Đinh Cường
Thế giới trẻ thơ và lễ hội
trong tranh Mai Thứ
Mai Trung Thứ trong xưởng vẽ tại Vanves - Pháp năm 1964
Mai
Trung Thứ, sau này chỉ lấy ngắn gọn Mai Thứ cùng với Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao
Đàm là những họa sĩ Việt Nam sống ở Pháp sớm nhất, từ thập niên 1930. Ông qua
Pháp năm 1937, sau Lê Phổ một năm, lúc bấy giờ đang dạy vẽ ở Huế. Được chọn đi
Paris nhân dịp Triển Lãm Quốc Tế để phổ biến nghệ thuật hội họa và âm nhạc cổ
truyền Việt Nam - ông còn là một nhạc sĩ hảo hạng về các loại đàn cổ. Và từ đó
ông ở luôn tại Pháp cho đến năm từ trần 1980.
Giữa
Paris và Mai Thứ lập tức nổ ra “cú sét đánh” mà ba mươi năm sau cú sét vẫn kéo
rền. Tha hương mà vẫn trung thành với xứ sở phương Nam xa xôi, Mai Thứ ngay từ
buổi đầu, bằng một kỹ thuật rất thông thái về vẽ trên lụa và bột màu (gouache)
không ngừng cống hiến cho những người yêu nghệ thuật ở phương Tây cái nhìn của
họa sĩ về một thế giới trong đó cái thực được nạm màu sắc một bức màn huyền bí
trầm tư và mềm mại, còn chất thơ thì trang sức cho cái thường ngày bằng màu mộng
Thật
vậy, khác với sắc hoa sặc sỡ trong tranh Lê Phổ, tình mẫu tử trong tranh Lê Thị
Lựu, một thoáng thiền đạo trong tranh Vũ Cao Đàm, tranh Mai Thứ cho ta ấn tượng
về một lễ hội, làm mới lại những nét cổ truyền, màu sắc đường nét thanh thoát như
hư không. Trong vựng tập Pénéla giới thiệu tranh thiếu nữ Mai Thứ sớm nhất ở
Paris có đoạn viết thật thú vị:
Quoi
de plus léger qu' une plume?
la
poussière
de
plus léger que la poussière?
le
vent
de
plus léger que le vent ?
la
femme
de
plus léger que la femme?
rien
(Còn
gì nhẹ hơn mảy lông ?
hạt
bụi
còn
gì nhẹ hơn hạt bụi ?
con
gió
còn
gì nhẹ hơn con gió ?
đàn
bà
còn
gì nhẹ hơn đàn bà ?
hư
không)
Tranh
lụa Mai Thứ là những nét chắt lọc, qua suy nghiệm để đi đến một sự thanh thoát,
vẽ như hư không. Những gam màu lục biếc của ông đầy chất thơ tuyệt diệu. Đặc biệt
vẽ về trẻ thơ. Năm 1964 ông đã triển lãm tại Galerie du Péristyle phòng tranh
mang tên ''Les enfants de Mai Thu” được rất nhiều người hoan nghênh và
ngưỡng mộ. Nhiều nhà xuất bản đã mua bản quyền để in thiệp và tranh lại. Rất
nhiều galerie nổi tiếng ở hữu ngạn và tả ngạn sông Seine bày tranh của ông qua
“ông bầu” mỹ thuật J.F.Apesteguy, một giám đốc về nghệ thuật có tiếng, cho tới
mãi sau này về tranh Mai Thứ.
Những
năm 1940 – 1942 Mai Thứ tự nguyện nhập ngũ trong quân đội Pháp. Trong thời gian
sống ở Mâcon trước khi về lại Paris ông đã vẽ trang trí bên trong ngôi giáo đường
lớn St-Pierre đã thành niềm hãnh diện cho thành phố này. Nghệ thuật Mai Thứ đã
được cả thế giới biết đến và có chỗ đứng cao trong nền hội họa hiện đại Pháp. Với
Việt Nam ông là một bậc thầy danh tiếng về tranh lụa cùng với Nguyễn Phan
Chánh, Lê Phổ và Lê Văn Đệ, những người bạn học cùng khóa đầu tiên (1925- 1930)
ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương –
Hà Nội [1]
Ngôn
ngữ của ông bắt nguồn từ cội rễ nền văn hóa và truyền thống Á Đông cộng với đường
hướng mới của hội họa Tây Phương thời đó
mà ông đã tiếp xúc đã để lại trong thế giới tranh Mai Thứ một nét riêng khó nhầm
lẫn. Theo Armand Drouant, một nhà sưu tập tranh nổi tiếng của Pháp, qua kinh
nghiệm xem và chọn mua tranh, theo ông có rất nhiều điểm cần thiết cho một bức
tranh, nhưng ông chú ý nhất đến hai yếu tố: sự thành thật của rung cảm và sự thông
minh tinh tế của nét vẽ. Tôi thấy được cả hai yếu tố ấy trong tranh Mai Thứ. Tranh
ông ngày nay hiếm và rất đắt giá ở các nơi bán đấu giá tranh nổi tiếng như
Christie và Sotheby’s thường tổ chức ở New York và Hong Kong .
