Thursday, April 28, 2016

2281. Chuyện tình của Thuần


Trong ảnh: Thuần - Photo by PCH  
Virginia, August 5, 2011


Thuần là nhân vật có thật trong truyện MƠ CÙNG TÔI GIẤC MƠ ĐÀ LẠT, hiện đang sống ở New Orleans – tiểu bang Louisiana. Bài viết mà chúng tôi giới thiệu dưới đây do chính Thuần viết vào tháng 2.2014, kể lại chuyện tình của mình – một chuyện tình lãng mạn, đẹp và chung thủy. PCH



Chồng tôi bỏ tôi ở lại để đi vượt biên sau khi lấy nhau đúng một năm.. Tôi không hề nghĩ là anh ấy sẽ ra đi mà không nói với tôi một lời. Khi chị An, chị thứ năm của chồng tôi nói, "Cậu Thịnh đi rồi, mợ biết không?" tôi tưởng là mặt đất vừa sụp lở dưới chân mình. Tối hôm đó, nằm trên giường mà không ngủ được, nhìn lên bức tường trống trải, cái áo của nhà tôi còn đó, nước mắt tôi ứa ra; những khổ đau và hạnh phúc mà tôi đã đọc được trong tiểu thuyết, tôi tưởng  đó chỉ là những tình cảm không hề có thật, chỉ là những gia vị mà mấy ông nhà văn đã thêm thắt vào câu chuyện, nhưng bây giờ tôi biết rằng nó có thật, và rất thật trong tôi.

Anh là người bạn trai đầu tiên của tôi khi tôi mới 15 tuổi. Bây giờ anh vẫn chọc tôi :" Em tuy mới mười lăm mà đã lắm người thăm..." Lúc đó anh đang theo học khoá 2 trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Thực ra, bảo là yêu nhau nhưng bấy giờ tôi cũng chẳng biết gì. Sau khi anh ra trường, chúng tôi có liên lạc thư từ trong một thời gian rồi lãng đi như tất cả những mối tình học trò khác.

Sau 1975, gia đình tôi về Sài Gòn. Ở Sài Gòn đôi khi tôi có nhớ tới anh, nhưng tôi không hề có ý định tìm gặp anh. Anh đã là dĩ vãng. Tôi tiếp tục đi học và tốt nghiệp Cử nhân Sinh Hóa. Tôi đi làm việc ở Phan Thiết. Trong một chuyến đi công tác, tôi gặp lại anh trong một trại cải tạo. Lúc đó anh đã được về và làm việc với một nhà thầu đang xây cất một nhà kho lương thực cho trại này. Gặp lại anh, tôi nhận ra ngay cho dù anh không còn là một "chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, xếp bút nghiên theo việc đao cung" nữa, mà là một người trung niên gầy gò bước đi phải nhờ vào cây gậy chống, kết quả của lao động nặng, bệnh sốt rét và suy dinh dưỡng sau nhiều năm cải tạo. Anh cũng đã nhận ra tôi. Tối hôm đó, tôi trằn trọc không sao ngủ đưọc. Tôi suy nghĩ rất nhiều về mọi chuyện, nhưng tôi quyết định sẽ lấy anh mà không bận tâm về quãng đời quá khứ cũng như thân phận hiện tại của anh.

Khi mẹ tôi biết ý định của tôi, mẹ tôi phản đối. Bây giờ, tôi hiểu được rằng chẳng có một bà mẹ nào vui vẻ chấp nhận khi đứa con gái cưng của mình từ chối nhiều cuộc theo đuổi khác để lấy một người mà mẹ tôi cho là "không có gì...". Tôi bỏ làm ở Phan Thiết về Saigon. Sau hơn 2 năm với thật nhiều nước mắt của tôi, mẹ tôi nhượng bộ và cho chúng tôi làm đám cưới.

