Friday, June 12, 2015

1765. NGUYỄN XUÂN THIỆP Phạm Cao Hoàng và “ĐẤT CÒN THƠM MÃI MÙI HƯƠNG”



NGUYỄN XUÂN THIỆP
Phạm Cao Hoàng
và “ĐẤT CÒN THƠM MÃI MÙI HƯƠNG




cám ơn những sáng êm đềm
khói cà phê quyện bên hiên nhà mình


Hai câu thơ trên của Phạm Cao Hoàng thật bình dị nhưng đã ở lại trong tâm trí nhiều người. Riêng người viết những dòng này không hiểu tại sao từ lâu nay hồn cứ vấn vương ý thơ trong hai câu vừa trích dẫn của bạn mình.

Và cũng xin được nói lên một điều vẫn giữ cho riêng mình, rằng tôi từng đi qua những thành phố chiến tranh những ruộng đồng trong bóng hoàng hôn thấy trăng lên trên khu rừng cháy dẫm chân lên đất khổ lưu đày qua nhiều hải cảng mưa buồn sân ga xứ người để rồi về đây được ngồi lại bên hiên nhà với khói cà phê của thơ Phạm Cao Hoàng. Ôi, giản dị, êm đềm và ấm áp biết bao - và đó là hạnh phúc vừa tìm lại được.

Thật ra tôi chỉ mới được đọc thơ Phạm Cao Hoàng cũng như quen biết anh trong những năm gần đây thôi, không như nhiều bạn bè đã từng gần gũi và mê thơ anh thời tóc hãy còn xanh lòng đầy mộng tưởng. Tại sao mình có sự thiếu sót này nhỉ? Có lẽ vì ở những năm tháng ấy đi qua chiến tranh nhưng còn mải mê theo bạn bè và những bóng đời chung quanh - mà đôi khi ra ngoài vòng văn chương chữ nghĩa. Không gian sống của mình có giới hạn nhưng những vườn hoa trái của người thì mênh mông.

Tôi tìm hiểu xem các bạn đã thấy gì, nghĩ gì về thơ và con người Phạm Cao Hoàng trong những năm chiến tranh. Đoàn Thị Thư ghi lại: …”Trước 1975, Phạm Cao Hoàng nổi tiếng trên các tạp chí Bách Khoa, Vấn Đề, Văn, Khởi Hành, Thời Tập, Ý Thức… với những bài thơ tình yêu. Điểm nổi bật trong thơ của Phạm Cao Hoàng là những xúc động đẹp, nồng nàn, và nhẹ nhàng về những điều mà tình cảm anh nắm bắt được”. Trần Hoài Thư cũng ghi nhận: …“Những năm cuối thập niên 60, và đầu 70, thơ Phạm Cao Hoàng đến với người yêu thơ như là một hiện tượng”. Trần Yên Hòa cho biết: …“Tôi đọc thơ anh hồi còn tuổi thanh niên phơi phơi, bây giờ tìm lại trong tập thơ này  (Mây Khói Quê Nhà), tôi vẫn giữ cảm xúc ấy, bồi hồi và xúc động”. Mang Viên Long nữa đã viết như sau về thơ Hoàng: …“Một không gian thơ trầm lắng, xanh biếc, dạt dào cảm xúc, chơn chất, hồn nhiên, phóng khoáng… Tôi rất thích những bài thơ mặn nồng tình nghĩa đối với quê hương, gia đình, bạn bè và cả những bài thơ tình của Phạm Cao Hoàng vì chúng đã gợi nhớ trong tôi bao điều uẩn khuất mà chưa có thể giải bày. Phạm Cao Hoàng đã nói hộ cho tôi  (cũng như nhiều người) cùng thời, cùng cảnh ngộ, rất trung thực, chân tình”.

Ôi, cũng vì lòng yêu thơ và yêu người, tôi đã ghi nhận lan man. Bây giờ xin đi vào tập thơ Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương. Tập thơ gồm khoảng 30 bài Phạm Cao Hoàng viết trong 40 năm  (1975 – 2015). Lại một lần nữa hai câu thơ có khói cà phê bên hiên nhà trở lại trong trí Nguyễn. Do đâu mà đất còn thơm mãi mùi hương? Đất nào? Quê nhà hay ở nơi đây?
  
 Xin khoan trả lời câu hỏi. Ta hãy nói tới cái tình của nhà thơ đối với quê hương, đất nước. Cao Thoại Châu một lần đã viết về Phạm Cao Hoàng: … “Anh đang sống ngoài quê hương mình nhưng trong hồn anh - hồn của một nhà thơ - vẫn đọng lại những thao thức day dứt mà đậm đà đằm thắm làm cho lòng yêu mến quý trọng của tôi đối với anh trở nên bền vững…”
   
Quê hương, mảnh đất chôn nhau cắt rốn của Phạm Cao Hoàng là Tuy Hòa. Tuy Hòa với hình sông, bóng  núi,  ruộng đồng, bãi biển, ga xe lửa…  Ôi, Tuy Hòa của một lần trở lại năm 1976.   Xin hãy nghe lời kể của Phạm Cao Hoàng:

khi về thăm lại cố hương
thấy quê nhà nghĩ càng thương quê nhà
hắt hiu một bóng mẹ già
một ngôi mộ cỏ xanh và khổ đau
bâng khuâng một chút vườn sau
ngậm ngùi ngõ trước lao xao nắng vàng
đã qua chưa cuộc điêu tàn
đám mây năm cũ biết tan nơi nào

(SAU CHIẾN TRANH TRỞ LẠI TUY HÒA - 1976)
   
Hơn 20 năm sau, năm 1999, Phạm Cao Hoàng trở về thăm lại Phú Thứ để hít thở mùi hương ruộng đồng và mường tượng lại hình bóng người cha thân yêu. Cái tình của nhà thơ đối với đất cũ người cũ thật là sâu xa cảm động. Trong đó có ngôi trường về thăm lại. Vẫn còn đó gốc phượng già, cây bàng trên sân nhưng bạn bè thì đã thất tán. Chỉ còn lại nỗi buồn nhớ và cô đơn. Ôi, đất Tuy Hòa đối với Phạm Cao Hoàng thân thương biết bao bởi ở đó có hương đất và mồ hôi nước mắt của cha ông, có bạn bè của một thời đầy tiếng động.
  