Nhân
ngày Tết, xem lại thế giới trẻ thơ trong tranh Mai Thứ là một niềm vui, một hạnh
phúc . Ở đó ta thấy tình mẹ mặc áo mới cho con, cùng đưa con đi chùa. Những nén
hương và những quả phẩm. Cả những trò chơi của trẻ em cũng được ông bố cục lên
tranh theo một không gian dẹt thật mới, thật thanh thoát. Tấm thiệp Cung Chúc
Tân Xuân với tranh Mẹ dạy thêu thùa của ông do UNICEF in để bán giúp cho Hội Những
Trẻ Em Trên Thế Giới ông tặng khi ông từ Paris ghé về thăm trường Cao Đẳng Mỹ
Thuật Huế năm 1960 tôi còn giữ cho đến nay. Tôi còn nhớ mãi bóng dáng một người
thô, chắc, với cặp kính gọng nhựa đen to, mặc chiếc áo gilet màu xám đậm đứng
chụp ảnh chung cùng thầy Tôn Thất Đào và nhà doanh nhân Viễn Đệ trước bức bình
phong biệt thự Viễn Đệ sát cạnh trường Mỹ Thuật Huế bên bờ sông Bến Ngự. mới đó
mà đã hơn nửa thế kỷ…
- Mai Trung Thứ - Viễn Đệ - Tôn Thất Đào
Huế 1960 ( ảnh tư liệu DC )
Huế 1960 ( ảnh tư liệu DC )
Đinh Cường
Virginia, November 20, 2014
[1] Mai Trung Thứ sinh năm 1906 tại Hà Nội, quê
làng Do Nha, huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) nay là xã Tân Tiến, huyện An Hải,
Hải Phòng. Ông nội là Mai Trung Quế, Quyền Tri Phủ phủ Điện Biên, được triều
đình Huế phong tặng Thái Thường Tự Khanh. Cha là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc
Ninh. Lớn lên học trường Bảo Hộ (trường Bưởi). Năm 1925 thi vào khóa I trường
Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương cùng với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ,
George Khánh, Công Văn Trung, Nguyễn Tường Tam và Lê Ang Phan. Nguyễn Tường Tam
(nhà văn Nhất Linh) và Lê Ang Phan sau bỏ không học tiếp.
Năm
1930, sau khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, ông được bổ nhiệm
dạy vẽ tại trường Quốc Học Huế. Ông đã sống và làm việc gần 10 năm ở Huế trước
khi qua Paris vào năm 1937.
Cùng
với một số họa sĩ khác cùng thời, ông đã tham dự các cuộc triển lãm quốc tế như
ở Ý (1932, 1934), Bỉ (1936) và ở Mỹ - tại San Francisco (1937).
Ông
đã gặp Fernand Léger và Picasso cùng nhiều họa sĩ một thời quần tụ ở khu
Montparnasse nổi tiếng.
Mai
Trung Thứ là một họa sĩ lớn của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ngoài vẽ tranh ông
còn chơi sành các nhạc cụ cổ điển như đàn bầu, sáo… còn là một nhà quay phim.
Ông có người con gái duy nhất là Mai Lan Phương, bác sĩ thú y, hiện sống cùng
gia đình tại Pháp.
Năm
1980, sau khi kết thúc cuộc triển lãm lớn cuối cùng ở Paris, mùa hè năm ấy ông
qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 75 tuổi.
Tranh MAI THỨ
-Mẹ dạy thêu thùa
(tranh được UNICEF in để bán giúp
cho quỹ
của Hội trẻ em trên thế giới)
-Chị em
-Thiếu nữ
-Áo mới ngày tết
- Đi lễ chùa
- Thiếu nữ Huế 1934
- Lễ bái
- Trẻ em và trò chơi