Tuesday, May 12, 2015

1708. ĐINH CƯỜNG Văn Đen, tiếng vĩ cầm trong chiều tà và màu nâu đất buồn



ĐINH CƯỜNG
Văn Đen, tiếng vĩ cầm trong chiều tà
và màu nâu đất buồn


Họa sĩ Văn Đen
(Ảnh DC)


Chỉ cần hai cái siêu thuốc bằng sành dân dã dùng để sắc thuốc bắc, với bố cục chặt, màu sắc với chất liệu sơn dầu đậm đặc, xù xì, ngã về sắc độ tím than để nói lên cái tro bụi bám đầy, màu huyết dụ và màu vàng đất, nhìn ấm mà ảm đạm...Văn Đen đã đoạt Huy Chương Vàng tại cuộc Triển Lãm Mùa Xuân năm 1960, thời Đệ Nhất Cộng Hoà Miền Nam .Từ đó uy tín, tài năng sáng tạo của anh được chú ý nhiều hơn nữa. Tôi rất quý mến anh, là một họa sĩ người miền Nam, xuề xoà , luôn mặc chiếc áo trắng cụt tay bỏ ngoài quần, mang đôi dép lẹp xẹp , miệng luôn ngậm điếu thuốc trễ xuống, có lúc anh ngậm ống vố, khuôn mặt hiền với nhiều tư lự …

Và nếu Paul Cézanne với Les joueurs de cartes - nhũng người chơi bài - thì Văn Đen với Tam nhân ẩm tửu - ba người uống rượu - làm nhớ cái không khí nhộn nhịp ở một đoạn đường Tổng Đốc Phương - Chợ Lớn, nơi có con hẻm rẽ vào nhà anh. Anh không có ở nhà thì ra cái quán cóc nhỏ góc ngã tư bên kia đuờng thế nào cũng thấy anh đang uống rượu cùng những người bạn lao động, bình dân, những ly xây chừng nhỏ ...và tất nhiên anh kéo vào ngồi cho được. Tôi đã có những buổi ngồi cùng anh ở cái quán đó...trò chuyện cùng nhau dăm ba điều về tranh sơn dầu . Anh cũng mê mà tôi cũng mê cái chất liệu này....

Anh nói :” Mỗi họa sĩ là một nhà sáng tạo. Vì nếu đứng trước một phong cảnh hay một con người hay một cảnh vật, họa sĩ chỉ chú trọng họa lại cho đúng từ đường tơ kẽ tóc, từng khóm cây cụm lá, từ máng hoa gốc cây, từ khoé mắt làn tóc, cái cái đều phải giống nhu bức tranh muôn màu của Tạo Hóa đã dựng nên, thì họa sĩ đã đi sai con đường mình . Công việc đó đã dành riêng cho các nhà nhiếp ảnh mà ngày nay với những máy móc tinh vi và phim màu bén nhạy, những cảnh vật ấy đều được ghi lại một cách hoàn mỹ không một sai chạy …Họa sĩ phải là một nhà sáng tạo dùng các cảnh vật như một ngữ vựng để làm ra một đề án khác .Hay nói một cách khác, cảnh vật chỉ là một cái cớ cho họa sĩ dựa lấy để bộc lộ tâm hồn mình ...linh hồn bức họa tiết lộ qua trung gian trí thông minh và trí tưởng tượng, là hai nguyên động lực chính cho sự sáng tạo … Tôi rất thích làm việc ban đêm, nếu cần tôi phải thức đến hai , ba giờ khuya để được thanh tịnh mà sáng tác . Tôi ít khi vẽ ngoài trới, tôi chỉ đi tìm cảnh vật để lấy đề tài và nghiên cứu kỹ càng tại chỗ, trở về xưởng làm phác họa ...Vẽ xong, tôi lại ngắm và suy xét, nghiên cứu thêm để bỏ những chỗ nào rườm rà  và làm nặng bức tranh. Tôi bớt, bớt mãi cho tới khi nào còn lại những gì là của bức tranh thiệt thọ . “  ( Vựng tập Triển Lãm bộ sưu tập tranh sơn dầu của gia đình - Bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM 1- 1995 ).