Photo by PCH (2015}
1.
CON NGƯỜI
SỐNG CÙNG CÂY CỎ
Môn
học ấy, qua các thời kỳ dạy học trò nhỏ lớp Sơ đẳng (lớp Ba) gọi là môn Cách
trí, môn Thường thức, môn Quan sát, môn Khoa học … nói rằng vạn vật trong vũ trụ gồm có: động vật,
thực vật và khoáng vật.
Chữ Nho, động là hoạt động, chấn động,
cảm động, thực là trồng, khoáng là nói chung nguyên liệu ở trong đất phải đào
lên mà lấy. Theo cụ Đào Duy Anh giảng vắn tắt thì: động vật là sinh vật có tri
giác, vận động, sinh dưỡng, cơ năng (animaux); thực vật là sinh vật khác với
động vật không có vận động và tri giác, như các thứ cây cỏ (végétaux); và
khoáng vật là gọi chung các vật chất vô cơ, như đồng, sắt, chì, cát, đá – những
phần tử làm thành đá đất, chia làm 2 thứ: kim thuộc và phi kim thuộc (minéraux)
.
Nói một cách dễ hiểu hơn thì thực vật là
các loại thảo mộc được trồng (trời trồng và người trồng) trên đất, trên nước,
trên những môi trường mà nó sống được. Thảo là cỏ, mộc là cây, nói nôm na là
cây cỏ. Thật ra, cỏ cũng là một loại cây, nó có đủ bộ phận của cây, sống và
chết theo đời sống của cây, nhưng nó nhỏ nhoi, vòng sinh tử ngắn ngủi, và điều
chính yếu là cấu trúc cơ thể của nó (dẫu có khi lớn hơn vài loại cây) là cấu
trúc dạng cỏ, nên người ta mới phân biệt thân mộc (thân gỗ) và thân thảo (thân
cỏ). Từ đó có phân biệt cây và cỏ.
Con người sống cùng cây cỏ, sống bên cây
cỏ. Không có cây cỏ sự sống con người
chỉ còn tạm bợ, vất vưởng… với những phút giây
ngắn ngủi chờ
chết. Tục ngữ nói: “Đói ăn rau, đau uống thuốc”.
Rau là những loại cỏ đã được đem
về trồng trong vườn nhà. Cỏ rừng ăn được ta cũng gọi là rau, đôi khi thòng thêm
ghi chú thành “rau rừng”.
Xin
đừng coi thường thân phận bé bỏng của nó. Thi sĩ Tô Thùy Yên thời gian vướng
vào vòng lao lý, thụ án nơi thâm sơn cùng cốc, sau mỗi ngày khổ sai về trại “thu gom áo nón lèm bèm, trên vai bó củi lại
kèm bó rau” để “cải thiện” bữa cơm
tù. Bó rau đó, ông đã cố “hái nhanh cho
kịp trời chiều, ấy mê ấy tỉnh cỏ
nhiều hơn rau”. Có lúc thi sĩ không biết là rau gì, chưa hề dùng đến. “Giá ta hỏi được một lời: Rau này trăm họ mấy
người đã ăn?”. Thi sĩ thương cảm thân mình đồng thời thương cảm thân rau xa
lạ, xin thâm tạ: “Cảm ơn rau của đất trời.
Hẩm hiu chưa được cuộc đời đặt tên”(16). Lại nữa… chẳng hạn một ai đó
bị biệt giam không nhìn thấy cây cỏ cũng phải có vài ba hột bo bo hay vài mẩu
sắn luộc con con (chút tàn dư của cây cỏ) để giữ gìn chút tàn lực.
Hãy
xét một con người bình thường bậc trung sống cuộc sống bình thường bậc trung. Không một ngày nào mũi
miệng người ấy không thụ hường một chút gì của cây cỏ, tầm mắt không ghi nhận
một hình ảnh nào của cây cỏ.
Một
tí nước có màu nâu nâu, vị đăng đắng, hương thơm thơm… vừa trôi qua thực quản.
Ông ta im lặng như lắng nghe và nhận ra mùi vị của hạt cà phê rang cháy, xay
nhuyễn, của đọt lá trà xanh tươi, của nụ hoa ngâu, hoa lài hái vào buổi sớm
sương chưa tan. Cây cỏ đã giúp ông ta chào bình minh sảng khoái.
Bữa
trưa, bữa chiều ông ta cùng cả nhà quây quần bên mâm với thức ăn cũng từ cây
cỏ, chén cơm chén cháo gạo lúa mới trắng ngần, bát canh khoai, canh bí, dĩa xào… Vài bông mướp hương
vàng đậm, mấy lát cà rốt đỏ, trái cà lùi tím nhạt. Vắt mấy gọt chanh vào chén
nước mắm… Rồi “tráng miệng”
bằng quả chuối, quả cam. Cây cỏ đã góp phần nuôi sống ông ta, tặng chất bổ
dưỡng để ông ta được thêm tráng kiện vui vẻ.
Có
thể trong sân nhà ông ta có bụi hường, bụi cúc, góc hàng rào có cây bưởi, cây
khế. Đưa con đến trường ông ta thấy học trò chơi trò bắn bi, nhảy dây, cà
chuông, xáng cõng… dưới gốc bàng, gốc phượng. Đi xin giấy tờ nơi công sở ông ta
gặp bà con tạm hóng mát quanh thân một cây gì đó. Cây cỏ giúp sự “ngoạn mục” và
che chở cho con người.
