nguyễn xuân thiệp
ĐI THEO
QUẢ BÓNG MÀU
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Quả
thật thích thú khi được là một trong những người đầu tiên đọc tập tản văn Bóng Bay Gió Ơi của nhà thơ Nguyễn Thị
Khánh Minh.
Hơn thế nữa, với tôi, đó là một niềm vui được nhân
lên. Bởi tản văn NTKM là sự kết hợp tuyệt vời của cảm xúc và trí tuệ. Nó khởi
đi từ thơ, nhiều trang nhiều khúc là thơ đích thực, Ngoài ra bên cạnh đó, ở nhiều
bài viết, mình còn gặp những chứng liệu, trích dẫn đặc sắc, những suy tưởng chiều sâu -tất cả làm cho trang văn
súc tích, giàu ý nghĩa nhân sinh.
Nay ngồi viết những dòng này tôi chỉ xin được nương
theo quả bóng màu của NTKM, dõi theo bước chân người.
Ôi, tôi như thấy được quả bóng vầng
trăng theo cảm xúc mà đi, lần theo
mộng ảo mà về. Đi, đi qua miền của tuổi thơ, về nơi làng nội con đường
xe lửa với những bụi trâm trâm, với giếng nước đêm trăng, với những món cá bà nội
kho, biết bao yêu thương biết bao cảm xúc. “Đi với về cũng một nghĩa như nhau”,
câu thơ Du Tử Lê ở đây quá đúng. Ờ thì về trong mùi hương nồng của mưa rơi trên
sân gạch ngày xưa, về để nghe tiếng xe lửa xập xình, về để cảm thấy mùi biển mặn,
và nắng và gió của miền cổ tích, và tiếng nói của mẹ cha ngày xa, xa. Còn đi?
Đi trên chuyến tàu về lại tuổi thơ ư? Cũng là đi. Như đi Đà Lạt, đi Nha Trang,
đi Long Hải trong một lần về thăm nhà…. Với NTKM cái cõi đi về ấy nằm cả trong
những giấc mơ. Không phải ngẫu nhiên mà ‘giấc mơ’ được nói tới nhiều lần trong
văn Khánh Minh. Hẳn phải có một gởi gắm gì sâu xa lắm. Phải chăng chính ở đây nữ
sĩ tìm thấy hạnh phúc đích thực của mình. Ở đây không có những trắc trở, những
giới hạn, chia lìa. Ở đây ta có thể bay lên bằng đôi cánh của Chagall.
Đi
hay về, hay bất cứ ở đâu, ta cũng thấy cảm quan của nữ sĩ là cực kỳ bén nhạy. Ở
trên ta đã thấy tác giả cảm nhận được mùi hoa, cỏ dại, mùi của đất, bùn, phân
bò và rơm rạ, mùi nắng trên sân gạch hồng, mùi biển mặn trên da. Rồi màu nắng,
hương mưa, những chiếc lá trên cây, những chiếc lá bàng trên sân nhà… Phải nói
rằng mỗi cảnh sắc, đều hiện ra rất sinh động và gợi cảm dưới ngòi bút như những
nét cọ màu của NTKM.
Về.
