Saturday, September 26, 2015

2008. NGUYỄN XUÂN THIỆP Tản mạn bên tách cà phê HƯƠNG CÂY & GÓC PHỐ HÒ HẸN



HƯƠNG CÂY 
& GÓC PHỐ HÒ HẸN
nguyễn xuân thiệp




Hương cây và góc phố hò hẹn là rất đỗi thân yêu, quen thuộc với nhiều người. Nó vẫn thường hiện ra trên từng chặng đường đi qua. Với Nguyễn, mùi hương cây vẫn còn đâu đó trong trí nhớ và kỷ niệm, cùng với góc phố hẹn hò thời còn trẻ. Nhưng trước hết xin được nói về xuất xứ của cái tựa đề rất thơ trên mà Nguyễn đã tình cờ nhặt được. 

   
Nguyên là khi đọc một bài tạp bút của nhà văn Lê Minh Hà trên một website (hình như là Da Màu) Nguyễn gặp mấy câu thơ rất hay của Dương Tường có liên quan tới mùi hương và kỷ niệm cùng những hẹn hò: Một thoáng rợn tên là heo may – một hương cây tên là kỷ niệm – một góc phố tên là hò hẹn – Một nỗi nhớ tên là không tên.
   
Vậy trước khi đi sâu vào những câu thơ này, và hương cây trên góc phố hò hẹn, ta cần biết chút ít về Dương Tường. Vậy thì, Dương Tường, ông là ai? Dương Tường là nhà thơ của Miền Bắc. Ông sinh năm 1932 ở Nam Định, từng bị nhiều khốn khổ trong “vụ án” Nhân Văn Giai Phẩm và Xét Lại trước đây.
   
Trong thế giới sách vở, độc giả ở VN từng quen thuộc với những cuốn như: Cuốn theo chiều gió, Anna Karenina, Cái trống thiếc, Người xa lạ, Những con đường xứ Flandres, Truyện ngắn của Tchekhov, kịch của Shakespeare, Henrik Ibsen... do Dương Tường dịch.
   
Ông cũng đã xuất bản một số tập thơ: 36 bài tinh, Đàn, Mea culpa và những bài khác.

Và ông luôn nói rằng với ông, thơ mới là nghiệp chính, nhưng công chúng lại biết đến ông như là một dịch giả nhiều hơn là một nhà thơ.
   
Với Nguyễn, trước sau Dương Tường vẫn là một nhà thơ. Lần đầu tiên thấy hình ông là khi ông xuất hiện trên sân khấu Ngày Hội Thơ ở trong nước cách đây dăm bảy năm. Ông xuất hiện với cuộn giấy vệ sinh (giấy đi cầu) có chép thơ ông, do một nhà thơ nữ trẻ đẹp quấn quanh người nhà thơ. Hình ảnh khá dung tục này không biết để nói lên điều gì hay chỉ do Dương Tường muốn chơi nổi để tự quảng cáo. Lần thứ hai, ông xuất hiện trong một video clip khi ông lên đọc thơ Dương Cầm Lạnh có Dương Thụ đàn dương cầm và ca sĩ Thùy Dung hát với dàn đồng ca áo trắng phụ họa. Đoạn phim rất thơ này, do Lê Thị Huệ gởi đến, đã gây xúc động khiến Nguyễn viết một bài thơ dài có tựa đề “Tuyết xuống nghe dương cầm lạnh của Dương Thụ và Dương Tường…”

Tuyết xuống
nghe cầm dương. lạnh
hồn siêu thực
trăng
mái phố
như chim
ca nhân
và nến cháy. bập bùng
lặng nghe
“chờ em
đường cầm dương. mưa
những giọt lá. sầu
dạ khúc”*
(*thơ Dương Tường)

Bây giờ, trở lại với hương cây và góc phồ hò hẹn. Hương cây, ở đâu vậy nhỉ? Là hàng sầu đông ở Vương phủ, cứ mỗi mùa ra hoa tím ngát hương? Hoặc giả đó là những cây bông sứ ở lăng Tự Đức hoặc trong sân một ngôi chùa gần đó. Ngày xưa em theo anh về thăm Huế đã từng chụp hình dưới bóng những cây bông sứ này. Cũng có thể là những cây ngọc lan trong những khu vườn ở đường Hiền Vương, đường Gia Long ngày trước hay vườn chùa Già Lam?
   
Thật ra hương cây và góc phố hò hẹn vốn liên quan mặt thiết với nhau. Thanh Tâm Tuyền viết: Hương hoàng lan lẫn mái tóc người yêu. Cũng là nơi một góc phồ hò hẹn nào đó thôi. Và sau đây là thơ Phan Vũ, Phú Quang phổ nhạc

Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm
    
Còn góc phố nào tên là hò hẹn? Dung ơi, anh làm sao quên được góc đường Tự Do và Bonard, ở chỗ tiệm Givral ngày nọ. Thuở ấy, cách đây đã ngoài năm mươi năm, chiều thứ bảy, nghỉ dạy vừa từ Mỹ Tho về, anh thường tới ngồi uống bia dưới mái hiên nhà hàng Continental chờ em đi taxi từ phía Nhà Thờ Đức Bà tới. Rồi sau đó anh và em đi ăn và đi nghe nhạc phòng trà Tư Do hay Mỹ Phụng cho tới khuya. Ôi, ước chi bây giờ anh lại được về chờ em ở một nơi nào đó của Sài Gòn, dưới những hàng me xanh mướt hương mưa trên đường Tự Do, hay trên bến Bạch Đằng dọc theo hàng cây bông sứ, và em sẽ tới cùng anh. Hoặc giả ta trở về lại Đà Lạt với mùi thơm của rừng thông, ngồi ở quán L’eau Vive của các bà soeurs, có rượu đỏ và món nouilles sautées beurre với đùi gà rôti thơm lừng.
   
Ở trên, Nguyễn có nói tới mùi thơm của rừng thông. Ôi, làm sao quên được. Vừa mới đây thôi, Nguyễn tưởng chừng như được sống lại cái không khí thơm mùi phấn thông và nhựa thông của Đà Lạt khi xem cái video của Phạm Cao Hoàng gởi đến trong đó ghi lại cảnh những rừng thông trong nắng khi anh và chị Cúc Hoa về thăm lại Đà Lạt hồi tháng Giêng năm rồi. Ôi, ước chi….
   
Như trong bài thơ “Những bông khuynh diệp để lại trên đường Trương Định cũ” của Đỗ Trung Quân viết về nhà thơ/dịch giả Diễm Châu lúc sinh thời. 

một người đạp xe chậm như không muốn đi
luôn bỏ đầy những bông hoa khô trong túi áo
hồi ấy, tháng mười hai...
mùi hoa khô đốt bằng chiếc quẹt gas cũ
mùi thơm rất nhanh
mơ hồ như tiếng chuông nhà thờ phía Tân Định…
   
Vâng, ước chi anh có thể làm như Diễm Châu, về ngồi trước sân ngôi nhà xưa số 3 Nguyễn Trường Tộ Đà Lạt, chiều nhặt những nhánh lá thông khô và trái thông rớt vãi, chất thành đống đốt lên, yên lặng ngửi mùi hương xưa. Và để nước mắt rơi…
   
Vâng, ước chi hương cây và góc phố hò hẹn nói tới trong bài này, và ở nhiều nơi khác nữa, mãi mãi là của những người yêu nhau.


Nguyễn Xuân Thiệp


TRONG VƯỜN CŨ
Tranh sơn dầu Trương Vũ