Quê hương, với Phạm Cao Hoàng, không chỉ là Tuy Hòa,  mà còn là Đà Lạt nữa. Ở đó đặc biệt có Cúc Hoa, người yêu son sắt và là bạn đời của anh.

Cái tình đó sâu đậm, sắt son và mãi mãi.  Dấu chân hai người đã in cùng khắp - dưới chân đèo Prenn, trên những con đường dã quỳ vàng, quán cà phê Tùng, quán nhạc Lục Huyền Cầm, con dốc Nhà Làng, rừng thông Đa Thọ, những chiều Thủy Tạ, những sáng mù sương trên mặt Hồ Xuân Hương… Hãy nghe lời kể nồng nàn của Phạm Cao Hoàng:

mười năm và mười mùa đông
trong hơi thở có hương nồng em trao
có tình em rất ngọt ngào
trong  veo như giọt sương đèo Prenn
nồng nàn như đêm Lâm Viên
như  Đà Lạt với lời nguyền năm xưa
tôi và em vẫn đi về
trên con đường có nhiều hoa dã quỳ
có hò hẹn thuở tình si
có gian nan có nhiều khi rất buồn

(NGƯỜI THI SĨ ẤY KHÔNG CÒN LÀM THƠ – 1985)

Đà Lạt thân yêu là vậy mà phải chia xa:
và tôi lại chia tay Đà Lạt
chia tay những con đường in dấu chân xưa
chia tay rừng thông và cỏ cây sương khói
chia tay mây trời và gió núi Langbiang
mong bình yên đến với Kim Huê
và những người ở lại
mong một ngày về…
dù chưa biết khi nào

(CHIA TAY ĐÀ LẠT – 2012)

Tôi yêu Đà Lạt bởi có Cúc Hoa trong đó. Dường như ta nghe Phạm Cao Hoàng thì thầm như vậy. Ít người có được cái tình và những lời như tác giả Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương nói với người bạn đời của mình. Cảm động nhất là những lúc gian nan, hoạn nạn. Như cách đây mấy năm khi  Cúc Hoa phải vào nhà thương cấp cứu vì bị đụng xe, lúc trở về  phải ngồi xe lăn:

hôm em ở bệnh viện về
cụm hoa trước ngõ cũng vừa ra bông
đã qua rồi một mùa đông
và qua rồi những ngày không tiếng cười
em đi xe lăn mà vui
lăn đi em nhé cho đời bớt đau
tôi đưa em ra vườn sau
để nhìn lại mấy luống rau em trồng
hái tặng em một đóa hồng
và chia nhau nỗi long đong xứ người
em đi xe lăn mà vui
lăn đi em nhé cho vơi nỗi buồn
đưa em về phía con đường
có con sóc nhỏ vẫn thường chào em
hát em nghe bài Je t’aime
kể em nghe lại chuyện tình Cúc Hoa
em đi xe lăn về nhà
mùa xuân nhè nhẹ bước qua bậc thềm

(ĐÃ QUA RỒI MỘT MÙA ĐÔNG – 2012)

Cũng  nhờ ngọn lửa tình yêu  cháy mãi , Phạm  Cao Hoàng đã vượt qua tất cả để yêu đất yêu người nơi đây. Ngoài cái tình với Cúc Hoa, ở Phạm Cao Hoàng còn có tình bạn thắm thiết.  Tất cả góp phần tạo nên cuộc sống của Hoàng quê người… Người yêu Cúc Hoa và bạn bè quả đã giúp anh cảm được hơi ấm của vùng đất mới. Khác với một số người thơ cùng thời, Phạm Cao Hoàng tìm được niềm vui thanh thản, một cõi bình yên cho tâm hồn.
   
dù sao vẫn cám ơn đời
cỏ cây và gió mặt trời và hoa
cám ơn những đám mây xa
đang bay về phía quê nhà chiều nay
cám ơn những sớm heo may
lạnh se sắt lạnh bên này đại dương
cám ơn giọt nắng vô thường
lung linh ở cuối con đường khổ đau

...
dù sao vẫn cám ơn đời
biển xanh và sóng núi đồi và em
cám ơn những sáng êm đềm
khói cà phê quyện bên hiên nhà mình

đứng bên bờ vực tử sinh
vẫn nghe em hát bản tình ca xưa

(DÙ SAO VẪN CÁM ƠN ĐỜI – 2009)
   
Đọc thơ Phạm Cao Hoàng, ta thấy tâm hồn anh đầy nhân hậu, bao dung và độ lượng, luôn mở rộng đón nhận những âm vang của đất trời. Ở Phạm Cao Hoàng, không có sự ganh ghét, thù hận hay ra vẻ trí thức triết lý với đời. Thơ anh trong sáng, tự nhiên, bình dị;  nhẹ nhàng đi vào hồn người. Đọc thơ Phạm Cao Hoàng ta tìm được niềm an ủi trong tình yêu, gia đình, bạn bè, quê hương đất nước và cuộc sống chung quanh mình.


Nguyễn Xuân Thiệp
Garland,  tháng 5. 2015