với những mùa nắng Nha Trang. Thật là
cảm động. Đây, ấu thời với cha mẹ, anh em, bạn bè. Đây, cái bóng của cô bé với
những trò chơi bên thềm nhà xưa. Mời bạn cùng đọc với tôi để nghe lòng xao xuyến,
cảm thương. Tôi đâu biết rằng, mỗi bước
nhảy cò cò của tôi là từng bước một ánh nắng buổi mai đi về sau lưng, mỗi mảnh
ngói nhỏ ném xuống đánh dấu ô “cái nhà” của mình chỉ là một không gian hư ảo,
tan đi khi những đường phấn kẻ ô chơi bị xóa vội vàng dưới cơn mưa …Tôi cũng
không hay mỗi trái banh thảy lên từng thẻ đũa bị tóm, tờ tợ như từng mảnh thời
gian bị lấy đi, để khi tàn một ván chơi thẻ thì thời gian không còn dấu gì trên
vuông gạch…
Biết bao kỷ niệm của tuổi thơ và cả thời mới lớn đã
trở về. Ta gặp cô bé có mái tóc bum bê với áo đầm trắng chơi đùa cùng anh em
trong nhà và bạn bè. Chớp mắt, ta gặp cô thiếu nữ của trăng tròn với những xúc
động thời mới lớn. Hãy nghe cô bày tỏ với Thu bạn cô: Thu ơi, mi có nhớ không, con đường Phước Hải mòn bao guốc, phai bao nắng
những chiếc áo dài trắng đầu đời, có trưa ngồi lục cơm nguội ăn với sườn ram
trong căn bếp nhỏ ở nhà mi, có chiều cùng nhau xách giỏ đi chợ sau ngôi chùa Kiều
Đàm, mi bày cách lựa cá nục tươi, lại những buổi tối ngồi học bài cứ canh nhìn
qua cửa sổ nhà nhau để xem đứa nào tắt đèn trước, thế là thức học đến khuya…
này, Thu, nhớ cả đôi mắt buồn mơ màng của mi khi hát bésame, bésame mucho…
Trong Những
mùa nắng Nha Trang chưa có bóng tình yêu. Có chăng là chút mơ mộng như cánh
hoa trước gió. Chỉ có những giọt lệ tiễn cha đi dạy học xa. Ta thấy lòng yêu
cha ở đây thật là său sắc, cảm động. Chẳng khác nào trong những cuốn phim hoạt
hình Father and Daughter hoặc Will. Ngoài ra là những cuộc vui hồn
nhiên, trong sáng dưới bóng cây, trên sân nhà cùng bạn bè một thuở.
Giờ đây, xin cho
tôi một bếp lửa. Tôi về… Về với ngôi nhà hạnh phúc của mình. Hạnh phúc. Tôi
thấy Khánh Minh đi tìm bóng hạnh phúc với một trái tim miệt mài quyết liệt Nó ở
đâu? Ở ngay trong lòng ta, nơi sở trú của mái ấm ngày nào, nơi cư ngụ của tình
thương yêu. Hạnh phúc được nhìn thấy trên bình hoa, trên những bức tranh, những
chiếc ghế quanh bàn ăn, âm thanh những đồ chơi của con trẻ và mùi bếp ấm mỗi
ngày. Hạnh phúc còn in trên vết sẹo ở mặt trẻ
thơ và bàn ghế trong nhà. Ôi, hạnh phúc tỏa sáng khắp nơi trong ngôi nhà
nhỏ bé ấy. Đây là cõi nostalgia mà ai
cũng muốn một lần được trở về.
