BẠN VĂN BÊN TRỜI
Nguyễn Xuân Thiệp
Nguyễn có khá nhiều bạn. Bạn ở đây là
bạn văn, gồm nhà thơ nhà văn (lẽ tất nhiên), còn gồm các nhạc sĩ, họa sĩ, điêu
khắc gia, nhà báo, ca sĩ, kể cả những người không hề viết không hề vẽ nhưng yêu
văn nghệ và thích tụ lại ăn uống, chuyện
trò ca hát múa may (chỉ đôi khi thôi).
Vâng.
Bạn của Nguyễn khá nhiều. Họ ở nhiều nơi. Bên trời Đông trời Tây đều có. B ên
California, Boston MA, Virginia… Ở Austin, Houston, Oklahoma, Alabama, Atlanta,
North Carolina, South Carolina cũng có… Và cả bên xứ Cà Na Điên nữa. Ngày
trước, và cả bây giờ, hễ có tiếng chim gọi đàn là tìm tới nhau. Cho nên một lần
nọ Nguyễn đã viết lời chào bạn bè ở Boston nhân dịp anh em ra mắt sách ở đây và
có lời kêu gọi của Phan Xuân Sinh:
từ giấc mơ của cơn giông
xứ sấm sét
tôi tới đây. chào boston
chào bạn bè anh em. thành phố cổ
vâng. tôi từ xứ bò. miền đồng cỏ
hái bông vô ưu. ngày nắng phai
chào boston. thế giới dường như rất
nhỏ
xướng ca. ồn. quên lệ rơi
Nói đúng ra tới cái tuổi cổ lai hy này rồi
thì bạn bè có dịp tới thăm nhau là quý rồi. Kẻo mai kia mốt nọ. Biết đâu… Cho
nên mấy năm sau này Nguyễn và Đinh Cường có dịp lại thăm nhau hay rủ nhau đi
thăm bạn: Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Xuân Hoàng… Mới đây Nguyễn
đi DC là mục đích để thăm Nguyễn Minh Diễm. Gặp lại nhau, ôi vui mừng cảm động
biết bao. Vậy mà… Có những bạn Nguyễn rất mến tính mến tài nhưng suốt đời chưa
một lần được gặp mặt để hàn huyên ấm
lạnh, uống với nhau chung trà ly rượu… Một trong những người bạn đó là anh Võ
Đình. Ơi, Võ Đình… Sắp đến 31 tháng 5 rồi. Mới đó mà anh đi đã được năm năm.
Nhớ ngày nào trên bãi biển Destin, Nguyễn viết: “Trở lại Destin lần này, đặc
biệt Nguyễn tôi có mang theo hai cuốn sách của Võ Đình. Lầu Xép với lời ký tặng của tác giả và Huyệt Tuyết. Ôi, Võ Đình vừa mới ra đi! Nguyễn với anh vốn là đồng
hương. Có quen biết nhau nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Chị Trần Thị Lai Hồng -vợ
của Võ Đình- cùng học ở Quốc Học ngày xưa, trên Nguyễn hai, ba lớp. Nhớ hồi năm
1999 đến Orlando, Florida để giới thiệu tập thơ Tôi Cùng Gió Mùa vừa ấn hành, có hẹn với Võ Đình sẽ đến thăm anh
chị, và Triều Hoa Đại đã hứa chở đi. Võ Đình nói sẽ cho ăn những món đặc biệt
“cây nhà lá vườn”. Nhưng rồi Triều Hoa Đại ngại đường xa không đưa tới, làm anh
Võ Đình giận cành hông. Không tới thăm Võ Đình được, Nguyễn tôi lấy làm tiếc
lắm. Bây giờ anh không còn nữa, nhìn mây biển lớp lớp xây thành, lòng không
khỏi chạnh buồn.
Võ Đình
Thôi thì, không được gặp nhau trong đời
thật, thì cũng đã được gặp nhau trong giấc mộng văn chương. Nguyễn cũng muốn
dùng câu nói đó để tự an ủi mình khi nói
về Tâm Thanh. Nguyễn biết được Tâm Thanh qua tạp chí Văn Học thời Nguyễn Mộng
Giác và qua tập truyện ngắn Thiên Nga
Giữa Cõi Người, rồi sau đó, Gỗ Thức
Trên Rừng. Đọc truyện của Tâm Thanh trước rồi tới thơ Khánh Hà, vợ anh.
