t
ù y b ú t
nguyễn xuân thiệp
T R À C A
TRÀ BỤI VÀ TRÀ VỈA HÈ, TRÀ QUỶ
Bình Trà. Tranh
Casey Shannon
Sau khi ở tù ra, tôi được
biết thêm nhiều loại quán trà và kiểu cách uống trà nữa. Phải nói là dân miền Bắc
nghiện trà hạng nhất. Ở đâu cũng có quán trà. Khắp Hà Nội 36 phố phường, ta gặp
biết bao là quán trà, điểm bán trà. Trà là phải có thuốc lào, điếu cày. Những
người uống trà, đàn ông, sau khi uống một chén là phải bắn một bi, mới gọi là
thật phê, thật đã. Những ngôi nhà cổ, rêu mốc ẩm ở Hà Nội thường có một cửa sổ
tò vò nhìn ra đường. Bên trong là chỗ bán trà. Khách đến uống trà gác xe ở vỉa
hè rồi đến trước cửa kêu chén trà uống. Uống đứng hoặc uống ngồi, tùy. Trà nóng
và đậm. Uống vào chát đắng đầu lưỡi nhưng dần dần thấm vị ngọt. Nó là cuộc đời
với bao nỗi buồn vui đắng cay ly hợp nhọc nhằn trong một chế
độ đưa dân tới nỗi khổ cùng cực. Không có chén trà và điếu thuốc lào ngất ngây
con tì con vị thì cuộc sống chẳng còn lại gì và khó mà lê chân bước tới. Cho
nên trà bụi, trà vỉa hè nhiều vô số kể ở Hà Nội và khắp miền bắc Xã Hội Chủ
Nghĩa thời ấy. Một bình trà ủ nóng, dăm cái chén vàng ố, một cái điếu bát hoặc
điếu cày, dăm cái kẹo lạc, vài chiếc ghế hư mục. Chỉ có thế, và nó là hình ảnh
đặc trưng của chế độ. Ngồi quanh là những khuôn mặt có nhiều nét gãy, xương xẩu,
vàng ố, râu ria, phờ phạc. Rồi thì giọng nói khê đặc hoặc sắc bén với ngôn ngữ
phường phố và những câu chuyện từ cơ quan tới vỉa hè, chuyện mất mùa hạn hán
bão rớt, chuyện đồng tiền cân thóc... Họa sĩ và nhà văn sẽ tìm thấy ở những
quán trà này vô số chất liệu cho tác phẩm. Có thể nói khắp thế giới không đâu
có những hình ảnh gồ ghề, sắc nét như thế, những mảng ánh sáng và bóng tối vô
cùng đậm nét.
Nơi tập trung đông đảo và
náo nhiệt nhất những quán trà, hiên trà là nhà ga, bến xe. Ở đó, người ta rất cần
những chất uống nóng, đậm cho đêm dài và đường dài. Ở miền quê, về hình thức,
thì vẫn là những quán tranh, vách đất bằng bùn rơm hoặc liếp tre xộc xệch, trên
những ngã ba đường hoặc bến sông. Trà, thuốc lào, lạc luộc là nội dung. Lại còn
trà trên xe lửa. Đây cũng là một dạng sinh hoạt đặc biệt nữa mà chỉ có những
tay đi buôn hàng chuyến mới rành thôi. Này nhé, một gã con trai áo quần nhếch
nhác, mặt mày vênh váo, đầy góc cạnh, kiểu chân dung Modigliani, tay xách bình
trà có vỏ trấu ủ nóng, vai mang một cái túi thò ra ngoài chiếc điếu cày như cây
súng. Khách đi tàu đường dài rất cần anh bán trà này. Nửa đêm, trong tiếng bánh
xe lăn nghiến rít trên đường ray, một tách trà nóng, một đốm lửa ảo hóa lóe
trong toa quay đảo, lắc lư. Nào các bạn
ta, Cường và Rừng và ai nữa, Nguyễn Trọng Khôi nhé, hãy làm phác thảo đi và rồi
sẽ có đó những lưu dấu của thời đại. Mai đây, khi gió đã trở mùa, cuộc đời thay
da đổi thịt, trật tự cuộc sống được thiết lập trở lại, những vang và bóng đó sẽ
không còn nữa.