Trở
về nơi thềm nhà mưa nắng ấy. Đây là tổ
ấm thứ hai, ở ngoài đất nước. Ngôi nhà mobil home nằm trong một khu yên tĩnh. Buổi
sáng nơi thềm nhà ấy, trí tưởng của tác giả được dịp bay bổng về những thềm nhà
ngày xưa, sống một lúc ba-lần-cảm-xúc-thời-gian,
phút giây này cõng phút giây xưa, lại như một cú đẩy, đi tới ngày mai, rồi mở
cánh cửa phiêu mơ... Trên ba tầng cảm xúc ấy, tác giả ngồi nhìn mưa nắng đi
qua thềm nhà, trò chuyện với hàng xóm, nghĩ ngợi gần xa, yêu mình yêu người nhiều
hơn. Hãy nghe nữ sĩ nói về cảm xúc của mình trước cái tin tận thế: Nhớ, đêm trước cái ngày dự đoán tận thế, tôi
viết e-mail cho vợ chồng con trai lớn ở Việt Nam, mẹ yêu các con lắm. Tôi nói
qua điện thoại là tôi nhớ mẹ, cả với anh em, bạn hiền của tôi nữa. Đó là đêm 20
tháng 5 của năm 2011 này. Trong ánh sáng vàng ấm của phòng bếp, tôi nói, bình
thường, dù trong lòng như chút gì muốn khóc, có lời tiên tri nói mai tận thế, mẹ
yêu mọi người lắm..., con trai út cười nhún vai nhìn tôi, nhướng con mắt sau cặp
kính cận, không biết là ngạc nhiên hay chế diễu, tôi lại nói, vậy tối nay chúng
ta làm gì với nhau?- Đi ăn lobster!- tiếng cô bé Kimmy vang lên trong trẻo theo
cánh tay giơ lên, những muốn tan mềm theo niềm vui hồn nhiên ấy, à ra thế, mai
tận thế thì tối nay phải cùng nhau đi ăn lobster, trời ạ, đơn giản thế mà nghe
từng giọt hạnh phúc rơi, rơi vào lòng, tôi vội vàng cất ngay cái nồi cơm vừa
đong vào đó 2 cups gạo, và, lobster hả, OK đi. Cậu con trai lại nhún vai, rồi gọi
điện thoại cho bố. Cả nhà ăn uống ngon lành, tôi thì nghe cái ngon nhân lên,
ngoài vì cái lần đầu ăn món này kể từ khi đến Mỹ, còn có cái ngon vàng bạc nữa
là, nếu ngày mai có ra đi thì tôi sẽ được mang theo hình ảnh đầm ấm đoàn tụ
này.”
Thật
là cảm động. Cầu mong cái hạnh phúc ấy còn mãi với mưa nắng thềm nhà -cùng với
hương cà phê buổi sáng. Hạnh phúc đến và hạnh phúc có mặt cả trong những câu
nói buổi sáng mai con đi học mấy giờ về,
con ăn thêm trứng không, bố à có cháo đấy, hôm nay có cá bống kho tiêu, hôm nay
mẹ có đi làm không,… Và ngày trôi qua êm ả …
Đọc
văn NTKM ta cảm nhận được sự trôi chảy của thời gian.Thời gian trong một bóng
mây qua, một mùi hương, một cơn gió, chút nắng cuối mùa trên những chiếc lá
khô. Tỉ như nhìn vào đáy đĩa và thấy được mùa
đi nhịp hải hà. Vậy đó, xuân hạ rồi thu đông. Bốn mùa qua đi rồi trở lại
trong cảm xúc bồng bềnh. Có thể nói tâm hồn của NTKM là một cây đàn sẵn sàng
ngân lên theo nhịp thời gian.
Như
trên có nói, NTKM miệt mài đi tìm hạnh phúc với một trái tim mẫn cảm. Và nữ sĩ
đã tìm thấy nó ở nhịp đi của thời tiết, cả trong những hình ảnh bình thường
của đời sống. Đặc biệt tấm lòng của nữ sĩ tràn đầy cảm xúc gởi vào bóng hình của
người cha người mẹ, đặc biệt là lòng yêu kính cha, ông như một loài cây cô độc trong cõi đời và trong tâm tưởng
người con gái. Yêu cha mẹ và yêu thương những người anh những người em, tấm
lòng yêu thương đó khiến người đọc xúc động. Tôi đã gần như không ngăn được nước
mắt khi đọc tới cảnh gia biến trong văn Khánh Minh. Mẹ tôi nói như thầm, Khánh ạ, mẹ con mình phải chết thôi. Nhà mình còn
hai bình gas. Tôi giật thót mình, nhưng má ơi, hai bình có đủ chết không hay là
chỉ làm mình ngắc ngoải thì có nước chết với họ -Mình sẽ vào bếp đóng kín cửa lại
con ạ. Mẹ bỗng quay sang em gái tôi, 17 tuổi, giọng bà nhỏ, quyết liệt, Chết
không con, Khanh -Chết! con bé gật phăng cái đầu dập dềnh mái tóc mây. Mẹ lại hỏi
cậu em 16 tuổi, giọng có vẻ như bà đã quyết định, Chết nhé Khiết -Dạ, Chết! Thằng
bé nói với vẻ lì cố hữu của nó. Rồi tới cậu em út,11 tuổi, giọng mẹ nhẹ nhàng,
Chết không con, Khiêm? -Chết! Tôi rúng động hồn phách, nó nói chết nhanh như thể
mẹ hỏi ăn không con-Ăn! Mẹ không hỏi tôi, vì bà biết tôi sẽ là đứa nói không.