Đó mới là chuyện ăn uống và thư giãn phút
giây. Căn nhà ta ở, với những cột kèo xuyên trính, nhà vách đất thì rui mè,
tranh rạ. Bàn ghế, tủ giường. Dụng cụ nhà nông dùng trong việc cày bừa, thu
hoạch lúa thóc, nghề thợ cần cán búa cán rìu, bác chài cần tay lưới, cái nôm…
vân vân và vân vân… Nhỏ nhặt nhất như một sợi lạt, một tép dây bẹ chuối, một
bẻo lá gói vài ba viên kẹo. .. Mọi đồ
vật hàng ngày của con người đều từ cây cỏ.
Về
thôn quê… cây cỏ càng quan trọng gấp bội
trong đời sống tinh thần. Bên bờ ruộng bờ thổ cơ man là cây cỏ. Hai bên đường
đi cây cỏ luôn luôn sẵn sàng. Những cổ thụ coi như cột mốc từng chặng, được đặt
tên riêng, theo vị trí, hình dáng. Hai cây đa đứng liền nhau là cây Da Đôi, tán
lá giống cái dù là cây Da Dù, cành sà xuống thấp là cây Da Sà… Mỗi cổ thụ là
một tụ điểm sinh hoạt của dân chúng bên ngoài thôn xóm, nơi khách bộ hành,
người gánh củi gánh tranh dừng chân tạm nghỉ, nơi trẻ chăn trâu chăn bò đánh cờ
tướng, đánh trổng, ăn cơm trưa. Có những ngôi quán cất gần cây đa, nhưng quán
không tồn tại lâu bằng, gây ra cảnh:
Có
quán thì phụ cây đa
Ba
năm quán đổ, cây đa vẫn còn…
Cây
cỏ đôi khi có màu vàng nhạt như những động tranh già nua, có khi chen vào màu
đỏ tươi như lá vừng, lá bàng, có khi pha màu tím nhạt như hoa mằng lăng, màu
tím non của tầng lộc mới hoặc màu tím thật tươi khắp những gò sim trải rộng…
Những màu sắc ấy điểm xuyết trên tấm thảm màu xanh của muôn ngàn lớp lá. Màu
xanh chính là sự sống của cây cỏ, cũng là sự sống của mặt đất, có ảnh hưởng rất
quan trọng đến sự sống của con người. Ai mà không say mê cái màu xanh ấy, có
thể liền với màu trời, khiến ta vui vẻ dường như quên đi thực tại. Đến như con
chim nghệ vàng cũng phải vươn cổ cất lên tiếng hót líu lo, chẳng màng ngó xuống
chùm trái cây chín mọng bên chân.
Nhận
thức rõ tầm quan trọng của cây cỏ, vua Minh Mạng đã cho chạm khắc một số hình
thực vật trên Cửu Đỉnh đặt trước Thế miếu tại kinh đô Phú Xuân. Số hình thực
vật này thuộc 6 nhóm: các loại cây lương thực, các loại rau củ, các loại hoa,
các loại cây lấy quả, các loại dược liệu, các loại cây lấy gỗ. Được phân bố
trên các đỉnh như sau:
-
Cao đỉnh: cây hoa tử vi, cây hành, cây lúa, cây mít, cây gỗ lim, cây gỗ trầm
hương,
-
Nhân đỉnh: cây ngô đồng, cây hoa sen, cây nam trân (lòn bon), cây lúa nếp, cây
gỗ kỳ nam, cây rau hẹ,
-
Chương đỉnh: cây hoa lài, cây rau kiệu, cây đậu xanh, cây đậu khấu, cây xoài,
cây gỗ thuận (bồ hòn),
-
Anh đỉnh: cây hoa văn côi (hoa mai côi hồng), cây cau, cây nghệ, cây tô hạp,
cây thị, cây dâu,
-
Nghị đỉnh: cây hoa mai, cây hoa hải đường, cây đậu ván, cây quế, cây huỳnh đàn,
cây cải bẹ xanh,
-
Thuần đỉnh: cây đào, cây hoa quỳ, cây đậu nành, cây hương nhu (rau húng), cây
sa nhân, cây nam mộc (gỗ sao),
-
Tuyên đỉnh: cây trắc bá, cây củ lạc (đậu phụng), cây hoa trân châu (hoa sói),
cây long nhãn, cây gừng,
-
Dụ đỉnh: cây thông, cây bông bụt (bụp), cây đậu trắng, dây trầu, cây lê, cây tía tô,
-
Huyền đỉnh: cây hoa lan năm lá, cây bông vải, cây sâm nam, cây tỏi, cây vải
thiều (lệ chi), cây nhựa sơn.
Có
ai thử đặt một câu hỏi: Nếu không có cây cỏ con người sống ra sao? Sống được
chăng?
Trong
chiến tranh, nhiều khi bom đạn ầm ầm đổ xuống, cây cỏ bị gãy đổ, xơ xác, bị
cháy thiêu thành tro than, đất đá trồi lên lộ liễu, trơ trẽn, không còn con
chim con thú nào, thậm chí không còn cả con ong, con bướm, con dế, con trùn..
Cũng có khi một cơn sóng thần, một trận lũ quét, cây cỏ bị sóng đánh tan tác,
bị nhận chìm dưới lớp bùn dơ. Người ta gọi đó là “vùng đất chết”. Có thể sống trên vùng đất chết được chăng? Phải một
thời gian khá lâu, trải qua mưa nắng, cỏ mọc trở lại rồi cây vươn lên, màu lá
xanh dần dần phủ kín màu đất đá, vùng đất chết mới được “hồi sinh”.
Trần
Huiền Ân
(Còn
tiếp..)