Friday, December 19, 2014

1333. MANG VIÊN LONG Hồi ký NHƯ ÁNG MÂY TRÔI







9.
Ở CHÙA


Vào gần cuối đông năm 1993, tôi lại ra đi, vào Tuy Hòa, nhưng lần nầy tôi quyết định không lang bạt nơi xa, mà tìm đến chùa Phi Lai để thăm Thầy Thích Thiện Đạo vì đã sau gần hai mươi năm tôi chưa được gặp lại Thầy. Trước khi vào Tuy Hòa, tôi ghé thăm nhà anh Huỳnh Trung Khuê ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước – người đồng nghiệp thàng hậu, có tâm đạo, cũng là bạn thân của anh Trần Huiền Ân, vì đã nhiều lần hẹn mà chưa “đủ duyên” ghé thăm.
               
Anh Khuê đã nghỉ dạy, trồng hoa Sói, hoa Ngâu trong mảnh vườn rộng, chế biến trà gói, mang bỏ sỉ hoa và trà cho các hàng quán ở chợ Tuy Phước và Bình Định. Anh tiếp tôi với những ấm trà thơm ngát mùi hoa Sói, với chai rượu thuốc để dành, và bữa cơm chiều tương rau cùng vợ chồng anh, rất chân tình. Buổi sáng, trước khi rời gia đình anh để tiếp tục vào Tuy Hòa, vợ anh đã “đãi” tôi một bữa bánh xèo tôm thịt, rất hấp dẫn! Chị còn “bỏ túi” tôi hai chục ngàn đồng làm lộ phí nữa, tuy gia đình anh đang rất khó khăn vì con cháu… (lúc ấy tiền xe đò vào Tuy Hòa chỉ tốn gần 10 ngàn thôi,  tôi chỉ còn có đủ vỏn vẹn bấy nhiêu). Tôi do dự không muốn làm phiền thêm gia đình anh, nhưng trước tấm lòng chân thật, tôi không dám dứt khóat khước từ. Tôi cảm thấy mình đang “mắc nợ” gia đình anh nhiều lắm – nhất là tấm chân tình mà cả hai vợ chồng anh đã dành cho tôi như một người thân ruột thịt.
               
Tôi ghé vào Tuy Hòa sau cơn bão và lụt lớn từ nhiều chục năm chỉ vài ngày. Dường như cơn bão lụt lớn vừa qua đã “thổi bay” tôi đến Tuy Hòa? Mà thật vậy, những chuyến ra đi của tôi đều rất bất chợt, như cơn bão. Không kể ban ngày, hay ban đêm. Có những lần ra đi mà trong túi không có một đồng bạc, chỉ với một bộ đồ trong người, trong giấc ngủ bị đánh thức nửa đêm… Tôi đã trải qua những chuyến ra đi như vậy – trong suốt hơn mười năm!
               
Thị xã còn ướt sũng, đường sá nhiều nơi lởm chởm, trũng nước. Sự giá buốt và lạc lõng sau cơn bão lụt còn hiện rõ trên các nẻo phố chợ và trên những gương mặt lạnh lẽo, nhẫn nại. Tôi đến thăm gia đình anh Trần Huiền Ân trước tiên như mọi lần bất chợt vào Tuy Hòa. Nhìn thấy tôi bước vào hiên nhà, chị hỏi: “Sao vậy, chú Long?” Tôi chỉ cười. Vợ chồng anh rất thương và lo lắng cho hoàn cảnh bất hạnh của tôi. Cả hai đều sẵn lòng giúp đỡ, khi tôi có yêu cầu. Có hôm tôi vào đến Tuy Hòa trễ, đã quá trưa  nhưng chị vẫn vui vẻ mời tôi dùng cơm. Bữa cơm hôm ấy chỉ có dĩa rau muống luộc, một con cá nục kho, và tô nước canh rau nhưng là bữa cơm ngon nhất mà tôi mãi nhớ.
                 
Vợ chồng anh đều là giáo viên, nghèo, nhưng tấm lòng với bạn bè, bạn văn thì rất rộng! Tôi đề nghị: “Sáng nay anh em mình lên Hòa Thịnh, đến chùa Phi Lai thăm Thầy Thiện Đạo, được không anh?” Anh vui vẻ: “Lâu nay tôi cũng ít có dịp gặp Thầy, chú muốn đi thì anh em mình đi!”


Mang Viên Long  -  Trần Huiền Ân
Tuy Hòa - 1998