Một năm trời sống với nhau, cho dù có vất vả lo toan, chúng tôi rất hạnh phúc. Anh ra đi bỏ tôi lại một mình, tôi hụt hẫng biết chừng nào. Trong suốt hai tháng trời tôi không nhận được tin tức gì của anh và của các chú. Cho đến một ngày, mẹ chồng tôi đến chợ nhỏ ở Hàng Xanh nơi tôi bán vải, cho biết cụ đã nhận được tin anh và mọi người đã đến trại tỵ nạn Galang, Indonesia bình an. Đưa mẹ chồng tôi ra xích lô về lại Hoà Hưng, tôi dọn hàng về nhà mẹ tôi, tôi đã về ở với mẹ lại từ ngày anh đi. Trên đường đạp xe về nhà, nuớc mắt tôi không ngừng rơi. Thôi thế là hết. Tôi không biết tôi đã mong muốn điều gì. Tôi mong cho anh đi thoát hay tôi mong cho anh bị kẹt lại đâu đó? Bây giờ thì tôi biết, cuộc hẹn hò gặp nhau lại ở Mỹ không đơn giản và dễ dàng như hẹn gặp nhau lại ở chợ Bến Thành.

Cả tháng sau khi biết anh đi thoát, tôi mới nhận được thư của anh. Buổi trưa hôm đó, ở chợ về nhà, Quang mở cửa cho tôi và nói, " Có thư của chú Thịnh". Quang là con của chị Thành, chị kế tôi, nhưng các cháu ít khi gọi tôi là dì mà thường gọi là cô. Tôi cầm lá thư, bước lên lầu. Đọc thư anh, tôi khóc từ chữ đầu tiên đến chữ cuối cùng, sau đó tôi tha thứ cho anh. Trong thư anh giải thích tại sao ra đi không từ biệt tôi. Anh biết chắc chắn là tôi sẽ khóc, anh sợ nước mắt tôi sẽ làm mềm lòng khiến anh ở lại. Nếu anh ở lại thì làm sao mà có cơ hội ra đi nữa. Cho đến bây giờ không còn lá thư đó trong tay, tôi vẫn nhớ y nguyên lời anh viết " Anh có thể làm nhiều điều khiến cho người ta ghét, nhưng anh không thể làm điều gì khiến cho người ta khinh. Nợ tiền bạc anh có thể trả nhưng nợ ân tình thì khó cho anh sòng phẳng, mong em đừng lo ngại anh sẽ làm điều gì có lỗi với em".

Thế là tôi bắt đầu cuộc ra đi "tìm chồng tôi" rất sớm, từ khi anh hãy còn ở trại tị nạn Galang. Vài tháng sau đó, anh Hưng, chồng chị An và chú Bảo, em anh Hưng tổ chức một chuyến đi từ Rạch Giá. Tôi gom góp vốn liếng mà tôi dành dụm được hơn một năm buôn bán ở chợ để tham gia chuyến đi. Chuyến đi không thành, tôi bị bắt và tù 3 tháng ở Rạch Giá. Sau đó tôi không thể nhớ là mình đã đi bao lần nhưng tôi đã ở tù thêm hai lần nữa: một lần, một năm ở Cần Thơ, lần khác là 1 tháng ở Kampuchea. Cuối cùng thì tôi cũng đến được Mỹ.

Đến Mỹ với một vài bộ quần áo và một ít tiền mà anh gởi qua Thái Lan cho tôi. Vốn liếng tiếng Anh chỉ là hai chữ " yes" hay "no" mà đôi khi còn dùng không đúng lúc. Bây giờ tôi đã có "tất cả những gì mà một người Mỹ bình thường ước mơ để có”. Đôi khi nhớ lại ngày xưa, tôi đã từng ao ước chỉ một túp lều tranh cũng được, để tôi và anh có một tổ ấm riêng tư. Bây giờ, nhìn lại cơ ngơi của mình , tôi còn ao ước gì hơn.



Tấm hình này tôi gởi tặng anh sau khi anh ra trường, vào Thiết giáp và đóng quân ở vùng 4. Mười năm sau, khi gặp lại, anh vẫn còn giữ được nhưng lại đánh mất lúc vượt biên. Tôi có lại được tấm hình này là nhờ Hoa, một người bạn thân từ nhỏ, Hoa đi bảo lãnh và mang theo. Khi tôi tìm lại được Hoa sau hơn 30 năm thất lạc, Hoa tặng lại cho tôi. Cám ơn Hoa và anh Hoàng.

Thuần
February 2014