hạng nhất là xứ Đồng Nai, tức Miền Nam Việt Nam kế đó là hai huyện Phong Đăng và Phong Lộc tức huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh ngày nay thuộc tỉnh Quảng Bình Miền Trung Việt Nam (LVĐ/VNTĐ - quyển hạ, phần II, tr.266). Huyện Lệ Thủy (Phong Đăng) có dòng sông Kiến Giang, có tổ khúc hò khoan độc đáo, có đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở đất Gia Định, miếu thờ Dương Văn An, tác giả Ô Châu cận lục. Huyện Quảng Ninh (Phong Lộc) có núi Đâu Mâu, núi Thần Định, trong thời nam bắc phân tranh có lũy Trường Dực do Đào Duy Từ chủ trương thiết kế và chỉ huy xây dựng năm 1630 từ chân núi Trường Sơn đến bãi cát Động Hải. 

Vậy Đồng Nai và hai huyện nêu trên là hai nơi giàu có nhất/nhì trong phạm vi lãnh thổ do Chúa Nguyễn cai trị (cũng gọi là xứ Nam Hà, xứ Đàng Trong), một ở phía nam và một ở phía bắc.