Truyện và thơ của anh chị có nhiều điểm làm mình yêu thích. Tâm Thanh viết
truyện nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Thật ra cái vẻ đẹp nhẹ nhàng đó chỉ là bề
ngoài. Đi sâu vào ta thường gặp những bi kịch của đời sống. Đúng như Nguyễn
Mộng Giác nhận định, những bi kịch của đời sống trong truyện Tâm Thanh “diễn ra
ngay trong những hoàn cảnh lý tưởng" như câu chuyện hai con thiên nga trên
hồ Telemark thơ mộng. Dấu vết bi kịch thấp thoáng đằng sau thiên nhiên thơ mộng
hay nếp sống yên ả thanh bình, để đến những dòng cuối, toàn thể bi kịch hiện ra
thật bất ngờ. Có thể nói bối cảnh truyện của Tâm Thanh đều đẹp. Nhân vật truyện
đều hiền. Mạch truyện xuôi dòng êm ả. Ngôn ngữ truyện trong sáng, nhiều khi thi
vị như ngôn ngữ thơ. Người đọc bước vào truyện như lạc vào một cõi mơ, và ra
khỏi truyện thì ngơ ngẩn bàng hoàng vì băn khoăn không hiểu nổi những vấn nạn
muôn thuở của nhân sinh. Có thể xem truyện ngắn của Tâm Thanh như những bài thơ
triết lý. Cuối cùng, ta thấy Tâm Thanh viết văn như một cách tiếp nối nghề
nghiệp anh đã từng làm ở quê nhà trước ngày tan đàn rã gánh: nghề một giáo sư
triết học. Chỉ khác là lần này anh "triết lý" bằng "thi
ca".
Tâm Thanh
Nguyễn đặc biệt yêu yêu thích Tâm Thanh ở
chất triết lý này. Nó làm cho những trang viết của anh có chiều sâu quyến rũ.
Anh sống cũng vậy. Giản dị, vui vẻ và đầy suy tưởng. Còn nhớ hồi làm báo Phố
Văn, Nguyễn đã có cuộc phỏng vấn hai anh chị TâmThanh và Khánh Hà. Như đã nói,
Nguyễn yêu con người triết học ở Tâm Thanh. Còn chị Khánh Hà là gái Mỹ Tho, nơi
Nguyễn từng dậy học thời trẻ và có nhiều kỷ niệm ở đó. Thơ Khánh Hà trong sáng
nhẹ nhàng và sâu sắc. Hồi đó Nguyễn đưa ra nhận xét: Anh chị có cuộc sống thật
là đẹp và hạnh phúc: anh là nhà văn, chị là nhà thơ. Bên anh viết sách, bên
nàng làm thơ thì còn gì lý tưởng bằng. Anh trả lời Nguyễn: Lý tưởng nhất là bên
anh đếm bạc, bên nàng vô bao. Anh chị không giàu nhưng có một căn nhà xinh xắn
ở Oslo cùng hai con. Hồi hiền nội còn sống, Nguyễn đề nghị với anh chị xin qua
chơi và ở lại vài bữa để biết đêm trắng vùng Bắc Âu. Ôi, ước mơ đó không thực
hiện được nữa rồi: anh Tâm Thanh bị ung thư nặng và đang chờ ngày ra đi. Trong
thư gởi đồng hương ở Oslo mới đây nhân việc bà con bên đó tổ chức vinh danh tác
phẩm của nhà văn Tâm Thanh, anh cho biết hiện đang tập làm trẻ thơ để chờ gặp
Thượng Đế. Dược biết tác phẩm mới nhất của Tâm Thanh là cuốn Lệnh Triệu Ban Rồi, trong đó anh bày tỏ
thái độ minh triết lạc quan trước đời sống và cái chết. Đây là lúc anh nhìn lại
mình, vợ con, bạn bè và cảm nhận được hạnh phúc đích thật của đời mình. Anh
thấy “No đầy tình thương của vợ con, bạn bè, đồng hương, chòm xóm, của đất nước
Na Uy, đã sống thêm 7 năm hơn tuổi thọ trung bình của người Việt: được ngắm,
được ngửi 7 mùa hoa nở, được “Con gái đã hôn ba mấy ngàn lần, đã lau mấy tỉ hạt
bụi trong nhà, đã mua cho ba mấy chục bộ quần áo. Đã mấy ngàn lần con trai hí hửng vì được kéo thẻ cho ba hoặc mua được món
lạ ba ăn được... Em đã cầm tay anh thêm 7 năm, đắp chung mền Sở Tị Nạn 2555
đêm, đã cùng nhau đi gần cùng khắp trái đất. Đã cùng nhau ngắm sao đêm trên sa
mạc, trên đại đương... chúng ta còn tham lam gì nữa?”, và với dự án quan trọng
nhất bây giờ là quay về với sơ tâm nhẹ nhàng, hay nói cách khác ý thức mình đã
trở thành “con trẻ”, theo lời dạy của Chúa Giêsu, với ”mộc mạc, chân phác” của Lão tử, với “sơ tâm” của Thiền (Nhật Bản?), đã biết và
cảm phục sự ra đi không luyến tiếc của GS triết học Lê Tôn Nghiêm, rồi tâm đắc
lập luận của Huệ Tử rằng cái chết của vợ ông ta là lẽ tự nhiên, Tâm Thanh sẵn
sàng theo Lời Triệu Ban Rồi lên đường đi vào Cõi Khác.” (theo Nguyễn Văn Thực)
Ôi, Võ Đình, Tâm Thanh... những bạn văn tôi
chưa một lần được gặp mặt trong đời. Chiều nay lại nhìn mây trắng lớp lớp xây
thành và những cánh chim bay qua trời. tôi thấy hồn mình như tan vào cõi không
màu của mùi hương thiên cổ. Cảm ơn bạn bè và cuộc đời.
Nguyễn
Xuân Thiệp