Bạn có tin là có quỷ
không? Có đấy bạn, nhiều lắm, ở quanh đời chứ đâu, nhất là sau 1975. Ngày
xưa, đời nhà Đường, Lý Hạ làm thơ quỷ,
và thơ ông gọi là Quỷ Thi. Bồ Tùng Linh chỉ viết chuyện quỷ đấy thôi. Và Vương
Ngư Dương, khi đọc Liêu Trai rồi, tỏ ý chán ngấy chuyện nhân gian và chỉ thích
nghe từ nấm mộ tối, tiếng “quỷ xướng thi”. Anh bạn Nguyễn Trung Dũng của tôi
cũng là người thích viết chuyện quỷ. Ví dụ,
Quỷ Và Phật , Quỷ Và Người...
Vậy, đã có Quỷ Thi, Thơ Quỷ,
ắt phải có Trà Quỷ. Này, bạn nghe đây, chuyện thật đấy nhé, do chính Tâm Hư kể
và anh cam đoan chuyện có thật. Chắc bạn không biết Tâm Hư đâu. Anh này là một
nhà văn cũng quỷ như Lý Hạ vậy. Chúng tôi gặp nhau trong trại tù, trại Cẩm
Nhân. Một tối, nhìn trăng lên trên đầu núi, anh kể tôi nghe truyện Trà Quỷ. Nó
như thế này: Vùng sơn thôn nọ, có một con suối chảy ngang qua, gọi là hổ khê.
Nước suối trong vắt, nhìn thấy cát và sỏi trắng trong lòng khe. Thôn dân uống
nước ở khe này. Đầu nguồn khe có một cây trà. Nó có ở đấy từ xưa lắm, cũng đến
một trăm năm rồi. Cây thấp, cành lá sum suê, bông nở trắng ngần, hương thơm bay
khắp khu rừng. Những người nghiện trà thường lên đây hái lá trà xanh, quẩy nước
khe đem về nấu uống. Những búp non của trà đượm khí âm dương, nhuần sương nắng,
nấu bằng những hạt nước trong chảy từ khe núi ra, làm cho trí sáng, tâm tinh
khiết như mưa trên lá sen.
Thế nhưng , bỗng một đêm xảy
ra nguyệt thực làm cho cái tâm ấy động. Gã nọ bỏ làng ra đi, kết bè tụ đảng với
đám người ác ở xứ xa về. Từ đó, thôn dân thấy đêm đêm ánh lửa lập lòe trên cánh
đồng hạ. Và tai ương xảy ra mà người thường không thể nào hiểu được. Một sáng
có đứa mục đồng từ trên núi chạy về cho biết: cây trà đầu nguồn nở bông đỏ như
máu bầm. Bông rụng xuống nước, đỏ loang và bốc mùi tanh nồng khiến thôn dân vô
cùng sợ hãi. Người trong sơn thôn hễ ai hái trà và uống nước hổ khê thì tâm
sinh loạn, đang hiền từ thuần phác cũng trở thành hung dữ. Có người mẹ, trong
cơn điên, nghe tiếng con khóc, đã ném đứa bé còn đỏ hón ấy xuống giếng sâu. Rồi
cha cưỡng bức con gái, em cầm dao rượt đuổi anh...Máu đã đổ vì lòng người như lửa
cháy. Chỉ có những ai có được nắm tim sen hồ Tịnh Thiền sao uống với mật ong rừng
thì nhất thời mới hạ hỏa. Kỳ dư đều như lạc hồn lạc phách, điên điên dại dại.
Tâm Hư cho biết chính anh ngày ấy có việc qua thôn đã trông thấy một vài người
như thế. Như quỷ dữ hiện về, da sần sùi, nứt nẻ. Ghê nhất là đôi mắt, đục và đỏ
như mắt chó điên. Tiếp theo là một trận sốt đậu mùa. Thôn dân hãi hùng, đêm đêm
gõ mõ, đập phèng la xua đuổi âm binh. Trận dịch cắt đứt nhiều mạng sống, và để
lại dấu vết khiếp đảm trên mặt những người sống sót.
