Photo by PCH - 2015
(Tiếp theo và hết)
4.
CON NGƯỜI ĐỐI VỚI CÂY CỎ
Ai
đã đặt tên cho từng loại cây? Có chia ra từng đợt hay không? Loại cây nào đặt
trước, loại cây nào đặt sau, dựa theo tiêu chuẩn nào? Hoặc giả theo nhu cầu,
theo sự thuận tiện cây này gọi bằng tên này, cây kia gọi bằng tên kia, dần dần
thành sự đồng thuận rộng lớn và đầy đủ, số còn thiếu sót “hẩm hiu chưa được
cuộc đời đặt tên” không bao nhiêu, không đáng kể. Công cuộc mở rộng lãnh thổ
của tiền nhân đã tạo ra một số phương ngữ, cũng tạo ra một số tên cây cỏ khác
nhau ở mỗi vùng miền, nhưng số lượng không quan trọng và tuy gọi cây cỏ ấy bằng
tên riêng của vùng miền, người ta vẫn biết tên phổ thông của nó.
Điều đáng kính phục đối với người bình
dân lở thôn quê là họ biết thật nhiều tên cây rừng trong cơ man bát ngát chốn
núi non, từ cây đa cổ thụ đến ngọn cỏ tai bèo tí xíu. Họ không hề được học
trong một bài Sinh vật nào, không hề được tham khảo qua sách báo, một ngày một
ít, từ lúc biết đi biết nói, đến khi già nua tuổi tác, họ quen thuộc với từng
cây cỏ, hiểu biết về cây cỏ hoang dã không kém cây cỏ được trồng trọt chăm nom.
Truyền thuyết nói rằng vị hoàng đế danh y
ngàn xưa là Thần Nông đã nếm không biết bao nhiêu loại cây cỏ để đúc kết nên
kho tàng dược liệu giúp con người trị bệnh. Công nghiệp ấy lớn quá, thiết tưởng
chưa có một người thứ hai thực hiện được nữa. Song thiết nghĩ, sau Thần Nông
phải có người kế tục, bổ sung, và chắc chắn có những trường hợp do vô tình
thành ra phát minh hữu ích.
Đọc lại những câu ca dao nói về cây cỏ
thấy chúng đã được nhân cách hóa để con người kể về cây cỏ như kể về con người,
hoặc đối đáp với cây cỏ như đối đáp với con người. Mận hỏi thăm đào, lê tâm sự
với lựu. Có khi là trực diện, nói thẳng, có khi là ẩn dụ, con người đã coi cây
cỏ gần như đồng loại.
Thử
tưởng tượng, nếu không có cây cỏ, chỉ có các loài động vật sống trên địa cầu
toàn đất đá vô tri, không có cây cỏ, không có màu xanh của lá già, màu lục của
lá non, màu tím của lộc mới, không có màu hồng tươi tắn, màu đỏ rực rỡ, màu
vàng trang trọng, màu tím đậm đà của trăm hoa…, bao nhiêu màu nữa không đủ tên
người ta phải gọi theo vật chủ như màu tím hoa cà, màu vàng chanh, vàng đất,
màu da cam, màu củ nâu vân vân… Nhìn lên trời khó nhận ra hướng gió vì không có
vật gì lay động, ông Đinh Bộ Lĩnh đánh giặc đâu tìm được cái gì để làm cờ, ông
Ngô Quyền, ông Trần Hưng Đạo không tìm được cái gì làm cọc nhử quân Tàu vào cho
chiến thuyền bị lủng chìm, xác giặc đầy sông, ông Trần Thủ Độ hầu vua không cầm
gậy, lấy cái gì bẻ đôi, quăng xuống để biểu lộ lòng trung thành. Không có cây
cỏ, bầy chim di thê đến nơi đậu ở đâu? Lấy gì cho con chèo bẻo lắt lẻo trên cao
coi đời nhỏ rứt, lấy gì cho con dồng dộc tước từng cộng nhỏ làm tổ toòng teng?
Không có cây cỏ các loài động vật sống làm sao đây? Kể cả con người, trùi trũi
tấm thân trên đất đá khô căn (hoặc ẩm ướt), chịu sao nổi!
Mà
quên! Cây cỏ (hoa trái của nó) là thức ăn của các loài động vật. Không có cây
cỏ lấy gì ăn để mà sống (chưa nói đến sông để mà ăn), có sống được đâu mà nói
sống khó với sống dễ, chịu nổi với không nổi. Xem thế thì… cây cỏ (thực vật) vô
cùng quan trọng. Không có động vật, chỉ có khoáng vật, thực vật vẫn sống được,
nhưng không có thực vật, động vật đành chịu chết vậy. Trời đất, “dĩ thực vi
thiên”, có mỗi chuyện ăn là quan trọng nhất, để sống, mà bàn luận vớ vẩn lại bỏ
qua là sao?
TRẦN HUIỀN ÂN