Tôi kéo mẹ nằm xuống chiếu, thì thầm, má không nghĩ là sẽ làm vậy, đúng không.
Mình phải sống má ạ, anh Khải còn mất tích chưa biết sao, còn Khương làm việc ở
xa nữa, mình có
những 6 người, còn lo cho 3 người vừa
bị bắt nữa, mình dư sức sống mà má…
Trên
có nói tấm lòng của NTKM trải rộng ra với mọi người. Ngoài
cha mẹ, anh em còn có chồng con. Tình thương bật lên thành tiếng kêu khi con vấp
ngã, hay khi nhìn thấy hai con thiếu thốn thời sau 75. Tình thương bật thành tiếng
kêu như cái chuông gió khi hai đứa cháu nội chào đời. Tấm lòng của Khánh Minh
còn trải rộng tới những người bạn của cha mẹ mình (Cây Cô Độc, Lần Theo Mộng Ảo
Mà Về…). Những Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Siêu, Giản Chi, Bàng Bá Lân, Trần Văn
Khê, Hồ Điệp, Tuệ Mai, Hỷ Khương v.v… Nhiều lắm, những bức phác họa về họ còn
in trong Lầu Thơ Minh Minh khi ta theo tác giả tìm về. Ngoài ra còn cõi bạn bè.
Bạn thời đi học, ta gặp họ ở nhiều bài viết, đặc biệt trong Những Mùa Nắng Nha Trang và Những Bức Tranh. Những Tỷ, Liêm, Liên, Huệ,
Đồng Hương… ngày nào vẫn còn rực sáng trên những trang văn và trong đời sống. Bạn
văn chương nghệ thuật, cũng chiếm chỗ đứng trang trọng trên những trang văn. Ở
đây ta gặp Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, Trương Thìn, Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh, Trụ
Vũ, Hồ Đắc Thiếu Anh, Du Tử Lê, Lữ Quỳnh, Đinh Cường, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn
Lương Vỵ, Trịnh Y Thư, Lê Gaing Trần v.v… Nhiều lắm. Tình bạn trong văn NTKM
như ánh nắng tràn đầy qua từng trang, từng trang…
Tấm
lòng của nhà thơ NTKM còn trải rộng ra tới những phận đời khác.
Trước
hết là với Lễ Nghi Học Sĩ Nguyện Thị Lộ. Bằng văn phong trang trọng và với những
chứng liệu hiếm quý, NTKM đã bày tỏ sự trân trọng và lòng tưởng tiếc phẩm hạnh
và tài năng của người học sĩ của vùng đất Khuyến Lương. Giọng văn của tác giả
có khi phẫn nộ và đau đớn. NTKM đòi phải xóa bản án NTL, phục hồi danh dự cho
bà cũng như đòi tìm lại chiếc trâm được xem như di vật quý báu của NTL. Tác giả
cũng trải lòng mình ra với những vần thơ chính khí của người xưa và ta nghe dậy
lên trong văn tiếng sóng Bạch Đằng bát ngát bi hùng và trận gió trầm thống Lý
Đông A. Với những người trẻ tuổi đương thời, những sinh viên Hồng Kông và cả Việt
Nam, NTKM cũng gởi tới họ lời chia sẻ và hy vọng.
