TRỜI ĐẤT
TRONG CA DAO
TRONG CA DAO
T r ầ n H u i ề n  n
Ảnh PCH - Scibilia 2015
3.
NHÌN XUỐNG ĐẤT
Hình dung “Đất” từ xưa
Có lẽ cho đến khi tiếp xúc với khoa học Âu Tây ta mới có các từ địa cầu, quả đất, trái đất. Gọi là địa cầu bởi vì ta đã công nhận là nó tròn. Gọi là quả đất, trái đất gợi ra ý niệm trong hằng hà sa số tinh tú nó không lớn, nó chỉ là một “trái”, mà đã là trái thì có thể nằm trong tầm tay con người.
Ta cho rằng trời tròn đất vuông, nhưng không lý giải trời và đất có liền với nhau không. Làm sao liền nhau được, vì nếu đem trời úp xuống thì bốn cạnh của đất sẽ có bốn khoảng trống hình bán nguyệt. Không liền nhau thì chỗ ấy là chỗ gì? Là đường lên trời với chiếc thang dây, đường xuống âm phủ với những bậc cấp chăng? Nếu vậy, đất giống như một khối lăng trụ đáy vuông chăng? Đừng hỏi dưới khối lăng trụ ấy, tức là phía dưới âm phủ là gì, cũng như đừng hỏi phía trên bầu trời, trên cả muôn ngàn tinh tú là gì? Sẽ không có câu trả lời, nếu không trả lời một cách bâng quơ: Chuyện đó họa có trời biết! Giỏi thì bắc thang lên hỏi ông Trời.
Ta cũng hay nói thương nhau thì dẫu đi đến cùng trời cuối đất, gội tuyết tắm mưa cũng chẳng quản. Cùng trời là chân trời, nơi Trời đánh lừa ta, ta bước tới một bước thì chân trời lùi lại một bước, không bao giờ tới được. Thuở thanh niên tôi đã có lần lầm tưởng:
Ta đến chân đồi hoa chắn rơi
Ngây thơ tưởng đã tới chân trời
Còn cuối đất, ta có đi tới không? Người dân Miền Nam Trung Bộ chẳng hạn, bước đầu giới hạn tầm mắt trong phạm vi Thuận Quảng, rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai đã là xa xôi lắm. Rồi được nghe nói đến những là Cao Bằng gạo trắng nước trong, những là Hà Tiên thập cảnh, cơm mắm ra hòn Phú Quốc. Xa hơn nữa, phía bắc nghe nói đến nước Tàu, đọc truyện thấy chuyện cống nạp mỹ nhân sang nước Hồ, nước Phiên, coi hát bội diễn tuồng cười ông Cáp Tô Văn (8) bị vây khốn, phía tây nghe nói đến chuyện nước Lào, nước Xiêm, phía đông nghe nói ngoài biển xa có quần đảo Ma Ní, phía nam nghe nói còn có quần đảo Nam Dương… Đất rộng mênh mông là thế. Chẳng rõ có ai đặt câu hỏi: Hết mấy nước đó là tới “bìa đất” chưa, hay còn nước nào nữa, nước nào nằm ngay “bìa đất”? Thật lạ, tại sao chúng ta mãi bằng lòng như thế, không thấy có nghi vấn gì?