Hoảng hốt trước tai ương,
vị thôn trưởng tập họp thôn dân lại tìm cách diệt trừ tà ma ác quỷ. Có người đề
nghị đốn cây trà có bông đỏ đi là xong. Nhưng một vị cao tuổi nhất và cũng hiền
từ thông tuệ nhất, râu trắng tóc trắng, da như vỏ cây trám cây trăn, đứng lên
xua tay từ tốn nói: “Không được. Tôi đọc kinh sách từ Tây phương mang về, thấy ở một vài xứ khác cũng xảy ra
chuyện tương tự. Cây trà đó, trà quỷ, rễ đã ăn sâu vào đất đá, suối khe, đốn đi
thì từ rễ sẽ đâm ra những cây khác, có khi còn mạnh mẽ, độc hại hơn. Chỉ có cho
quả núi nổ tung đi mới diệt được, nhưng ai làm nổi và làm như thế thì cả khu thôn
cư này sẽ bị chôn vùi, mất dấu tích. Kinh sách có nói chỉ có thể giải trừ được
oan khiên này bằng cách lấy máu nhỏ ra từ trái tim của một người có tâm thanh tịnh
trong sáng nhất, đem dội tưới vào gốc trà để nó thấm nhuần và thanh lọc cái ác
đi. Nhưng tìm đâu ra một con người như thế sau khi nước suối khe, ao giếng đã đẫm
chất độc từ những bông trà đỏ.”
Đầu thôn, có một hiền sĩ
nhờ uống nước mưa và sương trời nhỏ xuống từ những tàu lá chuối mà tâm không động,
sạch làu, an nhiên tự tại suốt thời gian xảy ra họa lớn. Anh suốt đời chỉ biết
đọc sách, làm thơ, bạn với cây đàn. Cũng chưa từng gần nữ sắc, cho nên đã thành
niên rồi mà vẫn thơ trinh. Khi biết tin cả một vùng sơn thôn đang sống trong ác
mộng và cần một người đứng ra trừ họa cho dân thì anh tìm đến thôn trưởng và vị lão trượng. Người
hiền sĩ nói: “Nếu thôn trưởng và lão trượng
đây tin ở cái tâm sạch làu không nhiễm của tôi thì tôi xin dâng hiến thân mình
cho trăm họ yên vui.” Cả thôn mừng dậy, chọn ngày trăng non đầu tháng cử
hành lễ trọng. Đến ngày, chàng hiền sĩ
thắp nhang, đốt trầm hướng về mộ cha mẹ cúi lạy, rồi rũ áo bước ra khỏi lều
tranh. Đêm ấy, dưới ánh trăng thượng tuần như pha lê, thôn dân đốt đuốc tở mở,
đứng thành một vòng tròn quanh gốc trà. Chàng hiền sĩ rẽ đám đông tiến lên, trên
tay cầm một lưỡi dao sắc loáng như lá mạ. Đoạn nhìn lên trời, miệng đọc một lời
thơ cổ, rồi nhẹ nhàng đâm lưỡi dao vào ngực. Máu từ từ loang đỏ áo, nhỏ xuống gốc
trà. Thôn dân toàn bộ thảy đều im lặng, ngưng thở. Một cánh chim rừng sắc trắng
vút qua rồi bay vào ánh trăng. Bỗng có tiếng khóc nấc lên từ miệng một cô gái
trẻ yểu điệu và hiền thục nổi tiếng trong thôn. Rồi nhiều tiếng khóc vang dậy cả
một khoảng núi. Giữa lúc một mùi hương tinh khiết, nhẹ nhàng tỏa ra từ cây trà,
người hiền sĩ gục xuống. Những năm tháng
sau này, bên bếp lửa đêm đêm, thôn dân vẫn còn kể lại chuyện cây trà quỷ. Có
người nói cây trà đã bị sét đánh cháy rực, chỉ còn lại gốc. Một hôm, có người
thư sinh đến đánh bật gốc lên, đem về gọt đẽo thành cây thổ cầm phát ra những
âm thanh huyền hoặc.
Truyện có thế. Tin hay
không, tùy bạn. Nhưng hãy uống cạn chén trà đi, cam đoan không phải trà quỷ.
Nguyễn
Xuân Thiệp
Kỳ Sau:
CHÉN TRÀ ĐỊA NGỤC MÔN