Tấm
lòng của NTKM còn hướng về những trẻ em vô tội và các giáo viên đã gục ngã
trong cuộc nổ súng ở trường Sandy Hook thuộc thành phố New Town của tiểu bang
Connecticut trong ngày 14 tháng 12 năm 2012. NTKM đã nhỏ lệ trên những trang
văn của mình. Xin hãy đọc Nụ Cười Những
Đóa Hướng Dương để cảm thông điều đó. Ở đây chúng ta gặp cậu bé Mason
Williams bị bệnh tim, giai đoạn chót chỉ mơ ước được nhìn thấy tuyết một lần
trong đời. Ở đây, gặp Anh Thư 12 tuổi bị ung thư chuẩn bị ra đi “tới một nơi em
cũng sẽ đi học với bạn bè trong buổi sáng đầy tiếng chim…” Những Lê Quang Hiếu,
Lê Thanh Thúy và Xa Diễm đều là những số phận đáng thương nhưng tấm lòng của
các em đầy nhân ái. NTKM đã viết thật cảm
động như sau: “Những trái tim thiên thần toả ra ánh sáng giống nhau, cái lấp
lánh thánh thiện. Xa Diễm Anh Thư Thanh Thúy... những đoá hướng dương toả ánh mặt
trời. Làm ấm cõi nhân gian này.”
Như
vậy đó. Mỗi trang văn của NTKM đều chứa những cảm xúc sâu sắc tuyệt vời. Chúng
ta đã đi từ nhịp thở mong manh của mùa, của nắng và mưa, của hồn nhiên tuổi thơ
và bước chuyển rộn ràng khi tà áo bay của thời thiếu nữ. Và rồi những xúc động
buồn thương khi vào đời. Những sắc màu có khi rực rỡ nâu vàng có khi xám xanh
rêu. Và ở đây ta gặp những bức tranh trong một phòng triển lãm lớn, cả những bức
phù điêu dọc theo nẻo đường của kiếp nhân sinh. Tôi hình dung ra như vậy và hết
sức hân thưởng khi đọc văn NTKM. Này nhé, những bức phù điêu trên gỗ và đá có
cây cô độc và những mặt người thiên thu, có chiếc cũi chở Nguyễn Thị Lộ với mái
tóc trâm cài ra pháp trường và bước chân trên đá núi của Lý Đông A, có khuôn mặt
của Lê Thị Thúy bên cạnh những đóa hương dương rực rỡ, có vùng tưởng niệm các
em bé chết trong vụ nổ súng ở trường Sandy Hook cách đây hai năm với những đôi
cánh thiên thần và những chú gấu bông, búp bê barnie… Và rồi với “Những bức
tranh”, ta như bước vào một phòng triển lãm lớn, rực rỡ và thân tình với từng
khuôn mặt bạn bè, bạn văn của một thời..
Ôi,
những trang văn của NTKM đã cho tôi nhiều lắm. Có thể nói tôi chưa từng thấy ai
viết như NTKM, một lối viết trong đó có những cảm xúc tinh tế với những hình ảnh
của cuộc sống và thơ họa, những trang triết lý luận lý mà vẫn đẫm chất thơ. Từ
cách sử dụng ngôn ngữ tới nhịp điệu câu văn, cảm xúc ngưng đọng trên từng trang
viết đầy bóng nắng hình mưa mùi hương và ánh sáng, văn xuôi của NTKM đã tạo được
một dấu ấn trong lòng người đọc. Đi từ tình cảm gia đình, bạn bè, đất nước quê
hương, đi vào lịch sử với những vùng sáng tối của sử thi, đi tới đại dương nhân
loại với nụ cười và nước mắt.
Xin cho tôi được tặng những trang văn Bóng Bay Gió Ơi một đóa.hướng dương, bởi vì “… đoá hướng dương, toát vẻ rực rỡ của mạnh mẽ, tự tin khiến người ta
nghĩ rằng tất cả đều có thể, kể cả giấc mơ…”
Nguyễn Xuân Thiệp
Tháng 10. 2014